
Viện kiểm sát nhân dân thực hiện hai chức năng là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Viện kiểm sát nhân dân có vai trò rất lớn trong việc góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, bảo đảm để mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật.
Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý. Viện kiểm sát nhân dân không những là chủ thể thực hiện các hoạt động phối hợp về trợ giúp pháp lý, mà còn là cơ quan kiểm sát các hoạt động này của các cơ quan có liên quan đến việc trợ giúp pháp lý, nhằm bảo đảm cho bị can, bị cáo và những đương sự khác thuộc diện được trợ giúp pháp lý thực hiện tốt quyền được trợ giúp pháp lý của mình.
Để tìm hiểu về vị trí, vai trò của Ngành Kiểm sát trong việc phối hợp trợ giúp pháp lý, tìm hiểu về thực trạng phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của Ngành Kiểm sát từ năm 2008 đến năm 2012, kính mới quý bạn đọc đón đọc bài viết: "Công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của Ngành Kiểm sát" của tác giả Vũ Mộc đăng tải trên số chuyên đề tháng 6/2014 về “Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Thủy Tiên