Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện công tác này vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phản ánh một số kết quả đã đạt được, đồng thời nêu lên một số tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước như: Hiến pháp năm 2013; Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bố máy của tổ chức pháp chế; Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Thông tư số 14/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định chi tiết, cụ thể về nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật; Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Ngoài ra, công tác theo dõi thi hành pháp luật còn được quy định trong các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, các văn bản về cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính, về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Tại tỉnh Ninh Bình, hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh đều ban hành quyết định, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong toàn tỉnh. Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm, thực hiện thường xuyên. Nhiều lớp tập huấn ký năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các sở, ngành, địa phương được Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tổ chức. Bên cạnh đó, các sở, ngành còn chủ động cử cán bộ, công chức làm công tác này tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:
Một là, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã được triển khai 03 năm, nhưng đối với các cấp, các ngành việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật là công việc khá mới, cho rằng hoạt động theo dõi thi hành pháp luật là nhiệm vụ của riêng Sở Tư pháp, nên chưa có nhiều sự quan tâm đầu tư, phối hợp thực hiện. Hiện nay, tại 14 sở trong tỉnh chỉ có 04/14 sở thành lập phòng pháp chế, tại các sở còn lại đã bố trí cán bộ phụ trách. Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ pháp chế kiêm nhiệm thuộc thanh tra, hoặc văn phòng cơ quan. Ở cấp huyện, không có cán bộ chuyên trách về theo dõi thi hành pháp luật mà chỉ do công chức làm việc tại Phòng Tư pháp kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, một số cán bộ làm công tác pháp chế chưa đạt chuẩn theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (yêu cầu phải có trình độ cử nhân luật trở lên), việc thực hiện công tác pháp chế chủ yếu dựa trên cơ sở kinh nghiệm công tác lâu năm.
Hai là, kinh phí cho công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được cấp nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ được cấp chung vào kinh phí cho hoạt động tư pháp, pháp chế nói chung hàng năm.
Ba là, hoạt động tập huấn nghiệp vụ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên nội dung và phương pháp tập huấn cần tiếp tục được nghiên cứu đổi mới, bám sát hơn với yêu cầu thực tiễn. Các hình thức theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở một số cơ quan, địa phương còn đơn điệu, chủ yếu căn cứ trên báo cáo của các cơ quan, đơn vị gửi về, trong khi nhiều báo cáo của các sở, ngành và một số huyện còn sơ sài, chưa bảo đảm về chất lượng, thời gian; thêm vào đó việc tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật chưa thường xuyên….
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tác giả xin có một số kiến nghị, đề xuất sau:
Thứ nhất, cần tuyên truyền và nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng, trách nhiệm của công tác theo dõi thi hành pháp luật của các cấp, các ngành và của cán bộ, công chức về tầm quan trọng của công tác dõi thi hành pháp luật
Mặc dù trong thời gian qua công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện, nhưng bên cạnh một số đơn vị đã xác định được tầm quan trọng, trách nhiệm đối với công tác dõi thi hành pháp luật, thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm hoặc chưa quan tâm đúng mức trong triển khai thực hiện công tác dõi thi hành pháp luật. Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó chưa thấy hết được tầm quan trọng của công tác dõi thi hành pháp luật trong quản lý nhà nước và trách nhiệm của ngành mình, cấp mình đối với công tác dõi thi hành pháp luật.
Thứ hai, cần xây dựng và hoàn thiện quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức theo dõi thi hành pháp luật
Theo dõi thi hành pháp luật có phạm vi rộng, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, do vậy, để đạt được hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các sở, ngành địa phương trong tỉnh. Sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan này với nhau trong triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được coi là một trong những cơ chế hữu hiệu, thể hiện trách nhiệm của từng cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật sẽ tập trung trí tuệ của cá nhân, tập thể, đồng thời việc đánh giá tình hình thi hành pháp luật đảm bảo toàn diện, khách quan, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị… Tuy nhiên, việc phối hợp cũng cần đảm bảo tính độc lập của các cơ quan, đơn vị để xác định trách nhiệm khi cần thiết.
Thứ ba, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật
Tuyển dụng, đào tạo cán bộ có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, nâng cao chất lượng, nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Một trong những hình thức cần khẩn trương thực hiện trong năm 2016 là biên soạn cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật cấp phát cho đội ngũ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc hoàn thiện chế độ tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và thực hiện thống nhất cơ chế tạo nguồn, hoàn thiện chế độ công chức dự bị nhằm tuyển chọn được nhiều người giỏi, bổ sung cho cán bộ công chức nói chung và cán bộ, công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật nói riêng. Đổi mới phương thức tuyển dụng, thi tuyển công chức như trong cách thức ra đề thi, hình thức thi...
Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho công tác theo dõi thi hành pháp luật
Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, mà trước hết là lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp. Xây dựng dữ liệu thông tin về tình hình thi hành pháp luật. Việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về tình hình thi hành pháp luật, triển khai xây dựng một số phần mềm dùng chung từ cấp tỉnh đến cấp xã như: Hệ thống thư tín điện tử; Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành; hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội; phòng họp trực tuyến… Hoạt động này giúp đẩy mạnh quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành của tỉnh trong hoạt động theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình thi hành pháp luật.
Kiện toàn hệ thống cán bộ và bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các các cấp. Có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin và cán bộ chuyên môn tham gia vào hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được đào tạo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc. Quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền lợi, yêu cầu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc…
Quan tâm thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh như: Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Bình…, để phổ cập kiến thức pháp luật cho mọi tầng lớp xã hội. Thực hiện thông tin đầy đủ và kịp thời về quá trình hoạt động theo dõi thi hành pháp luật và kết qủa thi hành pháp luật. Từ đó, thu hút và tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể tham gia đóng góp ý kiến cho hoạt động xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.
Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình