1. Tình hình tội phạm hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang
Tiền Giang là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt và đa dạng, có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ, nối liền TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long qua tuyến đường thủy sông Tiền và kênh Chợ Gạo. Toàn tỉnh hiện có 173 tuyến sông, kênh, gồm 1.190,21 km và 32 km bờ biển, đặc biệt, tuyến sông Tiền với vị trí quan trọng trải dài qua địa phận các tỉnh Tiền Giang – Vĩnh Long – Đồng Tháp – Bến Tre, vừa là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch của các tỉnh miền Tây, vừa là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng cho tàu biển vào các cảng của Việt Nam và Campuchia. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 366 bến thủy nội địa đang hoạt động (trong đó có 132 bến khách và 234 bến hàng hóa); có 65.113 phương tiện và trên 905 đò du lịch[1]…
Với vị trí địa lý và những điều kiện tự nhiên thuận lợi như trên, trong những năm qua, tình hình trật tự xã hội (TTXH) trên đường thủy nhìn chung đảm bảo ổn định, an toàn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và hoạt động đi lại của người dân. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang có lúc, có nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ…(trong vòng 5 năm, từ năm 2015 -2019, trên địa bàn đường thủy xảy ra 15 vụ trộm cắp tài sản, 07 vụ tổ chức đánh bạc, 21 vụ vận chuyển trái phép hàng cấm (địa sâm), bắt giữ 32 vụ vận chuyển thuốc lá lậu, phát hiện bắt giữ 91 vụ khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép, phối hợp với công an địa phương và lực lượng biên phòng cửa khẩu phát hiện 502 trường hợp không thông báo lưu trú[2]…). Đối tượng thường hoạt động trên các tuyến đường thủy huyết mạch, các địa bàn đường thủy giáp ranh, những nơi công cộng như cảng, bến bãi, nơi có nhiều phương tiện thủy neo đậu và nơi tập trung nhiều tài sản mà tội phạm nhằm vào để chiếm đoạt. Đối tượng thường giả dạng những người làm nghề đánh bắt thủy sản như đặt lờ, đặt lợp, giăng câu, lưới cá, cào hến… để hoạt động phạm tội, chúng thường sử dụng phương tiện nhỏ, gắn máy có công suất lớn để dễ dàng tẩu thoát khi bị phát hiện, trong khi ý thức cảnh giác, phòng ngừa, lên án, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.
2. Kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” trong phòng, chống tội phạm trên các tuyến đường thủy
Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời hoạt động của các loại tội phạm, giữ gìn TTXH trên các tuyến đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang. Thực hiện Quyết định 521/QĐ-TTg ngày 13/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về về ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; Thông tư 67/2012/TT-BCA ngày 01/11/2012 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của công an các đơn vị, địa phương trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; Chỉ thị 12/CT-UBND của UBND tỉnh Tiền Giang về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” và vai trò của nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), hàng năm, cảnh sát đường thủy đã tham mưu cho Công an tỉnh Tiền Giang xây dựng kế hoạch phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, giữ gìn TTXH trên các tuyến đường thủy nội địa. Cụ thể:
- Lực lượng cảnh sát đường thủy thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, Đài truyền thanh cơ sở đưa tin, bài, ảnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy, lồng ghép, kết hợp với công tác phát động toàn dân bảo vệ ANTQ, gắn với tuyên truyền nội dung “5 không”, “3 phòng”[3]; tổ chức biên soạn đề cương và tờ rơi thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, qua đó góp phần nâng cao trình độ, ý thức pháp luật, sự hiểu biết về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến đường thủy nội địa, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, ý thức phòng, chống tội phạm của người dân.
- Kịp thời đưa tin gương “người tốt, việc tốt”, những gương điển hình tham gia công tác giữ gìn TTXH trên đường thủy, qua đó nhằm vận động nhân dân đề cao cảnh giác, cổ vũ, động viên quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT trên đường thủy. Trong 5 năm qua, lực lượng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 356 cuộc tuyên truyền tập trung có trên 105.690 lượt người dự là công nhân viên, học sinh, sinh viên, người tham gia giao thông, nhân dân sinh sống trên sông, ven sông; tổ chức tuyên truyền lưu động được 895 cuộc, với thời lượng 775 giờ trên các tuyến sông, kênh, bến khách ngang sông trọng điểm, phức tạp về tình hình ANTT. Biên soạn, in, cấp phát 635 băng đĩa, xây dựng 49 phóng sự và 83 chuyên mục, đưa 156 tin bài trên Báo Ấp Bắc tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên các tuyến đường thủy, gương “người tốt, việc tốt” trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Tiền Giang tổ chức 09 buổi chương trình tọa đàm trực tiếp về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và TTXH trên đường thủy; lắp đặt 08 hòm thư tại địa điểm đông dư cư để nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm… Đồng thời, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng tuyên truyền trực tiếp Luật Giao thông đường thủy nội địa và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho hợn 74.450 lượt thuyền trưởng, chủ phương tiện thủy[4].
- Ngoài các biện pháp như trên, nhằm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thực sự có hiệu quả, Cảnh sát đường thủy đã thường xuyên cũng cố, nâng chất lượng và xây dựng mới các mô hình điển hình tiên tiến như: Mô hình “Tiếng mõ an ninh” tại ấp Mỹ Thạnh (xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), mô hình “Lá chắn”, “Cổng rào an ninh và Đội dân phòng đường thủy”, “Tổ honda ôm phòng, chống tội phạm tại các bến khách ngang sông”, “Tổ an ninh xung kích”, “Tuyến sông an toàn”, “Khu dân cư an toàn”, “mô hình tuyến kênh Chợ Gạo an toàn về TTATGT-TTXH”, mô hình phát động phong trào thi đua xây dựng Cảng cá Vàm Láng “Văn hóa, An toàn về TTATGT - TTXH”…
Nhìn chung, thông qua công tác xây dựng phong trào, trong 5 năm qua lực lượng chức năng đã vận động nhân dân cung cấp trên 200 nguồn tin có giá trị phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm, giúp lực lượng công an phát hiện, bắt giữ 07 vụ, 32 đối tượng có liên quan đến ma túy, lực lượng cảnh sát đường thủy phát hiện, bắt giữ 12 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lâu không hóa đơn, chứng từ; 01 vụ mua bán, vận chuyển vật liệu nổ trái phép (02 đối tượng, 03 quả bom). Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của lực lượng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua cũng gặp những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau:
- Việc nhận thức của cán bộ, chiến sĩ đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ chưa đồng đều, kỹ năng công tác dân vận, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của nhiều bộ phận cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, dẫn đến việc thực hiện một số nội dung trong công tác xây dựng mô hình tự quản đạt hiệu quả chưa cao.
- Nguồn kinh phí phục vụ công tác xây dựng, duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình còn hạn chế nên các mô hình được lựa chọn xây dựng ở địa phương chưa nhiều, chưa thật sự phong phú, đa dạng, và tính hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm chưa được thường xuyên, chủ yếu tập trung ở các đợt cao điểm. Hình thức, nội dung, biện pháp phát động phong trào chưa thật sự phong phú, một bộ phận người dân còn chủ quan, thiếu cảnh giác phòng ngừa, tố giác tội phạm.
- Xuất phát từ đặc điểm của địa bàn đường thủy nội địa Tiền Giang, với nhiều kênh rạch chằng chịt, liên thông với nhiều tỉnh trong khu vực, nhiều địa phương, quần chúng nhân dân mưu sinh, đi lại thường xuyên lưu động qua nhiều địa bàn. Do vậy, việc tổ chức, tập hợp xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trên đường thủy luôn gặp nhiều khó khăn.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” trong phòng, chống tội phạm trên đường thủy địa bàn tỉnh Tiền Giang
Một là, thường xuyên đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Muốn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên tuyến đường thủy đạt kết quả cao, cần thiết phải gắn với các phong trào khác như: Phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xóa đói giảm nghèo, vận động mạnh thường quân hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khan; cuộc vận động “Xây dựng cơ quan an toàn”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ”, “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, nhất là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên cơ sở quán triệt Nghị quyết của Đảng về tam nông “nông nghiệp, nông thôn và nông dân” và Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới để khích lệ tính tự giác của quần chúng nhân dân.
Hai là, xây dựng lực lượng chuyên trách phong trào và lực lượng nòng cốt giữ gìn ANTT ở cơ sở trong sạch vững mạnh. Đây là lực lượng quan trọng cho phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tiếp tục củng cố và phát huy vai trò lực lượng nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội phục vụ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó, tập trung phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư đối với những người tái hòa nhập cộng đồng.
Ba là, xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Công an các tỉnh miền Tây Nam bộ, với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Gắn kết các hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng trong công tác xây dựng phong trào và giữ gìn ANTT. Đồng thời, tổ chức cam kết, giao ước thi đua xây dựng gia đình, địa bàn dân cư, xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học an toàn về ANTT. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa 3 lực lượng công an, quân đội, biên phòng về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng.
Bốn là, thực hiện tốt công tác quản lý lưu trú, quản lý phương tiện trên địa bàn. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích, đúng yêu cầu và tính hiệu quả, lồng ghép với hoạt động tuần tra kiểm soát, phòng ngừa tội phạm
Năm là, thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, rà soát, đánh giá toàn diện về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và mô hình tự quản trong phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh sát đường thủy, từ đó, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể Trung ương ban hành hướng dẫn danh mục các loại mô hình tự quản về phòng, chống tội phạm trên đường thủy và tiêu chí cụ thể đối với từng loại mô hình để địa phương vận dụng thực hiện, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện của từng loại mô hình.
Ngoài ra, để làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ trên đường thủy, thời gian tới lực lượng chức năng cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, đề xuất đổi mới các hình thức, nội dung, biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tần lớp nhân dân. Đồng thời, thường xuyên tập huấn chuyên đề về phương thức thủ đoạn, những vấn đề mới phát sinh trong công tác đảm bảo tình hình TTXH và biện pháp, kỹ năng công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho lực lượng cảnh sát đường thủy, lấy phòng ngừa xã hội làm nền tảng, chủ động tấn công tội phạm bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ bản nhằm kịp thời trấn áp, răn đe các loại tội phạm, góp phần đảm bảo tình hình TTXH trên các tuyến đường thủy./.
Khoa Cảnh sát đường thủy - Trường Đại học Cảnh sát nhân dân