Abstract: The Constitution of 2013 shows the development in awareness, thinking and constitutional technics of Vietnam. In comparison with previous constitutions, the Constitution has many new points in regulations on human rights, fundamental rights and obligations of citizens. This article reflects new regulations on human rights, fundamental rights and obligations of citizens in the Constitution and points out conditions, solutions ensuring effective implementation of these rights.
Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm đổi mới cả về cơ cấu và hình thức so với Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiếp pháp trước đó. Một trong những thay đổi lớn nhất và đáng chú ý nhất là những quy định về quyền con người, quyền công dân với 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Nội dung của các điều luật này đã quán xuyến được hầu hết các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận trong Luật Nhân quyền quốc tế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hình thức các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân:
Về tên chương, thay vì chỉ gọi là “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ “quyền con người” trong tên gọi của chương. Chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đưa lên và đặt trang trọng tại Chương II, ngay sau Chương I quy định về chế độ chính trị. Việc chuyển đổi vị trí của chương không thuần túy là kỹ thuật mà cho thấy, các nhà lập hiến đã nhận thức rõ về tầm quan trọng quyền con người, quyền công dân trong đời sống xã hội và trong thể chế Nhà nước pháp quyền. Xuất phát từ tư duy mới về Hiến pháp, kinh nghiệm lập hiến và tình hình thực tiễn Việt Nam, nội dung quyền con người, quyền công dân đã được đưa lên vị trí trang trọng trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung 05 quyền hoàn toàn mới và sửa đổi, bổ sung hơn 30 quyền còn lại.
- Các quyền hoàn toàn mới: Với Điều 19 (quyền sống), Điều 40 (quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó), Điều 41 (quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa), Điều 42 (quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp), Điều 43 (quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường), Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các quyền này đều nằm trong hai nhóm quyền cơ bản được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trong 05 quyền mới được hiến định lần này, có quy định về quyền sống. Đây là khẳng định rõ nét quan điểm của Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền sống của tất cả mọi người, trong đó có cả các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…
- Các quyền được sửa đổi, bổ sung: Hiến pháp năm 2013 cũng sửa đổi, bổ sung hơn 30 điều cụ thể. Đây cũng được coi là bước tiến mới trong việc hiến định các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời, cũng là sự phản ánh thành tựu gần 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, thể hiện trách nhiệm ngày càng cao của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những quy định về thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác (Điều 20), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình (Điều 21), quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34), quyền kết hôn, ly hôn (Điều 36)… Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên khẳng định mọi người không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (khoản 1 Điều 20).
- Các nghĩa vụ cơ bản của công dân: Hiến pháp năm 2013 giữ nguyên như quy định của Hiến pháp năm 1992, riêng nghĩa vụ nộp thuế đã sửa đổi về chủ thể, thay cụm từ “công dân” bằng cụm từ “mọi người” cho phù hợp (mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định, chứ không chỉ có công dân Việt Nam như quy định tại Điều 80 Hiến pháp năm 1992). Bên cạnh đó, trong Chương II của Hiến pháp năm 2013, một số điều quy định quyền gắn với nghĩa vụ cơ bản của công dân, như quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh (Điều 38), quyền và nghĩa vụ học tập của công dân (Điều 39); quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc (Điều 45)…
Thứ hai, nội dung các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân:
Về tư duy, thay vì quan điểm cho rằng, Nhà nước có quyền “quyết định” và “trao” quyền cho người dân như trước đây, Hiến pháp năm 2013 thể hiện nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn, đó là Hiến pháp ghi nhận các quyền con người là tự nhiên, vốn có. Nhà nước phải ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện, không phân biệt đẳng cấp, màu da, giới tính. Nếu như trong Hiến pháp năm 1992, các quyền con người chỉ được thể hiện ở các quyền công dân, thì khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện sự phát triển về nhận thức lý luận và tư duy lập hiến trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân so với Hiến pháp năm 1992, quy định cụ thể và phân biệt rõ quyền con người với quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 cũng tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này được thể hiện cụ thể tại Điều 15 và Điều 16 Hiến pháp.
Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân, nhất là các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội; bổ sung các thiết chế độc lập nhằm tăng cường cơ chế thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, như quy định về Hội đồng Bầu cử quốc gia (Điều 117), về “cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định” (đoạn 2, khoản 2 Điều 119).
Lần đầu tiên giới hạn của các quyền được quy định thành nguyên tắc trong Hiến pháp. Theo khoản 2 Điều 14, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
2. Điều kiện và giải pháp đảm bảo thực thi hiệu quả các quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013
2.1. Điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam
Quyền con người, quyền công dân đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và trong nhiều văn bản luật, đó là điều kiện pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, điều kiện pháp lý cho công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay, cơ bản tùy thuộc vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với 05 đặc điểm: (i) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp hành pháp và tư pháp; (ii) Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; (iii) Sự bình đẳng của mọi người trong thụ hưởng và phát triển quyền, trước tiên và chủ yếu trong việc tham gia vào công tác quản lý nhà nước và xã hội; (iv) Sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; (v) Bảo vệ công lý, quyền con người và quyền công dân.
Một vấn đề đặt ra là, khi các quyền con người, quyền công dân được quy định rõ ràng trong Hiến pháp thì đâu là những điều kiện để hiện thực hóa các quyền ấy một cách tốt nhất? Thiết nghĩ, để đảm bảo thực thi hiệu quả quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp cần những điều kiện cụ thể sau:
- Sự thống nhất nhận thức và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị trong việc đảm bảo thực thi hiệu quả quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp.
- Cần những cơ chế cụ thể, phù hợp, thiết thực và dễ thực hiện để khơi dậy và phát huy tính chủ động, tích cực, tự nguyện, tự giác của người dân trong việc thực hiện các quyền cơ bản của mình.
- Người dân cần nâng cao trình độ (tri thức, kỹ năng), ý thức (bản lĩnh) để nhận thức một cách đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc các quyền, nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, toàn diện, kịp thời để tăng khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn.
- Cần một môi trường để thực hành dân chủ với những tiêu chí và giá trị của dân chủ thực hành để nuôi dưỡng, thúc đẩy các biểu hiện tích cực trong thể hiện và thực hiện quyền con người, quyền công dân của mỗi người.
2.2. Những giải pháp đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013
Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải thích Hiến pháp để nâng cao nhận thức của người dân về Hiến pháp, pháp luật.
Suy cho cùng, đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là vì mỗi người dân. Nhưng từ trong nhận thức, quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có từ khi con người sinh ra, do đó, mỗi con người, mỗi công dân cần phải hiểu, ý thức sâu sắc về nó để thực hiện. Nhưng để hành động đúng đắn cần thiết phải trải qua quá trình từ nhận thức đến tình cảm, thái độ. Muốn thay đổi nhận thức của người dân, cần coi trọng việc tuyên truyền, giải thích. Có làm tốt công tác này mới giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và định hướng hành động của họ một cách đúng đắn nhất. Trong thực hiện nhiệm vụ này cần nghiên cứu đặc thù đối tượng để xử lý linh hoạt theo hướng đa dạng hóa và sinh động hóa các hình thức tuyên truyền, giải thích Hiến pháp, đảm bảo tính cụ thể, chính xác và thiết thực, phù hợp với từng đối tượng. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng các bài thi viết hoặc các trò chơi cũng là một gợi ý cần được quan tâm.
Hai là, đẩy mạnh hoạt động cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp thành những quy định pháp luật tạo cơ sở để thực hiện hiệu quả quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Dù đã được khẳng định và quy định trong Hiến pháp, nhưng để những quy định đó thực sự có sức sống trong thực tiễn thì cần có sự nỗ lực trong công tác cụ thể hóa Hiến pháp. Quyền con người cần được phản ánh đầy đủ trong hoạch định và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Nhà nước cần ban hành kịp thời văn bản quy định chi tiết, có tính đến những điều kiện thực hiện để đảm bảo tinh thần của Hiến pháp được phản ánh một cách đầy đủ, chính xác và thể hiện hiệu quả trong thực tế. Muốn xây dựng và hoàn thiện được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân, Nhà nước cần không ngừng cải tiến và nâng cao trình độ cũng như kỹ thuật lập pháp và xây dựng chính sách.
Ba là, chủ động tạo ra các điều kiện và cơ chế để người dân thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa của mình.
Như trên đã chỉ ra, để đảm bảo thực thi một cách hiệu quả quyền con người, quyền công dân trong thực tế cần rất nhiều điều kiện. Trong trường hợp cụ thể ở Việt Nam hiện nay, các điều kiện ấy chưa hẳn đã đầy đủ hoặc nếu đã xuất hiện cũng chưa phải đã hoàn thiện. Mặc dù chúng ta đã có quyết tâm chính trị cao; điều này được thể hiện ở việc Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định sự quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền con người; luôn đề cao sự tôn vinh, tôn trọng quyền con người và thực hiện có hiệu quả quyền con người song cũng không có nghĩa là ở mọi lúc, mọi nơi, quyền con người và quyền công dân đều đã được nhận thức đầy đủ và tôn trọng đúng mức. Do đó, chỉ quyết tâm chính trị của hệ thống là hoàn toàn chưa đủ. Chúng ta vẫn cần hoàn thiện các điều kiện khác. Cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích và thúc đẩy thực hiện quyền dân chủ, quyền công dân, nâng cao nhận thức và ý thức thực hiện quyền con người của người dân. Chúng ta cũng cần tiếp tục phát huy dân chủ để thực hành một cách đẩy đủ các quyền của người dân. Nhà nước cần chú ý đến các nhóm yếu thế trong xã hội và tạo cho họ nhiều cơ hội hơn trong sự phát triển của mỗi con người, mỗi công dân, khắc phục dần sự cách biệt về cơ hội và điều kiện trong sự phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả hơn quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường tiếng nói cũng như cơ hội để người dân thể hiện và thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình.
Bốn là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, nhiệt tình, gần gũi với nhân dân, nhất là bộ phận trực tiếp tiếp xúc và phục vụ nhân dân.
Có quyết tâm chính trị, có môi trường, có cơ chế để đảm bảo thực thi quyền con người, quyền công dân nhưng nếu đội ngũ cán bộ yếu về năng lực, kém về phẩm chất thì khó đạt được thành công. Nói cách khác, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân được đảm bảo đến đâu, phần không kém quan trọng thuộc về đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định đến người dân và các đối tượng khác. Chính vì vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ phải được coi là một khâu quan trọng nhằm khuyến khích, phát huy hiệu quả thực hiện quyền con người, quyền công dân. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là bộ phận trực tiếp tiếp xúc và phục vụ nhân dân theo hướng đảm bảo đủ năng lực, nhiệt tình, gần gũi và giúp đỡ dân là hướng quan trọng nhằm đẩy mạnh việc phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sinh khí và động lực để cổ vũ việc thực thi các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân hiện nay ở nước ta.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
[1]. Hoàng Hùng Hải: Bảo đảm quyền con người - tư tưởng chủ đạo của Hiến pháp năm 2013, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6 năm 2014.
[2]. Lê Trang Hùng: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 2013”, http://cand.com.vn, 2015.
[3]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013”, http://moj.gov.vn, 2013.
[4]. Đinh Xuân Lý: “Những điểm mới trong Hiến pháp 2013 về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6 năm 2015.
[5]. Chu Hồng Thanh: “Một số điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, http://www.moj.gov.vn, 2015.
[6]. Thái Vĩnh Thắng: “Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992”, http://www.moj.gov.vn, 2015.
[7]. Nguyễn Trần Minh Trí: “Nhân quyền - điểm nhấn trong Hiến pháp sửa đổi”, Báo Nhân dân điện tử, http://www.nhandan.com.vn, 2013.
[8]. Phan Thanh Tuấn: “Bảo đảm quyền con người trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay”, http://www.tapchicongsan.org.vn, 2016.