Abstract: Crime of human trafficking are dangerous criminals cause more serious consequences for society burdensome for the victims' families. Recently the crime situation in our country is complicated sophisticated cunning difficult to detect the investigation prosecution trial. One of the causes of this condition are limited by shortcomings of the legal system. In this article we want to assess the initial situation Vietnam law on prevention of human trafficking crimes.
1. Những hạn chế, vướng mắc của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011[1]
Pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người còn hạn chế, vướng mắc trong các quy định về tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tội phạm mua bán người, cụ thể là:
Chương VI của Luật Phòng, chống mua bán người gồm 12 điều (từ Điều 41 đến Điều 52) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người; xác định cơ quan chủ trì, phối hợp trong phòng, chống tội phạm mua bán người và quy định về trách nhiệm của Chính phủ, của một số Bộ và địa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Theo đó, Luật giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người và giữ vai trò chủ trì trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Bộ Quốc phòng chủ trì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo và trên biển. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, giúp họ hoà nhập cộng đồng (Điều 42, 43, 44 Luật Phòng, chống mua bán người). Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người (Điều 51 Luật Phòng, chống mua bán người). Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là các Bộ quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người như: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông... (Điều 47, 48, 49, 50 Luật Phòng, chống mua bán người).
Việc có quá nhiều cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước cùng thực hiện chức năng liên quan đến phòng, chống tội phạm mua bán người, với nhiều chức năng quản lý khác nhau dẫn tới việc chồng chéo, thực hiện không hiệu quả; một số cơ quan, tổ chức không thực hiện hết chức trách nhiệm vụ đã ảnh hướng đến công tác triển khai thực hiện việc phòng, chống tội phạm mua bán người. Mặt khác, thời gian qua, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thật chặt chẽ, không tạo được mối liên kết giữa các đơn vị, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này không cao.
2. Những hạn chế, vướng mắc của Bộ luật Hình sự năm 1999 về phòng, chống tội phạm mua bán người[2]
Thực tế, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người cho thấy, thủ đoạn mà tội phạm sử dụng rất xảo quyệt và thường xuyên thay đổi như: Sử dụng thủ đoạn “giả vờ yêu”, thậm chí cho người đến “xin cưới” để làm tin, sau đó rủ nạn nhân đi chơi rồi bán nạn nhân ra nước ngoài... Thực tiễn cũng cho thấy, nhiều đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn xảo quyệt khác để che giấu hành vi mua bán người, mua bán trẻ em của mình như: Che giấu dưới hình thức môi giới cho nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, đưa người đi xuất khẩu lao động… Gần đây xuất hiện các thủ đoạn mới như: Lên mạng Internet tìm kiếm, dụ dỗ các đối tượng để bán sang nước ngoài, đưa nạn nhân ra nước ngoài trá hình bằng cách làm visa du lịch ngắn ngày... Các đường dây tội phạm có nhiều biện pháp tinh vi, hoạt động đảm bảo bí mật theo kiểu “một biết một” nên rất khó tìm ra kẻ chủ mưu. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa quy định tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt trong tội mua bán người và mua bán trẻ em là tình tiết định khung tăng nặng nên chưa nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trước những thủ đoạn phạm tội mới.
Theo Điều 3 của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người[3], đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em bổ sung cho Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp quốc thì nạn nhân của buôn bán người là người (phụ nữ, trẻ em, nam giới) bị những người phạm tội tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận vì mục đích bóc lột, bằng phương thức đe dọa, sử dụng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với người khác. Riêng đối với trẻ em thì không cần tính đến các phương thức thực hiện của người phạm tội. Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có khái niệm chính thức về nạn nhân của tội phạm mua bán người. Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về nước thì: Nạn nhân được hiểu là phụ nữ, trẻ em bị một hay nhóm người sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay những hình thức ép buộc khác, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hay địa vị, tình trạng dễ bị tổn thương để mua bán (giao nhận tiền hoặc giao nhận một lợi ích vật chất khác) đưa ra nước ngoài nhằm mục đích bóc lột (cưỡng bức bán dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hoặc dịch vụ cưỡng chế, nô lệ hoặc làm việc như tình trạng nô lệ hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể). Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm này cũng không còn phù hợp vì nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn cả nam giới trong các vụ án mua bán người. Chính vì vậy, tại Điều 2 Luật Phòng, chống mua bán người đã đưa ra khái niệm: “Nạn nhận là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 của Luật này”.
Thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em thời gian qua cho thấy, đã có nhiều trường hợp người phạm tội lừa dối hoặc cưỡng ép bán người thân thích của mình cho người khác. Hành vi phạm tội bán người thân thích của mình đã gây căm phẫn trong dư luận xã hội và đòi hỏi cần phải có sự trừng phạt nghiêm khắc, tuy nhiên tội mua bán người, tội mua bán trẻ em hiện hành chưa quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng.
Hình thức xử phạt các đối tượng mua bán người vẫn chưa nghiêm, chưa đủ răn đe đối tượng. Trong đó quy định về khung hình phạt đối với tội mua bán người và tội mua bán trẻ em có khoảng cách quá rộng, mức tối thiểu của khung hình phạt quá thấp. Trong tội mua bán người thì khung 1 (khung cơ bản) có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; khung 2 (khung tăng nặng) có mức phạt tù từ 5 năm đến 20 năm. Đối với tội mua bán trẻ em thì khung 1 có mức phạt tù từ 3 đến 10 năm; khung 2 có mức phạt tù từ 5 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Những quy định này chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm của loại tội phạm mua bán người, chưa phân hóa rõ ràng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Đối với hình phạt bổ sung quy định đối với tội mua bán người và tội mua bán trẻ em cũng tồn tại những vấn đề bất cập, chưa góp phần nâng cao hiệu quả của hình phạt. Cụ thể, chỉ trừ phạt tiền và quản chế được quy định cho cả hai tội, còn cấm cư trú chỉ quy định đối với tội mua bán người mà không được quy định đối với tội mua bán trẻ em; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định chỉ được quy định đối với tội mua bán trẻ em mà không được quy định đối với tội mua bán người. Mức phạt tiền trong hai tội được quy định giống nhau là từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Tuy nhiên, đây là mức phạt được quy định từ khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1999, đến nay đã tỏ ra không còn phù hợp với sự thay đổi về giá trị đồng tiền. Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành đã phần nào khắc phục các điểm hạn chế này.
Khung hình phạt của tội mua bán người, mua bán trẻ em có khoảng cách quá rộng và mức tối thiểu của khung hình phạt lại quá thấp dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất giữa các tòa và chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm này, chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với người phạm tội, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm và đòi hỏi của xã hội, bởi lẽ, hậu quả của tội mua bán người, mua bán trẻ em không chỉ đơn thuần làm cho người bị mua bán bị xâm hại về danh dự, nhân phẩm mà họ còn có thể bị xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, làm tan vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình, gây ra nỗi đau tột cùng, dai dẳng cho người thân của người bị mua bán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
3. Những hạn chế, vướng mắc của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về phòng, chống tội phạm mua bán người[4]
Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã có quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo vệ người bị hại, nhân chứng và người tham gia tố tụng khác, quyền yêu cầu xét xử kín của một số người tham gia tố tụng trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ dừng ở mức nguyên tắc và chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn cụ thể, vì vậy trên thực tế việc vận dụng các quy định này của một số cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người chưa thống nhất, điều đó đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và hiệu quả xử lý vụ án mua bán người của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Hầu hết các trường hợp mà nạn nhân bị người phạm tội bán ra nước ngoài, thân nhân của họ phải chi phí để tìm kiếm, thậm chí còn phải trả khoản “tiền chuộc” với giá trị lớn mới đưa được người bị hại trở về Việt Nam, nhưng khi họ yêu cầu đòi bồi thường thì các Toà án cũng gặp khó khăn vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về mức bồi thường đối với các trường hợp này.
Trong những năm qua, việc hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng ngày càng được tăng cường. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước, điều ước quốc tế có liên quan, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương; đã có nhiều hoạt động phối hợp tích cực với các nước láng giềng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Tuy nhiên, việc hợp tác này vẫn còn hạn chế, nhiều hoạt động mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tập trung, còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, dẫn đến chỉ giải quyết được "phần ngọn", hầu hết các vụ mua bán người có yếu tố nước ngoài thời gian qua đều không có điều kiện xác minh, bắt giữ, xử lý phần đường dây ở nước ngoài, nhiều vụ án không xử lý được triệt để mà phải tạm đình chỉ, đình chỉ phần liên quan đến nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp ước song phương với một số nước lân cận về phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người như: Lào, Campuchia, Trung Quốc... và những Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người, hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán. Tuy nhiên, so với tình hình tội phạm và sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì hệ thống pháp luật cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.
4. Những hạn chế, vướng mắc của các chế tài hành chính về phòng, chống mua bán người
Tính nghiêm khắc trong các chế tài hành chính về phòng, chống mua bán người còn rất hạn chế. Một thời gian dài mức phạt cho hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp chỉ từ 3-5 triệu đồng nên không đủ tính răn đe. Ngày 23/7/2009, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp theo đó mức xử phạt đối với hành vi này đã được tăng lên từ 10-20 triệu đồng hay tại khoản 3 Điều 12 của Nghị định này quy định mức xử phạt đối với các Trung tâm hỗ trợ kết hôn chỉ từ 5-10 triệu đồng hoặc Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định mức phạt cho hành vi môi giới cho nhận con nuôi trái pháp luật chỉ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Với các mức phạt này sẽ không đảm bảo tính răn đe vì mức thu lợi nhuận của các hành vi này là rất lớn như một số vụ án mà thời gian qua đã khám phá thì mức xử phạt hành chính này chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi vi phạm gây ra.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV
ThS. Nguyễn Mai Trâm
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2013), Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
2. Liên hợp quốc (2000), Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người.
3. Quốc hội (1999), Bộ luật Hình sự năm 1999.
4. Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự năm 2015.
5. Quốc hội (2003), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
6. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
7. Quốc hội (2011), Luật Phòng, chống mua bán người.
8. Tòa án nhân dân tối cao (2013), Tài liệu tập huấn nghiệp vụ năm 2013, Chuyên đề 2: Luật Phòng, chống mua bán người và thực tiễn xét xử các tội liên quan đến mua bán người.