1. Vai trò của xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Những năm qua, công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Nhiều đạo luật được ban hành sau ngày Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành đã thể chế hóa kịp thời và tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ, thực hiện quyền con người, quyền công dân. Pháp luật không chỉ có vai trò trong quản lý nhà nước mà còn là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra và giám sát quyền lực nhà nước. Việc đề ra và triển khai các quy định về xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận là một trong những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế đó. Vai trò của việc thực hiện xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thể hiện như sau:
Thứ nhất, thông qua xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giúp chính quyền cấp xã đánh giá toàn diện thực trạng quản lý, thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực về bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính, hòa giải ở cơ sở và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Từ đó, có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc đưa pháp luật tới người dân, đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, khẳng định vị trí, phát huy vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.
Thứ hai, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật của người dân, kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn; tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật.
Thứ ba, cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở nhằm giúp người dân kịp thời được tiếp cận với pháp luật, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa pháp lý của người dân.
Thứ tư, việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng tạo cơ sở thực tiễn trong việc đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan đến trách nhiệm và hoạt động của chính quyền, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính.
2. Thực trạng triển khai nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Sau hơn 03 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, đến nay, việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực và mục tiêu quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin, hòa giải ở cơ sở, thi hành pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở… Bộ Tư pháp, chính quyền địa phương các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ này tại các địa phương cơ bản đã đi vào nền nếp, được bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp tại Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTP[1] hướng dẫn một số nội dung xây dựng chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các tiêu chí và xây dựng chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lãnh đạo, công chức tư pháp các cấp; thực hiện sơ kết Quyết định số 619/QĐ-TTg. Các địa phương đã tổ chức triển khai nhiệm vụ đến cơ sở, năm 2017 có 6.858 chính quyền cấp xã đạt chuẩn (đạt 61,47%), năm 2018 có 9.059 chính quyền cấp xã đạt chuẩn (đạt 81,2%), năm 2019 có 9.687 chính quyền cấp xã đạt chuẩn (đạt 88,2%). Số chính quyền cấp xã đạt chuẩn năm sau cao hơn năm trước. Qua đó khẳng định sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của các địa phương trong xây dựng chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, dù thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ và kinh nghiệm thực tiễn chưa có nhiều nhưng đã tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và cán bộ, công chức ở cơ sở, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg cũng như thực hiện nội dung thành phần “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Một số quy định trong Quyết định số 619/QĐ-TTg đã bộc lộ bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với thực tế, đặc biệt là các tiêu chí, chỉ tiêu nhiều nội dung, một số nội dung còn định tính, khó đánh giá, trùng lắp, chồng chéo; thời hạn đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn chưa phù hợp, quá ngắn, tạo áp lực cho địa phương; việc đánh giá sự hài lòng chưa bảo đảm khách quan, minh bạch; các bộ, ngành, địa phương có liên quan chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí và nhiệm vụ được giao; nguồn lực, nhất là kinh phí chưa được quan tâm đúng mức.
- Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại nhiều địa phương, nhất là ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, trước hết cấp ủy và lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời, thường xuyên; cơ quan tư pháp chưa chủ động và phát huy tốt vai trò tham mưu, huy động các ngành, các cấp vào cuộc theo tinh thần là nhiệm vụ của hệ thống chính trị; hiệu quả so với yêu cầu chưa cao, có nơi, có lúc còn hình thức, thiếu thực chất, việc đánh giá, công nhận chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có biểu hiện chạy theo nông thôn mới; nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng giải pháp, biện pháp khắc phục, thúc đẩy các tiêu chí đạt chuẩn và nhiệm vụ được giao, dẫn tới kết quả đạt được còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra.
- Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật đến người dân của chính quyền cấp xã, bảo đảm và thực hiện các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ đôi lúc còn chưa nghiêm chỉnh, vẫn còn cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ, chưa nghiêm túc trong triển khai thực hiện các quy định và chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân còn mang tính hình thức, có nguy cơ làm giảm lòng tin của nhân dân...
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, mục đích, vai trò và trách nhiệm tổ chức thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật; nguồn lực thực hiện công tác này ở các địa phương còn hạn chế. Đặc biệt, chuẩn tiếp cận pháp luật và các quy định về xây dựng chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần được hoàn thiện kịp thời, phù hợp.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận tiếp cận pháp luật
Một là, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về vị trí, vai trò, mục tiêu thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó thống nhất về nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhân dân; xác định đây là nhiệm vụ của hệ thống chính trị, liên quan đến trách nhiệm và phạm vi quản lý của các ngành, các cấp.
Hai là, tổng kết thực tiễn; có giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trên thực tế. Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân các cấp với trách nhiệm được giao cần bám sát quy định của các văn bản có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Các tiêu chí tiếp cận pháp luật có liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức, do đó, cần phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức đó.
Ba là, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật và công nhận chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao theo dõi, triển khai đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Qua đó, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn pháp luật, góp phần vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Bốn là, quan tâm bố trí kinh phí triển khai nhiệm vụ được giao. Kinh phí xây dựng chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được bảo đảm, bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ chính quyền cấp xã còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành. Ngoài ra, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đối với các xã thực hiện xét công nhận, xây dựng nông thôn mới thì nguồn kinh phí cho nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được cấp chung trong tổng thể nguồn vốn triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Sở Tư pháp cần phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu, đề xuất ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh cấp kinh phí tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật và xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong tổng thể kinh phí xây dựng nông thôn mới để ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành cụ thể.
Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sáu là, ngày 20/6/2020, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, trong đó nhấn mạnh “bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, hướng mạnh về cơ sở, gắn với xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”. Yêu cầu này đặt ra cho Bộ Tư pháp và Ngành Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về chuẩn tiếp cận pháp luật phù hợp với tình hình mới, nhằm chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân cũng như quyền tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong đời sống chính trị, kinh tế, pháp lý, văn hóa tại cơ sở. Các tiêu chí đánh giá chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần được xây dựng, sửa đổi theo hướng phù hợp, khả thi, phổ quát, khoa học, trọng tâm, trọng điểm. Những kết quả, số liệu tạo ra thông qua các tiêu chí phải phản ánh một cách trung thực, khách quan, chính xác kết quả thực hiện các nhiệm vụ của chính quyền cấp xã trong thực thi chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng, đánh giá, công nhận chính quyền cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ góp phần quan trọng trong tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức triển khai công tác này được khả thi, thực chất, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, nâng cao nhận thức, hành vi tuân thủ pháp luật trong nhân dân; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở trong đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
[1]. Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.