Với mục tiêu đa dạng hóa, mở rộng chủ thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư công; khai thác tối đa năng lực đề xuất, quản lý, thực hiện dự án, nguồn lực của các địa phương và các thành phần kinh tế, nguồn lực xã hội để tham gia thực hiện dự án đầu tư công; khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, Luật Đầu tư công năm 2024 đã cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn, trong đó, nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước bao gồm 04 nội dung, cụ thể:
1. Cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án
Luật Đầu tư công năm 2019 quy định vốn chuẩn bị đầu tư phải được cấp có thẩm quyền giao trong kế hoạch trung hạn và hằng năm. Quy định này chưa khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có, ảnh hưởng đến yêu cầu, tiến độ, tính sẵn sàng trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Do đó, cần cho phép các bộ, cơ quan và địa phương sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Để tạo sự chủ động, linh hoạt của các bộ, cơ quan, địa phương trong sử dụng các nguồn vốn cho hoạt động chuẩn bị đầu tư, Luật Đầu tư công năm 2024 đã sửa đổi quy định này, cho phép ngoài sử dụng vốn đầu tư công thì được sử dụng thêm nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác của bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho công tác chuẩn bị đầu tư. Quy định này đã tạo sự linh hoạt cho các bộ, cơ quan, địa phương trong việc sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các bộ, cơ quan, địa phương phải chủ động dành nguồn lực chi thường xuyên để triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư đối với các dự án cần thiết.
2. Cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Thời gian qua phát sinh một số vướng mắc trong việc giao kế hoạch vốn đầu tư công cho doanh nghiệp nhà nước để thực hiện dự án, phải báo cáo Quốc hội cho phép để có căn cứ triển khai, cụ thể như việc giao vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để triển khai Dự án cấp điện Côn Đảo, do Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa có quy định cụ thể về việc giao doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công[1]. Khắc phục tình trạng này, Luật Đầu tư công năm 2024 đã quy định vấn đề này, tạo căn cứ pháp lý để giao doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công. Quy định này nhằm phát huy năng lực quản lý, chuyên môn và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.
3. Cho phép Ban Quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan trung ương, địa phương được lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án
Theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao cơ quan chuyên môn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Thời gian qua, nhiều địa phương kiến nghị cho phép giao Ban Quản lý dự án trực thuộc (không phải cơ quan chuyên môn) lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Đây là các đơn vị có chuyên môn, năng lực trong xây dựng dự án, nắm rõ nhu cầu, thực tế triển khai của bộ, cơ quan, địa phương. Do đó, có thể bổ sung các đối tượng nêu trên được lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; quá trình thẩm định chủ trương đầu tư và trách nhiệm của các bên liên quan đã được quy định chặt chẽ trong Luật, giúp hạn chế rủi ro thiếu khách quan trong việc lập báo cáo[2].
Từ nhu cầu thực tiễn đó, Luật Đầu tư công năm 2024 đã cho phép Ban Quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan trung ương, địa phương được lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án bởi vì, đây là các đơn vị có chuyên môn, có năng lực trong quá trình xây dựng dự án, nắm rõ về nhu cầu và thực tế triển khai của bộ, cơ quan, địa phương.
4. Cho phép giao nhiệm vụ và kế hoạch vốn hằng năm cho chủ đầu tư dự án không phải là đơn vị trực thuộc
Quy định này nhằm tận dụng tối đa năng lực quản lý, nguồn lực của địa phương và các thành phần kinh tế khác.
Minh Trí