Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành các luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Cần chú ý đến khâu lấy ý kiến Nhân dân trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm đến tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu cho rằng, cần tập trung hơn nữa vào khâu xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp. Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18.9% trong tổng số các quy định được rà soát). Theo đại biểu, đây là một con số rất lớn. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân, doanh nghiệp; làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp nên cần phải cắt bỏ. Theo đại biểu, với hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua. Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng vào việc xin ý kiến người dân, doanh nghiệp, những đối tượng bị tác động và tổng hợp…
Đại biểu cho biết, hiện nay theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định đầy đủ các bước, quy trình để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, cơ quan, tổ chức vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có quy định được đăng tải công khai trên các Cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, tuy nhiên, hiệu quả của công việc này chưa cao, còn ít người dân truy cập để có ý kiến, phản hồi về dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu chỉ rõ thực tế, Bộ pháp điển của Việt Nam hiện nay đang rất lãng phí vì chưa nhiều tổ chức, cá nhân biết đến và sử dụng. Trong khi đó, một trong những mục tiêu hướng đến của Bộ pháp điển là giúp các tổ chức, cá nhân tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu đáp ứng nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật. Do vậy, đại biểu đề nghị trong tổng số các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến pháp luật, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cách tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển và nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển.
Luật chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc
Về đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, đây là định hướng đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó, cần thể chế hóa kịp thời định hướng này để tạo căn cứ cho việc thực hiện theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng rà soát những văn bản liên quan để có điều chỉnh cho phù hợp.
Về trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, theo Báo cáo số 524 của Thủ tướng Chính phủ trình tại Kỳ họp này, việc ban hành văn bản chi tiết còn hạn chế, tình trạng chậm ban hành chưa được khắc phục, năm 2024, số văn bản còn nợ chiếm 13,94%... Đại biểu cho rằng, tới đây khi đổi mới theo hướng xây dựng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc thì trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ “đặt lên vai” Chính phủ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhanh và tính chất cũng phức tạp hơn… Vì vậy, đại biểu kiến nghị về mặt tiến độ, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân trong bảo đảm tính kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn. Về chất lượng văn bản, cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ, cần thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Xây dựng các quy định của văn bản luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài
Đề cập về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, từ thực tiễn cơ sở, đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đồng tình cao với định hướng của lãnh đạo Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới trong công tác lập pháp của Quốc hội. Theo đó, xây dựng các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Đây là vấn đề rất lớn, quan trọng cần tạo sự đồng thuận từ nhận thức đến hành động.
Để triển khai tốt định hướng đổi mới trên, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đồng thời, xác định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nội dung phân cấp cho Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành vì số lượng văn bản cần ban hành là rất lớn./.
Minh Trí