
Hơn một năm qua, kể từ khi phát hiện ca lây nhiễm Covid đầu tiên, thế giới chứng kiến những hậu quả, thảm cảnh không thể lường hết. Đại dịch Covid-19 kéo theo những hệ lụy chưa từng có, đẩy con người vào cảnh nghèo đói, học sinh, sinh viên phải nghỉ học hoặc thay đổi hình thức học; kinh tế - xã hội nhiều quốc gia tăng trưởng âm… Đối phó với đại dịch, cộng đồng quốc tế cũng như mỗi quốc gia đều đưa ra giải pháp của mình để kiểm soát dịch bệnh, từ biện pháp kinh tế - xã hội, đến y tế, pháp lý... Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, y tế, truyền thống văn hóa, thói quen sinh hoạt của con người đã tác động đến những biện pháp của Chính phủ, cộng đồng và đến hiệu quả kiểm soát dịch bệnh.
Để phòng chống đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra các quy định hạn chế một số nội dung cụ thể của quyền con người, quyền công dân, như hạn chế đi lại, kinh doanh, tập trung đông người… Qua bài viết “Giới hạn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 trong phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam”, PGS.TS. Phan Quang Thịnh & ThS. Bùi Đình Tiến chỉ ra cách hiểu về vấn đề hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và tính hợp hiến của các quy định mà Chính phủ đã ban hành trong việc hạn chế này, từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm thực thi hiệu quả quy định của pháp luật về quyền con người trong hoàn cảnh quốc gia và thế giới chống đại dịch.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.