Bảo vệ người tố cáo là vấn đề quan trọng, cần thiết. Do đó, Luật Tố cáo năm 2018 đã đưa ra những quy định để bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định hiện nay vẫn chưa rõ ràng, còn mang tính hình thức. Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích một số bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Khoản 1 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Như vậy, tố cáo là một trong những quyền con người rất quan trọng đã được hiến định. Trên tinh thần đó, Luật Tố cáo năm 2018 đã đưa ra nhiều quy định để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Theo quy định của Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 thì tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: (i) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (ii) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Việc tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật có ý nghĩa vô cùng to lớn. Tố cáo và công tác giải quyết tố cáo nếu được thực hiện tốt sẽ giúp ngăn chặn, khắc phục, hạn chế thiệt hại, từ đó bảo vệ tốt nhất lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến sự trả thù, trù dập, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo cũng như người thân của người tố cáo. Chính vì thế, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải bảo vệ người tố cáo một cách kịp thời, hiệu quả để họ được an toàn và tạo niềm tin để các cá nhân khác dũng cảm thực hiện quyền tố cáo của mình. Thực tiễn cho thấy, mặc dù đã có nhiều cố gắng để sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về tố cáo đáng được ghi nhận nhưng các quy định về bảo vệ người tố cáo vẫn còn mang tính hình thức, nhiều quy định bộc lộ hạn chế, bất cập nhất định cần phải hoàn thiện.
2. Bất cập trong quy định về bảo vệ người tố cáo
2.1. Quy định chung
Thứ nhất, người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 thì những người được bảo vệ bao gồm người tố cáo và thân nhân của người tố cáo. Cụ thể là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Khác với Luật Tố cáo năm 2011 thì Luật Tố cáo năm 2018 đã liệt kê rõ ràng thân nhân (người thân thích) của người tố cáo thuộc đối tượng được bảo vệ. Thế nhưng, phạm vi chủ thể được bảo vệ như hiện nay là khá hẹp, chỉ bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Nếu xét dưới góc độ của người tố cáo thì họ sẽ “e ngại” vì ảnh hưởng đến người thân của họ nên họ sẽ “ngại” tố cáo, nhất là trong việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Bởi, người bị tố cáo trong trường hợp này thường là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước nên khả năng trả thù, trù dập xảy ra rất cao. Chính vì vậy, để “khuyến khích”, “động viên”, tạo sự an tâm cho người tố cáo “vạch trần” sự thật thì Luật Tố cáo năm 2018 cần mở rộng các chủ thể được bảo vệ như cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột, con rể, con dâu... của người tố cáo.
Vấn đề khác là, khoản 3 Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết”.
Vậy, trong tình huống nào thì được xác định là “có căn cứ” cho rằng người tố cáo và người thân thích của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử. Pháp luật về tố cáo hiện hành chưa đưa ra giải thích rõ ràng thế nào là “có căn cứ” nên khó áp dụng trên thực tế, dễ dẫn đến sự tùy tiện của các chủ thể có thẩm quyền. Quy định trên cũng cho thấy, người tố cáo có quyền đề nghị nhưng quyền quyết định lại thuộc về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Ngoài ra, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Nhưng như thế nào là “biện pháp bảo vệ cần thiết”. Đồng thời, như thế nào là “có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc” thì rất khó xác định. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của các chủ thể có thẩm quyền.
Thứ hai, quyền của người được bảo vệ
Khoản 1 Điều 48 Luật Tố cáo năm 2018 quy định người được bảo vệ có nhiều quyền như được bồi thường trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ...
Thông thường thì quyền của chủ thể này lại là trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ thể khác. Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 11 Luật Tố cáo năm 2018 khẳng định người giải quyết tố cáo có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tiếp đó, Điều 49 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ”.
Quy định trên rất nhân văn nhưng lại tiếp tục “bỏ ngỏ” các yêu cầu bắt buộc các chủ thể có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ người tố cáo và những người được bảo vệ khác. Cụ thể là, trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Thế nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bị yêu cầu, đề nghị này phải tiến hành yêu cầu, đề nghị trong bao lâu. Điều này có thể dẫn đến việc quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ không kịp thời, không rốt ráo, không tích cực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền. Thực tế cho thấy, việc phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ người tố cáo chưa thật sự hiệu quả, sự phối hợp chưa nhịp nhàng, chưa “ăn khớp” và đôi khi không có sự thống nhất.
2.2. Trình tự, thủ tục bảo vệ
Thứ nhất, đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ
Khoản 1, khoản 3 Điều 50 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ; trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Như vậy, về hình thức, người tố cáo phải có văn bản đề nghị, nếu trường hợp khẩn cấp thì người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay. Thế nhưng trường hợp nào là “trường hợp khẩn cấp” thì vẫn chưa được pháp luật hướng dẫn, do đó rất khó xác định trường hợp nào là trường hợp khẩn cấp, trường hợp nào là không khẩn cấp, từ đó dẫn đến việc áp dụng không thống nhất pháp luật và một lần nữa lại phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan, phụ thuộc vào tư duy của những người có thẩm quyền. Đồng thời, quy định về việc “đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ ngay trong trường hợp khẩn cấp” thể hiện sự định tính, bởi lẽ “ngay” là khi nào, điều này rất khó xác định trên thực tế. Việc quy định chung chung và hình thức như thế có thể dẫn đến tình trạng sau khi người tố cáo đã bị xâm hại tính mạng, sức khỏe thì mới áp dụng biện pháp bảo vệ, từ đó việc bảo vệ người tố cáo không còn ý nghĩa.
Thứ hai, xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo
Điều 51 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “1. Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
2. Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ.
3. Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo”.
Như vậy, khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.
Với quy định này, Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục trao quyền quyết định cuối cùng cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, thế nào là “không cần thiết” thì lại không được giải thích và điều này sẽ dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Cũng với tư duy đó, Điều 54 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ có thể thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ nếu xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ”. Vấn đề đặt ra, thế nào là “cần thiết” thì đến nay vẫn chưa được giải thích, chưa được hướng dẫn cụ thể.
Khoản 4 Điều 52 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ”.
Trên tinh thần đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ có trách nhiệm (khoản 2 Điều 53 Luật Tố cáo năm 2018):
- Thực hiện kịp thời, đầy đủ yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Nếu không thực hiện được yêu cầu, đề nghị đó thì phải báo cáo hoặc thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do đến cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
- Báo cáo hoặc thông báo bằng văn bản về kết quả thực hiện việc bảo vệ cho cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo (Nghị định số 31/2019/NĐ-CP). Trong đó, Điều 7 và Điều 8 Nghị định này hướng dẫn trách nhiệm của người giải quyết tố cáo khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ cũng như trách nhiệm của cơ quan được đề nghị hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ. Cụ thể như sau:
- Trách nhiệm của người giải quyết tố cáo khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ: Khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ (gọi tắt là đề nghị bảo vệ) của người tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm xem xét, đánh giá căn cứ, tính xác thực của đề nghị bảo vệ và quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền quy định tại Điều 52 Luật Tố cáo năm 2018. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp khẩn cấp, người giải quyết tố cáo đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ngay lập tức, sau đó gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.
- Trách nhiệm của cơ quan được đề nghị hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ: Khi nhận được đề nghị hoặc yêu cầu của người giải quyết tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định tại Điều 52 Luật Tố cáo năm 2018 và thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo, người được bảo vệ.
Thế nhưng nỗi “băn khoăn” ở đây là, trường hợp “cần thiết” là những trường hợp nào, “phải tổ chức thực hiện ngay” hay “áp dụng biện pháp bảo vệ ngay lập tức” được hiểu như thế nào, thế nào là “ngay”, rồi trường hợp “khẩn cấp” là những trường hợp nào. Luật Tố cáo năm 2018 và thậm chí là các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 31/2019/NĐ-CP, Thông tư số 03/2021/TT-BNV ngày 21/07/2020 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, Thông tư số 145/2020/TT-BCA ngày 29/12/2020 của Bộ Công an quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí... đều sử dụng những cụm từ theo hướng “ước lượng”, không rõ ràng, do đó việc bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo được triển khai như thế nào trên thực tế lại phụ thuộc vào quan điểm của các chủ thể có thẩm quyền.
2.3. Các biện pháp bảo vệ
Thứ nhất, biện pháp bảo vệ bí mật thông tin
Người tố cáo có quyền được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác (điểm b khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018). Do đó, Luật Tố cáo năm 2018 đã nghiêm cấm việc tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo tại khoản 3 Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018.
Trên cơ sở đó, Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018 quy định các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin. Trong đó, đáng lưu ý là biện pháp tại khoản 5 Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018, cụ thể là: “Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo”. Như vậy, nếu cần thiết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo, tức là đề nghị sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.
Tuy nhiên, với quy định này cho thấy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo chỉ “đề nghị” chứ không phải “yêu cầu thực hiện”. Vậy, khi nhận được đề nghị thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có bắt buộc phải thực hiện hay không. Rõ ràng, nếu hiểu theo câu chữ của Luật Tố cáo năm 2018 thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo chỉ được quyền đề nghị, còn có thực hiện các biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo hay không sẽ phụ thuộc vào ý chí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, thế nào là các biện pháp cần thiết, hay nói cách khác biện pháp như thế nào là biện pháp cần thiết trong việc giữ bí mật thông tin của người tố cáo. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo cho rằng biện pháp đó là cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan lại cho rằng biện pháp đó không cần thiết thì giải quyết như thế nào. Rõ ràng, quy định này không đủ “sức nặng” để ràng buộc các chủ thể có liên quan, từ đó các chủ thể có liên quan có thể không tuân thủ. Các biện pháp bảo vệ đó có “cần thiết” để giữ bí mật thông tin của người tố cáo hay không lại phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ hai, biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm
Việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo được xem là mối quan tâm lớn, vì các cá nhân thực hiện việc tố cáo rất dễ bị trù dập, phân biệt đối xử tại nơi làm việc của mình, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập và kéo theo là ảnh hưởng đến đời sống cũng như sự “thăng tiến” của họ trong nghề nghiệp.
Điều 57 Luật Tố cáo năm 2018 quy định các biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm như khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử... Thực tế cho thấy, dù người tố cáo được khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm nhưng họ vẫn khó duy trì công việc một cách bình thường như trước đây, đồng thời họ rất dễ bị trù dập, phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Điều này đã làm cho người tố cáo quyết định thôi việc, từ bỏ vị trí công tác, việc làm của mình. Bên cạnh đó, biện pháp “xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử” dường như chưa khả thi và phụ thuộc rất lớn vào ý chí, quyết định của các chủ thể có thẩm quyền.
Thứ ba, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm
Luật Tố cáo năm 2018 nghiêm cấm việc đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo tại khoản 8 Điều 8. Đồng thời, Luật Tố cáo năm 2018 đưa ra những biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo tại Điều 58. Cụ thể là:
“1. Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn; 2. Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết; 3. Áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật...”.
Điều đáng nói là, “nơi an toàn”, “nơi cần thiết” là những nơi nào thì hiện nay vẫn rất khó xác định và còn nhiều cách hiểu khác nhau. Tương tự như vậy, “biện pháp cần thiết” là những biện pháp nào thì hiện nay vẫn rất khó xác định. Do đó, việc áp dụng pháp luật phụ thuộc vào những chủ thể có thẩm quyền. Từ đó, thực tế có thể dẫn đến tình trạng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền “ngó lơ”, “thờ ơ” với “số phận” của người tố cáo và thân nhân của người tố cáo.
3. Kết luận
Việc tố cáo nếu đúng đắn sẽ kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời ngăn chặn và khắc phục các thiệt hại xảy ra cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Để các cá nhân thực hiện tốt quyền tố cáo của mình, dám “đấu tranh” nhằm loại bỏ những “tiêu cực” trong xã hội thì vấn đề bảo vệ người tố cáo phải được chú trọng và đặc biệt quan tâm. Thế nhưng đến nay các quy định của Luật Tố cáo năm 2018 vẫn mang tính chung chung, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, còn mang tính hình thức, từ đó làm cho công tác triển khai thi hành gặp nhiều khó khăn và người tố cáo trên thực tế chưa được bảo vệ tốt.
Với những vướng mắc như trên thì thiết nghĩ các nhà lập pháp cần đưa ra các quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ hơn để người tố cáo và những người thân thích của người tố cáo được bảo vệ một cách an toàn. Từ đó cũng tránh sự lạm quyền, tùy tiện, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm của những chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo và những chủ thể có liên quan. Bởi lẽ, các quy định trên chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa tạo nên thiết chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách tổng thể, hiệu quả và thực chất. Các quy định trên phụ thuộc rất lớn vào tư duy, nhận thức và “cái tâm” của những chủ thể có thẩm quyền. Điều này dẫn đến tâm lý “ngại va chạm”, sợ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của người thân, từ đó các cá nhân không dũng cảm tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật./.
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh