1. Quy định pháp luật và thực tiễn bồi thường khi thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội
1.1 Quy định pháp luật bồi thường
Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. Theo quy định thì việc xác định mục đích sử dụng đất và áp dụng các hình thức bồi thườngđược cụ thể như sau:
Thứ nhất, xác định mục đích sử dụng đất: Đây là cơ sở để áp dụng hình thức bồi thường, mức mồi thường, vì mục đích đất khác áp dụng bảng giá đất khác. Theo quy định của pháp luật, Nhà nước chia đất thành các nhóm (03 nhóm): Nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng. Trong mỗi nhóm phân loại theo mục đích sử dụng, đặc tính, chức năng của từng loại đất, như nhóm đất nông nghiệp có: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng,…; nhóm đất phi nông nghiệp có: Đất ở gồm đất ở tại nông thôn; đất ở tại đô thị; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp[1]…
Thứ hai, áp dụng các hình thức bồi thường: Quy định của pháp luật hiện hành có các hình thức: Bồi thường đất cùng mục đích; bồi thường bằng tiền.
(i) Bồi thường đất cùng mục đích sử dụng với đất bị thu hồi: Hình thức bồi thường bằng đất cùng mục đích sử dụng đem lại nhiều lợi ích đối với người có quyền sử dụng đất như: Giữ được trạng thái cân bằng khi không phải chuyển đổi môi trường lao động, bảo đảm được quyền lợi của người sử dụng đất; ổn định sản xuất, không thay đổi nhiều về đời sống khi bị thu hồi đất. Có thể xem đây là hình thức bồi thường tương đối ngang bằng khi thu hồi đất thực hiện các dự án.
(ii) Bồi thường bằng tiền khi không có đất bồi thường: Một thực tế, quỹ đất ngày càng thu hẹp thì áp dụng hình thức thứ nhất không đáp ứng được cho các chủ thể có quyền sử dụng đất bị thu hồi. Một số trường hợp người sử dụng đất là tổ chức cấp đất để xây dựng trụ sở cơ quan, tổ chức bảo đảm điều kiện hoạt động.
Giá đất để tính bồi thường theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân ban hành định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ[2].
Những quy định trên đã tạo hành lang pháp lý cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn phát sinh vướng mắc, bộc lộ những bất cập cần phải xem xét đối với một số quy định mà những nhà hoạch định chính sách chưa hình dung khi ban hành văn bản.
1.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật bồi thường khi thu hồi đất
Một là, về thủ tục hành chính: Hiện nay, chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ thể, trong đó có hộ gia đình, cá nhân[3]. Hiện trạng chồng lấn giữa các nhóm đất, các loại đất; chồng lấn diện tích giữa các hộ gia đình với nhau hoặc giữa các hộ, cá nhân với đất công[4]; việc lấn, chiếm, chuyển mục đích trái phép vẫn diễn ra trong đời sống sản xuất của người dân.
Nhiều trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phản ánh diện tích đất chưa đúng, như đất khai hoang, đất ở của các hộ gia đình chưa có điều kiện xây dựng nhà… Đối với những tỉnh miền núi diện tích đất của cá nhân, hộ gia đình chồng lấn với đất rừng… dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề khi xác định mục đích làm cơ sở bồi thường chưa sát.
Hai là, về ban hành văn bản pháp luật: Qua thực tiễn việc ban hành văn bản kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất tính ổn định không cao, hiện tượng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính tác động lớn đến thị trường đất đai. Khung pháp lý quản lý thị trường bất động sản chưa hoàn thiện. Thực trạng thị trường bất động sản cho thấy nhà nước chưa quản lý hữu hiệu[5], rất khó để xác định được giá đất cụ thể đã sát với giá đất thị trường[6],... Hiện trạng chung thị trường bất động sản đang giao dịch ở hình thức “trao tay”, dạng “tiền tươi thóc thật”,… như trao đổi vật phẩm trong đời sống sản xuất nông nghiệp.
Từ thực tế đó, Nhà nước chưa kiểm soát được nguồn thuế đối với hoạt động giao dịch bất động sản, có nghĩa là chưa kiểm soát được tiền lưu thông trong lĩnh vực này. Trong khi, giá đất thị trường bất động sản[7] là cơ sở áp dụng cho việc ban hành bảng giá đất, áp dụng các phương pháp định giá đất[8] “giá cụ thể để tính bồi thường về đất phải sát với giá thị trường”[9]. Để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất[10] thì phải xem xét cách thức thực hiện đối với nội dung này.
2. Một số điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)[11] và đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan
Luật Đất đai (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua. Trên cơ sở kế thừa và tiếp thu những kiến nghị đối với quy định bồi thường, dự thảo mở rộng hình thức bồi thường và quy định chặt chẽ hơn so với quy định của pháp luật hiện hành, như: Điều kiện sống nơi nhận bồi thường, hình thức nhận bồi thường, thời điểm tính giá bồi thường: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với người có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở”[12].
2.1. Một số điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Thứ nhất, mở rộng hình thức bồi thường bằng đất: Trên cơ sở kế thừa quy định: “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi”, thì Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng mở rộng hình thức bồi thường, đó là “được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở”. Điều này cho thấy hoạt động lập pháp trên cơ sở kế thừa, đã tiếp thu một phần những phản ánh các kiến nghị chính sách, bảo đảm tốt hơn quyền của người sử dụng đất. Quy định này khi áp dụng phải đáp ứng yêu cầu đồng thời “cần và đủ”: “Cần” là người thu hồi đất có nhu cầu, “đủ” là chính quyền có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở.
Thứ hai, mở rộng bồi thường bằng tiền: Nếu xem đất đai là tư liệu sản xuất, thì việc bồi thường bằng tiền mang tính chất hiện tại. Việc nhận một số tiền bồi thường tác động đến đời sống tức thì của người sử dụng đất, như: Mua sắm, xây nhà,… và một thực tế đang diễn ra nhiều trường hợp nhận tiền bồi thường một thời gian sau thì rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Ngoài hình thức chính là bồi thường bằng tiền, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng mở rộng lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền cho người sử dụng đất: “Trường hợp người có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng”. Do vậy, để đạt được các chính sách bồi thường hiệu quả, lâu dài, pháp luật cũng cần bổ sung cơ chế kiểm soát trong việc thực hiện.
2.2. Đối chiếu quy định của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) với quy định bồi thường tài sản
Trên cơ sở pháp luật hiện hành, một số ý kiến nghiên cứu liên quan đến vấn đề này cho rằng: Việc quy định bồi thường khi thu hồi đất rộng như Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay mới thỏa mãn một phần của người sử dụng đất. Có ý kiến cho rằng, việc bồi thường phải tính tất cả các thiệt hại cho chủ sử dụng đất.
- Thứ nhất, về pháp luật bồi thường. Pháp luật về bồi thường nói chung ở Việt Nam đang áp dụng theo hướng thiệt hại “đã xảy ra”. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”[13].
Thiệt hại ở đây là “thiệt hại thực tế” và nguyên tắc trong bồi thường là “bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Có thể hiểu là thực tế thiệt hại bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu, điều đó căn cứ vào sự chứng minh thiệt hại, lỗi… tùy vào tình huống pháp luật cụ thể, bồi thường có thể là: Tiền, vật chất, danh dự, nhân phẩm… Bên cạnh đó, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 điều chỉnh phạm vi bồi thường hẹp hơn, áp dụng trong thực thi công vụ của các chủ thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà nước.
Thứ hai, về tài sản hình thành trong tương lai. Theo pháp luật quy định tài sản hình thành trong tương lai gồm: “Tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành những chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”[14]. Áp dụng quy định tài sản hình thành trong tương lai “Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai”[15].
Hiện nay, đã có thông tư liên tịch hướng dẫn cách xác định tài sản hình thành trong tương lai[16]. Tuy nhiên, pháp luật bồi thường hiện hành chưa áp dụng bồi thường tài sản hình thành trong tương lai, đây là một nội dung cần hoàn thiện để điều chỉnh các quan hệ phát sinh, trong đó có việc thu hồi, bồi thường đất để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong thực hiện các dự án kinh tế - xã hội. Trong mỗi dự án cần xem xét từng trường hợp trong diện thu hồi đất. Ví dụ: Một gia đình sống bằng nông nghiệp thì đất đai có thể gọi là tư liệu, sinh kế theo nghĩa đen đích thực, khác với một gia đình tham gia lao động lĩnh vực khác không phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, cần nghiên cứu mở rộng hình thức bồi thường, cũng như áp dụng một số mô hình trong thực hiện thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Mở rộng bồi thường dưới hình thức thỏa thuận. Trong quan hệ pháp luật dân sự “thỏa thuận” luôn được đề cao[17], trên cơ sở pháp luật hiện hành, việc bồi thường cần có quy định mở để các bên trong quan hệ có thể thỏa thuận một số hình thức bồi thường đối với các dự án kinh tế - xã hội nhằm mang lại lợi ích lâu dài theo hướng “chia sẻ lợi ích” giữa các chủ thể.
Tiếp nhận người lao động. Với cơ cấu kinh tế, điều kiện sản xuất hiện nay, thì giải pháp này bảo đảm sinh kế lâu dài bền vững cho người có quyền sử dụng đất. Đây là một hướng đi cần nghiên cứu áp dụng trong các dự án quy mô lớn tại các tỉnh đồng bằng và khu vực miền núi. Nhưng yêu cầu đặt ra khi áp dụng giải pháp này là phải đào tạo đúng nghề và tầm nhìn dài hạn để bảo đảm sinh kế lâu dài trong điều kiện chuyển dịch lao động.
Cùng tham gia quản lý khi dự án hình thành. Đây là giải pháp áp dụng khi nhà đầu tư chịu trách nhiệm về vốn, khoa học kỹ thuật và các yếu tố thuận lợi khác; người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tham gia quản lý. Khi áp dụng giải pháp, chủ đầu tư có vai trò quyết định trong việc dẫn dắt nguồn vốn và các điều kiện thuận lợi trong lĩnh vực đầu tư mà chủ thể quyền sử dụng đất chưa có điều kiện tiếp cận. Đối với giải pháp này, người sử dụng đất có thể tiếp thu nhiều điều kiện thuận lợi, về khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm đối với lao động cấp cao. Điểm thuận lợi của giải pháp này các bên trong dự án có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tương hỗ cho nhau cùng phát triển.
Chia sẻ lợi nhuận. Đây là giải pháp đòi hỏi các bên cần xem xét kỹ các vấn đề, tình huống phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn hoạt động có thể hình thành dưới dạng cổ phần, cổ phiếu hoặc một hình thức chia giá trị theo quy định pháp luật[18]. Trong thực tế giải pháp này không dễ thực hiện, xuất phát từ mục đích của nhà đầu tư là lợi nhuận tối đa, tư tưởng thôn tính của các bên trong quan hệ kinh doanh.
Thỏa thuận khác với người sử dụng đất. Thực tế, giải pháp này đang áp dụng ở những địa phương diện tích đất rộng, đối với các dự án năng lượng tái tạo[19] đầu tư với quy mô sử dụng diện tích đất lớn. Thỏa thuận có nhiều dạng, như: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đổi đất lấy điều kiện kinh doanh, thỏa thuận một điều kiện làm vật ngang giá, người có diện tích đất bị thu hồi chọn đất nông nghiệp làm trang trại, nơi ở… Phương thức thỏa thuận mở rộng theo hướng có thể chọn nơi ở khác địa phương có quỹ đất thuận lợi hơn, như: Ở đồng bằng chọn đất vùng miền núi làm trang trại có thể giải quyết được nhiều mục đích trong thực hiện chính sách.
Khi một chính sách thực hiện đồng đều thì các chủ thể tự nuôi sống bản thân, sau đó mới tính đến đóng góp cho Nhà nước và tham gia các hoạt động phúc lợi, mong ước khác cùng Nhà nước, cũng là giúp Nhà nước giảm chi cho các chính sách an sinh.
Hai là, áp dụng mô hình trong thực hiện các dự án. Trong quan hệ pháp luật[20], Nhà nước là chủ thể ban hành pháp luật, là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai[21]. Để bảo đảm việc quản lý nhà nước ban hành các quy định về bồi thường, bảng giá đất[22]… và điều tiết khi cần thiết, nhưng Nhà nước cũng là người sử dụng đất.
Về lý thuyết, pháp luật đưa ra các quy định mang tính “quy phạm” điều chỉnh quan hệ pháp luật là đại lượng chung cho các đối tượng trong một phạm vi, do vậy, không thỏa mãn cho mọi chủ thể. Trong vòng tròn pháp luật, mỗi chủ thể quan hệ tương tác qua lại để đạt mục đích, như: Nhà nước tạo điều kiện môi trường cho các nhà đầu tưvà chủ thể khác hoạt động để bảo đảm nguồn thuế, công ăn việc làm, công nghệ, an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân; mục đích của nhà đầu tư là lợi nhuận, áp dụng khoa học,…; người có quyền sử dụng đất bị thu hồi hướng tới: Thu nhập, đóng thuế, an sinh xã hội, bảo tồn văn hóa… Điểm chung các chủ thể hướng tới: Thuế, an sinh xã hội, trật tự xã hội, bảo tồn văn hóa… Khi một bên trong quan hệ “cho rằng” quyền lợi hợp pháp của họ đã bị các chủ thể khác xâm phạm thì sẽ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Nhà quản lý cho rằng đã giải quyết trên cơ sở pháp luật; nhà đầu tư thì bảo vệ quyền lợi đã đầu tư theo quy định của pháp luật; chủ thể quyền sử dụng đất căn cứ trên cơ sở pháp luật cho rằng quyền lợi bị xâm phạm. Điểm chung các chủ thể đều dựa vào pháp luật, viện dẫn các quy định để bảo vệ quyền lợi của mình. Ở góc độ xã hội, đây là biểu hiện của trình độ dân trí cao, đó là điều đáng mừng vì pháp luật đã được áp dụng vào thực tiễn.
Trên cơ sở pháp luật, trong tình hình hiện nay, để bảo đảm quyền lợi của các bên, cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh trong thực hiện các dự án, như: Đối với các dự án kinh tế - xã hội liên quan đến thu hồi, bồi thường đất có thể áp dụng mô hình “tam giác cân”. Trong đó, có sự tham gia của 03 chủ thể cơ bản trong dự án: Nhà quản lý (nhà nước), nhà đầu tư và người sử dụng đất (nhiều trường hợp là nhà nước) có các quyền và nghĩa vụ tương ứng. Mô hình gần như là tổ chức công đoàn trong thực hiện dự án để giải quyết các vấn đề liên quan, trong đó, Nhà nước đóng vai trò bảo vệ và điều tiết lợi ích giữa các chủ thể trong từng dự án. Trong trường hợp cần thiết mô hình này kiến nghị nhà nước áp dụng các giải pháp cần thiết.
3. Một số giải pháp khi thực hiện thu hồi, bồi thường đất trong tổ chức thực hiện Luật Đất đai
Thứ nhất, đối với nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chính sách đất đai quan trọng trong đời sống của người dân, có nơi là sinh kế, quyền sử dụng đất là tài sản… để bảo đảm quyền lợi cho các bên và lợi ích lâu dài cho dự án, trong đó có Nhà nước. Trong các dự án kinh tế - xã hội cần hướng tới chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các chủ thể, ít nhất là trong một giai đoạn phát triển của xã hội. Trên cơ sở pháp luật, việc bồi thường khi thu hồi đất cần mở rộng xác định thiệt hại theo hướng tạo điều kiện cho các bên trong quan hệ pháp luật được “thỏa thuận”. Do vậy, dự thảo luật cần bổ sung quy định “dạng mở” như: “Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội các bên có thể thỏa thuận theo quy định pháp luật đất đai và quy định khác có liên quan”.
Thứ hai, xây dựng hoàn thiện pháp luật. Khái niệm tài sản hình thành trong tương lai đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, trong thực tiễn đã có văn bản hướng dẫn để xác định đối với tài sản bảo đảm. Trong điều kiện kinh tế hội nhập, để đáp ứng điều kiện phát triển của xã hội, tạo cơ sở cho các bên xác định giá trị tài sản nói chung và các dự án nói riêng cần xem xét hoàn thiện chế định tài sản hình thành trong tương lai.
Khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính ổn định, lâu dài để xây dựng các chính sách liên quan. Cũng như có quy định chặt chẽ hơn, bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát có chất lượng, hiệu quả trong thực hiện.
Thứ ba, trong tổ chức thực hiện. Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, việc cấp giấy chứng nhận cần được đẩy nhanh để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm quyền tài sản mà pháp luật quy định, là cơ sở để thực hiện bồi thường khi đất bị thu hồi.
Nhà nước xem xét ban hành quy định những mô hình mang tính chỉ dẫn trong thực hiện các dự án, để các bên trong quan hệ lựa chọn áp dụng cho phù hợp, như mô hình “Tam giác cân” cũng là một giải pháp giảm áp lực cho các cơ quan nhà nước trong giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến dự án.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế kiểm soát thị trường bất động sản. Việc kiểm soát tốt thị trường bất động sản, trong đó có giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất là phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, như: Ban hành văn bản; kiểm soát thuế; đánh giá xu hướng các nhà đầu tư trong nền kinh tế để có biện pháp điều tiết tốt hơn,… Phát triển kinh tế - xã hội cần nhiều nguồn lực đặt trong mối tương quan với nhau, khi kiểm soát giao dịch thị trường bất động sản cho thấy nhiều yếu tố liên quan đang trong quá trình hoàn thiện./.
ThS. Trần Đức Thú
Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai
[1] Điều 10 Luật Đất đai năm 2013.
[2] Điều 114 Luật Đất đai năm 2013.
[3] Nghị quyết số 230/NQ-HĐND, ngày 09/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về kết quả giám sát tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh.
[4] Nghị quyết số 100/NQ-HĐND, ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 45/NQ-HĐND, ngày 10/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai điều chỉnh Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai.
[5] Mạnh tay xử lý mua bán nhà hai giá, Bộ Tài chính gửi văn bản “nóng” đến các tỉnh. https://vietnamnet.vn/manh-tay-mua-ban-nha-hai-gia-bo-tai-chinh-gui-van-ban-nong-den-cac-tinh-2014348.html, truy cập ngày 14/9/2023.
[6] Trốn thuế kinh doanh bất động sản: Ngành thuế bị qua mặt?, https://vietnamnet.vn/tron-thue-kinh-doanh-bat-dong-san-nganh-thue-bi-qua-mat-754299.html, truy cập ngày 14/9/2023.
[7] TP. Hồ Chí Minh ‘lúng túng’ định giá đất, doanh nghiệp chờ hơn nửa thập kỷ, https://vietnamnet.vn/tp-hcm-lung-tung-khi-lay-gia-giao-dich-thi-truong-de-dinh-gia-dat-2115752.html, truy cập ngày 14/9/2023.
[8] Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ về giá đất.
[9] Khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013.
[10] 'Thu hồi đất đừng để người dân nhận bồi thường giá bèo', https://vietnamnet.vn/thu-hoi-dat-dung-de-nguoi-dan-nhan-boi-thuong-gia-beo-2117626.html, truy cập ngày 14/9/2023.
[11] Thời điểm: Dự thảo ngày 06/6/2023, tài liệu phục vụ kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.
[12] Điều 90 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
[13] Khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[14] Khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[15] Khoản 3 Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[16] Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN, ngày 06/06/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.
[17] Điêu 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[18] Tránh trường hợp bị thôn tính: Công ty Coca cola Việt Nam là một ví dụ pháp lý về góp vốn thường được đề cập trong một số chương trình đào tạo Luật Kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam trước nguy cơ bị nước ngoài thôn tính, http://sct.khanhhoa.gov.vn/chi-tiet-tin/id/296/Doanh-nghiep-Viet-Nam-truoc-nguy-co-bi-nuoc-ngoai-thon-tinh, truy cập ngày14/9/2023.
[19] Đền bù tại các dự án điện gió đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, https://baogialai.com.vn/den-bu-tai-cac-du-an-dien-gio-dam-bao-hai-hoa-loi-ich-nguoi-dan-doanh-nghiep-post121538.html, try cập ngày 14/9/2023; Xung đột nảy lửa trong đền bù các dự án điện gió tại Gia Lai,https://nongnghiep.vn/xung-dot-nay-lua-trong-den-bu-cac-du-an-dien-gio-tai-gia-lai-d303697.html, truy cập ngày 14/9/2023.
[20] Điều 97 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[21] Điều 53 Hiến pháp năm 2013.
[22] Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giá đất là vấn đề khó nhất, cần quy định để vận hành trong thực tế
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-gia-dat-la-van-de-kho-nhat-can-quy-dinh-de-van-hanh-trong-thuc-te-706067, truy cập ngày 14/9/2023.