1. Thực trạng hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Viện kiểm sát nhân dân các cấp vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, cụ thể:
(i) Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong nhiều trường hợp còn chưa chặt chẽ, số tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản chậm được xử lý dẫn đến khiếu kiện vượt cấp còn xảy ra. Ở một số đơn vị cấp huyện đôi khi còn thụ động trong việc nắm và xử lý nguồn tin về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản chủ yếu do các cơ quan công an tiếp nhận. Nhiều trường hợp tội phạm xảy ra một thời gian dài, bị hại tự tìm cách đòi lại tài sản, khi không đòi được thì mới tố giác với cơ quan điều tra. Do đó, việc kiểm tra xác minh gặp khó khăn, thực tế đã có trường hợp cơ quan điều tra không thông báo sang Viện kiểm sát; tình trạng quá hạn kiểm tra xác minh tin báo, tố giác tội phạm này còn nhiều. Thậm chí, có trường hợp dân sự hóa các vụ án hình sự và ngược lại.
(ii) Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn trong điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Viện kiểm sát nhân dân trong nhiều trường hợp còn chưa được thực hiện tốt. Có trường hợp cần bắt để tạm giam bị can ngay để phục vụ điều tra thì Viện kiểm sát đã chậm trễ trong việc ra quyết định phê chuẩn dẫn đến bị can bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu chứng cứ, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra. Ngược lại, có trường hợp không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam bị can, nhưng kiểm sát viên chưa phát hiện và yêu cầu thay đổi biện pháp nhăn chặn cho bị can…
(iii) Quá trình thực hiện thao tác nghề nghiệp, trong nhiều trường hợp kiểm sát viên còn sai sót, vi phạm. Khi nghiên cứu hồ sơ, các kiểm sát viên thường chỉ chú trọng đến những chứng cứ buộc tội, vội thỏa mãn với những lời nhận tội của bị can mà chưa chú ý yêu cầu cơ quan điều tra thu thập chứng cứ gỡ tội cho bị can, chưa phát hiện và yêu cầu làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của bị can và những người tham gia tố tụng khác, so sánh với các loại nguồn chứng cứ khác. Việc nghiên cứu hồ sơ, xét đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, tạm giam bị can hoặc gia hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều trường hợp còn chưa sát sao, thực hiện qua loa dẫn đến việc áp dụng chưa chính xác, có trường hợp Viện kiểm sát chậm đề xuất phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam dẫn đến bị can bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra. Ngược lại, có trường hợp kiểm sát viên thiếu thận trọng, chưa xem xét kỹ các chứng cứ, vội vàng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam… dẫn đến oan sai.
(iv) Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều kiểm sát viên không theo sát tiến độ điều tra, chưa kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, còn để xảy ra những sai sót, vi phạm. Trong nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có những mâu thuẫn chưa được làm rõ, nhưng kiểm sát viên không phát hiện và yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ dẫn đến vụ án bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, thậm chí có trường hợp trả lại lần 2 và có tường hợp phải hủy án để điều tra lại, làm cho vụ án bị kéo dài và đi vào bế tắc.
(v) Mặc dù trong thời gian qua đã có sự phối hợp giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, ở nhiều cơ quan, địa phương, sự phối hợp này vẫn chưa thực sự ăn khớp, chưa thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong quá trình giải quyết vụ án. Đặc biệt trong một số vụ án phức tạp mà quan điểm về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh có sự khác nhau giữa cơ quan điều tra với Viện kiểm sát. Trong một số vụ án khi cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra nhưng không thông báo cho Viện kiểm sát (đặc biệt là trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực, các quy định về việc cơ quan điều tra phải thông báo cho Viện kiểm sát chưa được chặt chẽ), nhiều trường hợp cơ quan điều tra thông báo những kiểm sát viên chưa tích cực, chủ động có mặt để kiểm sát điều tra.
(vi) Trong quá trình điều tra có trường hợp cơ quan điều tra chưa kịp thời cung cấp các thông tin, tài liệu chứng cứ cho Viện kiểm sát, dẫn đến việc Viện kiểm sát khó khăn trong việc ra các quyết định tố tụng, bị động trong việc xử lý thông tin, chậm trễ trong việc phê chuẩn.
(vii) Công tác kiểm sát hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra còn thiếu chặt chẽ, nhiều hồ sơ còn sơ sài, thiếu chứng cứ, sắp xếp chưa khoa học, các tài liệu trong hồ sơ còn mâu thuẫn, thậm chí có trường hợp các tài liệu trong hồ sơ vụ án chưa đảm bảo tính hợp pháp như: Biên bản chưa đầy đủ chữ ký của các thành phần tham gia; biên bản không ghi rõ ngày giờ tiến hành, thậm chí có trường hợp các biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị can bị trùng ngày giờ nhưng không được kiểm sát viên phát hiện…
Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới có xu hướng vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, hậu quả thiệt hại của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ ngày càng lớn. Có thể thấy, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều những khó khăn, đòi hỏi các chủ thể tiến hành phải hết sức cố gắng, nỗ lực và không ngừng nâng cao trình độ để nâng cao hiệu quả hoạt động này.
2. Một số giải pháp để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới
Một là, sắp xếp cán bộ cho phù hợp theo hướng chuyên môn sâu, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói chung và vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng
Giải pháp bổ sung biên chế và nâng cao chất lượng của đội ngũ kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn cho thấy, biên chế của Viện kiểm sát nhân dân các cấp nói chung và của lực lượng kiểm sát án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng hiện nay rất mỏng, trong khi đó, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 70.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có khoảng 2.700 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, số lượng kiểm sát viên hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói chung và vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Mặt khác, hiện nay chưa có lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một kiểm sát viên cùng lúc có thể phải thụ lý nhiều vụ án. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới thì việc đầu tiên là sắp xếp cán bộ cho phù hợp và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói chung và vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Hai là, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, chủ động đưa ra các yêu cầu điều tra có chất lượng trong quá trình kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngay khi vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được khởi tố, kiểm sát viên phải nghiên cứu xây dựng bản yêu cầu điều tra, kế hoạch kiểm sát điều tra vụ án. Bản yêu cầu điều tra vụ án phải thật chi tiết, cụ thể như việc hỏi cung bị can, lấy lời khai bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi liên quan đến vụ án, khám xét, thu giữ vật chứng… Đồng thời, kiểm sát viên phối hợp trao đổi với điều tra viên dự kiến thời gian phải hoàn thành các yêu cầu điều tra. Tùy thuộc vào tình hình diễn biến của vụ án, kiểm sát viên và điều tra viên phối hợp bàn bạc, đánh giá chứng cứ, tiếp tục dự kiến các biện pháp điều tra và các yêu cầu điều tra tiếp theo.
Để tiếp tục đưa ra được các yêu cầu điều tra trong giai đoạn điều tra tiếp theo, kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ bao gồm: Lời khai của bị can, bị hại, người làm chứng, kết luận giám định và giấy tờ tài liệu có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến nội dung của vụ án, từ đó xác định những nội dung mới cần yêu cầu điều tra. Đồng thời, kiểm sát viên cần trao đổi với điều tra viên về những nội dung được đề cập trong yêu cầu điều tra để tránh lặp lại những nội dung đã yêu cầu trước đó hoặc đã có trong kế hoạch điều tra của điều tra viên.
Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kiểm sát viên phải thực sự đồng hành với cơ quan điều tra, với điều tra viên để luôn bám sát tiến độ và kết quả điều tra, nắm chắc tình trạng hồ sơ vụ án, kịp thời phát hiện những thiếu sót, những mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án để kịp thời yêu cầu cơ quan điều tra, điều tra viên làm sáng tỏ. Đối với trường hợp đã yêu cầu điều tra mà qua kiểm tra phát hiện điều tra viên vẫn chưa thực hiện thì yêu cầu cơ quan điều tra, điều tra viên giải thích rõ nguyên nhân chưa thực hiện các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, phối hợp cơ quan điều tra giải quyết triệt để các mâu thuẫn có trong hồ sơ, tránh để xảy ra vi phạm tố tụng hoặc dẫn đến bị trả hồ sơ.
Khi kiểm sát hồ sơ vụ án, kiểm sát viên cần chú ý đến những sai sót thường gặp như: Biên bản ghi lời khai, biên bản thu giữ, niêm phong vật chứng... để phát hiện có viết sai ngày, tháng, năm hoặc có mâu thuẫn về thời gian, mẫu thuẫn về nội dung giữa các tài liệu, thành phần tham gia hay không… Khi phát hiện sai xót, mâu thuẫn yêu cầu điều tra được đưa ra phải chỉ rõ thiếu hoặc chưa thực hiện đúng và đầy đủ thủ tục tố tụng nào, cụ thể ở trang tài liệu nào, bút lục số bao nhiêu, phương pháp, cách thức khắc phục như thế nào.
Ba là, bồi dưỡng kỹ năng của kiểm sát viên khi kiểm sát việc lập hồ sơ điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của điều tra viên
Phạm vi kiểm sát việc lập hồ sơ điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định từ khi cơ quan điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kiến nghị khởi tố, kết thúc khi Viện kiểm sát nhân dân tiếp nhận hồ sơ kết thúc điều tra nghị truy tố bị can hoặc quyết định đình chỉ điều tra.
Từ kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong thời gian qua là do còn thiếu chứng cứ quan trọng của vụ án; do những sai sót trong quá trình điều tra như có biên bản điều tra bị gạch, xóa mà thiếu chữ ký của người tham gia tố tụng; có biên bản bị trùng lặp về thời gian… những quá trình kiểm sát việc lập hồ sơ điều tra vụ án kiểm sát viên chưa phát hiện ra. Chính vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần phải bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kiểm sát việc lập hồ sơ điều tra vụ án của kiểm sát viên, trong đó cần chú trọng những nội dung sau:
(i) Kiểm sát về hình thức của hồ sơ điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(ii) Kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ vụ án của điều tra viên đảm bảo hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thiết lập một cách hợp pháp, đầy đủ, chính xác, toàn diện theo đúng tiến độ giải quyết vụ án.
(iii) Khi kiểm sát viên lập hồ sơ vụ án, nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát viên phát hiện được các vấn đề cần điều tra hoặc khi xem xét phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra, nếu thấy cần thiết, kiểm sát viên yêu cầu điều tra viên cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ.
(iv) Kiểm sát viên được phân công thụ lý kiểm sát vụ án cần tích cực tham gia vào các hoạt động điều tra và tích cực tiến hành một số hoạt động điều tra...
(v) Kiểm sát viên phải kiểm sát các biên bản giao nhận các quyết định, lệnh, thông báo cho người tham gia tố tụng trong vụ án nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan điều tra trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nâng cao nhận thức của kiểm sát viên, điều tra viên về tầm quan trọng của mối quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan, cũng như nhận thức đúng đắn, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan về mối quan hệ phối hợp đó. Mỗi kiểm sát viên, điều tra viên phải có tinh thần tự giác, tích cực, chủ động trong việc trao đổi thông tin, tài liệu về vụ án, những khó khăn, vướng vắc trong vụ án cần tập trung để giải quyết...
Cần ban hành quy chế phối hợp nhằm thực hiện thống nhất giữa các ngành, các cấp, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị trong hoạt động tố tụng giải quyết án hình sự, đặc biệt là đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn, phức tạp, những vụ án cần điều tra, truy tố, xét xử nhanh hoặc xét xử lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, những vụ án cần tiến hành theo thủ tục rút gọn.
Quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với cơ quan điều tra là mối quan hệ quan trọng hàng đầu, xuyên suốt trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, cơ quan điều tra cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đi sâu, đi sát vào các băng nhóm tội phạm để tìm hiểu, nắm bắt thông tin, qua đó có biện pháp đấu tranh kịp thời, phù hợp. Tăng cường công tác quản lý khu vực, địa bàn, phát động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, tự giác giúp đỡ cơ quan điều tra trong giải quyết vụ án nhất là trong việc tố giác tội phạm. Mặt khác, giữa Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan điều tra cần xây dựng Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra trong việc giải quyết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các nội dung cụ thể về chế độ thông tin báo cáo; hình thức phối hợp trong từng hoạt động cụ thể; trách nhiệm cụ thể của những người đứng đầu hai đơn vị trong quá trình phối hợp giải quyết án; chế tài cụ thể đối với các chủ thể trực tiếp tiến hành quan hệ phối hợp khi không tuân thủ các quy định về phối hợp.
Năm là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói chung và vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng
Trước yêu cầu của sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, kiểm sát viên, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa cho Ngành Kiểm sát, bảo đảm cho các Viện kiểm sát nhân dân có đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, cần trang bị hệ thống máy móc phục vụ công tác lưu giữ thông tin như: Máy tính, máy in, máy photocopy, máy scan; máy chiếu; các phần mềm chuyển đổi, cắt ghép file word, PDF, ảnh, video, âm thanh… phục vụ công tác số hóa hồ sơ. Việc số hóa hồ sơ sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu trữ, tiết kiệm diện tích lưu trữ và chi phí lưu trữ và phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành như việc lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện kiểm sát dễ dàng tiếp cận hồ sơ. Các trang thiết bị phục vụ việc kiểm tra, đánh giá tài liệu, chứng cứ để ra các quyết định tố tụng được chính xác.
- Về phương tiện giao thông và phương tiện thông tin liên lạc: Trang bị thêm xe công cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đặc biệt là các đơn vị cấp huyện, trang bị thêm xe máy công cho cán bộ, kiểm sát viên phục vụ việc đi lại công tác. Trang bị thêm các phương tiện thông tin liên lạc như điện thoại, máy fax…
- Về cơ sở vật chất: Đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc cho các đơn vị, nhất là việc xây dựng thiết kế điển hình đối với việc xây dựng trụ sở làm việc của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk