Tóm tắt: Bài viết đề cập đến vấn đề kết hợp giữa giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ ở các sư đoàn bộ binh nhằm hình thành ý thức pháp luật, nhân cách đạo đức, hành vi xử sự của hạ sỹ quan, chiến sỹ ở các sư đoàn bộ binh đáp ứng cao nhất yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Abstract: The article deals with the problem of combining legal education with ethical education for non-commissioned officers and soldiers in infantry divisions to form legal awareness, ethical personality and behavior of the non-commissioned officers and soldiers in the infantry divisions to meet the highest requirements of the task of building and defending the Socialist Republic of Vietnam.
Giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, được quy định khách quan bởi mối quan hệ hữu cơ giữa pháp luật và đạo đức. Trước khi Nhà nước và pháp luật ra đời, xã hội đã được điều chỉnh bằng các quy phạm đạo đức. Khi pháp luật trở thành phương tiện chủ yếu để Nhà nước quản lý xã hội, thì đạo đức vẫn giữ một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong điều chỉnh hành vi con người. Nếu pháp luật chỉ đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước thôi thì khó đi vào cuộc sống. Chính đạo đức và các quy phạm xã hội khác giúp cho pháp luật không chỉ thực hiện nghiêm túc mà còn thực hiện một cách tự giác, tự nguyện. Nhưng pháp luật không chỉ dựa vào đạo đức để đi vào đời sống xã hội, mà pháp luật còn là một trong những phương tiện để Nhà nước đưa các quan điểm, quan niệm đạo đức của giai cấp thống trị thành các quy phạm đạo đức chính thống trong xã hội; đây là sự chuyển hóa các quy phạm đạo đức thành quy phạm pháp luật. Các quy phạm pháp luật tiến bộ đều có sự phù hợp với đạo đức. Pháp luật càng phù hợp với đạo đức thì hiệu quả điều chỉnh càng cao.
Hạ sỹ quan, chiến sỹ ở các sư đoàn bộ binh trong Quân đội là lực lượng đông đảo tạo nên sức mạnh chiến đấu của sư đoàn. Sự lãnh đạo, chỉ huy các cấp, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên đến công việc hằng ngày trong đơn vị do lực lượng đông đảo hạ sỹ quan, chiến sỹ thực hiện. Có thể nói, sự thành công hay thất bại trong thực hiện nhiệm vụ của sư đoàn chủ yếu cũng dựa vào lực lượng hạ sỹ quan, chiến sỹ này. Chính vì vậy, thông qua giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức để đưa quan điểm tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của hạ sỹ quan, chiến sỹ. Xây dựng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã xác định. Để hạ sỹ quan, chiến sỹ điều chỉnh những hành vi đúng đắn theo pháp luật, giải quyết hợp lý những vấn đề thực tiễn quân sự đặt ra. Xây dựng cho hạ sỹ quan, chiến sỹ nhân cách quân nhân, niềm tự hào và trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ ở các sư đoàn bộ binh trong Quân đội là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục ở đơn vị. Cùng với những kiến thức đã có những hiểu biết về pháp luật và giá trị đạo đức mà hạ sỹ quan, chiến sỹ lĩnh hội trong quá trình giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng là một trong những điều kiện quan trọng để hình thành phát triển toàn diện nhân cách của chính họ. Trong những năm qua, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật gắn với giáo dục đạo đức trong các sư đoàn bộ binh được quan tâm đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp và đã đạt được những kết quả đáng kể. Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: Trong quá trình giáo dục, truyền thụ kiến thức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ vẫn còn chung chung, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ, chưa thành hệ thống vững chắc. Nặng về truyền đạt nội dung chứ chưa chú trọng kết hợp với định hướng kỹ năng sống theo pháp luật cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Các điều kiện bảo đảm thực hiện giáo dục cho hạ sỹ quan, chiến sỹ còn nhiều bất cập. Do đó, chất lượng giáo dục pháp luật còn thấp, tình trạng xuống cấp về đạo đức, vi phạm pháp luật của hạ sỹ quan, chiến sỹ còn xảy ra nhiều, thậm chí có vụ việc nghiêm trọng. Vì vậy, việc kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ ở các sư đoàn bộ binh là rất cần thiết; cần tập trung vào một số nội dung yêu cầu cơ bản sau:
Một là, kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức phải hướng đến việc hình thành kỹ năng sống theo pháp luật cho hạ sỹ quan, chiến sỹ
Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ suy đến cùng là để nâng cao nhận thức, tình cảm, thái độ pháp luật đúng đắn; sự hiểu biết về những chuẩn mực đạo đức, tình cảm, những tri thức mới phải được hiện thực hóa thành những hành vi tích cực. Đây chính là một mặt của quá trình giáo dục thống nhất mà nếu thiếu nó hoạt động giáo dục trở nên đơn điệu. Vì vậy, kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức phải hướng đến việc hình thành kỹ năng sống cho hạ sỹ quan, chiến sỹ ở các sư đoàn bộ binh trong Quân đội hiện nay.
Quan điểm “học” trong lịch sử giáo dục Việt Nam là “học” để làm người, nghĩa là để biết ứng xử với đời, được coi như là một mục tiêu quan trọng trong giáo dục hiện nay. Đảng ta xác định: “Tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”[1]. Cho nên, giáo dục pháp luật không chỉ cung cấp cho hạ sỹ quan, chiến sỹ kiến thức, thái độ pháp luật cần thiết để hình thành những kỹ năng pháp luật cơ bản phù hợp với môi trường Quân đội và đời sống xã hội. Kỹ năng sống theo pháp luật được hiểu là những hành vi sống và thực hiện theo pháp luật một cách đúng đắn, là kết quả tổng hợp của tri thức pháp luật, tình cảm, niềm tin pháp luật, ý chí, thái độ thực hiện đúng theo pháp luật được thể hiện bằng hành vi thực hiện pháp luật tự giác, tích cực, hợp lý. Nếu có kỹ năng sống theo pháp luật sẽ giúp hạ sỹ quan, chiến sỹ thực hiện đầy đủ các chức trách, nhiệm vụ của mình, đáp ứng, thích nghi, giải quyết có hiệu quả những yêu cầu, thách thức, đòi hỏi của cuộc sống thực tiễn pháp luật trong môi trường quân sự. Kỹ năng sống theo pháp luật được hình thành, củng cố qua quá trình thực hành trải nghiệm của hạ sỹ quan, chiến sỹ trong Quân đội.
Giáo dục kỹ năng sống theo pháp luật với mục tiêu là nhằm nâng cao trách nhiệm của hạ sỹ quan, chiến sỹ trong việc lựa chọn những hành vi pháp luật lành mạnh, biết từ chối những hành vi pháp luật không đúng tiêu cực. Hạ sỹ quan, chiến sỹ ngày nay phải đối mặt với nhiều tác động từ các tệ nạn xã hội. Sự bùng nổ của khoa học công nghệ thông tin hiện nay cũng tác động đến hạ sỹ quan, chiến sỹ với những tốt, xấu khác nhau.
Có được kỹ năng sống theo pháp luật, hạ sỹ quan, chiến sỹ sẽ biết nhìn nhận chính mình, muốn làm gì, với mục đích như thế nào trong cuộc sống, hoạt động quân sự; biết đặt mình trong mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, đồng thời có sự lựa chọn để quyết định đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đưa đến. Để có được khả năng này, hạ sỹ quan, chiến sỹ được trang bị các kỹ năng như: Kỹ năng nhận biết bản thân, thông cảm với người khác, suy nghĩ sáng tạo, giao tiếp hiệu quả, giải quyết vấn đề, ra quyết định, ứng phó với cảm xúc và hóa giải stress... Hình thành kỹ năng sống theo pháp luật của hạ sỹ quan, chiến sỹ chỉ thành công với nhà giáo dục khi biết suy nghĩ, hành động một cách tích cực, tự giác tuân thủ theo pháp luật. Hạ sỹ quan, chiến sỹ phải chủ động phát huy tính tích cực chủ quan của chính họ mới biến nhận thức pháp luật thành hành động theo pháp luật đúng đắn. Nền tảng giáo dục kỹ năng sống theo pháp luật là ý thức về giá trị bản thân để hạ sỹ quan, chiến sỹ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao trong môi trường hoạt động quân sự.
Hai là, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức chung cho hạ sỹ quan, chiến sỹ với hoạt động giáo dục cá biệt riêng
Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức dù tiến hành dưới hình thức nào đi chăng nữa thì đối tượng tác động là hạ sỹ quan, chiến sỹ vẫn là những con người cụ thể. Hiện nay, ở các đơn vị cơ sở còn tồn tại một sôsố hạ sỹ quan, chiến sỹ có những tính cách, biểu hiện khác biệt mà ta gọi là “hạ sỹ quan, chiến sỹ cá biệt”. Đây là những hạ sỹ quan, chiến sỹ đã phát triển bình thường về thể chất, trí tuệ, nhưng ít tiếp thu từ người khác, khó giáo dục, thường vi phạm quy định đơn vị, kỷ luật Quân đội. Việc kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ cá biệt phải được tiến hành trong mối quan hệ với cái chung nhưng phải chú ý đến hoạt động giáo dục riêng biệt với đối tượng này.
Giáo dục cá biệt là những tác động của chủ thể giáo dục theo nội dung, hình thức, phương pháp riêng phù hợp với “hạ sỹ quan, chiến sỹ cá biệt” nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, loại trừ những hành vi tiêu cực có thể dẫn đến vi phạm quy định đơn vị, kỷ luật Quân đội, hay các chuẩn mực đạo đức khác, nhằm tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của riêng nhóm đối tượng này theo hướng tích cực. Giáo dục cá biệt với mục đích là nhằm phục vụ cho công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, loại trừ những nhận thức lệch lạc về lối sống; giúp cho hạ sỹ quan, chiến sỹ nhận ra sai lầm và tự giác sửa chữa; đồng thời tạo ra môi trường lành mạnh cho quá trình phát triển nhân cách quân nhân trong đơn vị.
Giáo dục cá biệt đòi hỏi phải xác định được tính chất, mức độ sai phạm của từng hạ sỹ quan, chiến sỹ cụ thể, tránh định kiến, phải giáo dục bằng tình cảm yêu thương chân thành, sự cảm thông tôn trọng danh dự, nhân phẩm con người. Song bên cạnh đó, giáo dục cá biệt đòi hỏi chủ thể giáo dục phải tìm hiểu cá tính, trình độ nhận thức pháp luật và đạo đức, hoàn cảnh gia đình, quan hệ bạn bè của hạ sỹ quan, chiến sỹ để lựa chọn phương pháp tác động thích hợp nhằm đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, thuộc đối tượng “cá biệt” nên những hạ sỹ quan, chiến sỹ này dễ bị “tiêm nhiễm” thói hư tật xấu, bị lôi kéo kích động vào việc thực hiện những hành vi tiêu cực sai trái khác. Do vậy, giáo dục cá biệt càng phải được tiến hành trong mối quan hệ chặt chẽ với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức khác trong các đơn vị Quân đội.
Cần có sự phối kết hợp giữa đơn vị Quân đội, địa phương xã hội, gia đình để giáo dục cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Hoặc quy định ràng buộc về mặt trách nhiệm trong việc phối hợp giữa các chủ thể để giáo dục cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Do vậy, yêu cầu hạ sỹ quan, chiến sỹ ở các sư đoàn bộ binh hiện nay cần có sự phối hợp giữa đơn vị Quân đội, địa phương xã hội, gia đình để giáo dục cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Yêu cầu trên thực tế việc thực hiện sự phối kết hợp này liên tục, thường xuyên và chặt chẽ; trong đó gia đình, địa phương xã hội là cơ sở cầu nối nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Còn các đơn vị Quân đội sẽ quyết định đến việc hình thành và phát triển chất lượng giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, hoàn thiện nhân cách của hạ sỹ quan, chiến sỹ.
Ba là, thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo cần thiết để kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ
Giáo dục pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức có hiệu quả đòi hỏi yêu cầu tập trung vào một số vấn đề sau: Yêu cầu nội dung kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ; xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các chủ thể tham gia vào quá trình kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Từ đó, bảo đảm tính thống nhất kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ từ đơn vị Quân đội đến địa phương xã hội và gia đình. Mối quan hệ phối hợp giữa các chủ thể trên cơ sở tinh thần trách nhiệm và sự phân công rõ ràng về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm; đồng thời phải xác định rõ nội dung cần phối hợp để bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong quá trình giáo dục.
Yêu cầu hình thức kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ: Bảo đảm việc phối kết hợp cũng như việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của từng chủ thể tham gia kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Công tác kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ được tiến hành theo những nội dung thống nhất cần xây dựng theo quy chế phối hợp công tác. Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ có hiệu quả cần phát huy vị trí, vai trò của từng chủ thể, tạo ra sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đấu tranh khắc phục hạn chế trong từng chủ thể, tránh tình trạng đùn đẩy hay trách nhiệm chưa cao, thực hiện một cách tự phát, không nhất quán trong quá trình giáo dục.
Yêu cầu các điều kiện bảo đảm cho công tác kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ có hiệu quả: Cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của cấp ủy Đảng, chỉ huy, tổ chức, lực lượng các cấp trong Quân đội trong kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Đồng thời phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, Quân đội, địa phương luôn là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả thành công của nhiệm vụ giáo dục. “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[2].
Bảo đảm các điều kiện vật chất để kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ: Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ là một bộ phận quan trọng trong xây dựng nhân cách người quân nhân toàn diện. Đây là một quá trình lâu dài và khó khăn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nghiêm túc cả về lý luận và thực tiễn, đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất. Thực tế cho thấy, nếu không có sự đầu tư thỏa đáng về vật chất thì hoạt động này sẽ không mang lại hiệu quả. Điều này xuất phát từ chỗ quá trình giáo dục bao giờ cũng có ba yếu tố quan trọng có sự tác động qua lại lẫn nhau: Chủ thể giáo dục, đối tượng giáo dục và điều kiện cơ sở vật chất. Trong đó, điều kiện giáo dục được hiểu như: Tài liệu học tập, phòng, lớp học, phương tiện giáo dục và nhiều mặt khác nữa. Nâng cao chất lượng giáo dục mà trọng tâm là giáo dục theo phương pháp mới nhưng nếu không có điều kiện bảo đảm thì không thể thực hiện được. Nếu ta bố trí lớp học cho hạ sỹ quan, chiến sỹ đông mà phòng học chật chội, các điều kiện bảo đảm khác kém chất lượng, không có máy tính, máy trình chiếu chẳng hạn, thì không thể áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại; dễ gây tâm lý mệt nhọc, nhàm chán cho hạ sỹ quan, chiến sỹ, dẫn tới bầu không khí thiếu say mê nhiệt tình trong giáo dục.
Bảo đảm tính trung thực, khách quan trong kiểm tra, đánh giá kết quả kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ: Sản phẩm của giáo dục không ai khác chính là con người với ý nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Những sai lầm trong giáo dục nếu không được phát hiện, sửa chữa kịp thời hoặc tuy được phát hiện nhưng đơn giản cho qua không sửa chữa sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Điều đó càng quan trọng hơn trong giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho hạ sỹ quan, chiến sỹ. Chỉ kiểm tra, đánh giá mới phát hiện kịp thời những sai sót, khuyết điểm, tìm ra được nguyên nhân, từ đó đưa ra biện pháp để khắc phục; phát hiện những điển hình tích cực nhằm động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời. Kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm trung thực, khách quan trên cơ sở những tiêu chí được xác định; phải nhận thức rõ những hạn chế, tồn tại bất cập, làm cơ sở để đưa ra những biện pháp khắc phục phù hợp. Các yêu cầu trên luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên trong quá trình thực hiện phải tiến hành đồng thời thì kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ mới mang lại hiệu quả cao.
Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ ở các sư đoàn bộ binh hiện nay là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục ở đơn vị. Cùng với kiến thức cơ bản đã có trên các lĩnh vực, những hiểu biết về pháp luật và các giá trị đạo đức mà hạ sỹ quan, chiến sỹ được lĩnh hội trong quá trình giáo dục, huấn luyện, rèn luyện, tu dưỡng ở đơn vị. Trong quá trình giáo dục, các chủ thể giáo dục cần tác động đến đối tượng giáo dục pháp luật thông qua những biện pháp cơ bản; tập trung vào một số nội dung, yêu cầu như đã trình bày ở trên thì kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức cho hạ sỹ quan, chiến sỹ ở các sư đoàn bộ binh hiện nay mới đạt hiệu quả cao. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo sự phát triển toàn diện nhân cách của người hạ sỹ quan, chiến sỹ đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Học viện Lục quân
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016; tr. 127.
[2]. Điều 2 Luật Giáo dục năm 2005.