Trong không khí chào mừng kỷ niệm 05 năm thành lập Trường Trung cấp Luật Đồng Hới (25/5/2012 - 25/5/2017) và nhất là trong bối cảnh các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được chuyển giao sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đây là dịp để Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa nhìn lại những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế để có phương hướng khắc phục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề trong thời gian tới.
Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa có chức năng tham mưu, giúp Ban Giám hiệu Nhà trường thực hiện quản lý các môn học chung, bao gồm các môn học bắt buộc là giáo dục chính trị, tin học và tiếng Anh. Các môn học điều kiện là giáo dục quốc phòng - an ninh và giáo dục thể chất. Các môn học tự chọn: Kỹ năng điều hành công sở và giao tiếp công vụ; khởi tạo doanh nghiệp. Gần 05 năm qua, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, sự giúp đỡ, hợp tác của các đơn vị trong và ngoài Trường, sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể giáo viên, Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa đã có bước chuyển mình về cả lượng và chất, đạt được những thành tựu quan trọng trên các mặt chủ yếu sau:
Thứ nhất, đội ngũ giáo viên có sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng.
Trong các năm học đầu tiên, giáo viên của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới nói chung và giáo viên Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa nói riêng thiếu về số lượng cũng như còn hạn chế về năng lực giảng dạy. Đến nay, hầu như các môn học chung đều đã có giáo viên của Khoa đảm nhận. Hơn thế nữa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các giáo viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của Nhà trường (trong đội ngũ giáo viên Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa có 03 thạc sĩ, 01 cử nhân đang học cao học và có 05 cử nhân).
Đội ngũ giáo viên giảng dạy tuy còn trẻ nhưng đều ý thức được vai trò quan trọng của nghề giáo - một nghề lao động trí óc chuyên biệt, phải đầu tư nhiều công sức trước, trong và cả sau khi lên lớp. Vì vậy, các giáo viên của Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa không ngừng tăng cường đổi mới về nội dung, mục tiêu, phương pháp dạy học; trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, cập nhật thông tin thường xuyên để minh họa cho bài giảng của mình; có trách nhiệm với công việc, quan tâm đến học sinh; đảm bảo đầy đủ hồ sơ trước khi lên lớp, sau khi kết thúc giảng dạy; biên soạn đề cương chi tiết, giáo án, giáo án điện tử theo đúng quy định…
Thứ hai, công tác nghiên cứu khoa học có những bước đi vững chắc ban đầu.
Công tác nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ chính, quan trọng của một người giáo viên. Chính vì vậy, ngay từ năm học đầu tiên, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa đã chú trọng tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy tiềm năng của đội ngũ giáo viên với mục tiêu chủ yếu là nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển chuyên môn. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường của Khoa được nghiệm thu với kết quả tốt và có tính ứng dụng cao. Nhờ vậy, công tác nghiên cứu khoa học của Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa cũng có những nét khởi sắc và đặt nền móng ban đầu về nội dung và hình thức tổ chức.
Thứ ba, chất lượng học tập các môn học chung của học sinh có sự chuyển biến tích cực.
Cùng với việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới qua các năm học, chất lượng học tập các môn học chung của học sinh đã có những chuyển biến tích cực. Học sinh có ý thức học tập nghiêm túc hơn, đi học tương đối đầy đủ. Số học sinh vắng học giảm hẳn so với trước và chỉ tập trung vào một số học sinh cá biệt. Khả năng tự học, tự nghiên cứu có sự chuyển biến, phần lớn học sinh có ý thức chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Số lượng học sinh tham gia phát biểu xây dựng bài ngày càng nhiều hơn…
2. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, trong chặng đường 05 năm xây dựng và phát triển, Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng nghiên cứu khoa học chưa đạt hiệu quả cao; chất lượng học tập của học sinh còn hạn chế; đội ngũ giáo viên chưa có sự phát triển vững chắc... Những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó cũng chính là những khó khăn, vướng mắc mà Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cụ thể:
Thứ nhất, đội ngũ giáo viên của Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa còn mỏng. Ngoài môn tiếng Anh và giáo dục thể chất có 02 giáo viên trở lên đảm nhận giảng dạy, những môn còn lại chỉ có một giáo viên phụ trách (môn giáo dục quốc phòng, an ninh không có giáo viên đảm nhận) gây khó khăn trong công tác phân công giảng dạy cũng như trao đổi kinh nghiệm bộ môn. Hầu hết, giáo viên đều có tuổi đời trẻ và tuổi nghề ít nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy. Nhiều giáo viên trẻ nắm vững lý thuyết nhưng bài giảng vẫn còn thiếu sức thuyết phục.
Thứ hai, nội dung chương trình nhiều, dung lượng kiến thức lớn. Số tiết các môn chung là 435 tiết/22 đơn vị học trình. Sự phân bổ thời lượng giảng dạy cho các môn học chung hầu như không đáp ứng được kiến thức phải truyền tải cho học sinh. Đây là khó khăn không chỉ riêng các môn học chung gặp phải, mà là khó khăn chung của tất cả các môn học đào tạo nghề luật.
Thứ ba, học sinh của Trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khả năng sử dụng tiếng Việt còn hạn chế, hơn nữa, còn có nhiều học sinh hệ trung học cơ sở nên trình độ đầu vào của học sinh Trường Trung cấp Luật Đồng Hới còn thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo của Trường nói chung và chất lượng giảng dạy các môn học chung nói riêng. Bên cạnh đó, ý thức, thái độ tự giác, tích cực, chủ động trong quá trình nhận thức của học sinh chưa cao, còn ỷ lại, dựa dẫm vào bạn bè, thầy cô.
Thứ tư, phương pháp giảng dạy của giáo viên còn hạn chế. Thời gian ít, khối lượng kiến thức nhiều, thuyết trình là phương pháp tối ưu nhất được sử dụng trong giảng dạy các môn chung. Thực tế quá trình dạy học cho thấy, chủ yếu giáo viên là người truyền thụ tri thức, là trung tâm của quá trình dạy học còn học sinh tiếp thu thụ động những tri thức được quy định sẵn. Sự hợp tác, trao đổi trong quá trình dạy học còn hạn chế.
Thứ năm, chất lượng nghiên cứu khoa học của giáo viên chưa cao. Giáo viên chưa thật sự chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học, vẫn còn hiện tượng nghiên cứu mang tính đối phó, nội dung các bài viết chưa phong phú.
3. Định hướng phát triển của Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa trong thời gian tới
Để phát huy những thành tựu đã đạt được và khắc phục những khó khăn, tập thể giáo viên Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa sẽ quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề và nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
3.1. Mục tiêu
- Phấn đấu đến năm 2020, 50% giáo viên giảng dạy các môn chung của Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa có trình độ thạc sĩ trở lên, tất cả các giáo viên có trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm đạt chuẩn quốc gia;
- Tất cả giáo viên sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, ngoại ngữ và ứng dụng hiệu quả trong giảng dạy;
- Tất cả giáo viên có năng lực giảng dạy tích hợp (tích hợp giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành), đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh.
3.2. Một số giải pháp
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của giáo viên về vị trí, vai trò, đạo đức của người giáo viên, trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, thông qua cung cấp và yêu cầu giáo viên thường xuyên cập nhật chính sách trong quản lý đào tạo, đặc biệt là các quy định, chính sách về đào tạo nghề để từng bước thay đổi nhận thức và hành động.
Thứ hai, tăng cường dự giờ và nghiên cứu khoa học, cụ thể:
- Thực hiện công tác dự giờ, thăm lớp thường xuyên giúp người quản lý nắm bắt năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm của giáo viên và chất lượng học tập của học sinh để từ đó có biện pháp chỉ đạo kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Dự giờ sẽ giúp cho giáo viên học tập được kinh nghiệm của đồng nghiệp, khắc phục được thiếu sót của bản thân.
- Chú trọng hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học. Nhà trường và Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, các buổi sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên, qua đó, tạo cơ hội để giáo viên trao đổi, thảo luận, bổ sung những kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống nảy sinh trong quá trình giảng dạy; tạo điều kiện về mặt kinh phí và thời gian cho giáo viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Mặt khác, bản thân mỗi giáo viên phải luôn trau dồi kiến thức, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới, chủ trương của tỉnh cũng như của Đảng và Nhà nước để đảm bảo tính thời sự trong giảng dạy, tích cực viết các bài nghiên cứu cho tạp chí… Mỗi vấn đề nghiên cứu đều giúp cho giáo viên làm chủ được tri thức, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng, từ đó, tri thức của người giáo viên ngày càng được mở rộng và chuyên sâu.
Thứ ba, cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh, cụ thể:
- Hiện nay, phương pháp giảng dạy các môn học chung chủ yếu vẫn là thuyết trình. Đây là phương pháp truyền thống, đã trở nên quen thuộc đối với hầu hết các giáo viên. Phương pháp này cũng có những ưu điểm nhất định như: Giúp cho giáo viên có thể truyền đạt những nội dung lý thuyết tương đối khó, phức tạp, chứa đựng nhiều thông tin mà học sinh tự mình không dễ dàng tìm hiểu được một cách sâu sắc. Bên cạnh đó, phương pháp thuyết trình khá đơn giản, dễ vận dụng, không đòi hỏi những phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại, người học và người giảng đỡ vất vả hơn.
Do đó, cần khai thác những yếu tố tích cực của phương pháp thuyết trình. Thuyết trình không phải là giáo viên chỉ nói mà cần gắn với từng câu chuyện, bài thơ, những ví dụ cụ thể, qua đó, giờ học sẽ trở nên lý thú, bổ ích cho người học mà vẫn giúp cho giáo viên truyền đạt hết nội dung của bài học.
Mặt khác, khi giảng dạy, giáo viên nên cải tiến phương pháp thuyết trình bằng cách kết hợp nó với các phương pháp khác nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh. Sự kết hợp này cùng một lúc phát huy được những ưu điểm và khắc phục được những hạn chế của từng phương pháp, hạn chế tính thụ động, ỷ lại trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh, buộc người học phải tập trung vào bài giảng, phải suy nghĩ, đóng góp ý kiến xây dựng bài học.
- Tăng cường sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, đây là một hình thức để khắc phục những hạn chế của phương pháp dạy học truyền thống. Quá trình chuẩn bị nội dung thảo luận buộc học sinh phải nghiên cứu bài giảng, tìm tư liệu và xử lý thông tin trước khi đưa nội dung ra trước tập thể lớp, quá trình này giúp cho học sinh không những nắm được kiến thức cơ bản mà còn mở rộng và nâng cao sự hiểu biết về nội dung của môn học. Hơn nữa, thảo luận nhóm sẽ nâng cao năng lực tự học, rèn luyện cho học sinh kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày vấn đề khoa học.
- Phương pháp đóng vai trong giờ học là hình thức hoạt động hiệu quả, đặt học sinh vào thế hoàn toàn chủ động, có thể bộc lộ hết trình độ nhận thức, kỹ năng và tình cảm xã hội - chính trị của học sinh. Thành công của giáo viên khi giảng dạy không chỉ được đánh giá qua lượng kiến thức học sinh tiếp thu được, mà còn được đánh giá qua kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống thực tế của học sinh. Phương pháp đóng vai là một trong những cách hiệu quả để rèn luyện được kỹ năng này.
- Việc tổ chức các trò chơi học tập cũng là một phương pháp giảng dạy giúp học sinh nắm vững được những kiến thức cơ bản nhất của bài học như khái niệm, các luận điểm. Tuy nhiên, đối với phương pháp này, học sinh sẽ không có nhiều cơ hội để tìm hiểu sâu nội dung của bài học. Vì vậy, tổ chức trò chơi chỉ thích hợp với giai đoạn đầu của bài giảng, khi giáo viên bắt đầu hướng dẫn những kiến thức cơ bản, nền tảng cho học sinh và giai đoạn cuối bài giảng, khi giáo viên củng cố lại các kiến thức đã học.
Thứ tư, thiết kế giáo án, bài giảng phù hợp với chương trình đào tạo nghề và đối tượng học sinh
Hiện nay, khung chương trình các môn học chung ở Trường Trung cấp Luật Đồng Hới được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2017, các trường trung cấp chuyên nghiệp nói chung và Trường Trung cấp Luật Đồng Hới nói riêng thuộc sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì vậy, để giảng dạy các môn học chung đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề trong thời gian tới, giáo viên phải căn cứ vào quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vào đặc thù và yêu cầu của Trường, của Ngành, xây dựng lại chương trình khung, nội dung chương trình, chủ động xây dựng đề cương, giáo án, bài giảng phù hợp yêu cầu đào tạo nghề và đặc điểm đối tượng học sinh.
Trong suốt chặng đường 05 năm qua, mỗi giáo viên của Khoa Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa vừa phải nỗ lực để viết lên truyền thống của chính mình, vừa phải sống, học tập, giảng dạy và rèn luyện cho sự phát triển chung của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới. Dù có nhiều khó khăn, thử thách đang chờ phía trước nhưng với sự quyết tâm, nhiệt thành của tập thể giáo viên của Trường cùng với nền tảng 05 năm qua, chắc chắn chất lượng giáo dục và đào tạo của Trường sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu rực rỡ hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của Trường trong thời gian tới.
TRƯỜNG TRUNG CẤP LUẬT ĐỒNG HỚI