Để tạo cơ sở pháp lý xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, ngày 17/6/2009, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Lý lịch tư pháp. Luật Lý lịch tư pháp được ban hành đã đặt cơ sở pháp lý cho sự phát triển của công tác quản lý lý lịch tư pháp ở Việt Nam. Lần đầu tiên, các nội dung quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp[1] được quy định một cách bao quát, toàn diện. Trong đó, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp là công việc được các cơ quan nhà nước tiến hành thường xuyên trong hoạt động quản lý nhằm nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tại Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ này cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những khó khăn, bất cập cần kịp thời tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp.
1.1. Kết quả đạt được trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp[2], Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương.
Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, trong đó có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp, trong những năm qua, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:
Thứ nhất, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã có sự quan tâm, chú trọng đến công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp. Theo đó, hàng năm, các đoàn kiểm tra và kiểm tra liên ngành về lý lịch tư pháp đều được tổ chức thực hiện.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp[3], từ năm 2012 đến hết năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra tại 27 Sở Tư pháp. Từ năm 2013 đến hết năm 2016, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) tổ chức 09 Đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp tại 20 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp, trong những năm qua, các bộ, ngành có liên quan cũng đã tiến hành kiểm tra các cơ quan có liên quan thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình về công tác lý lịch tư pháp (Bộ Quốc phòng cũng đã tiến hành kiểm tra một số cơ quan tư pháp trong Quân đội...).
Thứ hai, thông qua công tác kiểm tra, một số khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đã kịp thời được đoàn kiểm tra hướng dẫn, giải đáp. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, giúp cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện, kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quá trình triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, kịp thời động viên, khuyến khích và nhân rộng những điển hình trong việc thực thi nhiệm vụ mà Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật quy định.
Thứ ba, công tác kiểm tra giúp các cơ quan, người có thẩm quyền nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn, kịp thời kiến nghị với các cơ quan, người có thẩm quyền những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, từng bước đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp.
1.2. Những khó khăn, vướng mắc trong kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp và những nguyên nhân chủ yếu
Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp cho thấy công tác này còn có những khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức tiến hành một cuộc kiểm tra (về trình tự, thủ tục kiểm tra; cách thức tiến hành một cuộc kiểm tra), trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp.
Thứ hai, các nội dung kiểm tra được đưa ra trong kế hoạch kiểm tra hàng năm căn cứ trên cơ sở thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ được giao về lý lịch tư pháp, theo đó, nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung kiểm tra về công tác phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; công tác phối hợp tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp, cấp phiếu lý lịch tư pháp...
Thứ ba, việc nắm bắt tình hình, thông tin của cơ quan kiểm tra đối với cơ quan, đơn vị được kiểm tra liên quan đến việc thực hiện các kết luận kiểm tra còn nhiều bất cập. Thực tế hiện nay, cơ quan kiểm tra đa phần không nắm được tình hình, kết quả thực hiện hay không thực hiện các nội dung nêu trong thông báo kết luận kiểm tra của cơ quan, đơn vị được kiểm tra. Xét trên khía cạnh đánh giá về hiệu quả thực hiện, có thể thấy, công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật, cụ thể:
Một là, hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra nói chung chỉ dừng lại ở những quy định chung[4] chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể, chi tiết về công tác kiểm tra.
Hai là, quy định của Luật Lý lịch tư pháp về công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp còn rất chung chung, chưa đầy đủ, mới chỉ dừng lại ở quy định mang tính nguyên tắc “Kiểm tra… việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp”[5]. Ngoài quy định này của Luật Lý lịch tư pháp, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp không có bất kỳ hướng dẫn nào về công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp như nội dung kiểm tra; trình tự, thủ tục thực hiện việc kiểm tra; quan hệ công tác của đoàn kiểm tra...
Ba là, kết luận kiểm tra về lý lịch tư pháp thường đề xuất rất nhiều các nội dung liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và phục vụ công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay, do trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận kiểm tra; công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra nói chung và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận kiểm tra, công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra về lý lịch tư pháp chưa được quy định nên mặc dù hàng năm có rất nhiều đoàn kiểm tra, kiểm tra liên ngành về lý lịch tư pháp được thực hiện, song sau khi tiến hành kiểm tra, gửi thông báo kết luận tới cơ quan, đơn vị được kiểm tra, đoàn kiểm tra thường không nắm được tình hình, kết quả thực hiện hay không thực hiện các nội dung nêu trong thông báo kết luận kiểm tra của cơ quan, đơn vị được kiểm tra.
2. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về công tác kiểm tra nói chung và công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp nói riêng
Luật Lý lịch tư pháp đặt ra những nhiệm vụ mới, phức tạp trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Việc chuẩn bị triển khai thực hiện những nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Tư pháp trong việc phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ do Luật Lý lịch tư pháp đặt ra, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác kiểm tra, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp nói riêng cần tiếp tục được nghiên cứu để có những đề xuất, kiến nghị mang tính toàn diện và lâu dài hơn, cụ thể:
Thứ nhất, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, quy định chi tiết, cụ thể các nội dung quy định về công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp trong Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Thứ hai, về lâu dài, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chung về công tác kiểm tra, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho công tác kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước được giao. Văn bản quy phạm pháp luật quy định chung về công tác kiểm tra cần được nghiên cứu, quy định cụ thể về các vấn đề như: Nội dung kiểm tra; thẩm quyền kiểm tra; các trường hợp kiểm tra; hình thức kiểm tra; quyền và nghĩa vụ của đoàn kiểm tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng được kiểm tra; trình tự, thủ tục tiến hành kiểm tra (chuẩn bị kiểm tra, tiến hành kiểm tra, kết thúc kiểm tra)...
Bên cạnh việc quy định chung về các nội dung kiểm tra, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, quy định cụ thể về việc thực hiện kết luận kiểm tra như: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận kiểm tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra (trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; nội dung theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; trình tự, thủ tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra).
Bộ Tư pháp
[1]. Theo quy định tại Điều 9 Luật Lý lịch tư pháp, nội dung quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp bao gồm:
a) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp;
b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác lý lịch tư pháp;
c) Quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;
d) Bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp;
e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp;
g) Ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về lý lịch tư pháp;
h) Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp;
i) Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực lý lịch tư pháp;
k) Báo cáo về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp.
[2]. Điều 9 Luật Lý lịch tư pháp.
[3]. Báo cáo số 173/BC-BTP ngày 20/6/2017 của Bộ Tư pháp về tổng kết 06 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp.
[4]. Khoản 5 Điều 96 Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn “tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước”.
Khoản 1 Điều 24 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định Chính phủ “thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước”.
Điều 15 Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ thì về thanh tra, kiểm tra các bộ có nhiệm vụ, quyền hạn:
“1. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
2. Kiểm tra, thanh tra các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tổ chức việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật”.
[5]. Điểm e khoản 3 Điều 9 và điểm c khoản 5 Điều 9 Luật Lý lịch tư pháp.