Về thiết chế, hệ thống các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin nói chung và thông tin về thủ tục hành chính đã được kiện toàn. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương đã được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản đã được bố trí, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thực tế, hiện nay việc tiếp cận thông tin của công dân về thủ tục hành chính của Chính phủ và các cơ quan công quyền bằng nhiều cách khác nhau: Qua trang thông tin điện tử, qua công báo, phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, tạp chí, niêm yết tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền giải quyết... Số lượng người truy cập vào các trang thông tin điện tử và văn bản của Chính phủ cũng như của các bộ, ngành và địa phương ngày càng tăng. Nhìn chung, các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền đăng tải, công bố trên cổng/trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, trên công báo và trên các phương tiện thông tin đại chúng... Bên cạnh việc công bố, công khai kể trên, một hình thức công khai quan trọng nhất được áp dụng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đó là niêm yết tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính. Các hình thức công khai trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khai thác, tìm kiếm các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính. Qua đó góp phần không nhỏ trong tiến trình thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, giảm bớt phiền hà, tốn kém cho người dân.
Đối với tỉnh Quảng Bình, tiếp cận thông tin nói chung và tiếp cận thông tin liên quan đến thủ tục hành chính nói riêng trên Trang thông tin điện tử của tỉnh được thực hiện tương đối thuận tiện. Tất cả các dự án quy hoạch và thông tin quy hoạch của tỉnh đã được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của tỉnh. Bên cạnh thông tin về quy hoạch, nhiều thông tin về điều hành, phát triển kinh tế -xã hội... đã được công khai ở đây. Các thông tin về thủ tục hành chính được công bố công khai tại Trang thông tin điện tử của tỉnh và của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, được niêm yết công khai tại các trung tâm giao dịch một cửa, một cửa liên thông của các sở, ngành và địa phương...
Thực tiễn cho thấy, khi có việc liên quan đến cơ quan nhà nước, công dân mới tìm hiểu thông tin về quy trình, thủ tục giải quyết qua các nguồn thông tin chính thức và không chính thức. “Phần lớn họ đến trụ sở nơi cơ quan có thông tin để tìm hiểu thông tin và trực tiếp yêu cầu cung cấp thông tin (92% nhà báo, 76,9% người dân sử dụng). Tiếp theo là qua hình thức điện thoại, hình thức này được 35% nhà báo, 12% người dân sử dụng”[1]. Hình thức yêu cầu cung cấp thông tin trực tiếp chủ yếu được thực hiện đối với các yêu cầu liên quan đến thủ tục hành chính như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng... Lý do dẫn đến tình trạng trên là việc trực tiếp yêu cầu được thực hiện nhanh chóng và thuận tiện hơn yêu cầu cung cấp thông tin qua điện thoại, đó là chưa nói đến tình trạng đường dây gọi về số điện thoại đó hầu như trong tình trạng máy bận hoặc không có người nghe máy.
Bên cạnh việc trực tiếp yêu cầu, các hình thức khác như gửi thư điện tử hoặc văn bản đến đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu cung cấp thông tin nhưng cũng chỉ được nhà báo sử dụng, bởi người dân chưa làm quen với hình thức này và xuất phát từ tâm lý của người dân đến trực tiếp sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Thêm vào đó, internet chỉ phát triển mạnh ở các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, của từng địa phương, trong khi càng về vùng sâu, vùng xa thì chất lượng càng kém nên loại hình này ít được sử dụng. Bởi vậy, “chỉ có 3,5% người dân và 32,5% nhà báo sử dụng hình thức này”[2].
Tình trạng một số cán bộ công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, kỹ năng xử lý, giải quyết công việc còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp, thậm chí vẫn còn tình trạng lợi ích riêng dẫn đến giải quyết thủ tục hành chính cho công dân còn chậm, chưa kịp thời. Việc trả lời điện thoại ít khi được sử dụng với lý do bận giải quyết công việc...
Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính quá nhiều, còn chồng chéo. Một thủ tục hành chính được quy định ít nhất ở trong 3 văn bản quy phạm pháp luật đó là luật/pháp lệnh của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư/quyết định của Bộ, ngành. Thậm chí có thủ tục hành chính còn được quy định cả trong văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Dẫn đến khó khăn cho cả người thực hiện lẫn người yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính...
Từ thực tiễn trên, thiết nghĩ để đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục được người dân quan tâm nhiều đó là thủ tục hành chính về đất đai, cấp giấy phép xây dựng...
Thứ hai, UBND cấp xã cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, bố trí nguồn lực để xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trên cơ sở đó cá nhân/công dân mới có thể tiếp cận pháp luật trong đó có tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp thuận tiện và nhanh chóng.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường rà soát đề xuất kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các quy định của pháp luật, các thủ tục hành chính không phù hợp, các giấy tờ không cần thiết...
Thứ tư, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan đơn vị, địa phương; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện thủ tục hành chính.
Thứ năm, cần bố trí một cán bộ trực tiếp trả lời yêu cầu của người dân qua điện thoại, hạn chế đến mức thấp nhất yêu cầu cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải đáp qua điện thoại của người dân không được phản hồi.
Thứ sáu, đẩy mạnh niêm yết các thủ tục hành chính tại các cụm dân cư tập trung; tăng cường phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân, đặc biệt chú trọng người dân ở vùng sâu, vùng xa...
Tuyết Hà
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình
1,2. Báo cáo tổng hợp nhu cầu tiếp cận thông tin và các điều kiện đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam, Bộ Tư pháp.