Qua phân tích, 90% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em là do trực tiếp các em gây ra khi tham gia giao thông. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông một cách an toàn, một số em ý thức chưa cao, cố tình vi phạm các quy định về an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, không quan sát, đùa nghịch, đu bám tàu xe, đá bóng dưới lòng đường, phơi rơm rạ trên đường giao thông, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác, vượt trước mũi ô tô, xe máy, hoặc lên xuống xe không quan sát trước sau nên dễ xảy ra tai nạn. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh dường như chưa có một thái độ đúng đắn trước những nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với con em mình, thiếu ý thức phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ. Có thể kể đến một số hành vi gây nguy hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông như: Để trẻ nhỏ đứng, ngồi đằng trước xe máy, ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn; không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; chở người quá quy định trên một phương tiện giao thông xe máy, ô tô; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hay do uống rượu bia không kiểm soát được tốc độ…
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, phần lớn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của chính các em. Chính vì vậy việc xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho trẻ em là rất cần thiết và là việc cần làm ngay từ những bậc học đầu tiên. Qua thực tế cho thấy, từ nhỏ nếu các em được giáo dục tốt thì lớn lên sẽ có ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Thế nhưng thực tế hiện nay, việc giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em ở nước ta còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, các hoạt động triển khai còn mang tính hình thức, chưa thể hiện tính liên tục, dài hơi và quyết liệt. Chính vì vậy, hiệu quả đạt được trong công tác xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho trẻ em còn chưa cao.
Để góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông ở trẻ em, giảm thiểu tai nạn giao thông, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng chương trình trang bị kiến thức và kỹ năng an toàn giao thông cho trẻ em.
Tăng cường trang bị những kiến thức tham gia giao thông an toàn cho trẻ em là giải pháp cơ bản nhất để giảm thiểu các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông hiện nay. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đều rất coi trọng việc giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông từ rất sớm cho trẻ em. Có thể lấy ví dụ như ở Tây Ban Nha, từ năm 2013, Chính phủ cũng đã xây dựng một hệ thống giáo dục an toàn giao thông hoàn chỉnh cho trẻ em từ lứa tuổi mẫu giáo, học sinh, người trưởng thành… Vấn đề giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em và giáo viên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Tăng cường và giáo dục an toàn đường bộ trong lớp học” - một phần của Chiến lược an toàn đường bộ Tây Ban Nha. Mục tiêu chính của chương trình là hình thành trong suy nghĩ của trẻ em các quy tắc và chuẩn mực hành vi, giá trị và thái độ cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng như đảm bảo mức độ giảng dạy cao về an toàn đường bộ trong các cơ sở giáo dục. Chương trình được thiết kế cho các nhóm tuổi 3 - 5 tuổi, 6 - 8 tuổi, 9 - 11 tuổi, 12 - 16 tuổi, học sinh trong các tổ chức trường mầm non và trường học, nơi các hoạt động liên quan đang được thực hiện. Tại Iceland - đất nước được mệnh danh là có giao thông an toàn nhất thế giới, ở đây tất cả trẻ em từ lúc 03 tuổi đã được trở thành học viên của trường giao thông do Sở Cảnh sát giao thông sở tại chủ trì và được nhận tài liệu giáo dục an toàn giao thông từ 02 đến 04 năm miễn phí cho đến khi được 07 tuổi. Cảnh sát giao thông Iceland tuyên truyền và giáo dục những đứa trẻ bằng cách gửi poster và một boardgame những câu chuyện về “Goblin trong nhà và những người bạn”, thông qua đó để truyền đạt các quy tắc về giao thông và giáo dục những hành vi đúng đắn khi tham gia giao thông cho trẻ em. Bên cạnh đó, là một đất nước có nhiều tuyết vào mùa đông, vì vậy trên website du lịch của đất nước này luôn có chuyên mục video của cảnh sát giao thông hướng dẫn về kỹ năng lái xe an toàn trong mùa đông, khách du lịch khi tới đây sẽ được cảnh sát giao thông thân thiện tặng kèm cuốn sổ tay về “Cách lái xe ở Iceland”, trong đó có thông tin cần thiết và các lưu ý giúp mọi người tham gia giao thông một cách an toàn.
Ở Việt Nam hiện nay, các nội dung về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đều được đưa vào giảng dạy trong các trường học nhưng chưa thực sự tác động đến ý thức tham gia giao thông của các em học sinh. Bởi lẽ, những gì các em được học tại trường chỉ nặng về lý thuyết, chưa có nhiều hoạt động thực hành cụ thể, chính vì vậy các em chưa có được nhận thức sâu sắc cũng như ý thức bắt buộc rằng mình phải tuân thủ luật lệ giao thông. Chính vì vậy, việc xây dựng các chương trình giáo dục, phát triển kỹ năng an toàn giao thông mang tính thực tiễn cao cho trẻ em là hết sức cần thiết. Trước hết, cần tập trung vào các nội dung như: Các quy tắc giao thông cơ bản, các loại biển báo hiệu giao thông, các hành vi nguy hiểm dẫn đến tai nạn giao thông. Rèn luyện các kỹ năng cơ bản như cách sang đường, cách đi bộ, điều khiển xe đạp an toàn, thói quen thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô… Bên cạnh đó, việc giáo dục còn phải hướng đến hình thành văn hóa giao thông cho trẻ em, nhắc nhở các em không chen lấn, xô đẩy, không điều khiển phương tiện trên vỉa hè, có ý thức nhường chỗ và giúp đỡ người lớn tuổi, người khuyết tật khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng… luôn luôn chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình về việc bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em.
Ở lứa tuổi chưa ý thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, thì việc để trẻ em có thể tự giác chấp hành pháp luật giao thông là trách nhiệm của người lớn. Trên thực tế, mỗi người điều khiển phương tiện lưu thông đều là bậc phụ huynh của những đứa trẻ nào đó. Và thái độ ứng xử, thói quen cầm lái, ý thức chấp hành quy định pháp luật của họ luôn được trẻ em nhìn thấy. Những hành vi đó tác động trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của các em, như những hình ảnh được lặp đi lặp lại thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều phụ huynh không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, điển hình như: Không đội mũ bảo hiểm cho con em, coi việc đội mũ bảo hiểm chỉ là để chống đối các lực lượng chức năng; không tuân thủ việc thắt dây an toàn cho trẻ em khi ngồi trên ô tô... Nhiều gia đình còn nuông chiều, giao cho các em phương tiện khi các em không đủ điều kiện điều khiển, chẳng hạn mô tô, hoặc không trang bị cho các em kiến thức cơ bản nhất khi tham gia giao thông. Những việc làm đó đã tạo nên những tấm gương xấu cho chính con em mình, khiến các em không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn cũng như tác hại mà các hành vi đó gây ra. Để bảo vệ trẻ em từ hôm nay, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì các bậc phụ huynh cũng phải chung tay xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông để đảm bảo sự an toàn cho các em. Cùng với thầy cô, nhà trường, cha mẹ hãy là người trực tiếp hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Đồng thời, không chỉ giáo dục suông cho trẻ về chuyện chấp hành pháp luật an toàn giao thông bằng lý thuyết (để rồi có khi người lớn lại làm ngược lại), mà hãy cho trẻ thấy thái độ tôn trọng pháp luật, cẩn trọng với tay lái cũng như quý trọng sự an toàn của những người cùng đi trên đường mà người lớn thể hiện. Mỗi khi ra đường, mỗi phụ huynh phải tuyệt đối là những tấm gương tự giác chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông để trẻ em, học sinh ghi nhớ và noi theo. Đó là cách dạy và bảo vệ trẻ chủ động nhất, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thứ ba, cải thiện các điều kiện về tổ chức giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Cùng với việc tăng cường giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho trẻ em và phụ huynh thì vấn đề bảo đảm các điều kiện về tổ chức giao thông tại những khu vực thường xuyên có trẻ em cũng cần được đặc biệt lưu tâm. Thực tế cho thấy, khu vực các trường học là khu vực mất an toàn giao thông nhất với nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, nhiều vi phạm về an toàn giao thông cũng như văn hóa giao thông xuống cấp. Vì vậy, việc tổ chức giao thông ở khu vực ngoài trường học cần được thực hiện nhanh chóng. Cụ thể việc tổ chức giao thông ở khu vực ngoài trường học cần phải được cải thiện, bố trí khu vực an toàn riêng cho trẻ chờ cha mẹ tới đón; lắp đặt biển báo ở khu vực có trẻ em, ngoài trường học. Cần phải thiết lập và thực hiện các giới hạn tối đa là 30 km/h trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao nơi có mặt của trẻ em, xung quanh khu vực trường học và khu vui chơi của trẻ em cũng như nơi dành cho người đi bộ.