Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thường trực tại La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippin đối với yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực đã mở ra một cục diện pháp lý mới ở Biển Đông. Chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của công lý và lẽ phải, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Mặc dù vậy, cục diện Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Mới đây, việc Trung Quốc triển khai nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động vi phạm luật quốc tế và trực tiếp thách thực quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển và tài nguyên dưới đáy biển ở khu vực này. Hành động này vi phạm vì Trung Quốc không xin phép Chính phủ Việt Nam trước khi tiến hành hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Về phía Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền của Việt Nam trên các vùng biển, thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 và chủ trương giải quyết mọi tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ, các quốc gia đang tiến vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mặt trái của nó là việc các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc có thể sử dụng những thành tựu này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế trên Biển Đông, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần đi tắt, đón đầu, ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác tuyên truyền chủ quyền biển, đảo nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các lớp học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức trẻ; đồng thời qua công tác tuyên truyền có thể lan rộng thông điệp chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đến bạn bè quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của họ trong sự nghiệp bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Dưới đây, tác giả sẽ đi sâu phân tích một số hình thức tuyên truyền mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
1. Ứng dụng công nghệ ảo hóa (VR) trong công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam
Trong kỷ nguyên số hiện nay, các công nghệ liên quan đến truyền thông số đã có những phát triển vượt bậc, đặc biệt là công nghệ thực tại ảo hay ảo hóa 3D (VR3D). Môi trường ảo (Augmented Reality) (thế giới ảo, không gian ảo, thực tại ảo, thực tế ảo, viết tắt là VR) là môi trường mô phỏng bằng máy tính, với hệ thống cảm biến và hiển thị chuyên biệt người dùng có thể: (i) Cảm nhận sự hiện diện vật lí trực tiếp (“như thật”) của các đối tượng do máy tính tạo ra (đối tượng ảo) qua nhìn, nghe, chạm (có thể cả ngửi, nếm...); (ii) Nhập vai (hòa nhập hay đắm chìm) nghĩa là tham gia thực sự vào các hoạt động trong đó, không cảm thấy mình là người quan sát ngoài cuộc; (iii) Tương tác thời gian thực, nghĩa là tương tác được thực hiện ngay tức thời[1].
Một cách khái quát, công nghệ thực tại ảo cho phép tái hiện các bối cảnh thực tế bằng một chương trình mô phỏng tạo ra cho công chúng cảm giác đang “đắm chìm” trong bối cảnh thực tế đó với các hình ảnh ba chiều chân thực cùng nhiều tính năng tương tác sống động và hấp dẫn. Với đặc tính đó, công nghệ này rất phù hợp với các hoạt động trưng bày, triển lãm phục vụ mục đích tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, cụ thể: Với công nghệ ảo hóa, các tư liệu và hiện vật bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được số hóa và tích hợp thành một chương trình ứng dụng có tên là cyber-exhibition (triển lãm số). Đây là một giải pháp hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tuyên truyền về biển, đảo đồng thời quảng bá du lịch biển đảo Việt Nam bên cạnh triển lãm truyền thống với một số mục đích[2]:
(i) Đưa ra một hình thức trưng bày mới mẻ, tạo ra cho công chúng cảm giác “đắm chìm” trong các câu chuyện lịch sử hay “chạm vào” các tư liệu, hiện vật gốc được số hóa chân thực, sống động;
(ii) Giúp triển khai triển lãm biển, đảo tại bất kỳ địa điểm nào, đặc biệt tới các tuyến huyện, xã, phường hay tại các trường học, công sở, các điểm công cộng hoặc thậm chí trên màn hình tương tác của các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam. Về lâu dài, với công nghệ này có thể cài đặt trên website của các bộ ngành; trên Cổng thông tin quốc gia về biển, đảo Việt Nam để mọi người đều có thể truy cập.
(iii) Cho phép truyền đạt thông tin tuyên truyền mà không phụ thuộc vào người thuyết minh tại thực địa. Ngoài ra, ứng dụng này còn có thể tích hợp đa ngôn ngữ phục vụ cho hoạt động trưng bày, tuyên truyền tại nước ngoài hoặc cho đối tượng người nước ngoài tại Việt Nam.
Với các đặc tính trực quan, sinh động, hấp dẫn và dễ tiếp cận dựa trên các đặc tính tiên tiến của công nghệ VR, ứng dụng cyber-exhibition có rất nhiều ý nghĩa[3]:
(i) Giúp tăng cường tính hấp dẫn của triển lãm, nhằm thu hút nhiều hơn các đối tượng công chúng, giúp mọi người nắm bắt nhanh chóng và lâu dài các thông tin về chủ đề triễn lãm hơn. Qua đó, công tác tuyên truyền có sức hẫp dẫn hơn đối với mọi tầng lớp nhân dân.
(ii) Với các thiết bị công cụ để trình diễn số hiện đại như: Máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh vốn ngày càng trở nên phổ biến, ứng dụng này sẽ kích thích sự tự khám phá của công chúng thay vì chỉ tiếp cận thụ động. Đặc điểm này giúp cho các thông tin, đặc biệt là thông tin lịch sử, văn hóa trong ứng dụng này sẽ được tiếp thu một cách tự nhiên, dễ hiểu và dễ ghi nhớ.
(iii) Với khả năng triển khai mọi lúc, mọi nơi trên nhiều nền tảng thiết bị, thông tin về biển, đảo sẽ được tuyên truyền sâu rộng tới mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ, đối tượng tuyên truyền quan trọng, vốn rất ưa chuộng các hình thức truyền thông hiện đại.
Về các ấn phẩm dùng để triển lãm, trưng bày, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam có thể bao gồm nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, công trình và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế[4].
Như vậy, việc ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 với triển lãm số hóa 3D các bản đồ và tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa cũng như một số đảo của Việt Nam sẽ trở thành một trong những hình thực tuyên truyền hiệu quả thời gian tới góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, cán bộ, công chức trẻ trong bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử, pháp lý được công bố.
2. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo trực tuyến
Các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam là một trong các hình thức tuyên truyền khá phổ biến và đã được các cơ quan, tổ chức phát động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát động các cuộc thi theo cách thức truyền thống thì thời gian gần đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là khi Cách mạng công nghiệp 4.0 được áp dụng ở Việt nam, thì đã xuất hiện hình thức mới đó là: Thi trắc nghiệm, tương tác trực tuyến qua website hoặc ứng dụng di động.
Tháng 4/2019, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với sự đồng hành của mạng xã hội hỏi đáp Ereka, ngân hàng số ViettelPay đã tổ chức phát động cuộc thi “Biển đảo Việt Nam” dưới hình thức trắc nghiệm tương tác trực tuyến nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo; khơi dậy tình cảm và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.
Cuộc thi được triển khai theo phương thức hoàn toàn mới, ứng dụng các công nghệ nền tảng hỏi đáp, chia sẻ kiến thức dành cho người Việt trên nền ứng dụng di động Ereka (tải app trên hệ thống IOS và Android); công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói tiếng Việt; hệ thống Big Data lớn nhất Việt Nam đáp ứng hàng triệu thí sinh tham gia cùng thi một thời điểm; ứng dụng ViettelPay - ngân hàng số của người Việt…
Nội dung cuộc thi xoay quanh về những thông tin, kiến thức cơ bản về đặc điểm, tình hình biển, đảo Việt Nam; vai trò, vị trí và tầm quan trọng của biển đảo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển, đảo.
Bên cạnh đó, tìm hiểu về Luật Biển Việt Nam, Chương trình hành động thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững, củng cố quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo; Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982…
Cuộc thi còn bao gồm các câu hỏi về đặc điểm, tình hình và chứng cứ lịch sử - pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; lịch sử phát triển của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam; thông tin về các chương trình, hoạt động của Đoàn hướng về biển, đảo…
Tại buổi lễ phát động cuộc thi, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức cho biết, từ kết quả của các chương trình, hoạt động, cuộc thi về biển đảo dành cho giới trẻ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã từng tổ chức mang lại hiệu quả thiết thực, cuộc thi lần này được tận dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp những kiến thức chung về biển đảo Việt Nam; những vấn đề cập nhập mới nhất theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo Việt Nam; những đóng góp của tổ chức Đoàn, thế hệ trẻ với việc bảo vệ, xây dựng biển đảo sẽ lan tỏa đến nhiều đoàn viên thanh niên hơn nữa. Đồng chí cũng nhấn mạnh “Cuộc thi sẽ góp phần nâng cao nhận thức, khẳng định lòng yêu nước, tình yêu của mỗi đoàn viên thanh niên đối với biển đảo thân yêu của Tổ quốc, từ đó có nhiều ý tưởng, hoạt động, công trình, phần việc được cụ thể hóa, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới”[5].
3. Tuyên truyền thông qua mạng xã hội và các ứng dụng trên các thiết bị thông minh
Năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 36%. Cùng trong năm 2019, có 64 triệu người sử dụng internet, tăng đến 28% so với năm 2017. Theo số liệu thống kê, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này tăng đến 08 triệu người dùng so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các dòng điện thoại phân khúc tầm trung - thấp liên tục được ra đời, giúp cho nhiều người có thể dễ dàng sở hữu những chiếc điện thoại thông minh và tiếp cận với internet. Mặc dù dân số chỉ đạt 96.96 triệu người nhưng số thuê bao điện thoại đã được đăng ký lên tới 143.3 triệu số. Điều này cho thấy phần đông người dân Việt Nam đã tiếp cận với điện thoại di động thông minh và cũng không ít người sử dụng 02 - 03 chiếc điện thoại cùng một lúc để phục vụ cho cuộc sống, cũng như công việc[6].
Với sự bùng nổ của công nghệ mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tiếp cận với các hình thức tuyên truyền mới là yêu cầu tất yếu. Vì vậy, ngoài các website chính thức của các cơ quan nhà nước và các báo, tạp chí được cấp phép liên quan đến tuyên truyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam, thì còn phải xây dựng các fanpage, group trên mạng xã hội mà phổ biến cho người dùng ở Việt Nam hiện nay là Facebook. Đây là kênh tuyên truyền có khả năng tiếp cận được với nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau và ngày càng phổ biến trong thời đại kỷ nguyên số.
Mới đây, ngày 05/12/2019, ứng dụng Lịch Trường Sa trên nền tảng Apps Store và Google Play (gọi là App Lịch Trường Sa) đã chính thức ra mắt. Ứng dụng lịch Trường Sa có các chức năng như: Ngày (âm, dương), tháng, năm, thời tiết, tạo lịch hẹn, tạo ghi chú, các ngày lễ tết, thông tin về biển, đảo, thềm lục địa, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước... Người dùng có thể sử dụng hệ điều hành IOS, Android để tải ứng dụng trên App Store và Google play và sử dụng miễn phí như các ứng dụng lịch đã phổ biến. Bên cạnh những chức năng cơ bản như thông báo ngày tháng năm, lễ, tết, sự kiện… Ứng dụng Lịch Trường Sa được thể hiện bằng những hình ảnh của biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam do các cá nhân trong nước, bà con kiều bào chụp lại trong những chuyến công tác ra thăm quân dân chiến sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1 qua các năm. Trên nền hình ảnh sinh động về biển đảo, thềm lục địa, ứng dụng còn có thêm những dữ liệu thông tin (từ nguồn của Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân) như: Thông tin về các đảo, các ngày lễ kỷ niệm, khu vực thềm lục địa, các lực lượng chấp pháp trên biển, các khái niệm theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982… Cùng với đó, những câu chuyện, tác phẩm thơ, ca khúc viết về biển, đảo, về lực lượng chấp pháp trên biển, về những người lính Hải quân đã được cấp phép xuất bản, lưu hành theo quy định cũng được cập nhật trên ứng dụng, nhằm mang đến cho người dùng những trải nghiệm mới mẻ, những hiểu biết về biển, đảo, thềm lục địa, chủ quyền của Tổ quốc. Qua đó, những hình ảnh đẹp về biển, đảo, thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam sẽ được lan tỏa đi khắp năm châu, đến với bạn bè quốc tế.
Ban tổ chức cho biết, để bắt kịp xu thế chung và đáp ứng yêu cầu của xã hội, năm 2019, Dự án “Lịch Trường Sa - Nhà giàn DK1, hành trình của trái tim” đã triển khai đồng thời lịch giấy và lịch trên nền tảng số, để những hình ảnh về Trường Sa lan tỏa nhanh hơn, kịp thời hơn, chính xác hơn và rộng rãi hơn đối với cộng đồng người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế. Ngoài việc là một ứng dụng thông thường, ứng dụng lịch Trường Sa là sản phẩm dành cho người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế quan tâm đến biển, đảo; những người chiến sĩ, những ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió bám biển, bám đảo, bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc[7].
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
Nguyễn Thị Hòa
Bộ Tư pháp
Http://dulich.hcmussh.edu.vn/Resources/Docs/SubDomain/dulich/Tailieu/
Hoithao2019/Hoan%20thien%20giai%20phap%20cong%20nghe%20thuc%
20te%20ao%20thong%20qua%20trien%20lam%20va%20quang%20ba%20du%20lich%20bien%20dao.pdf.
[2]. ThS. Ngô Hoàng Đại Long & PGS.TS. Hà Minh Hồng, tlđd, tr. 4 - 5.
[3]. ThS. Ngô Hoàng Đại Long & PGS.TS. Hà Minh Hồng, tlđd, tr. 5.
[4]. ThS. Ngô Hoàng Đại Long & PGS.TS. Hà Minh Hồng, tlđd, tr. 7 - 8.
[5]. Tham khảo trực tuyến tại: Http://doanthanhnien.vn/tin-tuc/cong-tac-giao-duc/thi-tuong-tac-truc-tuyen-tim-hieu-bien-dao-viet-nam, đăng tải ngày 08/4/2019.
[6]. Số liệu được tham khảo trực tuyến tại: Https://vnetwork.vn/news/cac-so-lieu-thong-ke-internet-viet-nam-2019.
[7]. Tham khảo trực tuyến tại: Https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/ra-mat-ung-dung-lich-truong-sa-604505, đăng tải 05/12/2019.