Thứ nhất, về điều kiện hủy bỏ di chúc theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014, công chứng viên yêu cầu người lập di chúc phải xuất trình bản chính di chúc đã lập trước đây, nhưng trên thực tế, có trường hợp không xuất trình bản chính (mà chỉ có bản photocopy) hoặc nộp không đầy đủ di chúc đã lập thì có công chứng được văn bản hủy bỏ di chúc hay không. Thực tế ở mỗi tổ chức hành nghề công chứng có hướng giải quyết vấn đề này khác nhau: (i) Yêu cầu người yêu cầu công chứng văn bản hủy bỏ di chúc đến trình báo công an việc mất bản chính di chúc; (ii) Cho người yêu cầu công chứng viết cam đoan chịu trách nhiệm về việc làm thất lạc di chúc; (iii) Cho người yêu cầu công chứng trích lục bản sao di chúc từ tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng di chúc trước đây. Theo quan điểm tác giả thì chỉ cần cam đoan là đủ, điều này xuất phát từ quy định người lập di chúc có quyền hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào. Vì vậy, để quyền của người hủy bỏ di chúc được thực hiện dễ dàng thì không hạn chế bằng các “rào cản”, tức là “đẻ” thêm thủ tục.
Thứ hai, về quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014, theo đó “di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó”. Quy định này hiện nay đang có bật cập vì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó nhưng có những trường hợp người lập di chúc không thông báo thì có ảnh hưởng gì đến văn bản hủy bỏ di chúc hay không?
Từ những phân tích nêu trên, về thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc, theo tác giả cần sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 theo hướng thay thế chủ thể có nghĩa vụ thông báo từ người lập di chúc sang nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng văn bản hủy bỏ di chúc không nhất thiết phải nộp tất cả các bản di chúc, cụ thể như sau: “3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì tổ chức công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó. Trường hợp người lập di chúc không nộp lại đầy đủ các bản chính di chúc hoặc thất lạc bản chính di chúc đã lập thì cam đoan và chịu trách nhiệm về việc để thất lạc”.
Việc sửa đổi chủ thể phải thông báo từ người lập di chúc sang tổ chức hành nghề công chứng sẽ phù hợp với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể như sau:
Một là, thực tiễn khi thực hiện thủ tục này, người lập di chúc thường không thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc và nếu họ không thực hiện nghĩa vụ này cũng không ảnh hưởng đến hệ quả pháp lý của di chúc bị hủy bỏ, mà ở đây, tổ chức công chứng thực hiện việc này nhằm giúp cho việc quản lý hồ sơ công chứng được thống nhất, phục vụ cho việc trích lục dễ dàng sau này. Đây là trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng chứ không phải trách nhiệm của công dân. Vì công dân không thực hiện thì vẫn không ảnh hưởng đến hệ quả pháp lý của việc hủy bỏ di chúc.
Hai là, việc sửa đổi này sẽ thống nhất với khoản 2 Điều 38 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch: “Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện tại cơ quan đã chứng thực hợp đồng, giao dịch. Trường hợp sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể chứng thực tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền chứng thực nào; cơ quan đã thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã chứng thực trước đây về nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc để ghi chú vào sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch”, vì cùng một thủ tục hành chính như nhau nhưng khi thực hiện ở tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải có nghĩa vụ thông báo, còn khi thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì nghĩa vụ này thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.
Việc bổ sung cam đoan thất lạc di chúc vào khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 sẽ đảm bảo quyền của người lập văn bản hủy bỏ di chúc được thực thi trên thực tế. Mặc khác, các công chứng viên cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý khi thực hiện thủ tục hành chính này mà không cần phải “đặt thêm” các thủ tục hành chính khác.
Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai
[1]. Đinh Văn Thanh và Nguyễn Minh Tuấn (2008), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr. 327.