Trong phạm vi bài viết này, các tác giả nêu lên một số nội dung cần được xem xét khi xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để bám sát với yêu cầu thực tiễn hội nhập, hướng đến bảo đảm “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội”, cụ thể:
Một là, đề nghị bổ sung vào khoản 26 Điều 3 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giải thích từ ngữ, bổ sung cụm từ “đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp” và từ “nguồn”, thành: “Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp sản xuất và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác”.
Đề nghị bổ sung khoản 53 Điều 3 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về giải thích từ ngữ, bổ sung cụm “đất sử dụng ổn định lâu dài”: “Đất sử dụng ổn định lâu dài là đất được sử dụng liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Hai là, đề nghị bổ sung vào Điều 224 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai không thành mà đương sự không nộp đơn khởi kiện ra Tòa án thì cần có hướng giải quyết. Bởi vì, xét về mặt pháp lý thì thửa đất này đang nằm trong tình trạng tranh chấp, nếu không có hướng xử lý sẽ làm hạn chế khả năng sử dụng của thửa đất đó.
Ba là, đề nghị bổ sung điểm i khoản 2 Điều 78 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các “tiêu chí xác định dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở” thuộc đối tượng thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Phải xác định rõ những trường hợp nào thuộc dự án khu dân cư nông thôn để làm cơ sở áp dụng thống nhất tại các địa phương.
Bốn là, việc định giá đất cần phải thực hiện riêng biệt, độc lập giữa các cơ quan trong việc định giá đất. Đồng thời, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan trong việc định giá đất, đảm bảo được công khai, minh bạch giữa 03 cơ quan: (i) Cơ quan tham mưu giá đất; (ii) Cơ quan thẩm định giá đất; (iii) Cơ quan quyết định giá đất. Bên cạnh đó, người có đất bị thu hồi cũng không thể giám sát quá trình định giá đất - mặc dù chính họ là người bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp khi Nhà nước thu hồi đất. Do vậy, đề nghị bổ sung điểm e khoản 1 Điều 153 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nguyên tắc, phương pháp định giá đất nguyên tắc “Bảo đảm tính công khai, minh bạch” để bảo đảm được sự công khai, minh bạch giữa các cơ quan trong việc định giá đất và người dân được tham gia giám sát vào quy trình định giá đất, thành:
“1. Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
………………………………………
e) Bảo đảm tính công khai, minh bạch”.
Đồng thời, đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 1 Điều 156 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Hội đồng thẩm định giá đất chủ thể “Tòa án nhân dân cấp tỉnh” và “Cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh” để giám sát và bảo đảm việc thi hành pháp luật, việc tham gia của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự vào việc định giá đất bảo đảm sự tham gia của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong vai trò đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, thành:
“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất bao gồm các thành phần sau:
....................................
b) Giám đốc Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh”.
Năm là, vấn đề xác định thiệt hại để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cần phải xác định đúng và đủ các thiệt hại để gắn với cơ chế bồi thường dựa trên tinh thần chung của Bộ luật Dân sự; giúp cơ quan quản lý dễ dàng xác định, tập hợp tất cả các thiệt hại do việc thu hồi về mức bồi thường cụ thể, đầy đủ và tương xứng với những ảnh hưởng của việc thu hồi gây ra cho người sử dụng đất; tránh để bỏ sót nhiều thiệt hại do khó xác định hoặc bồi thường qua loa, không tương xứng. Do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ thêm hai khái niệm: (i) Thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; (ii) Bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất.
Về vấn đề hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, hiện quy định tại khoản 1 Điều 105 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ mới giải quyết được việc làm cho đối tượng là người trong độ tuổi lao động, còn những đối tượng khác (người trên độ tuổi lao động và người dưới độ tuổi lao động) chưa được đề cập rõ. Do vậy, đề nghị bổ sung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trách nhiệm giải quyết việc làm cho tất cả những người trong hộ gia đình có đất bị thu hồi đang có nhu cầu việc làm, cụ thể là những người trên độ tuổi lao động và người dưới độ tuổi lao động mà họ còn phải làm việc để bảo đảm được cuộc sống trong tương lai, tránh tình trạng người dân nhận tiền bồi thường nhưng không tìm được việc làm mới, rơi vào đối tượng phải trợ giúp xã hội, cụ thể như sau:
Đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 105 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):
“1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền; người trong hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới để bảo đảm cuộc sống theo quy định của Chính phủ”.
Đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 83 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Nội dung thông báo thu hồi đất gồm lý do thu hồi đất; diện tích, vị trí khu đất thu hồi; tiến độ thu hồi đất và kế hoạch tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm mới cho người dân có đất bị thu hồi”.
Sáu là, về vấn đề tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, hiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại khoản 1 Điều 106 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất” mà không có bất kỳ ràng buộc nào để bảo đảm dự án tái định cư phải được lập và thực hiện trước khi thu hồi đất. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định: “Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường - hỗ trợ - tái định cư được phê duyệt; trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất; việc bồi thường - hỗ trợ - tái định cư phải đi trước một bước; thực hiện thí điểm và tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường - hỗ trợ - tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước”. Do vậy, theo tác giả, cần có quy định ràng buộc về thời điểm bố trí tái định cư theo hướng như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường - hỗ trợ - tái định cư và quyết định giao nền tái định cư cho các hộ dân được bố trí tái định cư phải được thực hiện trong cùng một ngày. Không được phép ban hành quyết định cưỡng chế đối với các trường hợp chưa bố trí tái định cư trên thực địa và chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu tái định cư” nhằm bảo đảm cho người có đất bị thu hồi được “an cư”, ổn định lại cuộc sống trước khi thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng hoặc cưỡng chế thu hồi đất trên thực tế. Đồng thời, đề nghị bổ sung Điều 89 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các tiêu chí để xác định người có đất bị thu hồi có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống được bảo đảm, bổ sung các tiêu chí cụ thể để đánh giá, so sánh về chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống của người có đất trước khi bị thu hồi và sau khi bị thu hồi để bảo đảm xác thực được tiêu chí “bằng” hoặc “tốt hơn” nơi ở cũ.
Như vậy, khi người dân bị thu hồi đất họ là người bị ảnh hưởng trực tiếp không chỉ về mặt vật chất mà còn gắn liền với quyền an sinh, gắn với nơi chôn nhau cắt rốn, ngành nghề truyền thống và cả sinh kế của người dân. Do vậy, để bảo đảm hài hòa lợi ích và công bằng xã hội, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật đất đai rõ ràng, cụ thể quan tâm đến quyền lợi của người dân, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, chỉ có như vậy mới đưa cuộc sống vào pháp luật đất đai thực sự hiệu quả./.
TS. Nguyễn Văn Phụng
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Nam
ThS. Đặng Thị Ngọc Thi
Giảng viên Khoa Đào tạo nghiệp vụ, Trường Cao đẳng Luật miền Nam