1. Hệ thống văn bản pháp luật
1.1. Pháp luật thời Hậu Lê
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xây dựng nhiều bộ luật như Hình thư (thời nhà Lý), Quốc triều hình luật (thời nhà Trần), Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức - thời nhà Lê)… Các bộ luật thời kỳ phong kiến được biên soạn dưới sự chỉ đạo của nhà Vua và do nhà Vua ban hành thông thường là những bộ tổng luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực như dân sự, hình sự, đất đai, lao động… Do các văn bản đó được ban hành có tính hệ thống hóa cao nên thường được các nhà sử học, luật học gọi là bộ luật, nhưng bản thân các văn bản đó có chứa tên gọi là bộ luật[6]. Nằm trong dòng chảy đó, triều Hậu Lê đã để lại cho thế hệ sau một hệ thống pháp luật đồ sộ, trong đó, không thể không nhắc đến Quốc triều hình luật và Quốc triều khám tụng điều lệ. Nếu như Quốc triều hình luật được đánh giá là “đỉnh cao của thành tựu pháp luật Việt Nam thời phong kiến”[7] thì Quốc triều khám tụng điều lệ là bộ luật riêng về tố tụng duy nhất trong lịch sử pháp luật ở Đại Việt và có lẽ ở cả phương Đông phong kiến[8]. Mặc dù Quốc triều hình luật là luật nội dung còn Quốc triều khám tụng điều lệ là luật hình thức, tuy nhiên, điểm giống nhau giữa hai văn bản này là quy định những vấn đề chung và bao quát các vấn đề, lĩnh vực pháp luật nhất định.
Ngoài Quốc triều hình luật và Quốc triều khám tụng điều lệ nêu trên, còn các văn bản pháp luật khác được ban hành để điều chỉnh những mối quan hệ xác định. Nói cách khác, đây là những văn bản đơn hành, cụ thể:
- Chiếu: Thường là văn bản dùng để công bố hoặc khuyến cáo về một chính sách, một định hướng hoặc thể hiện những quan điểm, tư tưởng của nhà Vua về một vấn đề nào đó mang tính vĩ mô để quản lý đất nước hoặc để thực hiện các công việc quan trọng khác liên quan mang tầm quốc gia. Tuy nhiên, đôi khi chiếu cũng là văn bản được nhà Vua ban hành trong những trường hợp cụ thể để điều chỉnh các quan hệ cụ thể, ví dụ như ban chiếu để xử phạt các quan đại thần.
- Lệ: Là loại văn bản thường chứa đựng các quy định mang tính quy tắc bắt buộc thi hành về một lĩnh vực nào đó của đời sống đất nước, nhằm tạo ra một chuẩn mực ứng xử nhất định trong xã hội. Lệ thường dùng để điều chỉnh, quy định những vấn đề chung, có hiệu lực khá lâu dài và có mức độ chi phối lớn trong đời sống xã hội, trong ý thức của người dân. Có thể kể đến một số lệ điển hình như: Lệ về chia mở chợ mới[9], lệ về tư cách của tiến sỹ[10]… Tuy nhiên, việc ban hành các lệ chủ yếu ở triều Vua Lê Thánh Tông, Vua Lê Hiến Tông và Vua Lê Tương Dực, ở các triều vua còn lại, lệ rất ít hoặc hầu như không được ban hành[11].
- Lệnh: Là văn bản được ban hành để thể hiện ý chí của nhà Vua, nhà nước về các vấn đề liên quan đến quản lý đất nước hoặc thực hiện pháp luật hoặc về các vấn đề mang tính thời sự liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, lệnh khác với lệ ở chỗ “những quy định này thường thiên về việc nghiêm cấm những hành vi, những việc không được làm, còn trong lệ thì có thể vừa có quy định những điều không được làm, vừa có cả những điều bắt buộc phải làm”[12]. Có thể nêu một số lệnh như: Lệnh đắp bờ ruộng để chứa nước[13], lệnh đặt xã trưởng[14]…
- Chỉ: Là một loại văn bản thể hiện ý chí của nhà Vua về một vấn đề cụ thể nào đó của quản lý nhà nước hoặc để giải quyết những công việc nhất định, thường có liên quan đến những chủ thể cụ thể. Một số chỉ được ban hành như: Chỉ quy định quan viên có tội thì về làm dân[15], Chỉ cho phép tù nhân kêu oan nhân ngày “tể thần xét tù”[16]…
- Dụ: Là một loại văn bản do nhà Vua ban hành, mang tính định hướng khá rõ, thường thể hiện sự khuyên bảo, khuyến khích, khen thưởng đối với các chủ thể được đề cập ở Dụ, chủ thể thường là cá nhân cụ thể. Dụ tuy mang tính khuyên bảo, khuyến khích, tuy nhiên vẫn có hiệu lực bắt buộc thi hành. Có thể nhắc đến một số Dụ như: Dụ không nên thù oán người Minh[17], Dụ về trách nhiệm khi xét xử đối với các đại thần, thái giám và hình quan[18]…
- Sắc: Là văn bản thường “thể hiện quyết định của nhà Vua trong việc tuyên bố, điều động, thăng chức, giáng chức hoặc chứng nhận chức vụ cho quan” hoặc “dùng để phong thần, thánh cho những người có công lao với đất nước và cho phép dân chúng được thờ cúng, phong tê thụy cho quan hoặc phong phẩm hàm cho bố mẹ các quan”[19]. Ví dụ một số Sắc như: Sắc cho Lê Xí về việc tâu phong quốc tính cho các quan[20].
Tóm lại, hệ thống pháp luật triều Hậu Lê vừa kế thừa giá trị lịch sử của các triều đại phong kiến của Nhà nước Đại Việt cũng như tiếp thu tinh hoa pháp lý nhà Đường - Trung Quốc, vừa có những điểm tiến bộ, mang dấu ấn sâu sắc, qua đó, thể hiện rõ tinh thần “thượng tôn pháp luật” trong triều Hậu Lê.
1.2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
Ngày 22/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Nếu như trước đây, việc ban hành văn bản pháp luật được quy định tại hai luật là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 thì từ năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở kế thừa và phát triển hai luật nêu trên, hợp nhất thành một luật áp dụng thống nhất cho việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương. Với chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm 26 hình thức do 18 chủ thể có thẩm quyền ban hành. Ngoài ra, Luật cũng xác định cụ thể nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật[21].
Như vậy, có thể nhận thấy, việc xác định cụ thể các hình thức văn bản quy phạm pháp luật và chủ thể ban hành như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được cha ông ta ghi nhận từ thời phong kiến xa xưa. Mặc dù chưa rõ ràng về hình thức và chủ thể ban hành, tuy nhiên, bóng dáng của việc phân định các hình thức văn bản dù là bộ luật hay văn bản đơn hành thời phong kiến là không thể phủ nhận được và không khó khăn gì để tìm được minh chứng trong hệ thống các văn bản pháp luật đồ sộ thời Hậu Lê.
2. Về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản pháp luật
2.1. Pháp luật thời Hậu Lê
Nhằm đề cao tính chịu trách nhiệm trực tiếp của chủ thể ban hành văn bản, thời Vua Lê Thánh Tông đã ghi nhận “các bản tâu và đề của nha môn trong ngoài thì chính viên quan phụ trách phải ký tên, không được sai lại viên thư tả viết tên hộ”[22]. Theo đó, ngoại trừ Quốc triều hình luật không ghi chính xác tác giả, niên đại[23], còn lại tất cả các văn bản pháp luật nêu trên đều xác định rõ chủ thể, thời gian ban hành. Thể thức văn bản triều Hậu Lê gồm các yếu tố cơ bản như: Quốc hiệu; niên hiệu; ngày, tháng ban hành; tên chủ thể có thẩm quyền, dấu đóng trên văn bản, họ tên chức vụ và chữ ký của người soạn thảo…
2.2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
Trước khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được thông qua, vấn đề về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm và thể chế hóa. Điều này được thể hiện thông qua việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật như Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03/7/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27/12/2011 của Bộ Tư pháp quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch… Không chỉ đối với các văn bản quy phạm pháp luật mà kể cả đối với văn bản hành chính, các cơ quan nhà nước cũng đã ban hành các văn bản về thể thức và kỹ thuật như Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính… Sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được thông qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày như Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/3/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Tóm lại, trong thời kỳ phong kiến ở nước ta với 04 bộ luật thành văn gồm Hình thư của nhà Lý, Hình luật của nhà Trần, Quốc triều hình luật của nhà Lê và Hoàng Việt luật lệ của nhà Nguyễn đã để lại cho thế hệ sau nguồn tư liệu tham khảo về pháp luật. Có thể khẳng định rằng, tuy được ban hành cách đây hơn 500 năm nhưng quy định của triều Hậu Lê về phân loại, thể thức và kỹ thuật xây dựng văn bản pháp luật mang nhiều đặc điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Thay cho lời kết, tác giả hoàn toàn đồng ý với nhận định của GS.TS. Trần Ngọc Đường, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội rằng “Quốc triều hình luật là niềm tự hào về một trong những thành tựu đặc sắc nhất của nền văn hóa pháp lý Việt Nam trong thời kỳ phong kiến”.
Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp