1. Dạy và học trực tuyến - xu thế tất yếu trong bối cảnh mới
Dạy học trực tuyến (online), dạy học lai ghép (hybrid), dạy học phối hợp (blended) trực tuyến với trực tiếp (trực diện) là giải pháp được nhiều quốc gia và các tổ chức giáo dục lựa chọn trong thời đại Công nghệ 4.0 và đặc biệt là thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu. Trong đó, dạy học trực tuyến là phương pháp giảng dạy khá hiệu quả mà giáo viên và học sinh, sinh viên cần áp dụng một cách có định hướng để truyền tải kiến thức đến học sinh, sinh viên một cách linh hoạt, giúp cho người học theo được mạch bài giảng đạt được mục tiêu của bài học và môn học... Dạy học trực tuyến đã, đang và sẽ trở thành xu hướng được tăng cường, củng cố và dần trở thành một xu thế tất yếu, nhiệm vụ chính trong các nhiệm vụ triển khai năm học để thích ứng với tình hình mới.
Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, Ngành Giáo dục và đào tạo đã có nhiều đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thay đổi, điều chỉnh các hoạt động dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến góp phần phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy - học, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để trẻ em, học sinh, sinh viên được học ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thích ứng với tình hình của dịch Covid-19; đồng thời thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch công tác của năm học[1].
2. Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên
Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên đã có hiệu lực từ ngày 16/5/2021 (sau đây gọi là Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT). Thông tư này quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông bao gồm: Tổ chức dạy học trực tuyến; hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, lần đầu tiên, việc dạy và học trực tuyến lần đầu tiên được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT là hành lang pháp lý để các hoạt động dạy và học trực tuyến đi vào nền nếp trên phạm vi cả nước. Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT không chỉ giúp cho nhà trường chủ động, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, mà còn khuyến khích, tăng cơ hội cho học sinh học tập ở mọi nơi, mọi lúc.
Một số nội dung chính trong Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT đó là:
2.1. Mục đích và nguyên tắc của dạy và học trực tuyến
Mục đích của dạy và học trực tuyến được quy định tại Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT. Theo đó, mục đích của dạy học trực tuyến là: (i) Hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục; (ii) Hoạt động dạy học trực tuyến cũng nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành Giáo dục; (iii) Hoạt động dạy và học trực tuyến góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh được học ở mọi nơi, mọi lúc.
Nguyên tắc của dạy học trực tuyến được quy định tại Điều 4 Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT. Theo đó, hoạt động dạy và học trực tuyến cần tuân thủ theo ba nguyên tắc chính, cụ thể: (i) Nội dung dạy học trực tuyến phải đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; (ii) Bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến; (iii) Tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.
2.2. Hoạt động dạy và học trực tuyến
Hoạt động dạy và học trực tuyến, theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT, được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. Hoạt động này có thể hỗ trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề theo chương trình giáo dục phổ thông để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó. Dạy học trực tuyến cũng có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo chương trình giáo dục phổ thông để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề này.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.
Tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên thực hiện các hoạt động chính như: Tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.
Học sinh học tập trực tuyến thực hiện các hoạt động chính như: Tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác.
2.3. Kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến trong điều kiện bất khả kháng
Điều 6 Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến được thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
2.4. Học liệu dạy và học trực tuyến
Học liệu là các phương tiện vật chất lưu giữ, mang hoặc phản ánh nội dung học tập, nghiên cứu. Học liệu có thể sử dụng dưới dạng truyền thống (tranh ảnh, ảnh dạng thẻ) và học liệu điện tử. Học liệu điện tử là các tài liệu học tập được số hóa theo một kiến trúc định dạng và kịch bản nhất định, được lưu trữ trên các thiết bị điện tử như: CD, USB, máy tính, mạng máy tính nhằm phục vụ cho việc dạy và học. Dạng thức số hóa có thể là văn bản (text), bảng dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, video, phần mềm máy tính và hỗn hợp các dạng thức nói trên[2].
Theo Điều 7 Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về học liệu dạy học trực tuyến như sau:
“1. Học liệu dạy học trực tuyến được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm: Bài giảng đa phương tiện; hướng dẫn thí nghiệm, thực hành; phần mềm mô phỏng; hệ thống câu hỏi, bài tập luyện tập và kiểm tra, đánh giá; tài liệu tham khảo, bổ trợ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Học liệu dạy học trực tuyến phải phù hợp với nội dung bài học, chủ đề học tập và hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh; bảo đảm tính khoa học, sư phạm và phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3. Học liệu dạy học trực tuyến sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông phải được tổ chuyên môn thông qua và được người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông phê duyệt”.
Như vậy, để dạy học trực tuyến có hiệu quả thì học liệu dạy học trực tuyến cần phải đáp ứng các yêu cầu không chỉ về nội dung phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về tính khoa học, sư phạm; phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Việc quy định người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông có quyền phê duyệt học liệu dạy học trực tuyến sau khi tổ chuyên môn thông qua là quy định giúp cho các cơ sở giáo dục có thể chủ động trong việc lựa chọn các học liệu phù hợp với điều kiện của từng đơn vị giáo dục.
2.5. Hạ tầng kỹ thuật dạy và học trực tuyến
Hạ tầng kỹ thuật dạy và học trực tuyến được quy định tại Chương III Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT bao gồm: Hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến (Điều 9) và hạ tầng công nghệ thông tin (Điều 10).
Hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến được sử dụng riêng hoặc kết hợp các phần mềm sau đây:
(i) Phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến trực tiếp có các chức năng tối thiểu: Giúp giáo viên tổ chức triển khai dạy học trực tuyến trực tiếp để giảng bài và hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập đồng thời cho tất cả học sinh tham dự trong cùng một không gian học tập thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ (chia sẻ màn hình máy tính), chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến đến học sinh; giúp học sinh tương tác, trao đổi thông tin theo thời gian thực với giáo viên và những học sinh khác trong cùng một không gian học tập.
(ii) Hệ thống quản lý học tập trực tuyến có chức năng tối thiểu: Giúp giáo viên tổ chức lưu trữ, chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến tới học sinh; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh; cho phép học sinh truy cập, khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác trong cùng không gian học tập; cho phép cơ sở giáo dục phổ thông quản lý hồ sơ, tiến trình học tập, kết quả học tập của học sinh và các hoạt động dạy của giáo viên; hỗ trợ quản lý các thông tin khác theo yêu cầu cơ sở giáo dục phổ thông và cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương;
(iii) Hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến.
Việc dạy và học trực tuyến không thể thiếu hạ tầng công nghệ thông tin. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu như sau:
- Bảo đảm yêu cầu về đường truyền internet và thiết bị kết nối, máy tính, thiết bị đầu cuối có cấu hình phù hợp để cài đặt hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến; bảo đảm cho giáo viên và học sinh truy cập, khai thác sử dụng các chức năng của hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến để thực hiện hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến;
- Có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, các quy định về dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân theo quy định khi tổ chức dạy học trực tuyến;
- Cơ sở giáo dục phổ thông có nơi lắp đặt các thiết bị đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, sư phạm để sử dụng phục vụ hoạt động dạy học trực tuyến của giáo viên.
2.6. Trách nhiệm của các cơ quan cá nhân có liên quan trong hoạt động dạy và học trực tuyến
Để hoạt động dạy học trực tuyến được diễn ra thuận lợi, đúng quy định, Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 11); Sở Giáo dục và Đào tạo (Điều 12); Ủy ban nhân dân cấp huyện (Điều 13); Phòng Giáo dục và Đào tạo (Điều 14); cơ sở giáo dục phổ thông (Điều 15); giáo viên, nhân viên (Điều 16) và học sinh (Điều 17). Trong đó, đáng lưu ý là vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể:
“1. Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và các cơ quan có liên quan triển khai dạy học trực tuyến tại địa phương.
2. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn lực bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến.
3. Bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, cán bộ quản lý và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật tổ chức dạy học trực tuyến”.
3. Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến
Thứ nhất, tích cực tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông những nội dung quan trọng của Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT để Thông tư được triển khai đồng bộ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Thứ hai, để chất lượng dạy và học trực tuyến đạt kết quả, cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể trong việc nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo. Thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của các phương thức dạy học mới, bao gồm ứng dụng công nghệ giáo dục (Edtech) trong lớp học, ứng dụng các phần mềm Edtech trong phương pháp dạy học, kỹ năng, phương pháp dạy học trên truyền hình cho giáo viên và ứng dụng công nghệ số trong quản lý giáo dục.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng cẩm nang và tổ chức các lớp tập huấn dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên, giảng viên. Hướng dẫn về chuẩn tối thiểu cho một bài giảng trên truyền hình. Giáo viên tăng cường giao nhiệm vụ cho học sinh, sinh viên tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, xem video, thí nghiệm mô phỏng để tiếp nhận và vận dụng kiến thức trả lời các câu hỏi, bài tập được giao thực hiện ở nhà hoặc qua mạng; tổ chức cho học sinh, sinh viên báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, kết quả tự học của mình phù hợp trên môi trường mạng.
Thứ tư, các cơ sở giáo dục và đào tạo chủ động điều chỉnh, tinh giản nội dung, thay đổi phương thức đào tạo cho hấp dẫn, linh hoạt và cập nhật nội dung giáo dục và đào tạo phù hợp; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; cung cấp cho người học nhiều kỹ năng mới hơn để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; phát triển kho học liệu điện tử, các video hỗ trợ việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên để sử dụng hiệu quả trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; khai thác, chia sẻ hiệu quả các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến.
Thứ năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần có các giải pháp ưu tiên nguồn lực bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến, có chính sách hỗ trợ giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên khó khăn không có phương tiện để dạy và học trực tuyến, tiếp cận phương thức dạy học mới. Huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp địa phương, tập đoàn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà trường, gia đình học sinh, sinh viên, giáo viên gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để trang bị thiết bị dạy và học tối thiểu phục vụ học tập và giảng dạy trực tuyến, phù hợp phương thức dạy học mới. Mỗi địa phương có thể thành lập quỹ liên quan đến việc trao tặng các trang thiết bị giáo dục cho những giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn (ưu tiên vùng sâu, vùng xa) không thể trang bị các điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu dạy và học trực tuyến.
Học viện Hành chính quốc gia