Qua theo dõi, quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền và công tác kiểm tra trong hệ thống thi hành án dân sự, có thể thấy, về cơ bản, các cơ quan thi hành án dân sự đã quan tâm và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo[1]. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ quan thi hành án dân sự, lãnh đạo đơn vị chưa xác định được vai trò và tầm quan trọng, chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa chỉ đạo sát sao nên chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương chưa cao, vẫn còn một số hạn chế trong công tác này. Qua tổng hợp, có thể thấy những sai phạm thường gặp trong thi hành án dân sự qua việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo như sau:
1. Việc ra các quyết định về thi hành án
Thứ nhất, vi phạm về thời hạn ra quyết định thi hành án. Mặc dù, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định hoặc đơn yêu cầu thi hành án, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án đối với các loại việc thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án và theo đơn yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều cơ quan thi hành án dân sự đã vi phạm về thời hạn ra quyết định thi hành án, có nơi ra quyết định chậm vài ngày, có nơi chậm một năm so với quy định của pháp luật.
Thứ hai, có trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án không đúng, không đủ các nội dung trong quyết định, bản án của Tòa án hoặc thừa nội dung so với đơn yêu cầu của người được thi hành án. Ví dụ: Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận B, thành phố H ra quyết định thi hành án cả phần lãi suất trong khi đơn đề nghị thi hành án không có nội dung này.
Thứ ba, việc ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án tại một số cơ quan thi hành án dân sự còn tùy tiện, chưa chặt chẽ (mặc dù quy định về trả đơn yêu cầu đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2015 nhưng một số cơ quan thi hành án dân sự đã vi phạm khi vẫn áp dụng đối với trường hợp ra quyết định việc chưa có điều kiện thi hành).
Thứ tư, ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án không đúng quy định. Một số cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án khi người được thi hành án đề nghị cho thời gian để thỏa thuận với người phải thi hành án, vi phạm quy định tại Điều 37 Luật Thi hành án dân sự.
Thứ năm, không ra quyết định về thi hành án theo đúng quy định. Ví dụ: Một số cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định tiếp tục thi hành án khi hết thời hạn hoãn; ra quyết định thu hồi nhưng không ra quyết định thi hành án khi người nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ có đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự mà lại đưa vào hồ sơ giải quyết xong; hoặc không ra quyết định đình chỉ thi hành án khi người được thi hành án rút đơn đề nghị thi hành án.
2. Về trình tự, thủ tục thi hành án
Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên thường mắc phải các sai phạm khi thực hiện các thủ tục sau:
Một là, thực hiện thông báo, tống đạt các văn bản, quyết định về thi hành án không đúng quy định. Mặc dù, Điều 39 Luật Thi hành án dân sự đưa ra những quy định nhằm đảm bảo cho đương sự kịp thời được thông tin để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, sai phạm trong hoạt động này vẫn còn lặp lại tại một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Ví dụ: Nhiều hồ sơ thi hành án không có tài liệu thể hiện việc chấp hành viên đã thông báo các quyết định về thi hành án cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc không được thông báo các quyết định về thi hành án đã dẫn đến các đương sự không biết nghĩa vụ mình phải thực hiện; không biết được quyền lợi của mình để bảo vệ và không biết để thực hiện quyền được khiếu nại đối với các quyết định. Từ đó, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Hai là, thực hiện xác minh điều kiện thi hành án không đúng quy định. Theo Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, thủ tục xác minh thi hành án là thủ tục quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc xác định người phải thi hành án có điều kiện hay không có điều kiện để tiến hành các thủ tục tiếp theo, nhưng chấp hành viên lại thường hay vi phạm và hậu quả chậm được khắc phục, cụ thể:
- Vi phạm về thời hạn xác minh điều kiện thi hành án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án dân sự chủ động hoặc kể từ ngày người yêu cầu thi hành án yêu cầu xác minh, thì chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương được kiểm tra trong năm 2015 và những năm trước đây cho thấy, vẫn còn rất nhiều trường hợp chấp hành viên chậm tiến hành xác minh, có nhiều vụ việc chậm vài ngày, vài tháng, vài năm, cá biệt có trường hợp chậm cả chục năm.
- Nhiều trường hợp nội dung xác minh còn chung chung, chưa rõ ràng, đầy đủ, chính xác, chưa phản ánh được điều kiện thi hành án của đương sự. Ví dụ: Một số hồ sơ trả đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án là doanh nghiệp, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xác định doanh nghiệp có nhiều chi nhánh nhưng chấp hành viên chỉ xác minh tại trụ sở chính, mà không xác minh tại các chi nhánh đã trình thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ký quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.
- Nhiều trường hợp chấp hành viên không xác minh trực tiếp tại nơi có tài sản, tại địa chỉ của người phải thi hành án, mà chỉ xác minh tại Ủy ban nhân dân phường, xã; hoặc không xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Những vi phạm nêu trên thể hiện trình độ, năng lực cũng như sự cẩu thả của chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án.
Ba là, cưỡng chế, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án không đúng quy định, ví dụ: Bản án, quyết định tuyên chưa rõ (tuyên chia thừa kế căn nhà) nhưng cơ quan thi hành án dân sự không có văn bản đề nghị Tòa án giải thích đã kê biên, xử lý cả nhà và quyền sử dụng đất; hoặc trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã có văn bản đề nghị Tòa án giải thích bản án, quyết định, đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích nhưng thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định hoãn thi hành án mà vẫn tổ chức thi hành án, vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự.
- Chấp hành viên vi phạm trong việc thẩm định giá tài sản, thường là ký thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá không có giấy phép hoạt động tại địa bàn, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự.
- Chấp hành viên vi phạm trong việc ký hợp đồng bán đấu giá tài sản: Tại các đơn vị được kiểm tra, các chấp hành viên chưa sử dụng mẫu hợp đồng bán đấu giá chung. Hầu hết, các chấp hành viên vẫn tiếp tục thực hiện mẫu hợp đồng cũ, chưa sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định mới tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, người mua tài sản vẫn nộp tiền tại tổ chức bán đấu giá, sau đó tổ chức bán đấu giá mới chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự. Về vấn đề này, hiện nay, có nhiều trường hợp cơ quan bán đấu giá đã thu tiền mua tài sản nhưng không chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự, dẫn đến nguy cơ cơ quan thi hành án dân sự phải bồi thường. Ví dụ: Vụ việc tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh D, người mua trúng đấu giá nộp 14 tỷ đồng mua tài sản vào ngày 07/9/2015 tức là sau khi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có hiệu lực, nhưng cơ quan thi hành án dân sự vẫn để người mua tài sản nộp tiền vào tài khoản của công ty đấu giá, sau khi cơ quan thi hành án bàn giao tài sản cho người mua xong, thì phát hiện giám đốc công ty đấu giá đã rút hết số tiền trên, sau đó tự tử chết, hiện nay số tiền 14 tỷ đồng khó có thể thu hồi được.
Bên cạnh đó, việc chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tại một số cơ quan thi hành án dân sự gây thiệt hại cho người mua trúng đấu giá đã dẫn đến nhiều khiếu nại gay gắt của người mua trúng đấu giá.
Bốn là, thực hiện ủy thác thi hành án không đúng quy định, cụ thể: Một số cơ quan thi hành án dân sự không thực hiện ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản (theo bản án, quyết định hoặc qua xác minh), mà vẫn tổ chức thi hành trong khi tài sản thuộc địa bàn khác hoặc chỉ ủy thác phần chủ động và tổ chức thi hành đối với phần theo đơn yêu cầu; hồ sơ ủy thác, chưa có phiếu nhận của nơi nhận ủy thác nhưng đã đưa vào báo cáo giải quyết xong; ủy thác lòng vòng hoặc ủy thác vào cuối tháng 9 hàng năm để chạy chỉ tiêu; một số cơ quan thi hành án dân sự chưa phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc hoàn thiện hồ sơ ủy thác dẫn đến chậm đưa bản án, quyết định ra thi hành.
3. Về thu, chi tiền thi hành án
Các cơ quan thi hành án dân sự thường gặp sai phạm trong hoạt động thu, chi tiền thi hành án như:
- Chi tiền mặt số lượng lớn đối với trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, vi phạm khoản 5 Điều 10 Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự.
- Hồ sơ thi hành án không lưu đầy đủ các chứng từ thu, chi, bản sao giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, có nhiều cơ quan thi hành án không lưu phiếu thu trong hồ sơ thi hành án. Cá biệt, trong thời gian qua, một số cơ quan thi hành án đã để xảy ra tình trạng thu tiền thi hành án nhưng không nộp vào quỹ để chi trả cho đương sự hoặc xâm tiêu tiền thi hành án, dẫn đến người vi phạm thì bị khởi tố hình sự còn thủ trưởng đơn vị cũng bị xử lý kỷ luật.
4. Về xử lý tang vật
Nhiều cơ quan thi hành án dân sự để tồn tang vật với số lượng lớn chưa được xử lý, có tình trạng bản án, quyết định đã được Tòa án chuyển giao sang cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án nhưng cơ quan công an không chuyển giao tang vật sang cơ quan thi hành án dân sự để xử lý dẫn đến số lượng việc thi hành án còn tồn rất nhiều, trong đó có nhiều vụ việc tồn từ hàng chục năm nay. Hầu hết, tang vật chưa chuyển giao sang cơ quan thi hành án dân sự đều là tang vật trả lại cho đương sự hoặc sung công quỹ nhà nước, kể cả tiền gây thiệt hại về quyền lợi cho đương sự và cho Nhà nước. Nguyên nhân là do cơ quan công an không kịp thời chuyển giao vật chứng, song cũng do một số chấp hành viên chưa tích cực liên hệ với cơ quan công an để nhận vật chứng về xử lý kịp thời, nên sau nhiều năm liên hệ với cơ quan công an, thì không tìm được tang vật của các vụ án, do khi chuyển giao thủ kho, cán bộ phụ trách kho của cơ quan công an không theo dõi cụ thể các việc này. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự cũng có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên.
5. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thường mắc phải những sai phạm phổ biến như:
- Không ra thông báo thụ lý đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết, vi phạm Điều 148 Luật Thi hành án dân sự.
- Thụ lý giải quyết khiếu nại khi đã hết thời hiệu khiếu nại; thụ lý giải quyết đối với khiếu nại của người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án, vi phạm quy định tại Điều 140 Luật Thi hành án dân sự.
- Chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo, vi phạm quy định tại Điều 146, Điều 157 Luật Thi hành án dân sự về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Giải quyết khiếu nại không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự, ví dụ như Cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại các quyết định, hành vi của chấp hành viên Chi cục; giải quyết khiếu nại lần 2 đối với khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm.
- Không ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo mà ban hành công văn giải quyết khiếu nại, tố cáo, vi phạm quy định tại Điều 150 Luật Thi hành án dân sự, Điều 24 Luật Tố cáo năm 2011; quyết định giải quyết khiếu nại không xác định việc bồi thường thiệt hại, biện pháp khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra hoặc ngược lại, xác định luôn trách nhiệm bồi thường của cá nhân có sai phạm trong quyết định giải quyết khiếu nại, vi phạm quy định tại Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009; ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại kết luận nội dung tố cáo của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới; quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu) hướng dẫn đương sự có quyền khiếu nại tiếp trong thời hạn 30 ngày hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 140 và Điều 151 Luật Thi hành án dân sự.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều cơ quan thi hành án dân sự chưa thực hiện đúng, đầy đủ các trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định của pháp luật như: Không nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hồ sơ thi hành án và các tài liệu có liên quan; không tổ chức xác minh, đối thoại hoặc trưng cầu giám định khi cần thiết dẫn đến kết quả giải quyết khiếu nại không khách quan, chưa đúng pháp luật. Thậm chí, thủ trưởng một số cơ quan thi hành án dân sự còn có biểu hiện bao che cho những sai phạm của cán bộ, chấp hành viên và công chức trong quá trình tổ chức thi hành án dẫn đến tình trạng công dân bức xúc, khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài, vượt cấp.
- Có trường hợp đơn có nội dung tố cáo nhưng giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại.
- Áp dụng pháp luật để giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi đã thực hiện trước khi văn bản pháp luật đó có hiệu lực.
6. Giải pháp khắc phục
Những năm qua, để khắc phục các sai phạm phổ biến trong công tác thi hành án dân sự, về phía Tổng cục Thi hành án dân sự đã có nhiều văn bản phổ biến các sai phạm điển hình, chấn chỉnh, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, song vẫn còn một số sai phạm chậm được khắc phục, thậm chí vẫn lặp lại những sai phạm đã được phổ biến, nhắc nhở nhiều lần. Trong thời gian tới, các cơ quan thi hành án dân sự cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án trên địa bàn về những sai sót nêu trên và những sai phạm đã được chỉ ra tại các văn bản của Tổng cục Thi hành án dân sự trước đây để chấp hành viên, công chức trong đơn vị nắm rõ, tránh vi phạm tương tự lặp lại.
Thứ hai, tăng cường vai trò của công tác kiểm tra và tự kiểm tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, kịp thời phát hiện sai phạm để có biện pháp khắc phục. Đối với những sai phạm đã được chỉ ra mà không khắc phục, còn lặp lại vi phạm hoặc vi phạm nặng hơn, thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Thứ ba, mỗi lãnh đạo, chấp hành viên, công chức trong Ngành Thi hành án dân sự cần triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm; kiên quyết chống bệnh thành tích, không để tình trạng kết quả thi hành án tăng đột biến vào những tháng cuối năm; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu thi hành án xong về việc, về tiền, đảm bảo phân loại án, thống kê thi hành án một cách chính xác, thực chất; quan tâm những địa bàn, địa phương có lượng án phải thi hành lớn, phức tạp, những vụ việc xử lý nợ xấu của ngân hàng theo nghị quyết của Chính phủ.
Thứ tư, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án dân sự để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; các vụ việc trọng điểm, phức tạp, bức xúc, kéo dài; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xử lý triệt để những vụ việc có tang vật còn tồn đọng. Đối với các trường hợp bản án, quyết định tuyên chưa rõ, cần kịp thời có văn bản đề nghị Tòa án giải thích và đôn đốc, phối hợp để Tòa án giải thích kịp thời.
Thứ năm, đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với công tác này[2], đồng thời tuân thủ đúng quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự và Luật Tiếp công dân năm 2013.
Tổng cục Thi hành án dân sự
[1]. Báo cáo tổng kết công tác thi hành án dân sự năm 2015, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã tiếp nhận 6.533 đơn thư (trong đó 6.074 đơn thư khiếu nại, 459 đơn thư tố cáo), tương ứng với 5.966 việc, tăng 584 số việc so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, đương sự tập trung chủ yếu khiếu nại về việc cưỡng chế kê biên tài sản; cưỡng chế giao tài sản bán đấu giá. Trong năm 2015, các cơ quan thi hành án dân sự đã tiếp nhận 1.089 vụ việc khiếu nại về nội dung này, trong đó có 858 vụ việc khiếu nại về cưỡng chế kê biên tài sản, 231 vụ việc khiếu nại về cưỡng chế giao tài sản bán đấu giá. Địa bàn có nhiều đơn thư khiếu nại về nội dung này như: Hà Nội, Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai...
[2]. Công văn số 3043/TCTHADS-GQKNTC ngày 16/9/2015 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự