Bài viết đã nêu một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công tác giám định tư pháp trong điều tra hình sự, với những nội dung chính như: (i) Những vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp trong quá trình điều tra các vụ án; (ii) Một số đề xuất, kiến nghị và lưu ý trong việc thực hiện giám định tư pháp trong điều tra hình sự.
1. Những vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp trong quá trình điều tra các vụ án
Về thời hạn tiến hành giám định, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chưa có quy định cụ thể, nhất là trưng cầu giám định tâm thần, giám định trong các vụ án kinh tế như: Giám định trong lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng cơ bản, đất đai… nên việc tiến hành giám định rất chậm, kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu về thời hạn điều tra, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ điều tra chờ kết quả giám định. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016) đã bổ sung, quy định cụ thể hơn về thời hạn giám định (Điều 208) nhằm khắc phục vướng mắc trên. Do vậy, cần quy định thống nhất, chi tiết thời hạn giám định trong Luật Giám định tư pháp năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về giám định tỷ lệ thương tích, hiện chưa có quy định thống nhất về giám định thương tích nạn nhân qua hồ sơ bệnh án, nên các cơ quan tiến hành tố tụng còn có các quan điểm khác nhau. Một số vụ án, người bị hại bị đối tượng đe doạ, mua chuộc, khống chế hoặc đòi bồi thường, nên đã từ chối giám định xác định tỷ lệ thương tích, vì vậy không có căn cứ xử lý người gây thương tích theo quy định của Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Một số địa phương không giám định được thiệt hại tài sản do hành vi chi sai nguyên tắc quản lý tài chính nhà nước gây ra hoặc nội dung yêu cầu giám định là nghiệp vụ chuyên môn mới phát sinh, phức tạp, khối lượng lớn như giám định cổ phiếu, giám định các giao dịch điện tử...
Các trường hợp trưng cầu giám định về tài chính và trưng cầu định giá tài sản thường bị kéo dài thời gian, có trường hợp Hội đồng giám định được trưng cầu không trực tiếp định giá tài sản mà phải thuê một đơn vị thẩm định giá, dẫn đến kéo dài thời hạn điều tra, phải tạm đình chỉ điều tra vụ án. Một số vụ án kinh tế, cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định, nhưng phải sau một thời gian dài thì cơ quan giám định mới cử được giám định viên thuộc các lĩnh vực như: Giám định thuế, giám định kế toán, tài chính, ngân hàng, giám định công trình xây dựng… Trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ trong lĩnh vực này còn hạn chế và kiêm nhiệm các công việc khác.
Việc định giá đối với những vụ việc liên quan đến sản xuất, tàng trữ, mua bán hàng cấm không thực hiện được, vì hàng hóa đó thuộc danh mục hàng cấm như ngà voi, sừng tê giác… không được phép mua bán, lưu hành, nhưng cũng đã có nơi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu định giá đối với loại hàng hóa này.
Quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra với các cơ quan quản lý chuyên ngành các lĩnh vực như tài chính, xây dựng, ngân hàng… nhiều nơi thực hiện chưa tốt, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm trong quan hệ phối hợp của các cơ quan này. Do đó, việc cử người làm giám định của các cơ quan quản lý chuyên ngành để giám định theo yêu cầu của cơ quan điều tra thường không kịp thời, nhiều vụ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Nội dung kết luận giám định trong một số trường hợp chưa trả lời đầy đủ các yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định hoặc một số kết luận giám định còn chung chung, không rõ ràng, chỉ có giá trị tham khảo, kết luận không khẳng định, có dấu hiệu né tránh trả lời nội dung yêu cầu giám định của cơ quan điều tra. Thực tế, không ít vụ án có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định (xung đột kết luận giám định), trong trường hợp này thì sử dụng kết luận giám định nào làm căn cứ xử lý bị can?
Chi phí giám định tư pháp phải trả đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng thường rất lớn, nhất là các vụ án trưng cầu giám định về chất lượng công trình xây dựng, cầu, đường. Mặt khác, có trường hợp vật chứng cần giám định là hàng hóa, nhưng do không có kinh phí nên không ký được hợp đồng với các cơ quan khác để giám định, dẫn đến việc hàng hóa bị hư hỏng. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn cụ thể các mức chi trả tiền giám định trong các lĩnh vực thiệt hại rừng, tài chính, ngân hàng, thuế…
Thời gian gần đây, cơ quan điều tra đã phát hiện việc “chạy” giám định. Ví dụ: Tháng 6/2015, qua công tác quản lý giam giữ, Công an tỉnh LĐ đã phát hiện, ngăn chặn hành vi “chạy” để được giám định tâm thần theo hướng có lợi đối với bị cáo H, bị Tòa án nhân dân tỉnh LĐ tuyên phạt tử hình về các tội giết người, hiếp dâm, cướp tài sản. Cụ thể là khi kiểm tra đồ tiếp tế do bà ML gửi vào trại tạm giam cho con, thì cán bộ trại đã phát hiện trong ổ bánh mỳ có 3 tờ giấy nhỏ của bà ML ghi nội dung “đến ngày xét xử phúc thẩm thì H giả bị bệnh tâm thần, không nhớ đến những việc đã làm để được hoãn phiên tòa và đề nghị đưa đi giám định ở ĐN”. Trại tạm giam Công an tỉnh LĐ đã lập biên bản thu giữ 3 tờ giấy đó, báo cáo cấp trên có biện pháp cần thiết, làm việc với tổ chức giám định để trao đổi thông tin và đã ngăn chặn việc “chạy” giám định để được thoát án tử hình.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở những vướng mắc, khó khăn nảy sinh từ thực tiễn công tác giám định tư pháp trong các lĩnh vực của lực lượng công an thời gian qua, tác giả xin có một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như sau:
- Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định về giám định tư pháp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ tiến hành tố tụng, người giám định, nhất là về vai trò, trách nhiệm, nội dung quản lý nhà nước về giám định tư pháp của cơ quan mình.
- Xây dựng nghị định quy định chi tiết Luật Giám định tư pháp năm 2012 về lĩnh vực giám định tài chính, ngân hàng, chất lượng công trình… gồm các nội dung chính như: Thời hạn tiến hành giám định nhằm phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; trách nhiệm của cơ quan giám định, trách nhiệm của giám định viên đối với các kết luận giám định của mình; những loại việc không nhất thiết phải giám định nhằm tránh việc lạm dụng giám định, sử dụng kết quả giám định thay cho hoạt động điều tra.
- Kiện toàn các cơ quan giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng… để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm. Mở rộng các Văn phòng giám định tư pháp công lập, hạn chế giám định tư pháp chuyên ngành. Tăng cường biên chế và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho giám định viên chuyên trách trong lĩnh vực giám định pháp y, tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng, thuế... Các Bộ, ngành sớm xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn giám định theo đúng như phân công trong Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu giám định tư pháp hiện nay.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại để đáp ứng yêu cầu công tác giám định trong tình hình hiện nay, nhất là các cơ quan giám định công an cấp tỉnh.
- Tách kinh phí phục vụ công tác giám định tư pháp trong điều tra vụ án hình sự thành một mục chi ngân sách độc lập (không lấy từ kinh phí điều tra); quy định cụ thể và phù hợp mức phí trả tiền giám định trong các lĩnh vực giám định thiệt hại về rừng, tài chính, ngân hàng, thuế, xây dựng, cầu, đường…; mức chi phí giám định cần đuợc điều chỉnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả thị trường. Đề nghị Bộ Tài chính cần sớm có hướng dẫn về căn cứ, thủ tục lập dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp, trình tự, thủ tục, hồ sơ thanh toán chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
- Xây dựng quy chế phối hợp về hoạt động giám định tư pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn (như: Giám định tỷ lệ thương tích trong trường hợp người bị hại từ chối giám định; giải quyết những vướng mắc về giám định tài chính, ngân hàng, xây dựng…) để công tác giám định tư pháp được tiến hành nhanh chóng, có chất lượng, bảo đảm yêu cầu điều tra, xử lý vụ án khách quan, chính xác.
3. Một số lưu ý trong thực hiện giám định tư pháp
3.1. Căn cứ trưng cầu giám định tư pháp
Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định về những trường hợp bắt buộc phải giám định hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định, theo đó:
- Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
+ Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;
+ Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;
+ Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;
+ Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu nào khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính chính xác của các tài liệu đó;
+ Chất độc, chất ma túy, chất phóng xạ, tiền giả.
- Các trường hợp xét thấy cần thiết phải tiến hành trưng cầu giám định:
+ Khi cần làm rõ những công cụ, phương tiện nào đó gây ra những dấu vết, thương tích trên thân thể người bị hại; làm rõ những dấu vết vân tay, dấu vết chân, giày, dép... tại hiện trường;
+ Khi cần làm rõ ai là người viết, ký, hình dấu thật hay giả, phương tiện in ấn, đánh máy ra tài liệu có liên quan đến vụ án;
+ Khi cần làm rõ hàng hóa thu được trong quá trình điều tra vụ án có phải là thật hay giả;
+ Giám định dấu vết sinh vật thu được tại hiện trường hoặc trên thân thể người bị hại;
+ Giám định để định giá tài sản;
+ Xác định nguyên nhân gây cháy nổ.
3.2. Cách thức trưng cầu giám định tư pháp
Sau khi đã xác định được những vấn đề cần yêu cầu trưng cầu giám định, cơ quan điều tra cần phải xác định và làm rõ khả năng tiến hành giám định gồm:
- Các vấn đề phải giám định;
- Các dạng giám định sẽ tiến hành trưng cầu; dạng giám định đó có khả năng giải quyết được vấn đề mà hoạt động điều tra đặt ra yêu cầu hay không;
- Cơ quan giám định hay người giám định có khả năng giám định hay không;
- Các tài liệu, mẫu vật thu được có đủ yếu tố để giám định hay không; các tài liệu, mẫu vật gửi đi giám định bao gồm các mẫu vật có liên quan đến vụ án và các mẫu vật so sánh. Các mẫu vật này cần thỏa mãn các yêu cầu như mang tính phản ánh, tính so sánh, tính ổn định tương đối và tính xác thực của nguồn gốc mẫu vật.
Sau khi chuẩn bị xong các điều kiện cần thiết để yêu cầu trưng cầu giám định, điều tra viên đề nghị thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định với các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Cơ quan tiến hành giám định có trách nhiệm tiến hành các giám định theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra. Đồng thời, cơ quan điều tra cần theo dõi và giữ mối liên hệ với cơ quan giám định nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ các yêu cầu cần thiết cho quá trình giám định. Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của giám định viên, cơ quan điều tra và điều tra viên có thể tạo điều kiện cho giám định viên tiến hành các hoạt động có liên quan đến hoạt động điều tra vụ án như tham gia hỏi cung, nghiên cứu hiện trường... theo quy định để phục vụ quá trình giám định. Trên thực tế, tùy thuộc vào yêu cầu của quá trình điều tra vụ án mà cơ quan điều tra có thể tiến hành ra các quyết định trưng cầu giám định lần đầu; quyết định trưng cầu giám định lại; trưng cầu giám định bổ sung; trưng cầu cá nhân giám định; trưng cầu tập thể giám định và trưng cầu giám định tổ hợp để có thể có được những kết luận giám định chính xác, khách quan nhất.
3.3. Việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp
Kết luận giám định tư pháp được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định.
Kết luận giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây: Họ, tên người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định; tên cơ quan tiến hành tố tụng; họ, tên người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; thông tin xác định đối tượng giám định; thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định; nội dung yêu cầu giám định; phương pháp thực hiện giám định; kết luận về đối tượng giám định; thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.
Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh với các loại tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Kết luận giám định là văn bản có giá trị pháp lý, trình bày quá trình giám định và kết quả nghiên cứu, câu trả lời của cơ quan giám định đối với các câu hỏi mà cơ quan trưng cầu, yêu cầu giám định đưa ra. Tuy nhiên, không phải lúc nào kết luận giám định cũng là kết luận khẳng định, có hai loại kết luận giám định gồm:
- Kết luận khẳng định: Là kết luận dứt khoát, đúng hay không đúng, đồng nhất hay không đồng nhất về vấn đề cần giám định, kết luận này có giá trị chứng minh; được công nhận như một nguồn chứng cứ.
- Kết luận khả năng: Là kết luận mà trong một số trường hợp người giám định không có khả năng đưa ra kết luận dứt khoát đối với vấn đề cần giám định, mà chỉ đưa ra được kết luận có xu hướng dự báo xác định một người, một vật hoặc một sự việc nào đó. Thông thường, những kết luận mang tính khả năng được đưa ra trong các trường hợp các dấu vết, tài liệu, mẫu giám định gửi đi biểu hiện không rõ nét; những biện pháp nghiên cứu, giám định đã lỗi thời; số lượng mẫu vật, tài liệu gửi đến để giám định thiếu, không bảo đảm chất lượng... do đó, người giám định không thể đưa ra được kết luận khẳng định mà chỉ đưa ra được kết luận mang tính khả năng. Kết luận giám định mang tính khả năng không có ý nghĩa như một nguồn chứng cứ vì chỉ chứa đựng những thông tin mang tính dự báo về đối tượng giám định. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào đó để đưa ra những giả thuyết điều tra về đối tượng, công cụ, phương tiện, diễn biến của hành vi phạm tội, phục vụ quá trình điều tra. Mặc dù vậy, thực tế cũng có các trường hợp không kết luận được kết quả giám định do nhiều lý do khác nhau như: Các tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật mà cơ quan điều tra cung cấp không đủ cơ sở để kết luận; giám định viên không đủ điều kiện thời gian, phương tiện, cơ sở, kinh phí... để giám định hoặc giám định viên không đủ trình độ, khả năng để kết luận…
Sau khi nhận được kết luận giám định từ người giám định hoặc tổ chức giám định tư pháp, cơ quan điều tra căn cứ vào kết luận đó để thu thập các thông tin phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Các thông tin này có thể được phân loại như sau: Thông tin về thủ phạm; thông tin về những người liên quan; thông tin loại trừ đối tượng nghi vấn và những thông tin về diễn biến tội phạm...
Trong tố tụng, kết luận giám định được quy định như một nguồn chứng cứ, có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và tiến trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Vai trò đó thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc sử dụng kết luận giám định là yếu tố giúp cho cơ quan điều tra có cơ sở xác định được thủ phạm gây án, công cụ, phương tiện phạm tội cũng như thủ đoạn thực hiện tội phạm... là cơ sở để áp dụng các biện pháp điều tra sát hợp, có hiệu quả.
Thứ hai, kết luận giám định giúp cơ quan điều tra xác định đối tượng tác động của tội phạm và những thiệt hại do tội phạm gây ra trên các phương diện như: Thiệt hại về tài sản, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng...
Thứ ba, thông qua kết luận giám định giúp cơ quan điều tra xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, người làm chứng...
Thứ tư, kết luận giám định giúp cơ quan điều tra xác định nguyên nhân, điều kiện xảy ra phạm tội để có phương hướng điều tra phù hợp cũng như là cơ sở để đưa ra những biện pháp phòng ngừa tội phạm có hiệu quả...
Bộ Công an