Tóm tắt: Công vụ được hiểu theo nghĩa chung nhất là công việc do người của Nhà nước đảm nhận. Giá trị công vụ cốt lõi mà cán bộ, công chức, viên chức đảm nhận thể hiện ở cách công chức xử sự và đóng góp để xã hội tốt đẹp hơn. Điều đó được phản ánh ở đạo đức công vụ. Hoàn thiện các quy định về đạo đức công vụ là một yêu cầu mang tính tất yếu khách quan ở nước ta hiện nay. Quá trình này phải tiếp thu có chọn lọc những giá trị đạo đức công vụ của nhân loại, đặc biệt là phải bảo đảm được tính kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức công vụ truyền thống. Việc tiến hành một cách đồng bộ các nội dung trên sẽ là động lực nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Abstract: Public duties, in the broadest sense, are duties performed by public employees. The core values of the public duties performed by cadres, civil servants, public servants are reflected in their conduct and contribution for better society. That is reflected in the public ethics. Refining regulations on public ethics is an objective, necessary requirement in the current context in our country. In the refining process, it is crucial to refer to and to learn from the public ethics of other countries and its moral values while ensuring inheritance and promotion of the moral values of traditional public ethics. Promoting traditional values while learning from others is a drive to enhancement of moral and ethical qualities of cadres, civil servants, public servants to meet the requirements of the renovation in our country.
Giá trị cốt lõi mà công chức đảm nhận thể hiện ở cách công chức xử sự và đóng góp để xã hội tốt đẹp hơn, bao gồm dịch vụ công tốt và từng cá nhân công chức cũng phải thường xuyên trau dồi, bồi dưỡng về mọi mặt để tiến bộ hơn. Hơn thế, đạo đức của công chức còn là những chuẩn mực giá trị đạo đức và hành vi ứng xử thể hiện vai trò công bộc của công chức trong quan hệ với người dân. Nói cách khác, đó là sự điều chỉnh và xem xét về mặt đạo đức các quyết định và hành động của công chức trong quá trình thực thi công vụ. Trên thực tế, giá trị cốt lõi của công vụ mà công chức đảm nhận thường là những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực cụ thể của đời sống. Những giá trị ấy góp phần tăng cường đạo đức công chức, làm tăng thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi công chức trong việc thực thi công vụ qua những hoạt động, hành vi cụ thể trong quá trình thực thi công vụ. Mỗi công chức trong nền công vụ đều phải tự giác, tự nguyện xác định cho mình sự tôn trọng các quy tắc ứng xử mang tính nghề nghiệp. Theo mong đợi từ xã hội, công chức phải tham gia vào đời sống chính trị - xã hội ở cấp độ cao nhất của sự liêm chính. Bởi vì, mục đích cuối cùng của nền công vụ là phục vụ nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân.
Ở Việt Nam, đạo đức công vụ là nội dung được các chính quyền từ phong kiến đến hiện đại quan tâm. Thời Hậu Lê, chính quyền đã tiếp thu và chuyển hóa các quan điểm Nho giáo vào việc trị nước. Từ Vua Lê Thái Tông với quan điểm “bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp di địch, trọng đạo sùng Nho, mở khoa thi chọn kẻ sĩ” đến Vua Lê Thánh Tông hết sức đề cao Nho học và đã chuyển hóa các phạm trù Nho giáo vào bộ Quốc triều hình luật nổi tiếng, Nho giáo đã có vị trí vững chắc trong đời sống xã hội nói chung, đời sống công vụ nói riêng. Đường lối trị nước thời Lê cũng như các triều đại phong kiến khác đặt trọng tâm vào việc xây dựng đội ngũ quan lại “có năng lực, tận tâm, công tâm thực thi các nhiệm vụ hoàng đế và triều đình giao, đưa nền hành chính vào nền nếp, để các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu quả”. Vì vậy, trong lịch sử Việt Nam, việc triều đình ban hành các luật hay chiếu lệnh quy định hay uốn nắn quan lại về đạo đức trong thực thi công vụ là điều thường thấy.
“Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép, năm 1427, Vua Lê Thái Tổ trong lúc cuộc kháng chiến chống quân Minh ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, ông đã ban hành 10 điều quân luật răn dạy tướng sĩ, trong đó những hành vi sau sẽ bị xử chém, đó là: (i) Đắm đuối nữ sắc, lén lút thả riêng cho người họ nhà vợ không làm quân dịch; (ii) Thả quân lính để lấy tiền, che giấu không biên vào sổ quân; (iii) Theo thói ưu ghét của mình mà đảo lộn công tội của người; (iv) Bất hòa với mọi người, gian ác, trộm cắp...
Năm 1428, khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, Nhà Vua hạ lệnh cho các tướng sĩ và quan lại rằng: “Từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa đặt ra pháp luật là để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều thiện thì làm, điều chẳng lành thì tránh...”. Trước đó, Nhà Vua cũng đã từng ban hành 03 điều răn các quan văn, võ: (i) Chớ thờ ơ; (ii) Chớ lừa dối; (iii) Chớ tham lam.
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đính trong “Nhà nước và pháp luật thời phong kiến Việt Nam - Những suy ngẫm”, thì những nguyên tắc cơ bản trong việc bố trí, quản lý, sử dụng quan lại thời phong kiến ở nước ta là:
- Đặt vị trí quan lại theo đúng tài và đức;
- Tùy đặc điểm, tính chất công việc mà bố trí số lượng, vị trí quan lại cho phù hợp;
- Đảm bảo sự hài hòa, nghiêm minh giữa chức vụ và trách nhiệm;
- Luân chuyển quan lại;
- Thực hiện chế độ “hồi tỵ”;
- Đảm bảo chế độ lương bổng cho quan lại;
- Giám sát quan lại;
- Thực hiện chế độ khảo công đối với quan lại;
- Xử lý nghiêm quan lại vi phạm.
Đơn cử như phép khảo công (khảo sát năng lực quan lại) nhằm giúp triều đình nhận rõ thành tích cùng những ưu, khuyết điểm, những mặt mạnh, mặt yếu của quan lại các cấp để chấn chỉnh họ, bố trí họ vào những chức trách, nhiệm vụ theo tài năng, đức độ, tinh thần trách nhiệm của họ đối với công việc, khích lệ từng người cố gắng phấn đấu trở thành những viên quan tốt, đồng thời răn đe và cả trừng phạt những quan lại có hành vi xấu. Qua đó, xây dựng một nền công vụ có đạo đức, có trách nhiệm với xã hội. Các chế độ “hồi tỵ” (người thân thuộc không được cùng làm trong một cơ quan hay địa phương), chế độ giám sát, chế độ luân chuyển… cũng nhằm đến mục tiêu đó.
Đến đầu thế kỷ XX, công cuộc xâm lược và bình định của người Pháp về cơ bản đã hoàn thành. Lúc này, trong bộ máy quan lại của nhà Nguyễn có sự phân hóa thành bộ phận bất hợp tác và bộ phận hợp tác với thực dân Pháp. Bộ phận bất hợp tác đi theo các phong trào kháng chiến hoặc lui về ở ẩn. Điều này làm cho số lượng quan lại hợp tác với người Pháp trở nên ít ỏi. Họ cũng bị xã hội lên án và cô lập. Để khắc phục điều này, người Pháp đã chỉ đạo cải cách chế độ khoa cử, chuyển dần sang thi bằng chữ quốc ngữ và tuyển chọn một số lượng lớn quan lại bổ sung cho bộ máy mới.
Nhìn vào bộ máy quan lại thời Pháp thuộc, có thể thấy, người Pháp mong muốn xây dựng được một nền công vụ phục vụ lợi ích của chính quốc, đồng thời có hiệu năng và được xã hội tín nhiệm. Theo Emmanuel Poisson trong cuốn “Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam”, năm 1904, Thống sứ Bắc Kỳ đã ban hành quy định về đánh giá quan lại. Văn bản yêu cầu phải nói rõ về các điểm: “Đạo đức và hạnh kiểm; sức khỏe, tác phong; quan hệ với người trên, đồng cấp, kẻ dưới, năng lực, cung cách làm việc; năng lực đặc biệt (hành chính hay học chính), trình độ quốc ngữ hay tiếng Pháp”. Ba năm sau, quy định này còn được chi tiết hóa hơn. Ba loại hiểu biết truyền thống là thu thuế, công chính và tư pháp được chia nhỏ thành 12 tiểu mục để làm tiêu chí đánh giá, bao gồm: (i) Lập các sổ thuế; (ii) Phát hiện diện tích ruộng đất ẩn lậu và những đinh (nam giới trong độ tuổi) bị bỏ sót chưa đăng ký; (iii) Thu thuế; (iv) Tu bổ đê điều và làm đường; (v) Chỉ ra những công trình công cộng phải tiến hành; (vi) Quản lý đường giao thông; (vii) Kênh mương dâng nước và tháo nước; (viii) Cảnh sát và tư pháp; (ix) Nhanh chóng xem xét và giải quyết các vụ việc dân sự; (x) Nhanh nhẹn và chính xác trong các vụ việc hình sự; (xi) Các công việc đặc thù và kiến thức cá biệt; (xii) Trình độ phát huy sáng kiến trong công việc... Quan lại nếu không giữ gìn đạo đức và trau giồi năng lực để hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu kỷ luật nghiêm khắc. Năm 1906, một Nghị định được ban hành quy định 4 loại hình phạt với quan lại. Năm 1907, bổ sung hình phạt thải hồi....
Nhìn lại lịch sử để soi sáng hiện tại, có thể thấy, việc chú trọng hoàn thiện các quy định về đạo đức công vụ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính ở nước ta hiện nay là một yêu cầu mang tính tất yếu khách quan. Quá trình hoàn thiện đạo đức công vụ phải đảm bảo quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của dân, bảo đảm phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế trong quá trình xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, tiếp thu có chọn lọc những giá trị đạo đức công vụ của nhân loại, đặc biệt là phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển đối với các quy định của pháp luật hiện hành về đạo đức công vụ, bảo đảm được tính kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức công vụ truyền thống. Việc tiến hành một cách chủ động, nhanh chóng, đồng bộ và triệt để các nội dung trên sẽ là động lực nâng cao phẩm chất đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay
Học viện Hành chính Quốc gia
Các tin khác
Kính tặng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Ba mươi lăm năm ấy Những kỷ niệm của một thời đáng nhớ Những cuộc đồng hành gian nan mà thú vị Nơi thắp lửa cho cán bộ tư pháp trẻ Một mối lương duyên Ký ức mười năm là cộng tác viên của Tạp chí Đôi điều cảm nhận về ngành và nghề qua lớp tập huấn tiền công vụ năm 2013