Bởi hệ thống các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn trường, tại tất cả các cấp học, ngành học và hàng triệu học viên, sinh viên, học sinh, trẻ em. Chính vì vậy, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về giáo dục là cấp thiết. Bài viết đã nêu lên được những thành quả trong cải cách thủ tục hành chính mà Ngành Giáo dục đã đạt được trong thời gian qua, qua đó chỉ ra được một số hạn chế, bất cập trong cải cách thủ tục hành chính và các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính.
1. Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về giáo dục
Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền trong mối quan hệ nội bộ của hành chính và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và cá nhân công dân. Nó giữ vai trò đảm bảo cho công việc đạt được mục đích đã định, phù hợp với thẩm quyền của các cơ quan nhà nước hoặc của các cá nhân, tổ chức được ủy quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước[1]. Tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa IX, Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ cải cách TTHC là khâu đột phá của cải cách hành chính, tập trung vào các lĩnh vực mà người dân và các nhà kinh doanh đang chịu nhiều phiền hà, sách nhiễu[2]. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội VIII, Đảng ta đã khẳng định trong những năm trước mắt, cải cách thể chế hành chính được tập trung vào TTHC với mục tiêu cải cách cơ bản TTHC cả về thể chế và tổ chức thực hiện[3].
Cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính “nhằm tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với tổ chức xã hội và giữa cơ quan nhà nước với công dân”. Thủ tướng Chính phủ cũng xác định rõ: “Tiếp tục cải cách TTHC nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính. Loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân. Mở rộng cải cách TTHC trong tất cả các lĩnh vực, xóa bỏ kịp thời những quy định không cần thiết về cấp phép và thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch, giám định. Nhằm tạo bước đột phá trong cải cách TTHC và đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là trong giao dịch trực tiếp của cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27/4/2006 phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 - 2010. Mục tiêu đề ra nhằm cải cách tổ chức bộ máy, cải cách thể chế, triển khai và sơ kết thí điểm cơ chế một cửa của các bộ, ngành. Tiếp theo, ngày 10/01/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (gọi là Đề án 30).
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các cơ sở giáo dục khác về các lĩnh vực: Mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch, chất lượng giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh; hệ thống văn bằng, chứng chỉ; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của cải cách TTHC, trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn xác định cải cách TTHC là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính, là biện pháp phòng, chống tham nhũng, xây dựng một nền hành chính hiện đại, cụ thể: Nhằm triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong những năm gần đây, cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC trong quản lý nhà nước về giáo dục nói riêng ngày càng được quan tâm chú ý hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố được Bộ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC[4]. Theo Quyết định số 698/QĐ-BGDĐT ngày 07/3/2016, danh mục TTHC được chuẩn hóa gồm 185 TTHC: 92 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, 54 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, 35 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và 04 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã. TTHC được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm của cá nhân trong khi thi hành công vụ. Việc xác định quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ phải đi liền với việc đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức.
2. Một số hạn chế, bất cập trong cải cách thủ tục hành chính
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình cải cách TTHC như đã nêu trên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:
Một là, một số TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc công bố chậm, như các thủ tục về kiểm định chất lượng giáo dục. Công tác cập nhật và công khai TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ ở một số lĩnh vực chưa kịp thời và chưa đảm bảo chất lượng, nhất là các thủ tục được sửa đổi, bổ sung, thay thế gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin về TTHC.
Hai là, một số cán bộ, công chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC dẫn đến việc chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, cũng như việc thực hiện công tác này tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa theo đúng quy định.
Ba là, quá trình cải cách TTHC, các đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong một số trường hợp chưa có sự hợp tác chặt chẽ với đơn vị kiểm soát TTHC, dẫn đến việc thực hiện việc đánh giá tác động của các TTHC trong dự thảo văn bản bị thiếu hoặc không đúng mục đích, yêu cầu. Thậm chí, nhiều hồ sơ thẩm định thiếu bản đánh giá tác động và ý kiến của đơn vị kiểm soát TTHC, có những văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC đã “lọt lưới” và được ban hành. Việc ban hành các TTHC mà không được đánh giá về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và hiệu quả của TTHC đã dẫn tới chất lượng TTHC không cao, gây phản cảm trong xã hội. Điều này đã ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác cải cách TTHC của Bộ. Về vai trò của các đơn vị liên quan, một số đơn vị chủ trì soạn thảo đã không chủ động trong việc tự xác lập cơ chế kiểm soát nội bộ đối với chất lượng các quy định TTHC được ban hành trong đó và không thực hiện việc đánh giá tác động, cũng như yêu cầu đơn vị kiểm soát TTHC hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ trong công đoạn này. Đối với đơn vị kiểm soát TTHC, do nhiều lý do khác nhau đã không thực hiện nghiêm việc kiểm soát chất lượng của quy định TTHC trong các dự thảo; có ý kiến không sâu hoặc mang tính hình thức; chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với ý kiến phản biện của mình. Vì vậy mà nội dung quy định TTHC được ban hành hiện nay, cho dù đã có sự kiểm soát chất lượng như đã nói nhưng thực tế cho thấy vẫn đang tồn tại nhiều TTHC không đáp ứng được yêu cầu cải cách và đơn giản hóa TTHC. Trong một số thông tư có những TTHC thực sự không cần thiết, có thể được thay thế bởi những cơ chế khác phù hợp hơn hoặc có TTHC không đáp ứng yêu cầu về tính hợp lý thậm chí không hợp pháp nhưng vẫn được ban hành.
Bốn là, việc rà soát các TTHC hàng năm vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu được đặt ra. Các kế hoạch rà soát TTHC được ban hành, tuy nhiên các đơn vị chủ trì soạn thảo chưa thực sự quan tâm và phối hợp với đơn vị kiểm soát TTHC để đề xuất các phương án đơn giản hóa có hiệu quả. Do vậy mà có nhiều văn bản ban hành từ hàng chục năm, có nhiều quy định không phù hợp vẫn chưa được rà soát để đưa vào chương trình cải cách TTHC, chẳng hạn như: Thủ tục chuyển đổi trường của học sinh phổ thông, xin học lại trường học khác… vẫn là những quy định cũ từ cách đây hơn chục năm. Điều này gây khó khăn cho các đối tượng khi tham gia TTHC. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá tác động, công bố, công khai TTHC còn chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính
Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, để cải cách TTHC tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt hiệu quả cao, theo chúng tôi, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về cải cách thủ tục hành chính
Truyền thông là một trong những công cụ hữu hiệu nhất trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Vì vậy, cần thiết phải đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo hình...); phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thông tin - tuyên truyền về các nội dung liên quan đến cải cách TTHC, các quy định về TTHC, các chương trình, kế hoạch cải cách TTHC của ngành giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về cải cách TTHC, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Các cán bộ, công chức, viên chức cũng như những đối tượng tham gia TTHC trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần tích cực giám sát việc thực hiện TTHC, kịp thời phản ánh, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về những hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc thực hiện TTHC không đúng quy định của cán bộ, công chức. Chính việc huy động các đối tượng chịu sự tác động của TTHC tham gia vào việc xây dựng các quy định hành chính sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho cải cách TTHC, từ việc đóng góp các sáng kiến cải cách TTHC đến việc giám sát thực hiện TTHC theo đúng các quy định của pháp luật.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao năng lực đội ngũ công chức thực hiện thủ tục hành chính
Về đổi mới đội ngũ công chức, đây là một nhiệm vụ và thách thức lớn, bởi vì công chức được coi là một yếu tố quan trọng để thực hiện được các mục tiêu quốc gia đã đề ra. Để duy trì được đội ngũ công chức có năng lực và trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng công chức có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, cần phải đổi mới cơ bản công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức nhà nước. Xây dựng một cơ chế tiền lương công chức hợp lý, tương đồng ở mức thoả đáng với các vị trí tương tự trong khu vực tư nhân.
Các công chức thực hiện TTHC cần phải nắm rõ hệ thống các quy định, quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC đối với từng lĩnh vực cụ thể để giải quyết công việc nhanh gọn, kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng tiêu cực, chậm trễ trong quá trình giải quyết công việc cho cá nhân và tổ chức; kiên quyết đưa ra khỏi ngành những công chức thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Tuyển chọn những người có trình độ chuyên môn, liêm khiết, có tác phong, thái độ làm việc nghiêm chỉnh trong viêc thực hiện TTHC.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về thủ tục hành chính
Thực hiện yêu cầu rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát và đề xuất đơn giản hóa 151 TTHC. Tuy nhiên, các TTHC trong quản lý nhà nước về giáo dục được quy định ở nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Ví dụ: Thủ tục thành lập, cho phép thành lập trường cao đẳng, thủ tục này được quy định ở nhiều văn bản khác nhau (Thông tư số 43/2011/TT-BGDĐT ngày 04/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT; Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/02/2008 của bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; Thông tư số 01/2015/TT-BGDĐT ngày 15/01/2015 ban hành Điều lệ trường cao đẳng (thay thế Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT ngày 28/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường cao đẳng). Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định TTHC, bảo đảm mỗi TTHC chỉ quy định trong một văn bản, giúp cho cá nhân, tổ chức dễ tiếp cận và thực hiện TTHC là một trong những việc cần triển khai thực hiện kịp thời.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định rõ việc đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện đúng và có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập hợp, rà soát và đánh giá tình hình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, có giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý; triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục trên phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo phục vụ công tác quản lý các cấp.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó mọi thông tin về TTHC được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và trên trang thông tin điện tử của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ hạn chế và khắc phục được tình trạng gây khó khăn, tạo ra “thủ tục con” của cán bộ, công chức thực hiện TTHC.
Tóm lại, để công tác cải cách TTHC trong quản lý nhà nước về giáo dục đạt được hiệu quả cao, Ngành Giáo dục phải biết huy động và phát huy sức mạnh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên, học viên trong việc dự thảo, xây dựng, thực hiện quy định TTHC. Muốn vậy Ngành Giáo dục cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về cải cách TTHC.
Bộ Giáo dục và Đào tạo
[1]. Kỷ yếu kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa IX, tập V, Hà Nội, 1994.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
[3]. Nghị quyết số 38-CP ngày 04 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.
[4]. Quyết định số 698/QĐ-BGDĐT ngày 7/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.