Abstract: In recent time, the practice of monitoring law implementation situation in the Gia Lai Province has revealed inadequacies, limitations on theory, institution and implemention regime. Thus, there is a need to have solutions for improving effect of monitoring law implementation situation towards completion of regime and operation innovation.
Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nhu cầu nội thân của quyền lực nhà nước và của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở nhằm xem xét, đánh giá thực trạng quyền lực nhà nước để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nắm bắt được nhu cầu này, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã khẩn trương ban hành kế hoạch hàng năm về theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) và Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Thông tư số 14/2014/TT-BTP). Nhìn chung, các nội dung đề ra trong kế hoạch hàng năm đều được các sở, ban, ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh, bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chú trọng chỉ đạo kiểm tra, đánh giá tình hình thi hành pháp luật ở các ngành, địa phương, cơ sở để phục vụ công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, thực trạng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của tỉnh Gia Lai vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần nghiên cứu, khắc phục trong thời gian tới.
1. Những bất cập, hạn chế trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại tỉnh Gia Lai hiện nay
Thứ nhất, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc tổ chức thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực, ngành, địa bàn quản lý. Tại một số địa phương, cơ sở vẫn đánh giá đây là lĩnh vực công tác mới, văn bản hướng dẫn, quy định còn thiếu nên khó triển khai thực hiện hoặc có thực hiện nhưng hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao. Đặc biệt, tình trạng thi hành pháp luật tại tỉnh Gia Lai chưa nghiêm túc xảy ra trên nhiều lĩnh vực làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức về theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất, vai trò của hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, chưa hình thành đội ngũ người chuyên trách làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, chưa có phương pháp kiểm chứng, đánh giá thực tiễn và ứng dụng việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật vào công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Thứ hai, lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật mới được điều chỉnh ở tầm cao nhất là nghị định (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) đối với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, trong khi đó, mục tiêu theo dõi tình hình thi hành pháp luật là đánh giá thực trạng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu xã hội, tạo động lực phát triển đất nước. Điều này chưa tương xứng về vai trò, vị trí của hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này để thực hiện việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực khác do Hiến pháp, luật, bộ luật điều chỉnh.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, yêu cầu mở rộng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đặt ra trách nhiệm thực thi của cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức và quyền của nhân dân. Ngoài ra, việc cơ quan hành pháp theo dõi tình hình thi hành pháp luật và đối tượng theo dõi cũng chính là cơ quan hành chính nhà nước tạo nên tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, trong khi thực tiễn thi hành pháp luật bao gồm hoạt động của Nhà nước, nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhân dân vừa là chủ thể thực thi pháp luật, vừa là chủ thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc xây dựng pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật và nhân dân tham gia theo dõi tình hình thi hành pháp luật bằng hình thức trực tiếp đến phòng tiếp công dân của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; qua tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; gửi ý kiến bằng văn bản hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phản ánh, cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật, tức là nhân dân có quyền phản ánh, cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước (theo Điều 12 Thông tư số 14/2014/TT-BTP), trong khi nhân dân là chủ thể tối cao quyền lực nhà nước nhưng cơ quan hành chính chỉ trao quyền phán ảnh, cung cấp cho người thực thi quyền lực nhà nước hoặc quy định chung chung về “Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật” (khoản 2 Điều 6 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP). Thực tế quy định trên chưa mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giúp nhân dân nâng cao tối đa khả năng thực hiện quyền làm chủ của mình. Ngoài ra, hiệu quả thi hành pháp luật cũng như tính khả thi của các quy định pháp luật phụ thuộc chính vào đối tượng điều chỉnh lớn nhất đó là nhân dân, nhưng việc xây dựng, tổ chức thi hành các quy định pháp luật, Nhà nước không trao những quyền cụ thể về theo dõi tình hình thi hành pháp luật để nhân dân đánh giá, xem xét, thậm chí yêu cầu cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm việc không khả thi, không hiệu quả của quy định pháp luật hoặc chịu trách nhiệm giải trình, xử lý những phản ánh, thông tin của nhân dân cung cấp.
Thứ tư, theo dõi tình hình thi hành pháp luật do cơ quan nhà nước tiến hành trên cơ sở xem xét, đánh giá 03 nội dung: Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật, các điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật, thông qua 04 hoạt động cụ thể: Thu thập thông tin; kiểm tra; điều tra, khảo sát; xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật bằng hình thức kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý với mục đích theo dõi tình hình thi hành pháp luật là đảm bảo tính khả thi của quy định pháp luật và tính hiệu quả của các quy định pháp luật trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiện nay chưa có hệ thống phương pháp, tiêu chuẩn đo lường cụ thể và các công cụ để phân tích hoạt động pháp luật trong đời sống xã hội để xác định tính khả thi, hiệu quả của từng quy định pháp luật nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung theo mục đích đã đặt ra.
Thứ năm, kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật được cơ quan, tổ chức xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo Điều 14 Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, gồm các nội dung sau: Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các biện pháp bảo đảm về điều kiện cho thi hành pháp luật. Tuy nhiên, cách thức xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật như trên đã bộc lộ hạn chế, như: Một số bộ, ngành ban hành những văn bản quy phạm pháp luật không xuất phát từ yêu cầu của xã hội, thậm chí trái luật hoặc nợ văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết làm ảnh hưởng quyền, lợi ích của Nhà nước, cá nhân và xã hội, làm hạn chế hiệu quả thi hành pháp luật. Trong khi đó, trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong vai trò công bộc của nhân dân lại không rõ ràng và tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không dám nhận trách nhiệm khi làm sai dẫn đến hiệu quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật không cao, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của một quốc gia.
Thứ sáu, ngân sách và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa được quan tâm bố trí đầy đủ. Một số cơ quan, đơn vị chưa lập dự toán kinh phí cho công tác năm 2016 nên chưa được bố trí ngân sách cho hoạt động này; đa phần trang thiết bị vẫn được sử dụng chung cho nhiều công tác khác nhau, về lâu dài không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật[1].
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Thứ nhất, cần nghiên cứu nâng tầm lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật bằng một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn trên cơ sở tổng kết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Văn bản quy phạm pháp luật quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật cần bổ sung, quy định cụ thể từng loại chủ thể và vai trò trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trong đó, chủ thể là Nhà nước gồm các cơ quan, tổ chức trong cả ba nhánh quyền lực nhà nước là lập pháp, hành pháp, tư pháp; chủ thể là nhân dân gồm cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức. Việc luật hóa hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật của nhân dân nhằm đảm bảo quyền lực của nhân dân đối với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đúng với trách nhiệm của Nhà nước đã cam kết tại Hiến pháp năm 2013.
Thứ hai, cơ chế theo dõi tình hình thi hành pháp luật cần được hoàn thiện bằng những quy định về hệ thống phân tích đánh giá hoạt động pháp luật và các phương pháp, công cụ, tiêu chuẩn nhằm đo lường, đánh giá cụ thể tính khả thi, hiệu quả trong thi hành pháp luật theo hướng kiểm soát, đánh giá được thực trạng của Nhà nước, xã hội, người dân; lượng hóa mức độ tác động, tầm ảnh hưởng của việc thi hành pháp luật đối với đời sống xã hội và Nhà nước trong từng hoạt động.
Thứ ba, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại nơi có nhiều dân tộc sinh sống như Tây Nguyên, phải bao gồm theo dõi tình hình thi hành hệ thống pháp luật nhà nước và hệ thống luật tục nhằm kiểm chứng được tính hợp lý, tính khả thi của quy phạm pháp luật, quy phạm luật tục nhằm tiến đến tiếp nhận, hợp nhất vào hệ thống pháp luật của Nhà nước hoặc hình thành cơ chế đặc thù để điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội tại những khu vực đặc thù này.
Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý cho một tổ chức, cá nhân đại diện người dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhằm xây dựng hệ thống pháp luật xã hội vừa mang tính nhân dân, tính dân tộc và hiện đại.
Thứ tư, kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải quy định trách nhiệm xử lý đến cùng những vi phạm pháp luật qua theo dõi phát hiện. Cụ thể: Trách nhiệm pháp lý, bồi thường thiệt hại, hủy bỏ văn bản tự nguyện hoặc bắt buộc bằng quyết định của Tòa án… nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, ngày càng hiện đại, minh bạch, nghiêm minh đáp ứng cho mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật từ phía Bộ Tư pháp, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để bảo đảm triển khai hiệu quả ngay từ những bước đầu tiên của công tác này. Sớm có bộ tiêu chí đánh giá hoạt động công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và tình hình thi hành pháp luật tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sở Tư pháp Gia Lai
[1]. Báo cáo số 145/BC-UBND ngày 04/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2016, tr. 2.