1. Thực trạng hoạt động xét xử tội phạm ma túy tại Nghệ An
Nghệ An nằm gần với khu vực “Tam giác vàng”, là một trong ba nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới, là điểm trung chuyển ma túy từ Bắc và Nam, nên trong những năm qua hoạt động của tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biễn hết sức phức tạp, trở thành địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy của cả nước[1].
Để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc Đề án “3 yên, 3 giảm” và nhiều chương trình, kế hoạch phòng chống tội phạm khác. Trong kế hoạch công tác hàng năm, Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An chú trọng tổ chức các đợt cao điểm phòng chống tội phạm theo chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao. Qua xét xử, hàng nghìn vụ án ma túy tại tỉnh Nghệ An hay các vụ án xuyên quốc gia, các vụ án liên tỉnh đều được xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An còn tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức mỗi năm từ 150 đến 200 phiên tòa lưu động để xét xử án ma túy tại các địa bàn trọng điểm như các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương và các vùng lân cận. Việc giải quyết các vụ án về ma túy đạt tỷ lệ cao và chất lượng giải quyết ngày càng tiến bộ, đặc biệt là không có án tồn đọng và quá hạn luật định; kết quả xét xử cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Công tác phối hợp với các cơ quan như Viện kiểm sát, Công an, Tòa án tại tỉnh Nghệ An cũng đã đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm trong tình hình hiện nay.
Các Tòa án cấp huyện tích cực công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm; tổ chức nhiều phiên tòa lưu động xét xử vụ án điểm để tuyên truyền giáo dục pháp luật tại các địa bàn nóng về ma túy. Tòa án tỉnh thường xuyên kiểm tra công tác xét xử, trong đó tập trung vào các Tòa án vùng biên giới; tổ chức học tập, rút kinh nghiệm về hoạt động xét xử. Đồng thời, các Tòa án tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, bạn bè quốc tế trong việc trao đổi thông tin; giao lưu học hỏi các nước trong khu vực nói chung, với những đoàn công tác của Tòa án nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nói riêng về kinh nghiệm phòng ngừa, phát hiện và xét xử các tội phạm xuyên quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xét xử tội phạm ma túy vẫn còn một số hạn chế như:
- Việc xét xử vụ án ma túy còn chưa được bảo đảm đúng trình tự, quy định pháp luật. Mặc dù đã có kinh nghiệm trong việc xét xử các vụ án này, nhưng một số phiên tòa vẫn chưa bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng (như biên bản xét xử đề liên tục song hội đồng xét xử lại tham gia xét xử ở một vụ án khác; việc tính toán hàm lượng ma túy tinh chất không được áp dụng chính xác[2]), dẫn đến phải hủy án để xét xử lại. Từ đó làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật nói chung và Ngành Tòa án nói riêng.
- Vẫn còn tình trạng vụ án khi đưa ra xét xử lại phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung để bảo đảm đầy đủ chứng cứ, dẫn đến việc chậm chễ trong quá trình xử lý vụ án. Ngày 17/9/2014, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 234 quy định trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Thực hiện Công văn này, Tòa án phải trả hồ sơ rất nhiều vụ án ma túy để yêu cầu giám định hàm lượng mặc dù biết rõ là không còn mẫu tang vật để giám định, như vậy sẽ rất gian nan và không khả thi. Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 về áp dụng quy định về “Các tội phạm về ma túy” sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP về áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có quy định: Chỉ trưng cầu giám định hàm lượng bắt buộc đối với 4 trường hợp cụ thể, gồm: Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Ngoài 4 trường hợp này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật. Quy định này đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc giải quyết các vụ án ma túy còn tồn đọng từ trước đó, song vẫn xảy ra nguy cơ Tòa án yêu cầu giám định bổ sung nếu “xét thấy cần thiết”. Do đó, quy định này cũng cần thiết được hướng dẫn cụ thể hơn để bảo đảm sự thống nhất trong xét xử loại tội phạm này.
- Công tác tuyền truyền, PBGDPL qua các phiên tòa nói chung và đặc biệt là qua các phiên tòa lưu động tuy đã được Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An quan tâm thực hiện, nhưng hình thức còn chưa phong phú, tác dụng giáo dục ý thức pháp luật cho người dân chưa cao, đặc biệt là đối với tội phạm, người vi phạm pháp luật về ma túy; tình trạng người phạm tội sau khi hoàn thành việc thụ án tù tiếp tục phạm tội trở lại vẫn đang là vấn đề “nóng”, phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xét xử đối với tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Dự báo trong những năm tới, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy của Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp vì lý do đây là khu vực trung chuyển của khu vực Đông Nam Á và cả thế giới; tình hình ma túy và tệ nạn ma túy trong khu vực Đông Nam Á vẫn có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở Lào, Myama, Thái Lan… Do đó, công tác xét xử tội phạm về ma túy tiếp tục đối mặt với những thách thức, trong tình hình mới đòi hỏi phải có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử, cụ thể là:
Thứ nhất, cần tiếp tục tổ chức xét xử công khai, lưu động những vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy tại các địa bàn cơ sở, góp phần tuyên truyền, răn đe, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm pháp luật, không phạm tội vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy. Đề nghị đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tạo điều kiện về kinh phí, địa điểm để Ngành Tòa án tổ chức các phiên tòa lưu động.
Thứ hai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác hợp tác với các tỉnh xung quanh, hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy mà Chính phủ, các bộ, ngành, cấp tỉnh đã ban hành trong thời gian qua; thực hiện nghiêm quy chế biên giới giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, đặc biệt là quy chế trong công tác đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng; thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban phối hợp phòng chống ma túy với các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên và 4 tỉnh của Lào (Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm, Hủa Phăn, Luông Pha Băng).
Thứ ba, chú trọng tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các Ngành Công an, Kiểm sát, Tư pháp... điều này sẽ giúp cho Tòa án tổ chức xét xử tốt các vụ án về ma túy, đặc biệt là công tác xét xử điểm và xét xử lưu động các vụ án về ma túy ở các địa bàn trọng điểm, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL cho mọi tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của quần chúng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, xây dựng và phát huy có hiệu quả các tổ an ninh nhân dân để kịp thời phát hiện các hành vi phạm tội.
Thứ năm, cần đầu tư về con người và cơ sở vật chất cho hệ thống Tòa án; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán về pháp luật, đường lối, chủ trương xét xử tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là những biện pháp hiệu quả để đấu tranh phòng, chống loại tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cần quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp tiến hành các giải pháp đồng bộ về nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội; sớm ban hành và chỉ đạo các ngành thực hiện tốt Đề án “Nâng cao hiệu quả xóa địa bàn phức tạp về ma túy trong giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025”, góp phần cùng Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An dần xóa bỏ loại hình tội phạm này trên quy mô của tỉnh.
Khoa Luật, Trường Đại học Vinh
[1]. Theo số liệu thống kể từ năm 2007 đến năm 2015, Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử trên 700 vụ án/năm, chiếm 34% tổng số vụ án đã được giải quyết, với trên 800 bị cáo/năm; 3 tháng đầu năm 2016, Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử 435 vụ với 517 bị cáo. Nhiều vụ phạm tội có tổ chức, tinh vi, xảo quyệt, hoạt động xuyên quốc gia; manh động, sử dụng vũ khí nóng, tính nguy hiểm rất cao. Số vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, phụ nữ và người nước ngoài có xu hướng tăng. Địa bàn xảy ra số vụ phạm tội về ma túy lớn trải khắp từ trung tâm tỉnh (thành phố Vinh) đến các huyện miền núi (huyện Quế Phong, huyện Tương Dương)... Đến nay, 20/20 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh đều đã thụ lý, giải quyết đối với loại tội phạm này.
[2]. Xem: Hủy án tử hình hai kẻ vận chuyển 60 bánh heroin, nguồn: http://songlamplus.vn/news/tin-xu-nghe/huy-an-tu-hinh-hai-ke-van-chuyen-60-banh-heroin-8601-232-225.html.