Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 tổ chức giám định công lập gồm Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, Trung tâm Giám định y khoa - pháp y - Sở Y tế và 2 tổ chức giám định theo vụ việc thuộc Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tổng cộng 42 giám định viên, 10 người giám định theo vụ việc. Riêng đối với loại hình tổ chức giám định ngoài công lập, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có Văn phòng giám định tư pháp nào đăng ký hoạt động.
Hiện nay, lực lượng giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Phước chủ yếu thực hiện các lĩnh vực giám định như: Giám định pháp y tử thi, pháp y thương tích, giám định kỹ thuật hình sự trên một số lĩnh vực (giám định đường vân, tài liệu và giám định kỹ thuật). Đối với các lĩnh vực giám định khác, các cơ quan tiến hành tổ tụng phải gửi trưng cầu các cơ quan giám định ngoài tỉnh hoặc tuyến trung ương. Năm 2015, lực lượng giám định tư pháp tỉnh Bình Phước thực hiện tổng cộng 1.986 vụ, trong đó số vụ giám định kỹ thuật hình sự chiếm 35%, giám định pháp y thương tích chiếm 33%, pháp y tử thi chiếm 31% và các vụ giám định khác chiếm 1%. Các vụ giám định đều bảo đảm kết luận chính xác, phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; chưa có trường hợp nào kết luận giám định không chính xác dẫn đến oan sai trong tố tụng.
1. Những khó khăn, vướng mắc
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp, ngoài những mặt thuận lợi, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
1.1. Về phương tiện giám định và điều kiện làm việc
Phương tiện giám định được trang bị cho các tổ chức giám định công lập nhìn chung còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do các lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự đều đòi hỏi những phương tiện hiện đại, có giá trị lớn như: Giám định ma túy để xác định hàm lượng phải có máy sắc ký khí khối phổ; giám định súng đạn, dấu vết khớp phải có kính hiển vi so sánh điện tử; giám định tài liệu phải có máy Docucenter, Doculap; giám định cháy, nổ phải có kính hiển vi kim tương... Tuy nhiên, vì nguồn kinh phí hạn hẹp, nên các thiết bị trên vẫn chưa được cấp, dẫn đến việc triển khai các lĩnh vực giám định mới trong nhiều năm qua đã không thể thực hiện được; chất lượng các lĩnh vực giám định hiện tại cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Đối với Trung tâm Giám định y khoa - pháp y mới được thành lập trên cơ sở nâng cấp Phòng Giám định y khoa tỉnh nên cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được hoàn thiện, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn. Đặc thù của công tác giám định là không gian làm việc phải độc lập, yên tĩnh để có thể tập trung vào công tác chuyên môn. Tuy nhiên, do không bố trí đủ diện tích làm việc nên nhiều giám định viên không bố trí được bàn làm việc riêng, phải làm việc chung với các bộ phận khác. Những khó khăn này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác chuyên môn của đội ngũ giám định viên và trợ lý giám định hiện nay của các tổ chức giám định công lập.
1.2. Về nguồn nhân lực
Trong những năm qua, mặc dù đội ngũ cán bộ của Phòng Kỹ thuật hình sự đã được Ban Giám đốc Công an tỉnh quan tâm, bổ sung, trẻ hóa với tổng số là 19 cán bộ, trong đó có 10 giám định viên. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển thì còn thiếu hụt quá lớn. Tổng số biên chế của Phòng Kỹ thuật hình sự từ năm 2009 đến nay gần như giữ nguyên, không tăng, số lượng giám định viên trong 5 năm qua chỉ tăng thêm một giám định viên. Một số giám định viên phải kiêm nhiệm rất nhiều công tác khác nhau. Ngoài chuyên môn chính là giám định, giám định viên còn phải thực hiện kiêm nhiệm công tác khám nghiệm hiện trường, kỹ thuật phòng chống tội phạm, tham mưu tổng hợp. Do thiếu nguồn cán bộ nên việc mở rộng đào tạo các chuyên ngành giám định không triển khai được; việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho giám định viên gặp nhiều khó khăn; việc đầu tư nghiên cứu chuyên sâu của giám định viên bị hạn chế.
Đối với lĩnh vực giám định pháp y tử thi, nhiều năm qua không bố trí tuyển dụng được trợ lý giám định. Vì vậy, khi tiến hành giám định, giám định viên pháp y kiêm luôn phụ mổ, y công, nên công việc rất vất vả. Hiện nay, chỉ với 2 giám định viên pháp y phải giải quyết khối lượng công việc quá lớn (trung bình một giám định viên pháp y thực hiện 180 tử thi/năm) nên đã gây ra hiện tượng quá tải, làm việc liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng công tác chuyên môn.
1.3. Về văn bản quy phạm pháp luật
- Thiếu văn bản quy định cụ thể về loại hình giám định ngoài tố tụng
Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, thì Phòng Kỹ thuật hình sự có chức năng thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng. Hiện nay, ngoài thực hiện trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng, Phòng Kỹ thuật hình sự còn thực hiện những yêu cầu giám định của các cơ quan, ban, ngành khác. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này vẫn chưa có, mặc dù trách nhiệm hướng dẫn đã được quy định trong Nghị định số 85/2013/NĐ-CP. Do thiếu văn bản quy phạm pháp luật về giám định ngoài tố tụng, nên việc triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng, không thống nhất.
- Văn bản hướng dẫn thực hiện thu phí giám định tư pháp chưa kịp thời
Hiện nay, pháp luật về chi phí giám định tư pháp có hai văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001 và Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng năm 2012 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá năm 2012). Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí. Năm 2014, Bộ Tài chính ban hành 4 thông tư[1] quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và thông tin truyền thông. Theo quy định của 4 Thông tư này thì chi phí giám định tư pháp bao gồm “phí giám định tư pháp” thu theo biểu phí ban hành kèm theo thông tư và “tiền bồi dưỡng giám định tư pháp” thu theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
Theo quy định của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá năm 2012 và Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá, thì chi phí giám định tư pháp bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây: Chi phí tiền lương và các khoản thù lao cho người thực hiện giám định; chi phí vật tư tiêu hao; chi phí sử dụng dịch vụ; chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị; các chi phí khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, chi phí giám định tư pháp sẽ không còn khoản “phí giám định” thu theo 4 thông tư nói trên của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 81/2014/NĐ-CP để thay thế.
- Sự không thống nhất giữa quy trình giám định pháp y của Bộ Công an và Bộ Y tế
Trong lĩnh vực giám định pháp y hiện đang có hai quy chuẩn chuyên môn do hai Bộ ban hành. Bộ Công an ban hành Quy trình giám định pháp y kèm theo Thông tư số 46/2013/TT-BCA ngày 05/11/2013. Bộ Y tế ban hành Quy trình giám định pháp y kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013. Hai quy trình này có nhiều điểm khác biệt về số lượng giám định viên thực hiện một vụ giám định và về thu mẫu xét nghiệm. Quy trình của Bộ Công an quy định 1 vụ giám định có thể bố trí 1 giám định viên thực hiện, nhưng quy trình của Bộ Y tế quy định bắt buộc phải là từ 2 giám định viên thực hiện trở lên. Quy trình của Bộ Công an không bắt buộc tất cả các vụ giám định phải thu mẫu để xét nghiệm nếu xét thấy không cần thiết, còn quy trình của Bộ Y tế quy định tất cả các trường hợp đều phải thu mẫu để thực hiện xét nghiệm. Do sự không thống nhất giữa hai quy trình trên nên đã gây không ít khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay, trong công tác giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự vẫn đang triển khai thực hiện theo quy trình của Bộ Công an quy định.
- Thiếu văn bản hướng dẫn về việc triển khai thực hiện đánh giá sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 Luật Giám định tư pháp năm 2012, Bộ Công an có trách nhiệm “thực hiện thống kê hằng năm về trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản nào của Bộ Công an hướng dẫn để thực hiện việc đánh giá sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra. Vì vậy, cơ quan tiến hành giám định thường thiếu thông tin về những vụ đã tiến hành giám định, không nắm rõ được kết quả giám định của mình đã phục vụ như thế nào cho công tác điều tra.
Theo ghi nhận ý kiến phản ánh của cơ quan điều tra các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Phước, thì khó khăn lớn nhất của cơ quan điều tra liên quan đến hoạt động giám định tư pháp là một số vụ trưng cầu thời gian trả lời kết luận giám định còn chậm, nhất là đối với những vụ trưng cầu các cơ quan giám định ngoài Ngành Công an hoặc cơ quan giám định cấp trên (tuyến trung ương). Do thời gian giám định kéo dài đã gây không ít khó khăn cho công tác điều tra. Một trong những nguyên nhân là do trong Luật Giám định tư pháp năm 2012 không quy định về thời hạn giám định, nên không có cơ sở pháp lý để ràng buộc thời gian trả lời kết luận giám định của cơ quan nhận giám định.
2. Một số kiến nghị, đề xuất
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới, nhằm đáp ứng kịp thời, có chất lượng, phục vụ đắc lực theo yêu cầu hoạt động tố tụng, cần thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
- Cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo quy định của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP; Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/2014/NĐ-CP để thay thế 4 thông tư nói trên của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và thông tin truyền thông;
- Ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về áp dụng quy trình giám định trong lĩnh vực giám định pháp y, trong đó xác định rõ pháp y công an thực hiện theo Quy trình giám định pháp y của Bộ Công an ban hành kèm theo Thông tư số 46/2013/TT-BCA ngày 05/11/2013 hay theo Quy trình giám định pháp y của Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013;
- Ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện đánh giá sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra theo đúng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 Luật Giám định tư pháp năm 2012 để cơ quan tiến hành giám định có thêm thông tin về kết quả hoạt động giám định của mình;
- Cần quan tâm hơn nữa đến việc trang bị phương tiện cho các địa phương, nhất là những phương tiện phục vụ cho việc mở rộng các lĩnh vực giám định hiện nay của Phòng Kỹ thuật hình sự.
Trung tá, ThS. Lưu Quang Huy
Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bình Phước
Tài liệu tham khảo:
[1]. Thông tư số 34/2014/TT-BTC ngày 21/3/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y; Thông tư số 35/2014/TT-BTC ngày 21/3/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần; Thông tư số 50/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; Thông tư số 97/2014/TT-BTC ngày 24/7/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin truyền thông.