Điều này đã tạo điều kiện căn bản để Việt Nam và Lào có sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác về giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển. Trên cơ sở đó, ngày 24/12/2015, tại Thủ đô Viêng Chăn nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội đàm giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào và chứng kiến Lễ ký kết Chương trình hợp tác năm 2016 giữa hai bên. Về phía Lào, có Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Một trong các hoạt động hợp tác cụ thể tại Chương trình hợp tác năm 2016 có nội dung: “Các Trường Trung cấp Luật của Việt Nam, đặc biệt là Trường Trung cấp Luật Tây Bắc và Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo luật của Bộ Tư pháp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nghiên cứu tiếp nhận học viên Lào sang học tại các Trường này”. Đây là nội dung đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị đầy khó khăn nhưng không kém phần thiêng liêng “đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nước Lào anh em”, để thực hiện nhiệm vụ này, Nhà trường đã có những chuẩn bị về quy trình và cách thức như sau:
Nắm bắt tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào, tháng 5/2016, sau thời gian liên hệ và thống nhất chương trình với các đơn vị có liên quan tại Lào, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã tổ chức đoàn công tác tuyển sinh đợt 01 do Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Đồng Hới làm Trưởng đoàn. Tại Lào, Đoàn công tác đã làm việc với Lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Giáo dục - Thể thao các tỉnh Khăm-muộn, Xa-vẳn-na-khệt, Chăm-pa-săc để đánh giá về nhu cầu nguồn nhân lực pháp luật của địa phương, đồng thời, thống nhất nội dung chương trình phối hợp, hỗ trợ tuyển sinh trung cấp luật giữa Trường Trung cấp Luật Đồng Hới và Sở Tư pháp các tỉnh. Sau buổi làm việc với lãnh đạo địa phương, đại diện các sở có liên quan đã hỗ trợ Nhà trường trực tiếp thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh tại một số trường trung học phổ thông và trung học cơ sở. Qua các buổi làm việc, Nhà trường nhận thấy, hiện nay, nước bạn Lào đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền nên nhu cầu về việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật là rất lớn và cấp thiết. Kết thúc chương trình làm việc tại các địa phương, Trường đã có buổi thăm và chào hỏi xã giao nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào, diện kiến trực tiếp báo cáo kết quả công tác tuyển sinh đợt 01, đồng thời, đề xuất các vấn đề khó khăn cần sự phối hợp, hỗ trợ từ phía Bộ Tư pháp Lào với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào, Bộ trưởng đã đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của chuyến công tác và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Trường thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Nối tiếp thành công của chương trình tuyển sinh đợt 01 tại Lào và căn cứ Quyết định số 1942/QĐ-BTP ngày 09/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam về việc cử đoàn đi công tác tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ngày 13/9/2016, Trường tổ chức đoàn công tác làm việc tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đợt 02 do Hiệu trưởng Nhà trường làm Trưởng đoàn nhằm trao đổi, thống nhất về những vấn đề liên quan đến chương trình đào tạo, chế độ chính sách, về hồ sơ, quy trình, thủ tục tiếp nhận học sinh; kế hoạch dự kiến tiếp nhận học sinh tại các địa phương và các vấn đề có liên quan như: Chính sách học bổng của Nhà trường, kế hoạch đào tạo dự bị tiếng Việt. Đoàn công tác đã chủ trì Hội nghị ba bên giữa Học viện Tư pháp quốc gia Lào, đoàn công tác Trường Trung cấp Luật Đồng Hới và Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Thể thao Lào) về thủ tục đăng ký và quyết định cử đi học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cho các em học sinh đã hoàn thiện hồ sơ. Đến ngày 25/9/2016, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã tiếp nhận 302 học sinh về Trường nhập học.
Thứ hai, về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của lưu học sinh Lào tại Trường:
Trường được xây dựng mới với cơ sở vật chất hiện đại đảm bảo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tốt nhất cho lưu học sinh. Khu nội trú được bố trí 02 tầng riêng biệt với đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu như: Ti vi, bình nước nóng, điều hòa, hệ thống chuông báo động, camera an ninh, bàn học, giường ngủ, chiếu, chăn, ga, gối, nệm… Ngoài ra, Nhà trường còn bố trí cho các em phòng ăn riêng, có bếp riêng để chủ động nấu nướng khi có nhu cầu, đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy, nổ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Học sinh có thể ăn tại căng tin với suất ăn được đảm bảo về dinh dưỡng và giá thành hợp lý.
Nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho lưu học sinh tự rèn luyện, nâng cao kỹ năng hoạt động tập thể, Nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, các buổi sinh hoạt giới thiệu về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam, tham quan một số địa điểm, khu di tích lịch sử trong địa bàn tỉnh Quảng Bình, tạo cơ hội rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống của con người Việt Nam. Nhà trường cũng triển khai kế hoạch đưa lưu học sinh Lào hòa nhập với cuộc sống thực tế tại gia đình của cán bộ, giáo viên trong Trường để các em được sinh hoạt như là một thành viên trong gia đình. Qua đó, bước đầu đã thấy được sự tiến bộ đáng kể của lưu học sinh.
Thứ ba, về công tác quản lý và đào tạo lưu học sinh:
Nhà trường tiến hành các thủ tục cần thiết như: Gửi công văn báo cáo về việc đào tạo lưu học sinh Lào với Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam), Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Phòng Bảo vệ chính trị (PA61), Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) - Công an tỉnh Quảng Bình; hoàn thiện thủ tục xin cấp thị thực để lưu học sinh có đủ điều kiện cư trú tại Việt Nam với mục đích học tập, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trường cũng đã liên hệ với các cơ sở y tế có uy tín trên địa bàn tổ chức khám sức khỏe cho học sinh; thường xuyên quan tâm việc giáo dục và rèn luyện học sinh, nhất là giáo dục về đạo đức; duy trì và đảm bảo tốt nền nếp, giờ giấc lên lớp, kỷ luật, kỷ cương, an ninh trật tự trong trường học; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan (Phòng Đào tạo và công tác học sinh, Ban Quản lý ký túc xá, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn) trong kiểm tra, theo dõi, quản lý tình hình học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học sinh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm hoặc có biểu hiện chưa đúng để có biện pháp giáo dục, răn đe kịp thời. Theo định kỳ, Nhà trường thông báo các thông tin liên quan đến học sinh về cho gia đình, địa phương biết để phối hợp theo dõi và quản lý học sinh. Nhiều lượt phụ huynh học sinh sang thăm con em mình và đã đánh giá rất cao về cơ sở vật chất, công tác đào tạo và quản lý học sinh của Nhà trường.
Để đảm bảo đủ điều kiện học chuyên ngành pháp luật, lưu học sinh Lào phải hoàn thành chương trình dự bị tiếng Việt với thời gian học là 10 tháng. Vì vậy, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã liên kết với ba cơ sở có chức năng đào tạo tiếng Việt uy tín, chất lượng gồm: Trường Đại học Quảng Bình, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế. Các cơ sở liên kết đã phân công những giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ ngữ văn giàu kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy cho lưu học sinh của Trường. Để các em học tập tốt hơn, Nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ cho các em trong việc học tiếng Việt như: Thành lập Câu lạc bộ Hữu nghị Việt - Lào; tổ chức các hoạt động ngoại khóa với các hình thức giao lưu, thảo luận các chủ đề học tập, thực hành giao tiếp tiếng Việt theo các chủ đề tại các địa điểm như ở chợ, siêu thị, trên đường phố, bưu điện, trong quán ăn...; tổ chức các cuộc giao lưu thể thao, văn nghệ giữa học sinh Việt Nam và học sinh Lào nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa học sinh hai nước và củng cố, mở rộng vốn tiếng Việt cho các em lưu học sinh.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào, sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành có liên quan. Đây là nguồn động viên, khích lệ tinh thần cho thầy và trò của Nhà trường quyết tâm thực hiện công tác dạy và học đảm bảo chất lượng. Buổi đầu của công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong khả năng cho phép của mình, Nhà trường đã có những suất học bổng, những hỗ trợ cụ thể cho các em lưu học sinh nói chung và đặc biệt là các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhận thức rõ việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nhân lực pháp luật nói riêng cho nước bạn Lào là nhiệm vụ chính trị quan trọng không chỉ của riêng Nhà trường mà là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị Nhà nước Việt Nam, Trường đã triển khai việc kêu gọi hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành có liên quan cũng như huy động nguồn ủng hộ từ xã hội, góp phần không nhỏ vào công tác tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào. Với phương châm “tất cả vì học sinh Lào thân yêu”, ngoài việc hỗ trợ tuyển sinh, tiếp nhận lưu học sinh Lào có nguyện vọng học tập tại Trường theo diện tự túc kinh phí, Nhà trường đã có hơn 60 suất học bổng dành cho con em dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, đây là cơ hội để các em được tiếp tục học tập, rèn luyện.
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, giáo viên Nhà trường và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp hai nước Việt - Lào cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã khắc phục những khó khăn, phát huy lợi thế để bước đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho nước bạn Lào, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa hai Bộ, hai Nhà nước.
TRƯỜNG TRUNG CẤP LUẬT ĐỒNG HỚI