Chẳng hạn như nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện được nhiệm vụ công bố danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; cơ sở vật chất còn rất hạn chế (nhiều nơi chưa có trụ sở riêng, thiếu phòng làm việc, chưa có buồng riêng làm phòng thí nghiệm, thiếu phương tiện kỹ thuật hiện đại…); giám định viên còn thiếu nhiều; tồn tại bất đồng quan điểm về một số vấn đề; sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt... Bài viết này sẽ nêu và phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định hiện nay và nhiệm vụ của công tác này trong thời gian tới.
Sau 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 258) và 3 năm triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012, công tác giám định tư pháp đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác này còn rất nhiều điều cần được tháo gỡ. Nguyên nhân thì có nhiều, song trong khuôn khổ bài viết, dưới góc độ là người được tham gia theo dõi kiểm tra thực hiện Đề án 258 và thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012, tác giả xin trao đổi một số nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong công tác giám định hiện nay.
Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012, hoạt động giám định tư pháp được thực hiện chủ yếu ở các lĩnh vực gồm giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính kế toán, ngân hàng, xây dựng, văn hóa, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường… Trong đó, 3 lĩnh vực có yêu cầu giám định nhiều, được thành lập các tổ chức giám định chuyên trách là pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Các lĩnh vực còn lại, tuy không bắt buộc phải thành lập các tổ chức giám định tư pháp chuyên trách, nhưng thủ trưởng các Bộ, ngành có trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức thực hiện giám định tư pháp khi có trưng cầu từ các cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012, thủ trưởng các Bộ, ngành có các nhiệm vụ:
- Rà soát đội ngũ cán bộ chuyên môn có đủ năng lực, lập và công bố họ là người giám định tư pháp theo vụ việc để thực hiện giám định khi có trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tiếp theo là chỉ đạo các đơn vị chức năng, rà soát, lựa chọn làm thủ tục để bổ nhiệm những người giám định tư pháp theo vụ việc trên nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 là giám định viên tư pháp của Bộ, ngành mình để thực hiện giám định tư pháp theo chức năng mà pháp luật quy định. Đồng thời, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, ngành mình quản lý, lập và công bố danh sách các đơn vị chuyên môn này là các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc để thực hiện giám định khi có trưng cầu. Địa chỉ công bố và đăng tải là cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành mình, đồng thời gửi một bản cho Bộ Tư pháp để đăng tải tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp cũng như để theo dõi chung.
- Chỉ đạo các sở chuyên môn theo ngành dọc tại cấp tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, trước hết là rà soát, lập và công bố danh sách người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc sở mình để phục vụ cho hoạt động tố tụng. Tiếp theo là rà soát để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp đối với những người giám định tư pháp theo vụ việc đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các Bộ, ngành và địa phương mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ là rà soát và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc; rất ít Bộ, ngành công bố tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Do thiếu sự chỉ đạo triển khai thực hiện đối với ngành dọc ở cấp tỉnh, nên nhiều tỉnh, các sở chuyên môn cũng không lập và không công bố danh sách người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Ở nhiều địa phương, khi có nhu cầu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng phải chuyển trưng cầu ra các cơ quan trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội.
Đối với 3 lĩnh vực có nhu cầu giám định cao, thì sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp cũng chưa đều. Do đó, sau 5 năm qua, về tổ chức, thậm chí một số địa phương còn chưa thành lập được trung tâm pháp y tỉnh theo quy định của luật.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị và việc đào tạo đội ngũ giám định viên nói chung còn rất hạn chế. Kể cả 3 lĩnh vực có nhu cầu giám định cao dù được quan tâm hơn, song cũng chỉ ở mức độ nhất định. Đây là 3 lĩnh vực giám định có truyền thống, được tổ chức có hệ thống từ trước, nên việc sắp xếp lại hệ thống, tổ chức không khó khăn. Hệ thống các phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh được củng cố; các trung tâm giám định pháp y tâm thần tại các khu vực cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động; hệ thống trung tâm pháp y cấp tỉnh cơ bản đã hình thành và đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật (chỉ còn một số địa phương chưa thành lập trung tâm pháp y tỉnh, song các địa phương đều hứa sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất). Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị chưa được nhiều. Hiện còn không ít trung tâm pháp y tỉnh chưa có trụ sở riêng, phải nhờ cơ sở của bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhiều phòng kỹ thuật hình sự điều kiện làm việc còn hết sức khó khăn, thiếu phòng làm việc. Bên cạnh những đơn vị được công an tỉnh bố trí nhà làm việc riêng, có đầy đủ phòng thí nhiệm như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Cà Mau, Tây Ninh, thì còn nhiều đơn vị chưa có buồng riêng để làm phòng thí nghiệm, cán bộ phải ngồi chung với thiết bị máy móc, hóa chất hoặc có phòng thí nghiệm nhưng lại rất nhỏ.
Việc đầu tư trang bị phương tiện vật tư phục vụ giám định còn rất khó khăn. Đề án 258 nêu rõ, một trong các các giải pháp để nâng cao năng lực giám định đối với lĩnh vực kỹ thuật hình sự là đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng kỹ thuật hình sự. Tuy nhiên, sau 5 triển khai thực hiện Đề án 258, Đề án hiện đại hóa công tác kỹ thuật hình sự mới được phê duyệt. Các trung tâm pháp y tỉnh thì hầu như chưa được trang bị và đến nay nhiều tỉnh chưa biết tìm đâu ra nguồn kinh phí và theo cơ chế nào để trang bị phương tiện cho trung tâm pháp y tỉnh.
Việc chăm lo xây dựng đội ngũ giám định viên đã được Bộ Công an cũng như Bộ Y tế quan tâm. Song, do đặc thù công việc, nên việc tuyển dụng và xây dựng đội ngũ giám định viên pháp y rất khó khăn, vì vậy, đội ngũ giám định viên pháp y hiện nay còn thiếu nhiều. Việc tuyển dụng và xây dựng đội ngũ giám định viên kỹ thuật hình sự có thuận lợi hơn, nhưng cũng chỉ ở những lĩnh vực truyền thống, còn các lĩnh vực giám định khoa học tự nhiên và kỹ thuật như giám định cháy, nổ, giám định kỹ thuật số, điện tử, giám định âm thanh còn gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, ngoài Viện Khoa học hình sự thì các phòng kỹ thuật hình sự chưa triển khai được giám định âm thanh (tiếng nói), giám định kỹ thuật số và điện tử; rất ít đơn vị có giám định viên tự thực hiện giám định được các vụ cháy, nổ. Khi có vụ việc đều phải yêu cầu sự hỗ trợ của Viện Khoa học hình sự.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do lãnh đạo đã không nhận thức đầy đủ vai trò của công tác giám định, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành chưa coi tổ chức và thực hiện giám định tư pháp là một nhiệm vụ, nên không có sự chỉ đạo sâu sát trong việc triển khai Luật Giám định tư pháp năm 2012. Các cơ quan tham mưu (Vụ Pháp chế ở các Bộ, Sở Tư pháp) cũng chưa thực hiện hết chức năng tham mưu cho lãnh đạo để chỉ đạo tổ chức thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012, Đề án 258. Thậm chí, nhiều Sở Tư pháp chưa coi trọng nhiệm vụ này, nên chưa chủ động, tích cực. Do đó, việc trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn do không biết đầu mối nào để liên hệ và trưng cầu giám định…
Ngoài 3 lĩnh vực có tổ chức giám định chuyên trách, khi gặp các trường hợp nhạy cảm, thì các giám định viên không chuyên trách thường có tâm lý chung là ngại va chạm và thực hiện giám định, nhất là đối với các vụ án thuộc lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là giám định trong các vụ án tham nhũng rất dễ xảy ra va chạm, có khi còn với cả đồng nghiệp, hay thậm chí có tình trạng chưa hoặc mới nhận vụ việc đã có ý kiến can thiệp từ nhiều cấp khác nhau.
Mặt khác, khi thực hiện giám định tư pháp thì trách nhiệm pháp lý của giám định viên là rất lớn. Từ chối giám định không có lý do chính đáng đã bị xử lý, nếu cố tình đưa ra kết luận không đúng sự thật thì tùy theo mức độ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, quyền lợi được hưởng từ thực hiện giám định chưa tương xứng. Pháp luật cũng chưa có chế tài cụ thể để xử lý những trường hợp từ chối giám định. Chính vì vậy, trong thực tế, không ai muốn làm giám định nhất là đối với những người giám định viên tư pháp theo vụ việc đang công tác tại các Bộ, ngành. Đây cũng là một lý do mà không ai mặn mà với việc làm thủ tục để đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở các Bộ, ngành trong những năm qua.
Trưng cầu giám định là hoạt động điều tra, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ, ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, khi xét thấy cần thiết cho công tác điều tra, thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Và khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề giám định, thì trưng cầu giám định lại. Tuy nhiên, ở góc độ tư duy, các quy định trên lại phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan (nhận thức) của người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán). Việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định là hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và nhận thức của người tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, hiện nay, trong nhiều vụ việc, do có sự không thống nhất quan điểm về đánh giá chứng cứ, trong đó có việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nên đã có sự không thống nhất trong việc xác định sự cần thiết phải trưng cầu giám định hoặc trưng cầu giám định lại, dẫn đến bế tắc trong giải quyết vụ án. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có văn bản (thông tư) hướng dẫn cụ thể về trưng cầu, yêu cầu, đánh giá và sử dụng kết luận giám định. Tuy nhiên, rất khó để có được những quy định thấu đáo về vấn đề này, vì không biết phải lấy bao nhiêu trường hợp cụ thể để quy định và áp dụng trong thực tiễn điều tra.
Bên cạnh đó, nhiều trưng cầu giám định đã không tuân thủ đúng nguyên tắc của giám định tư pháp là chỉ yêu cầu giải đáp về chuyên môn. Có trưng cầu giám định đã yêu cầu giám định viên trả lời cả vấn đề nội dung pháp lý như “xác định những câu nói có nội dung lừa đảo trong đoạn băng”, gây khó khăn cho người giám định và mất thời gian để trao đổi lại không cần thiết…
Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, trong thời gian tới, nhiệm vụ giám định tư pháp là rất nặng nề. Từ những khó khăn trên, tác giả xin đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012 một cách quyết liệt, nhằm tạo đột phá để có sự đổi mới thực sự trong công tác giám định tư pháp. Cụ thể:
- Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các đơn vị thuộc ngành mình hiểu đầy đủ về vai trò và vị trí của công tác giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng; ý nghĩa và vai trò của hoạt động giám định tư pháp không chỉ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn cả trong giải quyết các tranh chấp dân sự, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hiểu rõ nhiệm vụ giám định tư pháp là một nhiệm vụ của mình đã được quy định trong Luật Giám định tư pháp năm 2012.
- Tiếp tục triển khai đầy đủ nội dung của giám định tư pháp với những nhiệm vụ đã được giao, trước hết là rà soát để công bố các tổ chức và người giám định tư pháp theo vụ việc; thực hiện các quy trình bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm có đủ đội ngũ giám định viên tư pháp đáp ứng yêu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Tiếp tục chỉ đạo các sở chuyên môn theo ngành dọc để phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc triển khai Luật Giám định tư pháp năm 2012 ở sở, ngành mình. Trước hết là tiếp tục nghiên cứu văn bản của các Bộ, ngành chủ quản đã ban hành để rà soát, lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn, phối hợp với Sở Tư pháp đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp của ngành mình theo đúng quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 nhằm đáp ứng yêu cầu giám định của địa phương.
- Nghiên cứu để tạo điều kiện về cơ sở vật chất và trang bị phương tiện cho các tổ chức giám định tư pháp thuộc Bộ, ngành mình quản lý, bảo đảm cho họ có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ cho đội ngũ người tiến hành tố tụng, bảo đảm cho họ có đủ bản lĩnh, có đạo đức nghề nghiệp, có mặt bằng nhận thức phù hợp đáp ứng yêu cầu của hoạt động điều tra, xét xử trong giai đoạn mới.
- Nghiên cứu để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người làm công tác giám định tư pháp, bảo đảm cho họ có đầy đủ vị trí pháp lý, yên tâm thực hiện nhiệm vụ cả về tinh thần và vật chất, để có thể đóng góp hết mình cho sự nghiệp chung.
Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an