1. Định nghĩa của Liên minh châu Âu về trí tuệ nhân tạo và các tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo
1.1. Định nghĩa của Liên minh châu Âu về trí tuệ nhân tạo
Cho đến trước khi Liên minh châu Âu (EU) ban hành Dự thảo Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI) thì vẫn chưa có một định nghĩa chính thức đối với thuật ngữ AI. EU là khu vực pháp lý đầu tiên ban hành quy định để định nghĩa cụ thể về AI.
Định nghĩa thứ nhất về AI được nêu ra tại Dự thảo Đạo luật AI (đề xuất năm 2021 và được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 14/6/2023). Đây là Đạo luật đầu tiên trên thế giới có sự điều chỉnh khái quát về AI, dựa trên các mức độ rủi ro mà AI có thể tác động đối với sự an toàn và quyền riêng tư của con người. Điều 3(1) Dự thảo Đạo luật AI mô tả hệ thống AI “là phần mềm được phát triển với một hoặc nhiều kỹ thuật và cách tiếp cận được liệt kê trong Phụ lục I và có thể, đối với một tập hợp các mục tiêu do con người xác định, tạo ra các kết quả đầu ra như nội dung, dự đoán, đề xuất hoặc các quyết định ảnh hưởng đến môi trường mà họ tương tác”[1]. Phụ lục I liệt kê các kỹ thuật và phương pháp tiếp cận của phần mềm bao gồm: (i) Các loại học máy (có giám sát, không giám sát và tăng cường) sử dụng nhiều phương pháp khác nhau (ví dụ phương pháp học sâu); (ii) Các phương pháp tiếp cận dựa trên logic và kiến thức; (iii) Các phương pháp thống kê.
Bằng cách hệ thống thành ba loại lớn như trên, định nghĩa về AI tại Phụ lục I của Đạo luật AI được xem là đủ linh hoạt để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Sự thay đổi tiếp theo của công nghệ có thể được xác định lại dễ dàng, bằng cách sửa đổi quy định trong Phụ lục I. Mặc dù Đạo luật AI vẫn cần được thông qua ở các cấp tiếp theo trước khi chính thức có hiệu lực thi hành, định nghĩa này vẫn được xem là phù hợp về mặt pháp lý, ít nhất là trong phạm vi nghiên cứu về AI và sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở Dự thảo Đạo luật AI, ngày 28/9/2022, Nghị viện châu Âu ban hành dự thảo Chỉ thị về Trách nhiệm trí tuệ nhân tạo (AILD). Điều 2 của dự thảo Chỉ thị về Trách nhiệm AI cũng áp dụng định nghĩa về AI tương tự như cách thức quy định tại Dự thảo Đạo luật AI[2].
Định nghĩa thứ hai về AI được thể hiện tại bản Thuật ngữ về AI của Hội đồng châu Âu. Theo đó, AI là “một tập hợp các khoa học, lý thuyết và kỹ thuật với mục đích là tái tạo bằng máy các khả năng nhận thức của con người”[3]. So với định nghĩa tại Đạo luật AI, định nghĩa này bổ sung thêm mục đích của AI là tạo ra “những cỗ máy tái tạo khả năng nhận thức của con người”. Bởi vì tính sáng tạo là một trong những điểm quan trọng của pháp luật bản quyền EU, nên khả năng nhận thức của hệ thống AI có sự ảnh hưởng lớn đến pháp luật bản quyền[4].
1.2. Khái quát về các tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo
Có nhiều cách tiếp cận liên quan đến mối quan hệ giữa AI với việc tạo ra một tác phẩm.
Cách tiếp cận thứ nhất có sự phân chia giữa trường hợp tác phẩm do AI tự động tạo ra, và trường hợp một tác phẩm được tạo ra với sự hỗ trợ của AI. Cách này được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng[5] và từng được nêu ra trong Cuộc đối thoại của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)[6]. Tác phẩm do AI tự động tạo ra đề cập đến việc AI tạo ra sản phẩm mà không cần bất kỳ can thiệp của con người. AI có thể tự điều chỉnh, thay đổi hành vi của nó trong quá trình hoạt động để phản ứng với những thông tin hoặc sự kiện. Trong khi đó, đối với tác phẩm được tạo ra với sự hỗ trợ của AI, thì AI chỉ đóng vai trò phụ trợ. Ở khía cạnh này, AI được sử dụng như “một công cụ trong tay những con người sáng tạo”[7].
Tuy nhiên, nếu xét đến cơ chế hiện tại của hệ thống AI, trường hợp một máy tính có thể tự hoạt động mà không cần bất kỳ sự can thiệp của con người là một khả năng chưa thể xảy ra. Con người luôn có sự can thiệp nhất định đối với hệ thống AI, ít nhất là ở các giai đoạn như viết thuật toán, tạo và cung cấp dữ liệu đầu vào, sửa đổi các tham số. Ngay cả khi một hệ thống AI có thể được phát triển để viết và phát triển thuật toán của riêng nó thì vẫn cần có sự can thiệp của con người ở giai đoạn đầu tiên. Do đó, sẽ là phi thực tế khi phân loại rằng sự đóng góp của con người sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi việc tạo ra sản phẩm AI, ít nhất là trong thời gian tới.
Ở cách tiếp cận thứ hai, các nhà nghiên cứu cho rằng, không cần phải phân định giữa trường hợp tác phẩm được tạo ra bởi AI với trường hợp tác phẩm được tạo ra dưới sự hỗ trợ của AI, bởi vì con người luôn có tác động nhất định trong quá trình AI tạo ra tác phẩm, cho dù là ở mức độ nào. Cách tiếp cận này tương thích với pháp luật bản quyền EU, vì điều cần thiết đối với luật bản quyền là quá trình tạo ra tác phẩm chứ không phải bản thân hệ thống AI.
Dưới cách tiếp cận của EU, vấn đề tác phẩm tạo ra bởi AI, hay tác phẩm được tạo ra dưới sự hỗ trợ của AI là tương tự nhau và đều mang giả định sự tham gia của con người. Tuy nhiên, dưới góc độ của pháp luật bản quyền, cần xem xét mức độ đóng góp của con người trong quá trình tạo ra tác phẩm để đi đến kết luận liệu tác phẩm có đủ điều kiện để được bảo hộ hay không. Điều này có nghĩa là pháp luật bản quyền vẫn đặt con người ở vị trí trung tâm, từ đó xem xét vào mức độ can thiệp của con người trong mối quan hệ nhân quả giữa AI và tác phẩm đầu ra. Bằng cách này, EU có thể tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho những tác phẩm tạo ra bởi AI.
2. Khả năng bảo hộ tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo theo pháp luật Liên minh châu Âu
2.1. Các tiêu chí bảo hộ tác phẩm theo pháp luật Liên minh châu Âu
Khung pháp lý của EU về bản quyền bao gồm các Chỉ thị, phản ánh nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc tuân thủ Công ước Berne, Công ước Roma, Hiệp định TRIPS, Hiệp ước WCT và WPPT. Các văn bản quan trọng trong lĩnh vực này gồm Chỉ thị Xã hội Thông tin 29/2001/EC (Information Society Directive - InfoSoc), Chỉ thị Phần mềm 2009/24/EC (Software Directive), Chỉ thị cơ sở dữ liệu 96/9/EC (Database Directive) và Chỉ thị Thời hạn 2006/116/EC (the Term Directive).
Nhìn chung, một tác phẩm để được bảo hộ tại EU phải đáp ứng các tiêu chí sau:
Thứ nhất, đó là một tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, khoa học hoặc nghệ thuật theo Điều 2(1) của Công ước Berne, theo dẫn chiếu tại Điều 1 của Chỉ thị Thời hạn[8].
Thứ hai, đó phải là kết quả từ nỗ lực trí tuệ của con người, như tinh thần của Công ước Berne. Công ước Berne tuy không định nghĩa tác giả, nhưng bối cảnh của Công ước Berne gợi ý tác giả và quyền tác giả đề cập đến thể nhân đã tạo ra tác phẩm[9]. Điều 6bis về quyền nhân thân nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn tối thiểu về bảo vệ bản quyền chỉ được kích hoạt bởi các hành động sáng tạo của con người. Điều này ngụ ý rằng việc bảo vệ bản quyền thuộc về tác giả là con người.
Như vậy, nếu một tác phẩm được tạo ra hoàn toàn bởi hệ thống AI mà không có bất kỳ nỗ lực trí tuệ nào của con người sẽ không được bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên, nếu con người có sự đóng góp vào quá trình tạo ra tác phẩm thì vẫn có thể xem xét về khả năng bảo hộ.
Thứ ba, tác phẩm đó phải có tính sáng tạo. Tiêu chuẩn của EU yêu cầu đối tượng bảo hộ phải là: (i) “của riêng tác giả”, nghĩa là không được sao chép và (ii) là “sáng tạo trí tuệ”[10].
Như vậy, yêu cầu về tính sáng tạo của luật pháp EU được đáp ứng “nếu tác giả có thể thể hiện khả năng sáng tạo của mình trong quá trình tạo ra tác phẩm bằng cách đưa ra những lựa chọn tự do”[11]. Trong rất nhiều án lệ, Tòa án công lý Châu Âu (CJEU) đã xác định các yếu tố cần thiết cho những lựa chọn sáng tạo, dựa trên quy tắc[12], kỹ thuật[13] hoặc chức năng[14]. Những điều này có thể đóng vai trò trong việc đánh giá về sản phẩm được hỗ trợ bởi AI trong các trường hợp cụ thể.
Thứ tư, tiêu chí về tính thể hiện của tác phẩm. Những ý tưởng không có hình dạng hoặc hình thức nhất định không thể được coi là tác phẩm. CJEU đã nhiều lần xác nhận rằng việc thể hiện là điều kiện thiết yếu để bảo vệ bản quyền. Trong vụ Infopaq và BSA, Tòa án tuyên bố rằng tác giả phải “thể hiện khả năng sáng tạo của mình theo cách nguyên bản”[15]. Trong vụ Painer, CJEU nhận xét rằng, để một tác phẩm trở thành nguyên bản, tác giả phải có khả năng “thể hiện khả năng sáng tạo của mình”[16]. Và trong vụ Levola Hengelo, Tòa án đã nhấn mạnh rằng những lựa chọn sáng tạo của tác giả phải được thể hiện đầy đủ rõ ràng[17]. Yêu cầu thể hiện này bao hàm mối liên hệ nhân quả giữa hành vi sáng tạo của tác giả và sự thể hiện hành vi đó dưới hình thức tác phẩm được tạo ra. Tuy nhiên, CJEU không yêu cầu cá tính của tác giả phải được nhận thấy một cách rõ ràng trong cách thể hiện của tác phẩm. Chỉ cần tác giả được tự do lựa chọn, qua đó sẽ thể hiện cá tính của họ[18]. Đồng thời, tác giả cần có sự hình dung khái quát về tác phẩm trước khi nước được thể hiện[19].
2.2. Khả năng bảo hộ đối với tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo theo pháp luật của Liên minh châu Âu
Đối chiếu những đặc điểm của một tác phẩm tạo ra bởi AI với các tiêu chí để bảo hộ theo pháp luật EU, có thể thấy như sau:
Thứ nhất, để được bảo hộ thì tác phẩm đó phải thuộc lĩnh vực văn học, khoa học hoặc nghệ thuật. Hệ thống AI có khả năng tạo ra gần như toàn bộ các loại tác phẩm được đề cập trong Điều 2(1) của Công ước Berne. Do đó, tác phẩm do AI tạo ra dễ dáng đáp ứng tiêu chí này.
Thứ hai, tác phẩm do AI tạo ra phải có sự kết hợp với nỗ lực trí tuệ của con người. Như trong vụ Painer, CJEU đã làm rõ rằng có thể tạo ra các tác phẩm có quyền tác giả với sự trợ giúp của máy móc hoặc thiết bị. Tác phẩm do AI tạo ra sẽ luôn đi kèm với một số hình thức can thiệp của con người, như phát triển phần mềm, thu thập hoặc lựa chọn dữ liệu, chỉnh sửa. Do đó, điều kiện này nhìn chung sẽ được đáp ứng.
Thứ ba, về tính sáng tạo, CJEU tuyên bố rằng sự kết hợp sáng tạo giữa các ý tưởng ở các giai đoạn riêng biệt của quy trình sản xuất tác phẩm của AI có thể đủ điều kiện để được coi là tác phẩm được bảo hộ[20]. Tính sáng tạo trong tác phẩm do AI tạo ra sẽ phụ thuộc vào việc tác giả con người thể có đưa ra các lựa chọn sáng tạo trong quá trình tạo ra tác phẩm hay không. Khi đánh giá tiêu chuẩn này, người ta phân chia quá trình tạo ra tác phẩm nói chung thành ba giai đoạn như sau[21]:
(i) Giai đoạn 1 - giai đoạn hình thành: Giai đoạn này bao gồm việc thiết kế. Giai đoạn này yêu cầu một loạt các lựa chọn chi tiết đến từ phía con người, như lựa chọn thể loại, phong cách, kỹ thuật, chất liệu, phương tiện, hình thức bài viết, cốt truyện, ý tưởng giai điệu, thông số chức năng[22]. Những quyết định này cũng có thể bao gồm cả việc lựa chọn hệ thống AI và dữ liệu đầu vào. Ở giai đoạn này, vai trò của con người là rất quan trọng, trong khi máy móc về cơ bản chỉ là một công cụ trong quá trình sáng tạo.
(ii) Gia đoạn 2 - giai đoạn thực hiện: Giai đoạn này liên quan đến việc chuyển đổi thiết kế thành tác phẩm, ví dụ tạo văn bản, ghi âm nhạc, chụp ảnh, mã hóa phần mềm. Trong giai đoạn này, tuy hệ thống AI thường đóng vai trò chủ đạo, nhưng vẫn có thể đòi hỏi sự lựa chọn sáng tạo từ phía người dùng trong việc hướng dẫn hệ thống AI hướng tới mục tiêu mong muốn. Vai trò của người dùng trong giai đoạn này sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng hệ thống AI cụ thể.
(iii) Giai đoạn 3 - giai đoạn biên tập: Giai đoạn này bao gồm việc xử lý các phiên bản được tạo ra từ giai đoạn thực hiện, để nó trở thành một sản phẩm hoàn thiện. Giai đoạn này có thể bao gồm nhiều hoạt động như viết lại, chỉnh sửa, cắt xén, sàng lọc và các hoạt động hậu kỳ khác, tùy thuộc vào từng hệ thống AI và sản phẩm được tạo ra. Ví dụ, một nhạc sĩ, sau khi sử dụng trình soạn nhạc AI như AIVA hoặc MuseNet, có thể sẽ làm lại và chỉnh sửa đầu ra trước khi hoàn thiện bản sáng tác[23]. Trong một số trường hợp, vai trò biên tập của người dùng sẽ chỉ đơn giản nằm ở việc chọn hoặc loại bỏ một số đầu ra được AI tạo sẵn, và điều này cũng vẫn được xem là sự sáng tạo của con người theo CJEU. Trong vụ Painer, CJEU đã giải thích giai đoạn cuối cùng của quá trình sáng tạo có thể liên quan đến nhiều lựa chọn khác nhau của tác giả[24].
Thứ tư, tiêu chí về tính thể hiện của tác phẩm. Tác phẩm đó phải thể hiện được sự sáng tạo của con người trong đó. Nghĩa là sự sáng tạo của tác giả phải được phản ánh trong kết quả cuối cùng. Điều này cũng hàm ý tác giả phải có một ý niệm khái quát về tác phẩm trước khi nó được hình thành. Yêu cầu này có thể gây trở ngại cho tác phẩm được tạo ra bởi AI vì tác giả có thể sẽ không dự đoán chính xác kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn có thể đáp ứng điều kiện bảo hộ nếu nó nằm trong phạm vi ý định chung của tác giả. Tiêu chí này cũng có thể được củng cố và đáp ứng ở giai đoạn biên tập.
3. Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Có thể thấy, hệ thống bản quyền hiện hành của EU đủ khả năng để xem xét vấn đề bảo hộ bản quyền đối với một tác phẩm tạo ra bởi AI. Pháp luật sở hữu trí tuệ của EU cho thấy khả năng thích ứng với sự phát triển của công nghệ ở hiện tại và trong tương lai. Việt Nam có thể tham khảo một số vấn đề khái quát từ sự tiến bộ trong hệ thống pháp luật bản quyền của EU như sau:
Một là, Việt Nam nên chuẩn hoá về mặt pháp lý đối với thuật ngữ trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện nay, thuật ngữ AI chỉ đang tồn tại ở khía cạnh kỹ thuật và có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Việc đưa ra một định nghĩa thống nhất về AI, như cách EU đã thực hiện là cần thiết để đảm bảo khả năng bao quát của pháp luật. Định nghĩa về AI nên thể hiện mức độ trung lập về công nghệ và gắn liền với mức độ rủi ro của AI tạo ra đối với con người. Định nghĩa này nên được thiết kế linh hoạt để đảm bảo thích ứng với sự phát triển của AI trong tương lai.
Hai là, pháp luật sở hữu trí tuệ không nhất định phải có những quy định riêng biệt để điều chỉnh riêng đối với vấn đề bảo hộ một tác phẩm tạo ra bởi AI. Điều này sẽ tạo ra những xáo trộn không cần thiết cho pháp luật bản quyền và lãng phí hệ thống quy định hiện hành. Cách thức giải quyết của EU là phù hợp, ở chỗ tập trung làm rõ các tiêu chí để bảo hộ một tác phẩm, từ đó xem xét cách thức một tác phẩm tạo ra bởi AI có thoả mãn các tiêu chí bảo hộ bản quyền hay không.
Sự ra đời của các hệ thống AI tiên tiến không đồng nghĩa với việc con người phải hoàn toàn nhường lại vai trò quan trọng của mình trong quá trình sáng tạo. Mặc dù đã được thay thế một phần bởi máy móc ở giai đoạn thực hiện, nhưng vai trò sáng tạo của con người vẫn rất cần thiết, ít nhất ở giai đoạn ban đầu và giai đoạn cuối cùng. Các tác giả (con người) vẫn phải đưa ra cả các lựa chọn thiết kế trong giai đoạn hình thành, cũng như các lựa chọn và chỉnh sửa trong giai đoạn hậu kỳ, biên tập. Vì vậy, vấn đề cần tập trung khi xem xét khả năng bảo hộ quyền tác giả đối với một tác phẩm tạo ra bởi AI nằm ở mức độ tham gia đóng góp và kiểm soát của con người trong quá trình tạo ra tác phẩm./.
TS. Lê Thị Minh
Trường Đại học Thủ Dầu Một
Ảnh: Internet
[1]. European Community (2022), Proposal for a Regulation of the European Parliament and of the Council Laying Down Rules on Artificial
Intelligence (Artificial Intelligence Act) and Amending Certain Union Legislative Acts, (2021) COM/2021/206 final.
[2]. European Commission (2022), Proposal for AI Liability Directive, https://commission.europa.eu/business-economy-euro/doing-business-eu/contract-rules/digital-contracts/liability-rules-artificial-intelligence_en#documents, truy cập ngày 25/10/2023.
[3]. Council of Europe (2023), Glossary on Artificial Intelligence, www.coe.int/en/web/artificial-intelligence/glossary, truy cập ngày 25/10/2023.
[4]. Jane C Ginsburg và Luke A Budiardjo (2022), “Authors and Machines”, Berkeley Tech Law Journal, 34, 343.
[5]. Ana Ramalho (2022), Intellectual property protection for AI-generated creations Europe, United States, Australia and Japan, Nxb. Tylor & Francis, New York, 9.
[6]. World Intellectual Property Organization (2020), WIPO Conversation on Intellectual Property and Artificial Intelligence: Second Session, www.wipo.int/meetings/en/details.jsp?meeting_id=55309, 4, truy cập ngày 25/10/2023.
[7]. Ana Ramalho (2022), tlđd.
[8]. European Parliament and of the Council (2006), Directive 2006/116/EC on the term of protection of copyright and certain related rights, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/ALL/?uri=CELEX%3A32006L0116, truy cập ngày 25/10/2023.
[9]. Ginsburg J, (2003), “The concept of authorship in comparative copyright law”, DePaul Law Review, 52, 1063.
[10]. Van Eechoud M (2012), “Along the road to uniformity – diverse readings of the Court of Justice judgments on copyright work”, JIPITEC, https://www.jipitec.eu/issues/jipitec-3-1-2012/3322, truy cập ngày 25/10/2023.
[11]. CJEU (2013), Case C-145/10 - Painer, đoạn 87 - 88, https://curia.europa.eu/juris/liste.jsf?&num=C-145/10, truy cập 25/10/2023.
[12]. CJEU (2011), Cases C-429/08 Premier League, đoạn 98, https://curia.europa.eu/juris/liste.jsf?num=C-403/08&language=en, truy cập ngày 25/10/2023.
[13]. CJEU (2011), Case C-393/09 – Bezpečnostní softwarová asociace – Svaz softwarové ochrany và Ministerstvo kultury, đoạn 49–50, https://curia.europa.eu/juris/documents.jsf?num=C-393/09, truy cập ngày 25/10/2023.
[14]. CJEU (2020), Case C-833/18 – Brompton Bicycle, đoạn 26, https://curia.europa.eu/juris/liste.jsf?num=C-833/18, truy cập ngày 25/10/2023.
[15]. CJEU (2009), Case C-05/08 - Infopaq, đoạn 50, https://curia.europa.eu/juris/liste.jsf?num=c-5/08, truy cập ngày 25/10/2023.
[16]. CJEU (2013), tlđd.
[17]. CJEU (2018), Case C-310/17 - Levola Hengelo, đoạn 40, https://curia.europa.eu/juris/liste.jsf?num=C-310/17, truy cập ngày 25/10/2023.
[18]. CJEU (2013), tlđd.
[19]. Burk DL (2020), “Thirty-six views of copyright authorship”, Houst Law Review, 58.
[20]. CJEU (2013), tlđd.
[21]. Pieter De Grauwe (2022), Dissecting the AI value chain, https://www.gevers.eu/blog/artificial-intelligence/video-post/, truy cập ngày 25/10/2023.
[22]. Jane C Ginsburg và Luke A Budiardjo (2022), tlđd, 34, 347 - 348.
[23]. AIVA, https://www.aiva.ai/OpenAI, Musenet, https://openai.com/research/musenet.
[24]. CJEU (2013), tlđd.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 406), tháng 6/2024)