Theo kết qủa khảo sát quốc gia về lao động chưa thành niên do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện gần đây cho thấy, Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động chưa thành niên (có độ tuổi từ 5 tuổi đến 17 tuổi). Trong tổng lao động là người chưa thành niên, có tới 85% lao động chưa thành niên sinh sống ở nông thôn và 15% ở thành thị; 67% tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, 16,6% nhóm ngành dịch vụ và 15,8% nhóm xây dựng, công nghiệp[1].
Thực tế hiện nay, một bộ phận lao động là người chưa thành niên làm việc trong điều kiện lao động ngoài trời, đi lại nhiều dễ bị tai nạn, nguy hiểm, điều kiện làm việc quá nóng, quá lạnh, môi trường có hoá chất độc hại và các tổn thương khác đến sự phát triển thể chất của người chưa thành niên. Thậm chí, nhiều trường hợp phải làm việc các nghề cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động có hại. Số liệu thống kê cũng cho thấy, có khoảng 933 ngàn trẻ em là người chưa thành niên làm việc ở những nơi có nguy cơ bị bóc lột và bị xâm hại, trong đó có 11,6% lao động phải dịch chuyển nơi làm liên tục; gần 3,9% người chưa thành niên làm việc tại các nhà máy, xưởng sản xuất; trên 2,3% làm việc tại nhà khách hàng, 1,47% làm việc tại các nhà hàng, quán, bar, khách sạn; khoảng 2,45% trẻ em là người chưa thành niên phải làm việc tại các phố chợ. Các địa điểm làm việc khó khăn như mỏ đá, công trường xây dựng, xưởng sản xuất, hoặc môi trường nhạy cảm như cửa hàng, quán, bar, nhà hàng, khách sạn chủ yếu là người chưa thành niên ở nhóm từ 15 tuổi đến 17 tuổi[2].
Mặc dù, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động chưa thành niên, xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách vững chắc để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, đồng thời, cũng đã thực hiện một số chương trình, dự án cấp trung ương và địa phương để giảm thiểu lao động chưa thành niên. Nhiều mô hình được triển khai thí điểm tại một số địa phương đã cải thiện điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, môi trường làng nghề, hoạt động du lịch và các hoạt động trong nông nghiệp, ngư nghiệp. Tuy nhiên, lao động chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở một số nơi, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức. Tình trạng này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về tâm lý, sức khoẻ của người chưa thành niên, hạn chế cơ hội học tập và ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm bền vững của họ trong tương lai. Để bảo vệ và tạo điều kiện cho người chưa thành niên vừa có thể tham gia quan hệ lao động lại không ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí lực, pháp luật về lao động hiện hành của Việt Nam cho phép đối tượng này được tham gia vào những quan hệ lao động phù hợp với sức khỏe và năng lực của họ, đồng thời nghiêm cấm việc lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên vào làm những công việc năng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc quá sức. Đối với lao động chưa thành niên, quy chế lao động riêng được quy định nhằm bảo vệ và tạo điều kiện cho sự phát triển thể lực, trí lực của họ. Việc cho phép và tạo điều kiện cho họ tham gia quan hệ lao động là một bước tập dượt về chuyên môn tay nghề, về ý thức tổ chức kỷ luật trước khi trở thành chủ nhân của xã hội.
Từ những văn bản pháp luật lao động đầu tiên của Nhà nước ta đã có những quy định chế độ lao động riêng đối với lao động là người chưa thành niên. Ví dụ: Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/03/1947 quy định các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ không được sử dụng trẻ em dưới 12 tuổi làm việc. Ty Lao động có quyền yêu cầu người chủ phải thay đổi hoặc thôi không cho trẻ em từ 12 tuổi đến 15 tuổi làm những công việc quá sức mình sau khi có sự xem xét của thầy thuốc nhà nước. Nghiêm cấm trẻ em trai dưới 15 tuổi và phụ nữ bất kỳ tuổi nào làm những công việc dưới hầm mỏ hoặc công việc độc hại, nguy hiểm mà Nhà nước đã quy định; không được sử dụng trẻ em làm ca đêm; thời gian nghỉ đêm của lao động trẻ em dưới 18 tuổi ít nhất là 11 giờ liên tiếp... Các văn bản pháp luật lao động sau đó như Pháp lệnh Hợp đồng lao động năm 1990, Pháp lệnh bảo hộ lao động năm 1991, Nghị định 233/HĐBT ngày 22/06/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về ban hành quy chế lao động đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài..., cũng có quy định về độ tuổi tham gia quan hệ lao động của người lao động chưa thành niên, nhất là trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi...
Kế thừa những quy định trên, pháp luật lao động Việt Nam hiện hành một mặt vừa tổng hợp các quy định này, vừa có những quy định mới đối với người lao động chưa thành niên. Bộ luật Lao động năm 2012 đã dành Mục 1 của Chương XI với năm điều (từ Điều 161 đến Điều 165) để quy định riêng về chế độ lao động đối với người chưa thành niên, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người lao động này khi tham gia quan hệ lao động. Về nguyên tắc, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động. Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành; không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác; phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hoá, bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường của người lao động và đảm bảo điều kiện làm việc, an toàn và vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi của lao động chưa thành niên. Cụ thể, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động chưa thành niên trong các công việc sau: Mang, vác các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; sản xuất và sử dụng, vận chuyển các hoá chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; phá dỡ công trình xây dựng; nấu, thổi, đúc, cán, dập, và hàn kim loại; lặn biển, đánh bắt cá xa bờ; và các công việc khác gây tổn hại cho sức khoẻ, an toàn hoặc đạo đức của người chưa thành niên.
Người sử dụng lao động cũng không được tuyển dụng lao động chưa thành niên làm việc ở các môi trường như: Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trường xây dựng; cơ sở giết mổ gia súc; sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi và phòng xoa bóp và nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khoẻ, sự an toàn hoặc đạo đức của người chưa thành niên.
Khi tuyển dụng lao động là người dưới 15 tuổi, người sử dụng lao động cần lưu ý: Chỉ được tuyển dụng vào làm các công việc nhẹ theo danh mục của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người lao động; khi tuyển dụng phải có giấy khám sức khoẻ của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khoẻ phù hợp công việc; tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần; phải thông báo bằng văn bản trong vòng 30 ngày từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc và thực hiện báo cáo hàng năm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi cơ sở đặt trụ sở chính.
Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần; đối với người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm[3].
Đối với những người lao động dưới 13 tuổi, chỉ có thể tham gia các công việc liên quan đến năng khiếu trong các lĩnh vực nghệ thuật và thể thao như: Diễn viên, múa, hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước); các vận động viên năng khiếu thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền... Hoặc những công việc nhẹ chủ yếu liên quan đến các ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ như: Chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, giá đỗ, bánh đa...; các nghề thủ công mỹ nghệ như thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình, nuôi tằm, gói kẹo dừa[4]...
Các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về chế độ lao động đối với người chưa thành niên được xử lý như sau:
- Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật; sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc theo quy định pháp luật lao động; sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, tại nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định của pháp luật; sử dụng người dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép[5].
Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 cũng đã quy định về tội “Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi” tại Điều 296, theo đó, những người sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp phạm tội hai lần trở lên hoặc đối với 02 người trở lên; làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 61% trở lên.
Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết hai người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Đánh giá chung về các biện pháp chế tài xử lý thực trạng sử dụng lao động chưa thành niên hiện nay có thể thấy, các quy định pháp luật là khá toàn diện, thậm chí mức phạt trong một số trường hợp cũng rất nặng. Vấn đề còn lại là các cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại các địa phương phải phát huy vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc chấm dứt các hành vi sử dụng lao động là người chưa thành niên trái pháp luật. Để làm được điều này, các cơ quan đó phải tích cực công tác thanh tra, kiểm tra, nắm địa bàn mình quản lý để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật. Thanh tra Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cần lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sử dụng lao động trẻ em. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền hoặc đoàn thể địa phương nơi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trụ sở. Cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể và thống nhất, đồng bộ để có thể theo dõi và cập nhật số liệu. Xây dựng mạng lưới bảo vệ lao động chưa thành niên dựa vào cộng đồng, trong đó xác định rõ trách nhiệm, vai trò của chính quyền, gia đình, nhà trường, người sử dụng lao động trong quá trình ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động của người chưa thành niên. Tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật về các quy định của pháp luật lao động nói chung và các quy định đối với lao động chưa thành niên nói riêng. Phát triển các hệ thống dịch vụ trợ giúp lao động chưa thành niên thông qua xây dựng các mô hình can thiệp tại địa phương và thiết lập mạng lưới trợ giúp cộng đồng, đặc biệt tại tuyến cơ sở. Kết hợp đồng bộ các chính sách cụ thể để hỗ trợ đối tượng lao động chưa thành niên về kinh tế, giáo dục, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời khuyến khích các hoạt động đấu tranh, phát hiện và tố giác về các trường hợp sử dụng lao động chưa thành niên trên địa bàn. Ngoài ra, cần có chế tài mạnh đối với những người sử dụng lao động chưa thành niên vào các công việc độc hại, nguy hiểm, thậm chí có thể truy tố trách nhiệm hình sự trong những trường hợp này.
Bên cạnh đó, về lâu dài, chính quyền đoàn thể, địa phương cần có sự quan tâm, hỗ trợ các gia đình có trẻ lao động sớm, tạo điều kiện để các em được học hành đến nơi đến chốn, được vui chơi, giúp các em phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần để có được tương lai tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền cho các bậc cha mẹ thực sự hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với con em mình. Nhà trường và xã hội cũng đều phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ các em, đảm bảo các em được quyền vui chơi, giải trí, học tập trước khi bước vào tuổi lao động.
Đại học Lao động - Xã hội