Đối với doanh nghiệp, việc nắm vững các quy định của pháp luật là một điều kiện của hoạt động sản xuất, kinh doanh, là một yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp trên thương trường.Nhận thức vai trò và tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tại Điện Biên, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch chi tiết để triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hàng năm đều tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý trên địa bàn tỉnh và các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu về các kết quả đã đạt được trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại tỉnh Điện Biên, đồng thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực thấp; đời sống của nhân dân còn khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, trong những năm qua, các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Điện Biên đã đạt được kết quả tích cực; công tác an sinh xã hội và chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống các dân tộc được quan tâm, thực hiện hiệu quả; tình hình an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Để đạt được những kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của hơn 1.300 doanh nghiệp trên địa bàn đang nỗ lực hoạt động nhằm góp phần phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội; tăng thu ngân sách, tạo việc làm và góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, bảo đảm an toàn về mặt pháp lý cho hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh; thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đến nay được thay thế bằng Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong những năm qua, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, Sở Tư pháp luôn được xác định là cơ quan đầu mối, có vai trò quan trọng trong việc tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch chi tiết để triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hàng năm đều tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý trên địa bàn tỉnh và các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với nhiều hình thức thiết thực và đạt nhiều kết quả tích cực, điển hình là:
Trong việc xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật và các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành để doanh nghiệp truy cập và sử dụng; cấp phát Công báo của tỉnh đến Hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, hệ thống cơ sở dữ liệu đã được cập nhật, hướng dẫn tương đối đầy đủ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời tiếp nhận, tư vấn, giải đáp những kiến nghị của doanh nghiệp đã thu hút nhiều lượt người truy cập, tìm hiểu, qua đó đã kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, về thị trường trong và ngoài nước, về các hoạt động thương mại, dự báo trung và dài hạn về xu hướng phát triển của các ngành, các sản phẩm ở trong nước và quốc tế, các chương trình dự án quốc gia, chương trình đầu tư trung hạn 2016 - 2021, các dự án phát triển khác có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Trong xây dựng tài liệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật: Sở Tư pháp đã chủ trì xây dựng hàng chục nghìn bộ tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật gửi đến các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn để nghiên cứu và vận dụng. Nội dung các tài liệu được xây dựng tập trung vào: Trình tự thành lập, giải thể doanh nghiệp; công tác quản lý tài chính doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp; các chính sách về thuế, thu hút đầu tư, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động dưới nhiều hình thức phong phú như: Bản tin, sách hỏi - đáp pháp luật, sổ tay hướng dẫn; tờ gấp, tờ rơi, áp phích, đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật và vận dụng các quy định của pháp luật phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Trong việc bồi dướng kiến thức, giải đáp pháp luật và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp: Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về các lĩnh vực nhằm nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp; phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu và trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp khi nhận được yêu cầu bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã tiếp nhận kiến nghị của các doanh nghiệp để tham mưu, kiến nghị ban hành, sửa đổi các quy định, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác này, Sở Tư pháp đã đề ra nhiều giải pháp và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện thông qua các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. 05 năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban quản lý Chương trình 585 - Bộ Tư pháp tổ chức 07 hội nghị tập huấn, đối thoại các vấn đề pháp lý cho hơn 800 doanh nghiệp trên địa bàn, cụ thể: Năm 2016, tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên; năm 2017, tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên về các vấn đề pháp lý của Bộ luật Lao động; năm 2018, tổ chức 02 hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về các quy định pháp luật và thực thi về việc giải quyết tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành; đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về các vấn đề pháp lý liên quan đến thuế, phí và lệ phí; 02 hội nghị tập huấn, tọa đàm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản về các quy định của pháp luật về đất đai; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ tiền lương, tiền công; năm 2019, tổ chức Hội nghị đối thoại về quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và việc thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Có thể nói, việc Sở Tư pháp chú trọng thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt là việc định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp góp phần củng cố mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn một số khó khăn, hạn chế, điển hình là nhiều hoạt động hỗ trợ còn hình thức, chắp vá, rời rạc, thiếu tính hệ thống; thiếu chủ động, chỉ khi doanh nghiệp yêu cầu mới hỗ trợ; các hoạt động hỗ trợ pháp lý chưa được tổ chức riêng biệt, theo hướng chuyên sâu mà chủ yếu là lồng ghép với các hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý chưa cao khiến cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn. Do đó, để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và toàn quốc nói chung thực sự có trọng tâm, trong điểm, phát huy hiệu quả cần có các giải pháp đổi mới như sau:
Một là, đổi mới thể chế theo hướng ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với từng ngành, địa phương đã được quy định tại Luật Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để các sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm căn cứ để xây dựng chương trình hỗ trợ theo đúng quy định.
Hai là, đổi mới về việc cung cấp thông tin, Trang thông tin hỗ trợ doanh nghiệp - Bộ Tư pháp cần bổ sung chuyên mục cảnh báo rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thường xuyên cập nhật, đăng tải một số bản án, quyết định của Tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham khảo.
Ba là, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn cho mạng lưới tư vấn pháp luật cấp tỉnh và xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2026 cần tập trung vào các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội; pháp luật về thuế, kế toán; pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ; pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư; các quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng... ; các quy định của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định tự do thương mại FTA. Ngoài ra, cần tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, góp phần tăng cường năng lực tư vấn pháp lý cho đội ngũ này trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, cần phải đa dạng hóa các hình thức tư vấn cho doanh nghiệp như: Tổ chức các buổi tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp; thành lập mạng lưới tư vấn viên pháp luật là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm tư vấn và thiết lập các kênh tư vấn cho các doanh nghiệp qua điện thoại, email và các hình thức phù hợp khác để kịp thời hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp khi có yêu cầu.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên