Phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra là bộ phận quan trọng trong tổng thể công tác phòng ngừa tội phạm - nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta đã yêu cầu: “Kiên quyết, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra những tình huống xấu; không để bị động, bất ngờ trong bất cứ tình huống nào và phải đối phó thắng lợi”. Trong Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Đảng ta xác lập quan điểm “Chủ động tiến công, tích cực phòng ngừa; lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính” và đề ra giải pháp: “Coi trọng các giải pháp phòng ngừa xã hội; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tự giác tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng của tổ chức, cá nhân”. Trong Chỉ thị 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Chủ động phòng ngừa trên cơ sở giữ vững bên trong có ý nghĩa quyết định, lấy tấn công để phòng ngừa, xác định “tự bảo vệ” là nội dung cốt lõi”.
Trong công tác phòng ngừa tội phạm, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã xác định rõ nguyên nhân của tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp là do “hiệu quả phòng ngừa tội phạm do nguyên nhân xã hội còn thấp; tỷ lệ điều tra, khám phá một số loại tội phạm chưa cao…”, từ đó yêu cầu “phải lấy chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp chặt chẽ với tích cực tấn công trấn áp tội phạm”. Cùng với đó, Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác lập quan điểm chỉ đạo: “Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh ngăn chặn tội phạm, trong đó lấy phòng ngừa là chính; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ; kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; coi trọng công tác phòng ngừa xã hội từ cộng đồng, gia đình và ngay từ cơ sở”.
Đối với các hành vi sử dụng chất ma túy, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã xác định yêu cầu của công tác phòng, chống ma túy là: “Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma tuý. Coi trọng công tác cai nghiện tập trung và quản lý người nghiện ngoài xã hội không để gây ra các vụ phạm tội”. Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 cũng xác lập quan điểm chỉ đạo: “Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh ngăn chặn tội phạm, trong đó lấy phòng ngừa là chính; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ; kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; coi trọng công tác phòng ngừa xã hội từ cộng đồng, gia đình và ngay từ cơ sở”.
Mặt khác, hoạt động phòng ngừa cũng được quy định trong hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự của nước ta như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm tại Điều 4: “Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng”. Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc phòng ngừa tệ nạn ma túy: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình và mọi công dân tham gia tệ nạn ma túy”.
2. Thực trạng công tác phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra
Phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra là tổng thể các biện pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tác hại của tệ nạn ma túy đối với đời sống xã hội, hạn chế phát sinh người nghiện mới; tổ chức quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy và người bị bệnh tâm thần. Hoạt động này có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện hoạt động phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bênh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra đã có nhiều kết quả tích cực như: Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp; nhận thức của toàn xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi thành viên xã hội được nâng lên. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bênh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian gần đây, tình hình tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Hiện nay, hoạt động phòng ngừa có một số khó khăn như sau:
Một là, hiệu quả công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy và tổ chức cai nghiện số đối tượng nghiện ma túy, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa cao; tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp
Công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện nhiều. Công tác tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm sau khi cai nghiện còn nhiều bất cập. Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn do đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư. Cơ sở vật chất ở các cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, dẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, dễ gây bức xúc cho học viên. Một số cán bộ làm công tác cai nghiện ở cộng đồng chưa được đào tạo chuyên sâu. Công tác kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, chưa được đưa vào kiểm soát một số hoạt động như tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, đây là các hoạt động trên thực tiễn diễn ra thường xuyên, rất dễ bị các đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy lợi dụng.
Tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số vụ, số đối tượng, khối lượng chất ma túy có xu hướng gia tăng. Trung bình trong 05 năm gần đây, cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 đối tượng[1]. Bùng nổ các loại hình kinh doanh như vũ trường, quán bar... tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp.
Hai là, tình trạng người mắc bệnh tâm thần khó kiểm soát, chưa được quản lý chặt chẽ
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định bắt buộc người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội. Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: “Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh” và Điều 5 Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh: “Trong giai đoạn điều tra, khi có nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự, cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án gửi đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Cùng với đó, nhiều gia đình vì tâm lý e ngại nên không muốn đưa bệnh nhân tâm thần vào các cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí nên nhiều bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần vẫn sinh hoạt tự do ngoài xã hội, dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Ba là, sự bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan
Hiện nay, chế tài đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vẫn chưa đủ nghiêm khắc: Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) không quy định trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng chất ma túy, còn mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe. Việc xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình với hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, là còn thấp, chưa nghiêm khắc.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và mâu thuẫn với một số văn bản pháp luật khác. Theo quy định tại Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) thì: “Việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”, tuy nhiên, Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Cùng với đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung hành vi: “Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần” tại Điều 259 về Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nhưng Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) chưa quy định.
3. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra
Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, trong đó lấy phòng ngừa xã hội là chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, trong đó, chú trọng giáo dục kiến thức về phòng, chống ma túy, kiến thức về các bệnh tâm thần, các quy định pháp luật hình sự bằng nhiều hình thức, trên tất cả các phương tiện truyền thông với nội dung phù hợp với từng vùng, miền, từng loại đối tượng, chú ý đến tác hại và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần và một số chất ma túy mới; hỗ trợ hoạt động và nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy có hiệu quả ở cơ sở; kết hợp, lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật và phát triển kinh tế - xã hội khác. Nâng cao trách nhiệm của người giám hộ, gia đình người mắc bệnh tâm thần, người nghiện ma túy trong báo cáo tình trạng bệnh và các xu hướng phát triển.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và các ngành kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Cần tiếp tục rà soát, lập hồ sơ đối tượng nghiên cứu và tổ chức cai nghiện bắt buộc, đẩy mạnh công tác xã hội hóa cai nghiện, triển khai công tác tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ việc làm sau khi cai nghiện. Tổ chức đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, chú ý các loại ma túy mới, các hoạt động lợi dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phạm tội, tăng cường kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Cần chú ý quản lý nhà nước đối với các ngành kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như vũ trường, quán bar…, không để ma túy có điều kiện lan tràn trong xã hội. Áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật trong phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra. Triển khai kết nối hệ thống camera công cộng, camera an ninh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tòa nhà cao tầng phục vụ công tác phát hiện, ngăn chặn các hành vi bất thường của người bị bệnh tâm thần, người nghiện ma túy, phát hiện các hoạt động tụ tập buôn bán, sử dụng chất ma túy.
Ba là, lực lượng công an tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở các ý kiến thẩm định, Bộ Công an nhanh chóng tiếp thu, chỉnh lý, giải trình và hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Dẫn độ, Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Tình báo, Luật Bảo vệ nhân chứng… Đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, cần kiến nghị áp dụng các chế tài nghiêm khắc hơn nữa, trước mắt, cần tăng mức phạt hành chính, sau đó tiếp tục cân nhắc có hình sự hóa hành vi này không.
Bốn là, tăng thêm thẩm quyền của công an xã như lập hồ sơ quản lý, theo dõi, thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma tuý, chú ý đầu tư trang thiết bị, công cụ, phương tiện hỗ trợ, tăng cường đào tạo, huấn luyện chuyên sâu, bảo đảm phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ ngay tại cơ sở. Tiếp tục triển khai nghiên cứu lý luận về phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do người bị bênh tâm thần hoặc bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác nghiên cứu phòng ngừa xã hội trong bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và trong phòng, chống tội phạm nói riêng.
Học viện Chính trị Công an nhân dân