Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này rất dễ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đó chính là lý do mà quản lý nhà nước đối với việc áp dụng biện pháp này có vai trò quan trọng. Bài viết sẽ phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý nhà nước đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo TTHC, chỉ ra một số bất cập còn tồn tại và đưa ra các kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện vấn đề này.
1. Bất cập trong pháp luật về quản lý nhà nước đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính và kiến nghị hoàn thiện
Một là, các văn bản pháp luật hiện hành chưa tập trung điều chỉnh nội dung quản lý nhà nước về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Hiện nay, bên cạnh Luật XLVPHC 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC 2012 thì việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo TTHC được thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật sau: Nghị định số 112/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 02/10/2013 quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo TTHC và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất (Nghị định số 112/2013/NĐ-CP); Nghị định số 17/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 03 năm 2016 sửa đổi Nghị định 112/2013/NĐ-CP; Thông tư số 42/2010/TT-BCA của Bộ Công an ban hành ngày 04 tháng 11 năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính; Luật Hải quan năm 2014; Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/08/2015 quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, nội dung quản lý nhà nước về biện pháp tạm giữ người theo TTHC hiện nay vẫn chưa được chú trọng, mà chỉ được coi như một nội dung trong quá trình triển khai thi hành Luật XLVPHC 2012 nói chung. Ví dụ: Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật; Quyết định số 1950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương”. Đầu năm 2016, Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành kiện toàn “Tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật XLVPHC”.
Ở các địa phương thì từ cuối năm 2015, nhiều Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch, quyết định, chỉ thị chỉ đạo về việc triển khai và tăng cường thực hiện pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn trong năm 2016. Như vậy, cơ sở pháp lý cho việc triển khai thi hành Luật XLVPHC 2012 thì khá đầy đủ nhưng riêng đối với biện pháp tạm giữ người theo TTHC thì chưa thực sự được quan tâm đúng mức, trong khi việc áp dụng biện pháp này dễ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Hai là, việc ban hành văn bản hướng dẫn báo cáo thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa kịp thời
Luật XLVPHC 2012 có quy định về việc thực hiện báo cáo tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC theo định kỳ 6 tháng và hàng năm. Tuy nhiên, đến tháng 8 năm 2015 Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/08/2015 quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật mới được ban hành. Tuy nhiên, ngay cả khi đã ban hành mẫu văn bản báo cáo nhưng nội dung báo cáo thống kê việc áp dụng biện pháp tạm giữ người cũng không rõ ràng (chỉ bao gồm nội dung số lượng quyết định tạm giữ người và chia thành hai cột: đối với người thành niên và chưa thành niên). Nghiên cứu cho thấy các báo cáo ở địa phương thường bỏ sót nội dung tình hình áp dụng biện pháp tạm giữ như: Long An[1], Quảng Ngãi[2], Tiền Giang[3], Tuyên Quang[4], Quảng Nam[5], Hậu Giang[6], thành phố Cao Lãnh[7]…). Điểm thiếu sót này khiến cho công tác theo dõi tình hình áp dụng biện pháp tạm giữ người gặp khó khăn bởi Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật sẽ thiếu dữ liệu để lập được bảng thống kê chi tiết làm căn cứ để Bộ Tư pháp tổng kết tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC nói chung và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý VPHC trong đó có biện pháp tạm giữ người. Đây cũng chính là lý do khiến cho báo cáo tình hình thi hành pháp luật Luật XLVPHC 2012 của Bộ Tư pháp cũng chỉ tổng hợp được tổng số quyết định tạm giữ người theo TTHC năm 2015 và báo cáo tình hình thi hành pháp luật Luật XLVPHC 2012 của Bộ Tư pháp sáu tháng đầu năm 2016 không có nội dung về việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo TTHC. Đây thực sự là một thiếu sót lớn bởi thực tế chúng ta dường như đang ”bỏ ngỏ” hoạt động quản lý nhà nước về vấn đề này. Điều này đồng nghĩa với việc trên thực tế nếu xảy ra sai phạm trong quá trình tạm giữ người theo TTHC như người không có thẩm quyền tiến hành tạm giữ; tạm giữ những người không thuộc đối tượng bị tạm giữ; bức cung, nhục hình trong quá trình tạm giữ,... thì cũng khó có thể kiểm soát. Thực tế cho thấy, khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì những vụ việc tạm giữ người trái pháp luật mới bị phát hiện[8]. Như vậy, nếu không quản lý sát sao về công tác báo cáo tình hình tạm giữ người theo TTHC thì chúng ta khó phát hiện các bất cập để khắc phục và nguy cơ công dân bị xâm phạm các quyền cơ bản vẫn có thể xảy ra.
Ba là, biểu mẫu báo cáo công tác theo dõi công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa phù hợp
Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/08/2015 quy định về chế độ báo cáo trong quản lý công tác THPL về XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Thông tư số 10/2015/TT-BTP) đã ban hành mẫu văn bản báo cáo công tác theo dõi công tác THPL về XLVPHC. Tuy nhiên, nội dung báo cáo thống kê việc áp dụng biện pháp tạm giữ người cũng không rõ ràng (chỉ bao gồm nội dung số lượng quyết định tạm giữ người và chia thành hai cột: đối với người thành niên và chưa thành niên). Chính vì vậy, Thông tư số 10/2015/TT-BTP cần sửa đổi biểu mẫu báo cáo này để thể hiện rõ hơn tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC khi địa phương có áp dụng biện pháp tạm giữ người trong quá trình xử lý vi phạm. Biểu mẫu này cần nêu rõ: số lượng quyết định; đối tượng bị áp dụng là người thành niên hoặc chưa thành niên; số lượng quyết định ban hành trái thẩm quyền; số lượng quyết định bị khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại; trường hợp địa phương không áp dụng biện pháp này thì cũng nêu rõ trong báo cáo.
Bốn là, việc triển khai nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính chậm trễ
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 17 Luật XLVPHC 2012 thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC. Đây là hệ thống được xây dựng trên cơ sở tích hợp dữ liệu điện tử từ cơ sở dữ liệu về xử lý VPHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các cấp. Tuy nhiên, gần 3 năm kể từ ngày Luật XLVPHC 2012 có hiệu lực, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2016 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định này còn khá chậm, đến ngày 30 tháng 12 năm 2016 thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới ban hành Thông tư 13/2016/TT-BTP quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC và văn bản này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2017. Tuy nhiên, trong Điều 2 của Thông tư này quy định về đối tượng áp dụng thì không có nhóm “Cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC”. Nếu chúng ta đã có thực hiện việc số hóa thành các dữ liệu điện từ dối với hoạt động xử lý VPHC thì không có lý nào lại bỏ sót các thông tin liên quan đến việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc XLVPHC. Bởi nếu chúng ta xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC nói chung và biện pháp tạm giữ người theo TTHC nói riêng thì các cơ quan có trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật sẽ có đủ các thông tin, dữ liệu về vụ việc vi phạm để từ đó đưa ra các chính sách, biện pháp quản lý phù hợp đồng thời phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý VPHC nói chung và tạm giữ người theo TTHC nói riêng.
Chính vì vậy, Bộ Tư pháp nên bổ sung vào Điều 2. Đối tượng áp dụng của Thông tư 13/2016/TT-BTP quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC nhóm đối tượng: “Cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC”.
Năm là, về công tác kiểm tra và thanh tra việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Hiện nay, chúng ta không có quy định riêng về công tác kiểm tra, thanh tra việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo TTHC mà chỉ có quy định về công tác kiểm tra và thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC nói chung - đây được xem là hai trong số các nội dung quản lý công tác xử lý VPHC quy định tại Điều 21, 22 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP .
- Về công tác kiểm tra:Công tác kiểm tra có thể được tiến hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị của Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; đề nghị của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC; hoặc việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC thuộc phạm vi quản lý liên ngành đang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập hoặc đối với vụ việc phức tạp[9]. Phương thức kiểm tra có thể là: kiểm tra theo định kỳ, theo chuyên đề, địa bàn; kiểm tra đột xuất; hoặc kiểm tra liên ngành.Ở một số địa phương xảy ra tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa các đoàn kiểm tra[10]. Bên cạnh đó, quy định về các trường hợp tiến hành kiểm tra cũng như quy định về thẩm quyền kiểm tra còn chưa phù hợp.
Chính vì vậy, tác giả kiến nghị cần bổ sung thêm vào Nghị định 81/2013/NĐ-CP một số nội dung về công tác kiểm tra như sau:
Một là, bổ sung các Điểm đ và e Khoản 2 Điều 21 liên quan đến các trường hợp phải tiến hành kiểm tra việc xử lý VPHC như sau:
Điều 21.Kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:
“1….
2. Việc kiểm tra được tiến hành trong các trường hợp sau đây:…
“đ) Qua theo dõi thi hành pháp luật về xử lý VPHC phát hiện việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý VPHC có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
e) Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức phản ánh việc áp dụng pháp luật về xử lý VPHC chưa chính xác hoặc có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.”
Hai là, sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 4 Điều 21 cho phù hợp với việc bổ sung quy định tại điểm đ và điểm e như trên. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật trong việc giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc kiểm tra đối với các vụ vi phạm có tính chất phức tạp, mang tính liên ngành, trong phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó cũng xác định trách nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp trong việc giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện thực hiện việc kiểm tra theo thẩm quyền, cụ thể:
“a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định kiểm tra đối với trường hợp quy định tại các Điểm a, b, d, đ và e Khoản 2 Điều này. Đối với vụ việc quy định tại các Điểm d, đ và e Khoản 2 Điều này mà có tính chất phức tạp, mang tính liên ngành, trong phạm vi toàn quốc, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc kiểm tra.
Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện thực hiện việc kiểm tra theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này.”
- Về công tác thanh tra: Công tác thanh traở các Bộ và cơ quan ngang Bộ chủ yếu được thực hiện bởi Thanh tra Bộ. Ngoài ra, các cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc Bộ như Tổng cục, Cục cũng được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực mình quản lý. Điều 22 Nghị định 81/2013/NĐ-CP có quy định về công tác phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC. Theo đó, việc phối hợp thanh tra thi hành pháp luật về xử lý VPHC giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp huyện được thực hiện trong trường hợp có kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý VPHC gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Thực hiện quy định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành nhiều văn bản quy định về Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước như: Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 UBND tỉnh Bạc Liêu Quyết định về ban hành quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có nội dung quy định: “Phối hợp thanh tra trong trường hợp có kiến nghị, phản ảnh của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng quy định của pháp luật về xử lý VPHC” (Khoản 4 Điều 5).
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bất kỳ một văn bản nào hướng dẫn một cách chi tiết để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước. Chính vì vậy, Chính phủ cần ban hành Nghị định về công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, trong đó có quy định xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý VPHC nói chung và tạm giữ người theo TTHC nói riêng vi phạm chế độ công vụ trong việc thực thi pháp luật về xử lý VPHC và xử lý việc thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra để các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và phối hợp thanh tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
2. Bất cập trong quản lý nhà nước đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính và một số kiến nghị
Một là, về công tác thanh tra, kiểm tra việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Bên cạnh việc cần sửa đổi quy định của pháp luật cho phù hợp như tác giả đã phân tích ở trên thì những yếu kém trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi bởi lực lượng thanh tra còn “mỏng” nên không thể thanh tra, kiểm tra và phát hiện hết các vi phạm cần xử lý. Để khắc phục tình trạng này, cần các giải pháp sau:
- Thứ nhất, UBND cấp tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành theo từng lĩnh vực để thực hiện kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
- Thứ hai, giao thêm cho Sở Tư pháp chức năng giúp UBND tỉnh tổng hợp công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn của tỉnh về hoạt động xử lý VPHC nói chung và tạm giữ người theo TTHC nói riêng.
- Thứ ba, UBND cấp tỉnh cần yêu cầu thanh tra của các Sở và cơ quan tương đương Sở chủ động thường xuyên tổ chức thanh tra đột xuất, thanh tra khi có phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng pháp luật về xử lý VPHC có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên địa bàn theo quy định có như vậy mới hạn chế được các sai phạm trong quá trình thực thi công vụ của chủ thể có thẩm quyền, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Hai là, thiếu biên chế công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và tình hình áp dụng biện pháp tạm giữ người theo TTHC nói riêng
Thực tế cho thấy rằng, đội ngũ công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật hiện nay vẫn còn thiếu về số lượng. Chẳng hạn, theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương” (Quyết định 1950/QĐ-TTg) thì số biên chế công chức, viên chức của Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật gồm khoảng từ 42 – 45 người. Nhưng đến ngày 31/3/2016, Cục mới chỉ có Cục trưởng, 03 Phó Cục trưởng và 20 công chức, viên chức và lao động hợp đồng[11].Qua báo cáo của các Bộ, ngành cho thấy, hiện nay, ngoài Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, có thêm Bộ Quốc phòng đã triển khai việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý VPHC còn lại đa số các Bộ, cơ quan ngang Bộ đều chỉ bố trí được từ 01 – 02 chuyên viên kiêm nhiệm thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Quá trình bổ sung biên chế chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC ở các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg thì Phòng Quản lý xử lý VPHC tại Sở Tư pháp Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ít nhất 07 biên chế công chức, Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ với ít nhất là 05 biên chế, các địa phương cũng bố trí ít nhất từ 03 – 05 biên chế công chức. Tuy nhiên tính đến ngày 31 tháng 03 năm 2016 mới có 60/63 tỉnh, thành phố thành lập phòng chuyên môn trực thuộc Sở Tư pháp (Phòng quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật) để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định còn lại một số địa phương vẫn phải bố trí cán bộ kiêm nhiệm. Việc bố trí các công chức kiêm nhiệm như trên là một giải pháp “tình thế” nên chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều công chức kiêm nhiệm lại chưa được đào tạo đầy đủ về nghiệp vụ nên chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ ảnh hưởng tới công tác quản lý.
Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC nói chung và tạm giữ người theo TTHC nói riêng đạt hiệu quả thì cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung biên chế chuyên trách đang thiếu hụt hiện nay.
Ba là, về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Bộ Tư pháp đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt VPHC cũng như hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác tiến hành các hoạt động này. Tuy nhiên, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về Luật XLVPHC 2012 tập trung chủ yếu về việc tuyên truyền về xử phạt VPHC trong đó trọng điểm là các nội dung (các trường hợp vi phạm, mức xử phạt,…) thông qua các hình thức như biên soạn chuyên mục hỏi đáp về Luật XLVPHC 2012 phát trên đài truyền thanh, truyền hình; tổ chức sinh hoạt nhân ngày Pháp luật Việt Nam, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật...[12] Trong khi đó, nội dung liên quan tới các biện pháp ngăn chặn nhất là tạm giữ người theo TTHC ít được coi trọng. Đây chính là lý do khiến người dân không có kiến thức đầy đủ hoặc thậm chí hiểu sai về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này.
Công tác tuyên truyền chưa phù hợp với những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, khu vực có trình độ dân trí thấp, ít hiểu biết pháp luật thì những hình thức tuyên truyền, phổ biến mang tính đại trà như hội nghị, băng rôn, tờ gấp, khẩu hiệu nhìn chung chưa mang lại hiệu quả cao. Đây chính là những vùng mà người dân do trình độ hiểu biết pháp luật thấp nên dễ bị lôi kéo lợi dụng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ rừng,…
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng tạm giữ người trái pháp luật do chủ thể có quyền tạm giữ chưa cập nhật được các quy định pháp luật[13] thì Bộ Tư pháp cần triển khai các hoạt động tập huấn, phổ biến các quy định của Luật XLVPHC 2012 và các nghị định hướng dẫn thi hành về việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo TTHC một cách sâu rộng để nâng cao khả năng áp dụng pháp luật một cách đúng đắn vào đời sống thực tiễn tránh trường hợp chủ thể có thẩm quyền cứ phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì “giữ nhầm hơn bỏ sót” mà không đối chiếu với các quy định của pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bốn là, điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động quản lý nhà nước
Để đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước về công tác theo dõi thi hành pháp luật về tạm giữ người theo TTHC đạt hiệu quả thì cũng cần phân bổ thêm kinh phí và các điều kiện, phương tiện khác như kinh phí bảo đảm cho việc triển khai, chế độ thông tin, trang thiết bị, phương tiện làm việc, cơ sở dữ liệu, kho lưu trữ tang vật, phương tiện... Chính vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn trên thì Bộ Tài chính cần ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý VPHC làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị chủ động bố trí ngân sách thực hiện nhiệm vụ này.
Như vậy với việc phân tích các điểm còn hạn chế cũng như đưa ra các kiến nghị để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về xử lý VPHC nói chung và biện pháp tạm giữ người nói riêng, tác giả hy vọng rằng trong thời gian tới công tác quản lý nhà nước đối với biện pháp này sẽ tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc áp dụng pháp luật XLVPHC trên thực tế.
Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh
1. Báo cáo số 172/BC-BTP ngày 11/7/2016 của Bộ Tư pháp Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC 06 tháng đầu năm 2016.
2. Báo cáo số 81/BC-UBND ngày 08/5/2015 của UBND tỉnh Long An về công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC 6 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn tỉnh.
3. Báo cáo kết quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2014 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
4. Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 06/11/2014 của UBND tỉnh Tiền Giang về kết quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2014.
5. Báo cáo số 81/BC-STP ngày 20/10/2015 của Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang về kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp năm 2015.
6. Báo cáo số 05/BC-STP ngày 22/01/2015 về Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
7. Báo cáo số 158/BC-UBND ngày 17/12/2014 của UBND tỉnh Hậu Giang về kết quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2014.
8. Báo cáo số 191/BC-UBND ngày 13/10/2015 của UBND thành phố Cao Lãnh về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2015.
9. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
10. Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
11. Thái Thị Tuyết Dung (Chủ nhiệm), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, “Quản lý nhà nước về hoạt động xử phạt vi phạm hành chính”, năm 2016.
12. http://hanoi.gov.vn/30/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/109686/8/trien-khai-cuoc-thi-tim-hieu-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh.html;jsessionid=eupEKTNFViNLWR4J9ge-GW4K.app2, truy cập lúc 19h00’ ngày 15/09/2016.
13. http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/khong-the-buoc-doan-phim-dung-quay-253623.html, truy cập lúc 19h00’ ngày 15/09/2016.
14. Kiều Nhi - Hải Dương, http://tamnhin.net/hai-cong-an-lanh-an-tu-treo-vi-tam-giu-nguoi-trai-phap luat-33080.html, truy cập lúc 09h48’, ngày 18/03/2016.