Tuy nhiên, các quy định này khi thực hiện cũng đã nảy sinh một số bất cập cần được nghiên cứu để có giải pháp khắc phục. Với bài viết “Quy định pháp luật về hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, TS. Lê Thị Giang sẽ phân tích quy định của pháp luật Việt Nam dựa theo hai trường hợp là hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản không phải đăng ký sở hữu và hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản phải đăng ký sở hữu, qua đó chỉ ra một số bất cập và đề xuất hướng hoàn thiện, trên cơ sở có sự tiếp thu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.
1. Quy định của pháp luật về hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản và một số bất cập
Trong khoa học pháp lý, hình thức của hợp đồng được định nghĩa là “cách thức thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên”[1] hay là “phương tiện ghi nhận nội dung mà các chủ thể đã xác định”[2]. Việc xác định hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản được dựa theo hai trường hợp sau đây:
1.1. Hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản không phải đăng ký sở hữu
Theo nguyên tắc chung, giao dịch phải tuân theo hình thức luật định nếu luật có quy định. Ngược lại, nếu luật không có quy định riêng về hình thức cho loại giao dịch thì hình thức xác lập giao dịch được xác định theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Trong toàn bộ 06 điều luật quy định về hợp đồng tặng cho tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015, không có bất cứ điều luật nào quy định riêng về hình thức của hợp đồng tặng cho động sản, bất động sản không phải đăng ký sở hữu. Do đó, các hợp đồng tặng cho này có thể được xác lập bằng một trong ba hình thức lời nói, văn bản hoặc hành vi theo sự lựa chọn của bên tặng cho và bên được tặng cho. Trước đây, khi khoa học - công nghệ chưa phát triển, hình thức tặng cho tài sản bằng hành vi còn chưa phổ biến. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ như hiện nay thì các hợp đồng tặng cho tài sản được giao kết bằng hành vi ngày càng trở nên quen thuộc, đặc biệt là với những hợp đồng tặng cho tiền được chuyển khoản tự động qua các hệ thống trong cùng ngân hàng và giữa các ngân hàng với nhau.
So sánh hình thức xác lập hợp đồng tặng cho tài sản với các hợp đồng có mục đích chuyển quyền sở hữu khác như mua bán, trao đổi, cho vay, thì hình thức của hợp đồng tặng cho chưa được ghi nhận chặt chẽ hơn so với những hợp đồng đó. Ngược lại với Việt Nam, các luật gia của Pháp không đặt ra yêu cầu khắt khe đối với hình thức của các hợp đồng mua bán, trao đổi, cho vay nhưng lại đặt ra yêu cầu chặt chẽ đối hình thức của việc tặng cho tài sản. Cụ thể, Điều 894 Bộ luật Dân sự Pháp quy định: “Chứng thư tặng cho là văn bản theo đó bên tặng cho từ bỏ ngay lập tức và vĩnh viễn tài sản tặng cho cho bên được tặng cho và bên được tặng cho đồng ý nhận”. Điều luật này đã lý giải vì sao trong Bộ luật Dân sự Pháp, các nhà làm luật không sử dụng thuật ngữ “hợp đồng tặng cho tài sản” mà sử dụng thuật ngữ “chứng thư tặng cho”. Việc tặng cho tại Pháp luôn phải thể hiện dưới hình thức văn bản dù đối tượng tặng cho là động sản, bất động sản, tài sản phải đăng ký sở hữu hoặc không phải đăng ký sở hữu. Điều này cũng được ghi nhận tương tự trong Bộ Dân luật Bắc kỳ năm 1931 và Bộ Dân luật Trung kỳ năm 1936.
1.2. Hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản phải đăng ký sở hữu
Hợp đồng tặng cho tài sản phải đăng sở hữu gồm hợp đồng tặng cho động sản phải đăng ký sở hữu và hợp đồng tặng cho bất động sản phải đăng ký sở hữu. Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định trực tiếp về hình thức của hợp đồng tặng cho động sản phải đăng ký sở hữu. Tuy nhiên, hình thức của hợp đồng tặng cho động sản phải đăng ký sở hữu được thể hiện gián tiếp thông qua khoản 2 Điều 458 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”. Để thực hiện được thủ tục đăng ký, qua đó hợp đồng tặng cho động sản phải đăng ký sở hữu có hiệu lực thì hợp đồng tặng cho tài sản cần được lập thành văn bản. Bên cạnh đó, hồ sơ để thực hiện việc đăng ký sở hữu xe cũng được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe (Thông tư số 15/2014/TT-BCA) như sau: “Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực”. Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định giấy tặng cho xe phải được công chứng, chứng thực nhằm đảm bảo tính xác thực của hợp đồng tặng cho tài sản; qua đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới đủ cơ sở để thực hiện thủ tục đăng ký xe.
Khác với trường hợp tặng cho động sản phải đăng ký sở hữu, khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trực tiếp, cụ thể về hình thức của tặng cho bất động sản phải đăng ký sở hữu là “phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật”. Theo quy định này, bên tặng cho và bên được tặng cho khi xác lập hợp đồng tặng cho với bất động sản như quyền sử dụng đất, nhà ở... được quyền lựa chọn hình thức văn bản công chứng, hình thức văn bản chứng thực hoặc hình thức văn bản đăng ký. Việc ghi nhận thủ tục đăng ký đối với hợp đồng tặng cho tài sản gây ra một số vấn đề hạn chế, bất cập sau đây:
- Trên thực tế, cơ chế đăng ký giao dịch chỉ được áp dụng phổ biến đối với các giao dịch bảo đảm như thế chấp, cầm cố hoặc đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung mà chưa có cơ chế cụ thể với trường hợp đăng ký hợp đồng tặng cho bất động sản. Theo một số quan điểm hiện nay, đăng ký không được xác định là hình thức của hợp đồng nói chung và hợp đồng tặng cho tài sản nói riêng mà đây là thủ tục công khai hóa giao dịch để nhằm xác định quyền của bên được tặng cho đối với tài sản tặng cho trong trường hợp tài sản tặng cho bị tranh chấp với người thứ ba.
- Việc ghi nhận thủ tục đăng ký đối với hợp đồng tặng cho bất động sản phải đăng ký trong Bộ luật Dân sự năm 2015 tạo ra hệ quả thiếu thống nhất với quy định về hình thức của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và hợp đồng tặng cho nhà ở được quy định trong Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014. Cụ thể: Theo các quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, thì ở đó chỉ đặt ra hình thức công chứng, chứng thực đối với hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và nhà ở mà không có có quy định về thủ tục đăng ký.
Bên cạnh các điểm bất cập liên quan đến thủ tục đăng ký hợp đồng tặng cho tài sản thì khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn chưa tương thích với quy định trong Luật Nhà ở năm 2014 đối với trường hợp tặng cho nhà ở tình nghĩa. Theo kết cấu và nội dung của khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015, mọi trường hợp tặng cho bất động sản đều phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật mà không có bất cứ ngoại lệ nào. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương thì hợp đồng này không phải công chứng, chứng thực. Qua đây tác giả khẳng định, quy định tại khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức của hợp đồng tặng cho bất động sản phải đăng ký chưa bao quát và chưa tương thích với Luật Nhà ở năm 2014.
Đối với các hợp đồng tặng cho bất động sản phải đăng ký sở hữu, hình thức của hợp đồng là một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp hợp đồng tặng cho bất động sản phải đăng ký sở hữu đã được lập thành văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng tặng cho đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực (khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Tìm hiểu quy định về hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, tác giả nhận thấy, hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản được quy định chặt chẽ hơn so với các hợp đồng khác. Bộ luật Dân sự Pháp không chỉ đặt ra yêu cầu về hình thức văn bản của hợp đồng tặng cho tài sản mà còn quy định nghiêm ngặt về quy trình, thủ tục lập chứng thư tặng cho. Điều này được thể hiện thông qua quy định tại Điều 931 Bộ luật Dân sự Pháp: “Mọi chứng thư tặng cho phải được lập trước công chứng viên, theo hình thức thông thường của hợp đồng và được công chứng viên lưu bản chính. Nếu không tuân thủ các quy định này, chứng thư tặng cho sẽ vô hiệu”. Bộ luật dân sự Pháp đề cao tính ý chí của các bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng, do đó, đa phần các hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự Pháp đều không ghi nhận về hình thức văn bản bắt buộc. Hợp đồng tặng cho tài sản là một trong số ít loại hợp đồng mà Bộ luật Dân sự Pháp quy định nghiêm ngặt về hình thức. Điều này được lý giải bởi các nguyên nhân sau đây: (i) Tặng cho là một trong các phương thức định đoạt tài sản không có đền bù; điều này có nghĩa, một người cho đi một lợi ích nhưng không nhận lại được bất kì lợi ích nào. Vì lý do này, việc tặng cho phải lập thành văn bản để chính người tặng cho thể hiện sự nghiêm túc về ý định tặng cho cũng như cân nhắc kĩ lưỡng về việc tặng cho tài sản. (ii) Việc tặng cho tài sản làm giảm một cách đáng kể khối lượng tài sản của người tặng cho. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của người tặng cho mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của cha mẹ, vợ, con của người tặng cho, đặc biệt trong trường hợp những người này lại sống phụ thuộc vào người tặng cho tài sản. Do vậy, hình thức của tặng cho tài sản phải chặt chẽ vì sự tác động hay hệ lụy của việc tặng cho là rất lớn tới nhiều chủ thể trong xã hội. (iii) Giả thiết trong trường hợp một người không tặng cho tài sản mà tài sản được duy trì cho đến khi họ chết thì khối tài sản này trở thành di sản thừa kế để lại cho những người thân thích của họ. Ngược lại, nếu khối tài sản đã được mang đi tặng cho người khác thì khi người tặng cho chết, trong khối di sản thừa kế không bao gồm những tài sản đã tặng cho. Rõ ràng, việc xác định tài sản đã được tặng cho hay chưa được tặng cho cũng là một trong các căn cứ để xác định di sản thừa kế. Do đó, hình thức tặng cho phải được lập thành văn bản để đề phòng có tranh chấp phát sinh liên quan đến tài sản tặng cho và di sản thừa kế.
Đối với Liên bang Nga, Bộ luật Dân sự không quy định bắt buộc mọi hợp đồng tặng cho tài sản đều phải lập thành văn bản giống như trong Bộ luật Dân sự Pháp mà hình thức tặng cho bằng văn bản hoặc không được thiết lập bằng văn bản phụ thuộc giá trị tài sản tặng cho. Một món quà trị giá hơn 500 rúp phải được công chứng viên công chứng. Đối với quà tặng là nơi trú ngụ (một phần của một căn nhà, nhà nghỉ), các quy tắc xác định hình thức của hợp đồng là phải quan sát thấy được (hình thức lời nói không quan sát thấy được)[3].
Đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất, nhà ở thì hình thức tặng cho được ghi nhận cụ thể trong Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014: (i) Về tặng cho quyền sử dụng đất, điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho... quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực…”. Theo quy định này, hình thức của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là bằng văn bản, có công chứng, chứng thực mà không bao gồm cả hình thức đăng ký như theo quy định tại khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015. (ii) Về tặng cho nhà ở, khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “Trường hợp… tặng cho nhà ở… thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng”. Như vậy, về nguyên tắc chung, tặng cho nhà ở phải được lập dưới hình thức văn bản, có công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu (khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014).
2. Một số kiến nghị
Thứ nhất, bổ sung quy định về hình thức bắt buộc đối với tặng cho động sản phải đăng ký sở hữu, cụ thể: “Hợp đồng tặng cho động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực nếu động sản phải đăng ký sở hữu theo quy định của pháp luật”. Kiến nghị này xuất phát từ một số cơ sở chính sau đây:
- Xuất phát từ lý thuyết về sự không có đền bù của giao dịch tặng cho mà các quy định về tặng cho luôn được ghi nhận chặt chẽ hơn so với các quy định về hợp đồng mua bán, trao đổi hay vay tài sản như về hình thức của hợp đồng, thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng... Với hình thức bằng văn bản, bên tặng cho thể hiện sự nghiêm túc về ý định tặng cho cũng như cân nhắc kỹ lưỡng về việc tặng cho tài sản của mình. Qua đó, quyền lợi của bên tặng cho - chủ thể được coi là không có lợi ích trong hợp đồng tặng cho được bảo vệ tốt hơn.
- Tặng cho tài sản làm giảm sút tài sản, thậm chí giảm sút tài sản một cách đáng kể của bên tặng cho. Điều này không chỉ tác động đến cuộc sống của người tặng cho mà kéo theo đó là cuộc sống của những người lệ thuộc vào người tặng cho cũng bị ảnh hưởng. Chính vì hệ lụy của việc tặng cho tài sản tương đối lớn và tác động tới nhiều chủ thể nên sự thắt chặt hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản là điều cần thiết.
- Việc sửa đổi hình thức tặng cho động sản phải đăng ký sở hữu như ô tô, xe máy phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực sẽ giúp thống nhất giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Thông tư số 15/2014/TT-BCA. Quy định giấy tặng cho xe phải được công chứng, chứng thực nhằm đảm bảo tính xác thực của hợp đồng tặng cho tài sản; qua đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới đủ cơ sở để thực hiện thủ tục đăng ký xe. Thiết nghĩ, đây cũng là quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta.
Thứ hai, cần loại bỏ hình thức “đăng ký” ra khỏi quy định tại khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể sửa đổi quy định này như sau: “Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật”. Cơ sở của sự sửa đổi này xuất phát từ một số lý do chính sau đây:
- Bản chất của việc đăng ký là nhằm công khai thông tin về tài sản (đối với đăng ký tài sản) và công khai thông tin về giao dịch (đối với đăng ký giao dịch). Thông qua thủ tục đăng ký, bên có quyền công bố quyền của mình đối với tài sản hoặc giao dịch. Do đó, việc nhìn nhận thủ tục “đăng ký” là hình thức của giao dịch nói chung và của hợp đồng tặng cho tài sản nói riêng không phù hợp.
- Cơ chế thực hiện thủ tục đăng ký trên thực tế gồm đăng ký tài sản và đăng ký giao dịch. Đối với cơ chế đăng ký giao dịch, hiện nay tại nước ta mới có cơ chế đăng ký giao dịch bảo đảm và đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung. Do vậy, việc ghi nhận hình thức đăng ký đối với hợp đồng tặng cho chưa phù hợp với thực tiễn và cũng không có cơ sở để thực hiện.
- Bỏ quy định về đăng ký tại khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhằm thống nhất quy định giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 bởi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 thì hình thức được áp dụng đối với tặng cho quyền sử dụng đất và nhà ở là văn bản có công chứng hoặc chứng thực mà không có hình thức văn bản đăng ký.
[1]. Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp, 2006, Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển bách khoa & Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 363.
[2]. Đinh Văn Thanh & Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên), 2006, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 95.
[3]. Citation: 21 Soviet Stat. & Dec. 241 1984-1985.