1. Đặt vấn đề
Thủ tục rút gọn hiện nay được áp dụng ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác như Mỹ, Pháp, Nga, Nhật, Trung Quốc... Vai trò của thủ tục rút gọn trong tố tụng đã được khẳng định qua thời gian và trong hệ thống pháp luật của các quốc gia. Do đó, khái niệm thủ tục rút gọn không phải là một khái niệm mới trong nghiên cứu luật học.
“Thủ tục rút gọn”, “thủ tục đơn giản” hay “thủ tục giản lược” (procédure sommaire/summary procedure, simplified procedure) theo pháp luật Pháp là “thủ tục tố tụng theo đó các thủ tục được đơn giản hóa hơn so với thủ tục tố tụng thông thường, được áp dụng trước các Tòa án theo thông luật hoặc trước các Tòa án có thẩm quyền chung trong những trường hợp đặc biệt”[1]. Thủ tục tố tụng giản lược theo pháp luật Hoa Kỳ được hiểu là một thủ tục đơn giản hóa so với thủ tục thông thường, chỉ được áp dụng trong một số trường hợp nhất định, xét xử không có bồi thẩm đoàn, được áp dụng “để giải quyết các tranh chấp hoặc kết thúc vụ kiện một cách tương đối nhanh chóng và đơn giản”[2].
Khái niệm thủ tục rút gọn trong pháp luật về tố tụng dân sự ở Việt Nam được ghi nhận chính thức tại khoản 1 Điều 316 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, “Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật”. Mục đích hướng đến của thủ tục rút gọn chính là giúp cho vụ án dân sự có thể được giải quyết với “trình thực đơn giản hơn và nhanh chóng hơn” so với thủ tục thông thường. Vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì thời hạn chuẩn bị xét xử chỉ khoảng 01 tháng[3] và do 01 thẩm phán thụ lý giải quyết, trong khi đó, theo thủ tục thông thường thời hạn này có thể kéo dài từ 04 đến 06 tháng ở cấp sơ thẩm và hội đồng xét xử gồm 01 thẩm phán và 02 hội thẩm hoặc 02 thẩm phán và 03 hội thẩm, tùy theo tính chất vụ việc[4].
Tuy nhiên, để một vụ án dân sự được áp dụng thủ tục rút gọn thì cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật nhằm tránh chồng chéo với thủ tục thông thường. Việc quy định phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn không rõ ràng có thể dẫn đến giá trị áp dụng thủ tục rút gọn trên thực tế không khả thi. Do đó, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn cần phải được quy định và hướng dẫn một cách chi tiết, dễ hiểu để giúp cho người khởi kiện và Tòa án giải quyết vụ việc có thể vận dụng một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc xác định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hiện nay vẫn còn bất cập, dẫn đến tỷ lệ các vụ việc dân sự được áp dụng thủ tục rút gọn trên thực tế còn rất hạn chế.
2. Khó khăn trong việc xác định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; (ii) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (iii) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Quy định trên được hiểu rằng, để áp dụng thủ tục rút gọn thì một vụ án dân sự phải đáp ứng tất cả các điều kiện (i), (ii) và (iii). Nếu không đáp ứng một trong các tiêu chí nêu ra thì vụ án dân sự được áp dụng theo thủ tục thông thường. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn là điều kiện chung áp dụng cho cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, phân tích quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn tồn tại một số khó khăn sau:
Thứ nhất, về vấn đề xác định “vụ án có tình tiết đơn giản”. Điều kiện này về thực tiễn áp dụng không thật sự có hiệu quả, “rất ít” các vụ án dân sự đạt điều kiện này. Xác định “vụ án có tình tiết đơn giản” đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể mà chủ yếu phụ thuộc ý kiến chủ quan, chuyên môn và kinh nghiệm xét xử của thẩm phán thụ lý vụ việc. Một “vụ án có tình tiết đơn giản” có thể được hiểu theo nghĩa “vụ án không có tình tiết phức tạp”. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều không giải thích các khái niệm này. Trong tố tụng hành hành chính có quy định về thủ tục rút gọn, mặc dù Luật Tố tụng hành chính hiện hành cũng không đưa ra khái niệm “vụ án có tình tiết đơn giản” nhưng có đưa ra khái niệm “vụ án phức tạp”, nếu xem xét ở góc độ đối nghịch ở mức độ tương đối thì có thể phân tích ở khía cạnh “vụ án có tình tiết đơn giản là những vụ án không có tình tiết làm cho vụ án phức tạp”. Cụ thể, theo khoản 12 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì: Vụ án phức tạp là vụ án có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người; có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn; có đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài. Như vậy, một vụ án không có những tình tiết nêu trên thì có thể xem là một vụ án đơn giản, không có tính chất phức tạp. Tuy nhiên, cách hiểu này chỉ mang tính chất tham khảo, vì vẫn có ý kiến cho rằng, nếu một vụ án “không có tính chất phức tạp” thì đó là một “vụ án thông thường” chứ không phải là “có tình tiết đơn giản”. Điều này dẫn đến, nếu hiểu một “vụ án có tình tiết phức tạp” và “vụ án phức tạp” có đặc điểm và tính chất tương tự nhau thì việc đưa ra yêu cầu vụ án “có tình tiết đơn giản” để áp dụng thủ tục rút gọn là không cần thiết, trùng lặp với các điều kiện khác. Như vậy, việc không có hướng dẫn rõ ràng về “vụ án có tình tiết đơn giản” dễ dẫn đến việc xem xét, đánh giá điều kiện này của người làm công tác pháp luật không chính xác và mang tính chủ quan.
Thứ hai, về việc xác định “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ”. Việc áp dụng thủ tục rút gọn càng trở nên khó khăn hơn, bởi vì, không chỉ vụ án phải đáp ứng tiêu chí là “có tình tiết đơn giản” mà đương sự trong vụ án phải thừa nhận “nghĩa vụ”. Việc xác định như thế nào là “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ” vẫn còn rất nhiều khía cạnh phân tích. Thông thường, đương sự nếu đã thừa nhận nghĩa vụ thì họ có thể dừng lại ở giai đoạn thương lượng, hòa giải mà không cần phải khởi kiện ra tòa. Nếu việc thừa nhận nghĩa vụ ở đây được hiểu theo góc độ là “có tài liệu, chứng cứ” thể hiện sự thừa nhận về nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ thì thừa nhận nghĩa vụ trong trường hợp này có thể bị nhầm lẫn với việc “có tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ”.
Thứ ba, về điều kiện phải có “tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ”. Việc xác định tài liệu, chứng cứ đầy đủ và đủ để bảo đảm giải quyết vụ án là có cơ sở, quy định này nhằm giúp thẩm phán có thể có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để đưa ra kết quả giải quyết vụ án. Tuy nhiên, việc đánh giá tài liệu, chứng cứ đầy đủ và không phải thu thập thêm phụ thuộc nhiều vào năng lực, kinh nghiệm xét xử và đánh giá chủ quan từ thẩm phán thụ lý vụ án. Thêm vào đó, điều kiện “Tòa án không phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ” có thể dẫn đến việc thủ tục rút gọn không thể được áp dụng trên thực tế. Bởi lẽ, không phải đương sự nào cũng cung cấp cho Tòa án đầy đủ các tài liệu, chứng cứ khi nộp hồ sơ khởi kiện và đối với một số tài liệu, chứng cứ nằm ở cơ quan, tổ chức khác mà đương sự không thể tự mình thu thập được nhưng việc cung cấp tài liệu đó có thể được thu thập một cách nhanh chóng bởi Tòa án thì Tòa án vẫn có thể hỗ trợ thu thập và áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.
Thứ tư, về điều kiện “không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản”. Đương sự trong một vụ án dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quy định này cũng không hướng dẫn rõ, trong trường hợp vụ án có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì việc thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn là cần có sự thống nhất của nguyên đơn và bị đơn hay cần có sự thống nhất của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thông thường, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có mâu thuẫn về quyền và lợi ích với một trong hai bên là nguyên đơn hoặc bị đơn. Nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ở nước ngoài) không có yêu cầu độc lập và có đơn xin xét xử vắng mặt thì việc yêu cầu phải thỏa thuận thống nhất của người này với nguyên đơn và bị đơn là không thật sự cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Việc không có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này, vụ án dân sự có đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài sẽ rất khó đề nghị được áp dụng thủ tục rút gọn.
Bên cạnh những bất cập trên dẫn đến số lượng vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết còn hạn chế thì nguyên nhân khác là yếu tố chủ quan xuất phát từ các thẩm phán thụ lý, giải quyết vụ việc. Với tâm lý “thời gian giải quyết theo thủ tục rút gọn khá ngắn” có thể dẫn đến những sai sót trong tố tụng, các thẩm phán thường ít xem xét đến các điều kiện để đưa ra quyết định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.
3. Một số đề xuất
Thứ nhất, cần có văn bản hướng dẫn rõ như thế nào là vụ án có tình tiết đơn giản đối với những vụ án không có giá ngạch. Đối với vụ án có giá ngạch, không cần thiết áp dụng điều kiện “tình tiết đơn giản” mà thay vào đó nên quy định bổ sung trong Bộ luật Tố tụng dân sự về điều kiện giá trị tranh chấp của vụ án thấp thì có thể áp dụng thủ tục rút gọn như mô hình giải quyết vụ án của Tòa án ở Việt Nam năm 1946 và mô hình thủ tục rút gọn được áp dụng ở một số quốc gia. Cụ thể:
Tại Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 về việc ấn định thẩm quyền các Tòa án và sự phân công giữa các nhân viên trong Tòa án, thẩm quyền Tòa án các cấp căn cứ theo giá ngạch được quy định một cách chi tiết. Sắc lệnh quy định đối với các loại án có giá ngạch thì giá trị tranh chấp được xác định để phân công thẩm quyền cho tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm. Ví dụ: Chung Thẩm: Những việc kiện dân sự, thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định không quá 150 đồng, những việc kiện về các khoản lệ phí đã phát sinh ra trước Tòa án ấy không có giá ngạch nào; sơ thẩm: Những việc dân sự hay thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định trên 150 đồng nhưng dưới 450 đồng.
Cơ chế xét xử một lần (được hiểu là cơ chế giải quyết rút gọn) tiếp tục được quy định tại Nghị định số 32-NĐ ngày 06/4/1952 của Bộ Tư Pháp quy định thẩm quyền của các Tòa án nhân dân: “Các Tòa án cấp huyện có thẩm quyền chung thẩm các việc kiện dân sự về động sản có giá ngạch không quá 60 kg gạo và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử chung thẩm các việc kiện về bất động sản mà giá ngạch không quá 60 kg gạo...”. Tại Thông tư số 4013/TTC ngày 09/5/1959 của Bộ Tư pháp và Thông tư số 93/TC ngày 11/11/1959 của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định, các Tòa án cấp huyện có “quyền xét xử chung thẩm các việc kiện dân sự mà giá ngạch không quá 60 đồng không phân biệt động sản hay bất động sản”[5].
Theo quy định pháp luật dân sự của Pháp, Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp chuyên xét xử các vụ án dân sự nhỏ, có giá trị tranh chấp không vượt quá 10.000 EUR (các vụ án tranh chấp về hợp đồng thuê nhà ở, giải quyết yêu cầu giám hộ, kê biên đối với tiền lương, thưởng ...). Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp xét xử vụ án bằng một thẩm phán duy nhất và các bên tham gia tố tụng không nhất thiết phải có luật sư[6].
Tại Vương Quốc Anh, vụ kiện có giá trị 10.000 Bảng Anh (GBP) trở xuống được coi là vụ kiện nhỏ, được giải quyết theo thủ tục rút gọn bởi Tòa án địa hạt[7]. Tại Mỹ, pháp luật các bang về cơ bản đều quy định rằng vụ án có giá ngạch thấp được coi là vụ kiện nhỏ và được giải quyết theo thủ tục giản lược. Giá ngạch thấp do từng tiểu bang quy định, cơ bản trong khoảng từ 2.500 Đô La Mỹ (USD) đến 25.000 USD[8]. Nhiều nước khu vực châu Á cũng quy định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết các tranh chấp có giá trị thấp. Nhật Bản quy định các vụ kiện có giá trị dưới 1.400.000 đồng Yên Nhật (JPY) được giải quyết theo thủ tục rút gọn[9]. Một số nước khác của châu Á quy định mức giá ngạch thấp như: Thái Lan: Dưới 50.000 Bạt Thái[10].
Trong bối cảnh hiện nay, mức giá ngạch có thể tham khảo để áp dụng thủ tục rút gọn dưới 100.000.000 đồng. Ví dụ: Các hợp đồng vay tài sản, các hợp đồng tín dụng của ngân hàng thường có tài liệu, chứng cứ khá đầy đủ, rõ ràng thì nên áp dụng thủ tục rút rọn nếu giá trị hợp đồng không lớn.
Thứ hai, cần làm rõ điều kiện “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ”. Trường hợp đương sự đã thừa nhận với nhau về nghĩa vụ trong vụ án dân sự, thì việc thừa nhận này phải được thể hiện bằng văn bản thoả thuận hoặc trong các tài liệu, chứng cứ đương sự cung cấp cho Tòa án có nội dung này. Đồng thời, cần xem xét việc áp dụng điều kiện “đương sự thừa nhận nghĩa vụ” với điều kiện “có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn” theo hướng chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện này là đã có cơ sở, chứng cứ để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn. Quy định quá nhiều điều kiện làm cho các vụ án dân sự không thể áp dụng thủ tục rút gọn.
Thứ ba, về điều kiện“tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ”. Quy định này nên sửa đổi theo hướng “tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án”. Trong trường hợp, tài liệu, chứng cứ đương sự yêu cầu Tòa án hỗ trợ thu thập thì tuỳ theo tính chất, mức độ phức tạp của việc cung cấp chứng cứ đó mà thẩm phán có thể xác định nên áp dụng thủ tục rút gọn hoặc không. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết theo thủ tục rút gọn, pháp luật tố tụng dân sự vẫn cho phép những trường hợp quay trở lại áp dụng thủ tục thông thường trong một số trường hợp nhất định (khoản 3 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Thứ tư, cần xác định rõ chủ thể trong điều kiện “không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản”. Trường hợp này nên quy định “nếu người ở nước ngoài là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có yêu cầu độc lập và có văn bản trình bày ý kiến, văn bản yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn thì thẩm phán nên giải quyết theo thủ tục rút gọn”. Bản chất của thủ tục rút gọn là giúp cho vụ án được giải quyết nhanh chóng hơn, nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã có ý kiến, quan điểm của mình và việc vắng mặt không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án thì cũng không nên vì “yếu tố nước ngoài” này mà thẩm phán không chấp nhận giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Ngoài những đề xuất làm rõ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn và giảm bớt điều kiện để thủ tục này được áp dụng nhiều hơn trên thực tiễn thì pháp luật cần có những quy định để nâng cao trách nhiệm của thẩm phán trong việc giải quyết vụ án. Một vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn nhưng lại áp dụng theo thủ tục thông thường có thể dẫn đến thiệt hại cho người có quyền lợi hợp pháp trong vụ kiện. Thực tiễn, những tranh chấp nhỏ chẳng hạn như ở mức vài chục triệu đồng mà phải theo đuổi vụ kiện trong một thời gian dài sẽ làm cho người có quyền, lợi ích hợp pháp cần được bảo vệ lại bị thiệt hại và vô tình “củng cố thêm niềm tin” cho người vi phạm nếu họ muốn kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, ngoài việc nâng cao nhận thức cho người làm công tác pháp luật, nâng cao hiểu biết cho đương sự thì cần có những biện pháp xử lý đối với người có trách nhiệm giải quyết vụ án nhưng cố tình kéo dài hoặc không muốn áp dụng thủ tục rút gọn.
4. Kết luận
Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự là cần thiết, có vai trò quan trọng trong hoạt động giải quyết các vụ án của Tòa án. Thủ tục rút gọn giúp cho đương sự tiết kiệm thời gian, công sức và nhanh chóng đòi lại quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đối với ngành Tòa án và các thẩm phán, thủ tục rút gọn giúp giảm tải áp lực giải quyết các vụ án trong bối cảnh các tranh chấp dân sự vẫn chiếm số lượng lớn mỗi năm. Để phân biệt với thủ tục giải quyết thông thường, quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn là căn cứ quan trọng. Tuy nhiên, việc quy định các điều kiện áp dụng thủ tục hiện nay còn “ôm đồm” và “cầu toàn” dẫn đến các vụ án được giải quyết theo thủ tục này rất ít và chủ yếu ở các thành phố lớn. Để quy định về thủ tục rút gọn đạt được giá trị như mong muốn của nhà lập pháp, các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn cần giảm bớt và hướng dẫn cụ thể hơn ở một số điều kiện. Bên cạnh đó, nên bổ sung điều kiện các loại án có giá ngạch thấp được áp dụng thủ tục rút gọn. Dựa trên phân tích về những khó khăn về việc xác định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn ở mục 2 và một số giải pháp đề xuất nêu trên, có thể chia điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thành 02 nhóm sau:
Đối với án không có giá ngạch: (i) Các đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ hoặc tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án; (ii) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (iii) Không có đương sự (trừ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập và việc vắng mặt không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án) cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Đối với án có giá ngạch: (i) Các vụ án có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc các đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ hoặc tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án; (ii) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (iii) Không có đương sự (trừ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập và việc vắng mặt không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án) cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
ThS. Trần Kiều Nhi
Khoa Luật - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
[1] Nguyễn Văn Bình (chủ biên), 2009, Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp - Việt, Nhà pháp luật Việt - Pháp, Nxb. Từ điển Bách khoa Hà Nội, tr. 706.
[2] Bryan A. Garner (2009), Black’s Law Dictionary, 9th Edition, St. Paul, MN: West, p.559 (“Summary proceeding: A nonjury proceeding that settles a controversy or diposes of a case in a relatively prompt and simple manner”).
[3] Theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Trong thời hạn không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định.
[4] Chương XIII và Chương XIV Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về hoà giải, chuẩn bị xét xử và xét xử sơ thẩm.
[5] Hồ Nguyễn Quân (2017), Một số vấn đề về thủ tục rút gọn trong Bộ luật TTDS 2015, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2139, truy cập ngày 30/6/2023.
[6] Hồ Nguyễn Quân, (2017), Một số vấn đề về thủ tục rút gọn trong Bộ luật TTDS năm 2015, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2139, truy cập ngày 30/6/2023.
[7] https://www.citizensadvice.org.uk/law-and-rights/legal-system/taking-legal-action/small-claims/, truy cập ngày 23/4/2015.
[8] http://www.nolo.com/legal-encyclopedia/small-claims-suits-how-much-30031.html, truy cập ngày 29/4/2015.
[9] Hiroshi Oda (2009), Japanese Law, Third Edition, Oxford University Press, pp. 411, 412.
[10] - Xem: Điều R 221 - 3, 221 - 4 Luật Tổ chức tư pháp năm 2012 của Pháp;
- Xem: Quy định tương tự của Anh, https://www.citizensadvice.org.uk/law-and-rights/legal-system/taking-legal-action/small-claims/, truy cập ngày 23/4/2015; http://www.nolo.com/legal-encyclopedia/small-claims-suits-how-much- 30031.html, truy cập ngày 23/4/2015;
- Điều 368.1 Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản;
- Trần Anh Tuấn, Trương Quang Dũng (2014), Chuyên đề 4: Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn theo pháp luật một số nước trên thế giới và việc xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn ở Việt Nam, trích Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Vấn đề xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay - Thực trạng và giải pháp”, do Trần Anh Tuấn làm chủ nhiệm đề tài, Hà Nội, tr. 181 & 184.