Abstract: In reality, decisions of assets distrainment to ensure the enforcement of judgments relating to assets which were transferred after judgments or decisions of the Court are facing many problems due to conflicts of laws. The protection of legitimate rights and interests of a bona fide third party who has been transferred assets is also problem with contradictory opinions. Therefore, according to author, this provision should be removed and responsibility of individuals concerned should be increased.
Quy định về vấn đề này, từ năm 2001 đến nay đã có ba văn bản pháp luật điều chỉnh:
Năm 2001, lần đầu tiên vấn đề này được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, tại điểm a khoản 1 mục IV Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSNDTC ngày 26/02/2001 của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự (Thông tư số 12) đã đề cập: “Đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Tòa án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, thì chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy bỏ giao dịch đó”. Với quy định này, mốc thời gian để xác định những tài sản có thể vẫn bị cơ quan thi hành án dân sự tiến hành việc kê biên tài sản dù đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng khi việc chuyển nhượng đó được thực hiện là “sau khi có bản án, quyết định của Tòa án”. Tức là chỉ cần có phán quyết của Tòa án thì những giao dịch sau đó sẽ bị coi là không hợp pháp mà không cần xem xét đến tính hiệu lực của phán quyết. Như vậy, dù không được nói rõ nhưng với quy định này cũng có thể được hiểu, khi tiến hành kê biên, cơ quan thi hành án dân sự sẽ xem xét dựa trên những bản án, quyết định của Tòa án từ ở cấp sơ thẩm.
Trên cơ sở kế thừa quy định trên và có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Thi hành án dân sự năm 2008, tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (Thông tư số 14) quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án”. Theo tác giả, quy định tại Thông tư số 14 dù có bổ sung làm rõ một số vấn đề như: Thời điểm có bản án, quyết định là thời điểm sơ thẩm; người phải thi hành án đã thực hiện giao dịch với tài sản nhưng không sử dụng tiền để thi hành án hay quy định thời hạn 30 ngày để những người tranh chấp khởi kiện ra Tòa án… Tuy nhiên, về cơ bản, mốc thời gian để xác định những tài sản đã thực hiện các giao dịch chuyển nhượng có thể bị cơ quan thi hành án dân sự tiến hành kê biên vẫn không có sự thay đổi. Nó vẫn dừng lại ở thời điểm “sau khi có bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm” như Thông tư số 12 đã quy định trước đây.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, ngày 25/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (Luật sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2014) để phần nào khắc phục những hạn chế, tồn tại của quy định cũ. Và để áp dụng thống nhất, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 cũng ra đời nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (Nghị định số 62). Việc kê biên, xử lý tài sản đã chuyển nhượng sau khi có bản án, quyết định của Tòa án cũng là một trong những vấn đề được Nghị định số 62 hướng dẫn. Theo đó, tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62 quy định: “1. Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng, cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự…”.
Như vậy, dù Thông tư số 14 có bổ sung để làm rõ hơn Thông tư số 12 hay khi được quy định bằng hình thức văn bản pháp lý cao hơn (Nghị định số 62) thì tinh thần chung của ba văn bản hướng dẫn này đều ghi nhận một nội dung quan trọng: Cho dù tài sản của người phải thi hành án đã thực hiện việc chuyển nhượng sau khi có bản án, quyết định của Tòa án sẽ vẫn bị kê biên để xử lý nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, quy định tại Nghị định số 62 đã có sự khác biệt căn bản so với quy định tại hai thông tư trước liên quan đến mốc thời điểm để xác định việc giao dịch có bị xem là không hợp pháp và sẽ bị kê biên, xử lý đó là: “Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”. Điều này có nghĩa là, để thực hiện việc kê biên tài sản của người phải thi hành án đã chuyển nhượng, thì bên cạnh các yếu tố như không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì mốc xác định quan trọng là việc chuyển nhượng đó phải được thực hiện sau khi bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
2. Vướng mắc trên thực tế áp dụng
Thi hành án là một lĩnh vực khó, phức tạp với nhiều đặc thù. Quyết định thi hành án ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của rất nhiều người (người phải thi hành án, người được thi hành án và có khi cả người không có tên trong bản án, quyết định của Tòa án). Không phải đương sự nào cũng hợp tác với cơ quan thi hành án dân sự khi có bản án, quyết định của Tòa án. Nhiều trường hợp người phải thi hành án đã có sự chống đối quyết liệt và tìm mọi cách để tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Chính vì vậy, việc ra đời của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định kê biên tài sản đã chuyển nhượng sau khi có bản án, quyết định của Tòa án như đã đề cập được xem là hành lang pháp lý quan trọng để hạn chế tình trạng người phải thi hành án tẩu tán tài sản, nhằm đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án cũng như bảo vệ tính nghiêm minh của bản án, quyết định của Tòa án.
Tuy nhiên, việc ra quyết định kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án đối với những tài sản đã bị chuyển nhượng sau khi có bản án, quyết định của Tòa án trên thực tế hiện nay đang gặp phải nhiều vướng mắc do có sự mâu thuẫn của pháp luật. Và vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình đã nhận chuyển nhượng tài sản này cũng là vấn đề đang còn có ý kiến trái chiều. Do đó, dù cơ quan thi hành án có áp dụng biện pháp kê biên nhưng việc xử lý tài sản kê biên này rất hãn hữu và kéo theo đó là hàng loạt các đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài mà chưa có hướng xử lý. Theo đó:
Quan điểm thứ nhất: Quy định như hiện nay được xem là hướng tháo gỡ nhằm khắc phục tình trạng tẩu tán tài sản của người phải thi hành án. Bởi hiện nay, việc chuyển nhượng tài sản của người phải thi hành án sau khi có bản án, quyết định của Tòa án là hành vi xảy ra tương đối phổ biến. Thông thường, ngay từ khi bắt đầu vụ kiện, họ đã tìm mọi cách để tẩu tán tài sản của mình như bán, chuyển nhượng, tặng cho hoặc nhờ người khác đứng tên để trốn tránh nghĩa vụ mà họ có thể sẽ phải chịu khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, đến khi người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành thì không còn tài sản để đảm bảo việc thi hành án.
Để trả lời cho câu hỏi quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình đã nhận chuyển nhượng trong trường hợp này sẽ như thế nào? Những người theo quan điểm này cho rằng, quyền lợi của người thứ ba ngay tình vẫn được đảm bảo theo hướng được quyền khởi kiện ra Tòa án dù có thể họ sẽ phải thực hiện thêm một số thủ tục rườm rà[1]. Bởi khi họ thực hiện quyền này, tạm thời cơ quan thi hành án dân sự sẽ phải chờ kết quả giải quyết của Tòa án mà chưa thực hiện xử lý tài sản của họ đang sở hữu (khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62).
Quan điểm thứ hai: Đối lập hoàn toàn với quan điểm thứ nhất khi cho rằng quy định này có sự mâu thuẫn với các quy định của luật khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật... và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba nhận chuyển nhượng tài sản ngay tình.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai trong trường hợp những giao dịch được thực hiện đúng với các quy định của pháp luật về công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm hay đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các giao dịch về đất đai, nhà ở) bởi những lý do sau:
Một là, xét dưới góc độ đối chiếu với các quy định khác của pháp luật thì quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62 có sự mâu thuẫn với nhiều quy định trong Bộ luật Dân sự. Cụ thể:
Tại Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 170 quy định quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây: “… Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…” (khoản 2); Điều 167 quy định: “Quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản…”.
Với Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tại Điều 158 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”; Điều 221 khi quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu đã nêu rõ quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp: “… Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác”; Điều 223 quy định về xác lập quyền sở hữu theo hợp đồng: “Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật thì có quyền sở hữu tài sản đó”.
Từ đó có thể thấy, trong trường hợp tài sản nếu không bị áp dụng bất kỳ biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án thì việc người thứ ba khi nhận chuyển nhượng tài sản của người phải thi hành án thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục theo quy định và được cấp giấy chứng nhận là chủ sở hữu thì họ phải là người có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hợp pháp đối với tài sản đó. Cơ quan thi hành án không thể định đoạt tài sản (kê biên, xử lý) của người khác để thi hành nghĩa vụ cho người phải thi hành án theo một quyết định hay bản án nào. Mặt khác, nguyên tắc áp dụng trong thi hành án dân sự là chỉ tiến hành kê biên, xử lý tài sản nếu đó là tài sản của người phải thi hành án (có thể do người thứ ba quản lý, sử dụng nhưng về mặt pháp lý tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án). Như vậy, ở góc độ nào đó, quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62 cũng mâu thuẫn với chính Luật Thi hành án dân sự.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (hay khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Như vậy, dựa trên nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật thì trong trường hợp này, nếu áp dụng theo khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62 là có sự vi phạm về hình thức.
Hai là, để trả lời hay phản biện lại quan điểm thứ nhất, nếu không áp dụng quy định này sẽ dẫn đến tình trạng tẩu tán tài sản của người phải thi hành án và quyền lợi của người được thi hành án sẽ bị xâm phạm, thì theo tác giả, khi từng người liên quan đến vụ việc thi hành án mà thực hiện đúng hoặc làm hết trách nhiệm của mình trong phạm vi cho phép mà luật đã quy định là cũng đã có thể hạn chế được rất nhiều tình trạng như đã nêu mà không cần đến quy định của khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62. Cụ thể:
Đối với cơ quan thi hành án (cụ thể là chấp hành viên được phân công), theo Điều 44 Luật sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2014: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay”. Quy định này đã ràng buộc rõ trách nhiệm của chấp hành viên trong thủ tục này. Do đó, nếu trong trường hợp việc chuyển dịch tài sản của người phải thi hành án sau thời điểm hết thời hạn tự nguyện thi hành là do lỗi của chấp hành viên đã không tiến hành xác minh kịp thời để thực hiện các thủ tục nghiệp vụ tiếp theo đảm bảo cho quá trình thi hành án (kê biên tài sản), ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án cũng như người thứ ba ngay tình đã nhận chuyển dịch tài sản thì phải xem xét đến trách nhiệm bồi thường của chấp hành viên.
Đối với người phải thi hành án, việc chuyển dịch tài sản khi họ biết rằng họ đang phải có trách nhiệm thi hành nghĩa vụ theo một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án là một hành vi tẩu tán tài sản (đối với người được thi hành án) và là hành vi có dấu hiệu của sự lừa dối (đối với người nhận chuyển dịch). Do đó, trong trường hợp này cần phải xem xét trách nhiệm của người phải thi hành án chứ không thể bắt người nhận chuyển nhượng tài sản hợp pháp (người thứ ba ngay tình) phải chịu hậu quả pháp lý.
Đối với người được thi hành án, chính họ phải là người tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước thông qua các quy định của pháp luật đã cho phép. Theo đó, người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời song song với lúc nộp đơn ngay khi Tòa án thụ lý vụ việc để tránh nguy cơ tẩu tán tài sản của người phải thi hành án ngay từ giai đoạn khởi kiện tại Tòa án.
Ba là, một lý do khác để tác giả không đồng tình với quy định về kê biên tài sản của người thứ ba đã nhận chuyển nhượng tài sản ngay tình để đảm bảo cho việc thi hành một bản án, quyết định là đứng dưới góc độ tâm lý của người dân. Quy định này sẽ gây ra tâm lý hoang mang khi thực hiện các giao dịch dân sự. Bởi với quy định này, dù họ đã thực hiện theo đúng các thủ tục mà Nhà nước quy định (đã thực hiện giao dịch có hợp đồng công chứng hoặc dù được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản là quyền sử dụng đất) nhưng có thể bị mất quyền sở hữu bất cứ lúc nào hoặc là chủ sở hữu tài sản nhưng không có quyền định đoạt tài sản vì bị cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp ngăn chặn. Đặt quy định này dưới khía cạnh người dân, khi tham gia giao dịch, họ không có đủ công cụ, phương tiện để tìm hiểu hết được tài sản mà mình đang thực hiện hoạt động mua, nhận chuyển nhượng có phải của người có nghĩa vụ phải thi hành án trong một bản án, quyết định nào đó hay không. Bởi hiện nay, vấn đề liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của người dân mà nhất là thông tin liên quan đến các bản án, quyết định của Tòa án rất khó khăn, cũng đang còn là vấn đề tranh cãi.
3. Hướng hoàn thiện
Thi hành án là lĩnh vực khó, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi vật chất của nhiều đối tượng. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, với mục đích làm rõ những mâu thuẫn của pháp luật đang tồn tại giữa quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62 với các luật khác, từ đó có cách để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình đã nhận chuyển nhượng tài sản này một cách tốt nhất nhưng vẫn phần nào khắc phục được hiện tượng tẩu tán tài sản, quan điểm tác giả có cách nhìn và tiếp cận khác theo hướng mạnh dạn đề xuất loại bỏ quy định trên.
Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật. Lấy pháp luật làm thước đo mức độ của Nhà nước pháp quyền, trong đó việc thi hành nghiêm túc bản án, quyết định của Tòa án cũng là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng nên Nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy, cơ quan thi hành án với vai trò là cơ quan thực thi các bản án, quyết định của Tòa án cần phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, thi hành đúng người chứ không nên tạo thêm trong giai đoạn thi hành án đã phức tạp lại càng phức tạp hơn do có thêm đối tượng là người có quyền và lợi ích hợp pháp khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, để tránh hiện tượng tẩu tán tài sản như hiện nay nên xem xét và xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan theo hướng:
(i) Đối với chấp hành viên, phải xử lý trách nhiệm bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu như việc chậm tiến hành các hoạt động tác nghiệp gây hậu quả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.
(ii) Đối với người phải thi hành án, phải nâng cao ý thức trách nhiệm cho đối tượng này bằng cách, cơ quan có thẩm quyền phải có những cách tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu về nghĩa vụ của mình. Cụ thể, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (thẩm phán chủ tọa) sau khi tuyên án cũng nên có giải thích rõ về nghĩa vụ của người phải thi hành án. Trong trường hợp có cơ sở xác định rằng người phải thi hành án cố tình tẩu tán tài sản để tránh thực hiện nghĩa vụ thì nên mạnh dạn xử lý nghiêm, cần thiết phải xem xét đến trách nhiệm hình sự về tội “không chấp hành án” đã được Bộ luật Hình sự quy định[2].
Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp
[2]. Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định về Tội không chấp hành án: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Tại điểm c khoản 2 Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 (dù chưa có hiệu lực) cũng quy định về Tội không chấp hành án trong đó có tình tiết định tăng nặng: “Tẩu tán tài sản”.