Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định về tài sản chung của các thành viên hợp tác trong Bộ luật Dân sự năm 2015, qua đó, đánh giá về tính phù hợp cũng như những bất cập còn tồn tại trong quy định này và đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.
Abstract: Within the scope of this article, the author focuses on analyzing the joint property provision of cooperative members in the Civil Code of 2015, thereby assessing the suitability as well as existing shortcomings in this provision and makes recommendations to improve the law.
1. Nguồn hình thành tài sản chung của các thành viên hợp tác
Theo khoản 1 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản chung của các thành viên hợp tác được hình thành từ các nguồn sau đây:
- Tài sản do các thành viên đóng góp: Đây là những tài sản mà theo thỏa thuận khi xác lập, giao kết hợp đồng hợp tác, các chủ thể giao kết hợp đồng cùng đóng góp. Mức đóng góp của mỗi thành viên hợp tác phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng mà không bắt buộc phải đồng đều. Đây là những tài sản chung ban đầu của các thành viên hợp tác.
- Tài sản do các thành viên cùng tạo lập: Mục đích của các chủ thể khi giao kết hợp đồng hợp tác là nhằm tiến hành sản xuất, kinh doanh để thu lợi nhuận. Do đó, từ khối tài sản đóng góp ban đầu trải qua quá trình kinh doanh thì khối tài sản này được tăng thêm. Những tài sản do các thành viên hợp tác tạo lập ra trong quá trình hợp tác cũng được xác định là tài sản chung của các thành viên hợp tác.
- Tài sản khác theo quy định của pháp luật: Ngoài tài sản do các thành viên đóng góp và cùng tạo lập thì một số tài sản khác cũng được xác định là tài sản chung của các thành viên hợp tác như tài sản do các thành viên hợp tác được tặng cho chung...
2. Hình thức sở hữu chung của các thành viên hợp tác
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hình thức sở hữu chung gồm sở hữu chung hợp nhất và sở hữu chung theo phần. Khoản 1 Điều 506 Bộ luật này quy định tài sản thuộc sở hữu chung của các thành viên hợp tác thuộc hình thức sở hữu chung theo phần. Theo tác giả, quy định này là hoàn toàn phù hợp. Nhận định đó được đưa ra bắt nguồn từ khoản 1 Điều 209 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung”. Đối với hợp đồng hợp tác, ngay từ khi giao kết hợp đồng thì các bên chủ thể đã phải thỏa thuận để xác định rõ phần đóng góp của mỗi người, do đó, bản chất sở hữu chung của các thành viên hợp tác chính là sở hữu chung theo phần. Vì vậy, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên hợp tác phải được tiến hành theo các quy định về sở hữu chung theo phần. Theo đó, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Trách nhiệm của thành viên hợp tác khi chậm góp tiền theo thỏa thuận
Nội dung này được quy định tại khoản 1 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này và phải bồi thường thiệt hại”. Khi các thành viên hợp tác thỏa thuận về việc góp tiền thì các bên phải góp đủ số lượng và đúng thời hạn như đã thỏa thuận. Trường hợp có thành viên góp không đủ số lượng và không đúng thời hạn thì tiền lãi đối với phần tiền chậm trả được tính như sau:
(i) Trường hợp các thành viên hợp tác không thỏa thuận về việc tính lãi đối với số tiền góp chậm thì các bên vẫn được quyền yêu cầu bên đã góp tiền chậm phải trả lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”. Trường hợp này lãi suất được tính là 10%/năm (khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015).
(ii) Trường hợp các thành viên hợp tác có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất 20%/năm được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
(iii) Trường hợp các thành viên hợp tác có thỏa thuận về việc trả lãi khi góp tài sản chậm nhưng không có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, tức là 10%/năm.
Việc quy định thành viên góp tài sản chậm phải trả lãi là hoàn toàn phù hợp, điều này vừa nâng cao trách nhiệm của các thành viên hợp tác trong việc đóng góp tiền, vừa đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành viên đóng góp đúng thời hạn và thành viên đóng góp chậm. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn thiếu sót khi chỉ quy định: Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm “trả tiền” thì bên đó phải trả lãi đối với “số tiền” chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Điều này có thể được hiểu, trách nhiệm trả lãi chỉ được áp dụng đối với trường hợp các thành viên góp tiền. Trong khi đó, cả Điều 505 và Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 đều quy định các thành viên hợp tác góp tài sản chung mà tiền chỉ là một trong các loại tài sản. Do đó, trường hợp các thành viên của hợp đồng hợp tác không chậm góp tiền mà chậm góp vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản thì trách nhiệm trả lãi được xác định như thế nào? Vì luật chưa quy định cụ thể nội dung này nên còn tồn tại các cách hiểu khác nhau:
- Cách hiểu thứ nhất: Khoản 1 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ chỉ tính lãi đối với trường hợp chậm góp tiền nên với các trường hợp chậm góp vật (vàng, gạo, bò...), giấy tờ có giá (cổ phiếu, trái phiếu, séc...) hay quyền tài sản (quyền sử dụng đất...) thì thành viên chậm đóng góp không phải chịu trách nhiệm trả lãi.
- Cách hiểu thứ hai: Mặc dù khoản 1 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định trách nhiệm trả lãi khi chậm góp tiền nhưng trong trường hợp có thành viên hợp tác chậm góp vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm trả lãi - áp dụng tương tự Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 như đối với trường hợp chậm góp tiền.
Tác giả đồng tình với cách hiểu thứ hai bởi một số lý do sau đây:
Một là, cách hiểu thứ nhất không tạo ra cơ chế khuyến khích cũng như không nâng cao trách nhiệm của thành viên hợp tác trong việc góp tài sản là vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản. Nếu trường hợp thành viên hợp tác chậm góp tài sản không phải là tiền nhưng không phải chịu trách nhiệm trả lãi thì dễ dẫn đến trây ỳ trong việc đóng góp tài sản theo thỏa thuận.
Hai là, cách hiểu thứ nhất chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành viên có nghĩa vụ góp tiền và các thành viên có nghĩa vụ góp tài sản không phải là tiền. Cùng là thành viên hợp tác nên sẽ không công bằng nếu thành viên góp chậm tiền phải chịu lãi trong khi thành viên góp chậm vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản không phải chịu trách nhiệm này.
Ba là, một số ý kiến e ngại quy định việc tính lãi trong trường hợp thành viên hợp tác chậm góp vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản không khả thi vì chưa có cơ chế tính lãi đối với các loại tài sản này. Theo tác giả, việc e ngại này chưa có cơ sở xác đáng. Bởi lẽ, ngay tại Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay đã có cơ chế giải quyết đối với trường hợp vay vật, cụ thể: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (khoản 1); “trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý” (khoản 2). Áp dụng tương tự quy định này đối với nghĩa vụ góp vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản của các thành viên hợp tác, tác giả đề xuất cách thức giải quyết: Vì tài sản đóng góp là vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản nên các bên hoàn toàn được quy đổi những tài sản này ra tiền để tính lãi; sau khi tính lãi xong thì bên đã chậm góp vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản có thể góp luôn phần còn thiếu bằng tiền hoặc quy đổi ngược lại ra vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các thành viên hợp tác và thời điểm quy đổi áp dụng tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 (tức là thời điểm và địa điểm thành viên hợp tác góp số tài sản bị chậm góp).
Ngoài trách nhiệm trả lãi đối với số tiền chậm đóng góp thì thành viên hợp tác còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc chậm góp tiền của họ gây ra. Điều này đã được quy định tại khoản 1 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định người chậm đóng góp ngoài việc chịu lãi còn phải bồi thường thiệt hại, nhưng không phải trường hợp nào cũng xảy ra thiệt hại từ việc chậm đóng góp, mà mục đích của việc bồi thường thiệt hại là khắc phục hậu quả do mình gây ra, do đó, để đảm bảo sự hợp lý trong quy định này thì cần thêm hai từ “nếu có” vào sau cụm từ “bồi thường thiệt hại”[1].
4. Việc định đoạt tài sản chung của các thành viên hợp tác
Việc định đoạt tài sản chung của các thành viên hợp tác được xác định theo hai trường hợp cụ thể sau đây:
- Trường hợp các thành viên hợp tác có thỏa thuận cụ thể về việc định đoạt tài sản chung thì áp dụng theo sự thỏa thuận của các thành viên hợp tác.
- Trường hợp các thành viên hợp tác không có thỏa thuận về việc định đoạt tài sản thì việc định đoạt tài sản chung của các thành viên hợp tác được giải quyết như sau: (i) Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; (ii) Việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Những tài sản như quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác thường có giá trị lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi thành viên hợp tác và đối với quá trình tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của các thành viên hợp tác. Do vậy, luật quy định điều kiện và hình thức định đoạt đối với những tài sản này tương đối chặt chẽ là “phải được sự thỏa thuận của tất cả các thành viên” dưới “hình thức văn bản”. Tuy nhiên, theo tác giả, quy định này là cần thiết nhưng chưa thực sự phù hợp. Thông thường, với mỗi chủ sở hữu nói chung và thành viên hợp tác nói riêng, điều họ quan tâm hàng đầu là giá trị tài sản. Trong khối tài sản chung đó, có thể có những tài sản không phải là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác nhưng giá trị lại rất cao, thậm chí còn cao hơn so với những tài sản này, khi đó, nếu chỉ được định đoạt thông qua sự quyết định của người đại diện cho các thành viên có thể sẽ gây thất thoát lớn đến tài sản chung, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các thành viên hợp tác. Hơn nữa, quy định “việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” tại khoản 2 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chưa thực sự phù hợp vì: Tư cách của người đại diện trong hợp đồng hợp tác trong Bộ luật Dân sự năm 2015 không giống tư cách đại diện của tổ trưởng tổ hợp tác trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Người đại diện trong hợp đồng hợp tác theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ có thể là đại diện theo ủy quyền của các thành viên hợp tác khác. Nếu các thành viên không có thỏa thuận thì cũng đồng nghĩa với việc họ không ủy quyền cho người đại diện định đoạt tài sản. Do vậy, việc quy định như trên có thể dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên hợp tác khác[2].
5. Phân chia tài sản chung của các thành viên hợp tác
Việc phân chia tài sản chung của các thành viên hợp tác có thể được tiến hành theo hai thời điểm sau đây:
- Việc phân chia tài sản chung diễn ra khi hợp đồng hợp tác đã chấm dứt. Đây là điều hoàn toàn được phép khi các bên đã chấm dứt hợp đồng và việc phân chia này là kết quả tất yếu khi chấm dứt hợp đồng hợp tác.
- Việc phân chia tài sản chung diễn ra khi hợp đồng hợp tác chưa chấm dứt. Về nguyên tắc, khi hợp đồng hợp tác vẫn đang được thực hiện thì các bên phải duy trì khối tài sản chung để tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, “không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn quy định một trường hợp ngoại lệ được chia tài sản chung trong trường hợp này là khi “tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận”. Điều đó được hiểu là nếu tất cả các thành viên hợp tác đều thống nhất thì tài sản chung có thể được chia trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác. Việc chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác bao gồm hai trường hợp:
Trường hợp 1: Tất cả các thành viên hợp tác thỏa thuận chia toàn bộ tài sản chung. Như vậy, sau khi chia xong thì các thành viên không còn sở hữu chung đối với tài sản. Có quan điểm cho rằng, khi hợp đồng hợp tác còn đang tồn tại thì tất cả các thành viên của hợp đồng hợp tác chỉ được thỏa thuận chia một phần tài sản chung mà không được chia toàn bộ. Tác giả không đồng tình với quan điểm này, vì việc chia toàn bộ tài sản chung có thể không làm ảnh hưởng tới hiệu lực và quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác bởi hai lý do: (i) Một số hợp đồng hợp tác được duy trì hiệu lực và được thực hiện bằng việc đóng góp công sức của các thành viên hợp tác vì không phải bất cứ công việc hợp tác nào cũng bắt buộc phải có tiền mới thực hiện được; (ii) Sau khi chia toàn bộ tài sản chung mà lại phát sinh những hoạt động hợp tác cần sử dụng đến tài sản thì các thành viên hợp tác hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc đóng góp tài sản cho hoạt động đó mà không làm ảnh hưởng đến hiệu lực cũng như việc tiếp tục thực hiện hợp đồng hợp tác.
Trường hợp 2: Tất cả các thành viên hợp tác thỏa thuận chia một phần tài sản chung. Những phần đã được chia trở thành tài sản riêng của các thành viên hợp tác; số tài sản còn lại chưa chia vẫn thuộc sở hữu chung theo phần của các thành viên hợp tác. Thông thường trên thực tế, khi hợp đồng hợp tác chưa chấm dứt thì các thành viên hợp tác thường thỏa thuận chia tài sản theo phương án này. Việc phân chia phần tài sản cho mỗi thành viên hợp tác phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các thành viên hợp tác hoặc dựa trên tỷ lệ đóng góp của mỗi thành viên hợp tác để làm căn cứ phân chia.
Tuy nhiên, quy định tại khoản 3 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn còn có điểm chưa phù hợp: Mặc dù điều khoản này quy định “không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận”, nhưng tại khoản 2 Điều 510 Bộ luật này lại quy định: “Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được phân chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Trường hợp phải phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia”. Như vậy, kể cả không có thỏa thuận thì tài sản chung vẫn được chia trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác. Do đó, để có sự phù hợp giữa các quy định trên thì cần phải bổ sung cụm từ “hoặc luật có quy định khác” vào sau cụm từ “trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận” trong khoản 3 Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015[3].
Việc phân chia tài sản chung không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia. Quy định này nhằm đảm bảo cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng hợp tác đã được giao kết giữa các thành viên hợp tác.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. http://tapchicongthuong.vn/ban-ve-hop-dong-hop-tac-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-nam-2015-20170706115513886p0c488.htm.
[2]. http://tapchicongthuong.vn/ban-ve-hop-dong-hop-tac-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-nam-2015-20170706115513886p0c488.htm.
[3]. http://tapchicongthuong.vn/ban-ve-hop-dong-hop-tac-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-nam-2015-20170706115513886p0c488.htm.