Abstract: The author of this article introduces the domicile right and right of house ownership in Vietnam of foreigners in Vietnamese law, especially new issues on house ownership in Vietnam of foreigner in the Housing Law of 2014.
1. Thuật ngữ người nước ngoài và sự mở rộng quyền cư trú của người nước ngoài trong pháp luật Việt Nam
1.1. Thuật ngữ người nước ngoài
Khoản 1 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định: “Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”. Theo khoản 5 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Quốc tịch), “người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam”. Theo đó có thể hiểu, người nước ngoài là những người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm 02 nhóm: Công dân nước ngoài và người không quốc tịch.
Bên cạnh đó, Luật Quốc tịch giải thích: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” (khoản 3 Điều 3); “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” (khoản 4 Điều 3). Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể là công dân Việt Nam, có thể không phải là công dân Việt Nam.
So sánh nội hàm thuật ngữ người nước ngoài với thuật ngữ người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chúng ta thấy có sự giao thoa với nhau. Do đó, trong bài viết này, tác giả sử dụng thuật ngữ người nước ngoài với ý nghĩa bao hàm cả một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhóm người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam không thuộc phạm vi của bài viết này.
1.2. Sự mở rộng quyền cư trú của người nước ngoài trong pháp luật Việt Nam
- Quyền cư trú chính trị của người nước ngoài tại Việt Nam: Hiến pháp năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa đề cập đến quyền cư trú của người nước ngoài. Đến Hiến pháp năm 1959, Nhà nước chỉ mới thừa nhận cho người nước ngoài quyền cư trú chính trị: “Những người nước ngoài vì đấu tranh cho tự do, cho chính nghĩa, cho hòa bình và cho sự nghiệp khoa học mà bị bức hại đều được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép trú ngụ” (Điều 37). Quyền này tiếp tục được ghi nhận trong các bản hiến pháp sau đó: Điều 81 Hiến pháp năm 1980, Điều 82 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Điều 49 Hiến pháp năm 2013.
- Quyền cư trú của người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam: Kể từ Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), với tư tưởng đổi mới, Nhà nước đã coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[1], đồng thời đưa ra chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư của tổ chức, cá nhân nước ngoài vào công cuộc đổi mới xây dựng đất nước[2]. Song song với lời kêu gọi đầu tư là những cam kết bảo hộ của Nhà nước: “Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”[3]. “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam... được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam”[4]. Cụ thể hóa những quy định này, ngày 22/6/1994, Quốc hội đã thông qua Luật về khuyến khích đầu tư trong nước. Theo đó, Điều 1 Luật này quy định: “Nhà nước bảo hộ và khuyến khích tổ chức, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam”[5]. Như vậy, trong giai đoạn Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) có hiệu lực, bên cạnh quyền cư trú chính trị, Nhà nước còn thừa nhận quyền cư trú cho những người nước ngoài có hoạt động đầu tư phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn này, Nhà nước mới chỉ dừng lại ở quyền cư trú chứ chưa thừa nhận quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài.
- Quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài: Kể từ ngày 20/11/2001, khi Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam (Nghị định số 81/2001/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành, thì quyền cư trú của một bộ phận người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được nâng lên thành quyền sở hữu nhà ở. Theo Nghị định này, những người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 (người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam), thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam và có đủ các giấy tờ quy định tại Điều 6 thì “được mua nhà để ở” gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, nhưng chỉ được sở hữu 1 nhà để ở (căn hộ, căn nhà, nhà biệt thự). Tới Luật Nhà ở năm 2005, quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mở rộng hơn về đối tượng[6] và số lượng nhà ở được quyền sở hữu[7]. Đến Luật Nhà ở năm 2014, quyền sở hữu nhà ở của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mở rộng gần bằng công dân Việt Nam[8].
- Quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài không là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài: Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài xuất hiện cùng với Nghị định số 81/2001/NĐ-CP. Sau đó, cùng với việc mở rộng quyền sở hữu nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Luật Nhà ở năm 2005 đã bắt đầu thừa nhận quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài không là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, quyền sở hữu này chỉ dành cho cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam để cho người khác thuê và tồn tại trong một khoảng thời gian quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư chứ không phải để ở[9]. Người nước ngoài không là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ chính thức được sở hữu nhà kể từ ngày 01/01/2009, khi Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc Hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hiệu lực thi hành. So với Luật Nhà ở năm 2005, Nghị quyết số 19/2008/QH12 đã mở rộng hơn về nhiều vấn đề: Diện đối tượng được mua nhà[10], loại nhà ở được sở hữu[11] và thời hạn sở hữu nhà ở[12]. Sau 05 năm triển khai thực hiện thí điểm, quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài tiếp tục được mở rộng và chính thức được ghi nhận trong Luật Nhà ở năm 2014. Sự mở rộng này là một phần của việc mở rộng quyền sở hữu của người nước ngoài trong Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)[13].
2. Quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài trong Luật Nhà ở năm 2014
2.1. Điều kiện để người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014, bên cạnh tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước (khoản 1), người Việt Nam định cư ở nước ngoài (khoản 2) và cá nhân nước ngoài (khoản 3) cũng là những đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải mọi người nước ngoài mà chỉ có những người thuộc một trong các trường hợp sau mới có khả năng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam: (i) Được phép nhập cảnh vào Việt Nam[14] (khoản 1 Điều 8 và điểm c khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014); (ii) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam (điểm a khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014).
Mặc dù có đưa ra những điều kiện nhằm giới hạn, nhưng so với các văn bản trước đây trong cùng lĩnh vực thì Luật Nhà ở năm 2014 đã mở rộng hơn diện đối tượng là người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đi kèm những điều kiện trên là các loại giấy tờ chứng minh được quy định trong Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở (Nghị định số 99/2015/NĐ-CP).
Đối với người nước ngoài là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có những loại giấy tờ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP: Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với người nước ngoài không là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án (khoản 1 Điều 160 Luật Nhà ở năm 2014).
Đối với những người nước ngoài còn lại thì phải có những loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP: Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
2.2. Hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài
Theo điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
So với cá nhân trong nước, hình thức sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài bị hạn chế hơn vì không được có nhà ở thông qua hình thức đầu tư, nhận góp vốn (và có thể bị hạn chế thêm một số hình thức khác). Nhìn chung, người nước ngoài là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước Việt Nam công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua giao dịch dân sự chứ chưa thể có nhà ở thông qua hoạt động thương mại.
Đối với cá nhân nước ngoài không phải là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam hoặc mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ[15]. Việc xác định khu vực cần đảm bảo an ninh, quốc phòng tại từng địa phương được giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp thực hiện và thông báo kết quả cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở[16]. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài còn bị nghiêm cấm mua nhà ở để bán lại nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời[17]. Như vậy, người nước ngoài thuộc nhóm này có hình thức sở hữu nhà ở hạn chế hơn so với người nước ngoài là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài: Quyền sở hữu của họ bị hạn chế trong phạm vi đối tượng là nhà ở thương mại thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
2.3. Phạm vi quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 161 Luật Nhà ở năm 2014 thì người nước ngoài là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam có các quyền như các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
Những người nước ngoài còn lại cũng được thừa nhận các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải chịu một số hạn chế quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 161. Những hạn chế này được đặt ra nhằm phòng ngừa nguy cơ hình thành “phố Tây”, “phố Tàu” trên lãnh thổ Việt Nam. Vấn đề này được hướng dẫn chi tiết trong Nghị định số 99/2015/NĐ-CP tại khoản 3 và khoản 4 Điều 76.
2.4. Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài
Tương tự như quy định về hình thức sở hữu và phạm vi quyền sở hữu, thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài không là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng bị hạn chế hơn so với nhóm còn lại. Thời hạn sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận[18] và có thể được gia hạn thêm một lần tối đa không quá 50 năm, kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở lần đầu ghi trên Giấy chứng nhận nếu có nhu cầu[19], trừ trường hợp cá nhân nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định buộc xuất cảnh thì không được gia hạn thêm thời hạn sở hữu[20].
Khi hết thời hạn sở hữu, nhà ở của người nước ngoài sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Theo đó, người nước ngoài phải chuyển quyền sở hữu nhà ở cho người có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nếu không nhà ở sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Việt Nam.
Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì không bị giới hạn quyền sở hữu trong thời hạn nói trên mà được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam[21].
Đại học An ninh nhân dân
[1]. Điều 9 Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
[2]. Điều 25 Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001: “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ vào Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hóa. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước”.
[3]. Điều 75 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), tương ứng là Điều 18 Hiến pháp năm 2013.
[4]. Điều 81 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), tương ứng là Điều 48 Hiến pháp năm 2013.
[5]. Khoản 3 Điều 5 Luật về khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư”.
[6]. Ngoài những đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 81/2001/NĐ-CP, khoản 1 Điều 126 Luật Nhà ở năm 2005 còn bổ sung “các đối tượng khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định”.
[7]. Quy định “được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ” chỉ áp dụng đối với những đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật Nhà ở năm 2005, còn những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Nhà ở năm 2005 thì không bị khống chế bởi quy định này.
[8]. Xem khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở năm 2014.
[9]. Khoản 1 Điều 125 Luật Nhà ở năm 2005: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê tại Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó. Thời hạn được sở hữu nhà ở là thời hạn quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở”.
[10]. Không chỉ là những cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê mà tất cả những cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam (khoản 1 Điều 2); cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 2 Điều 2); cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu (khoản 3 Điều 2) và cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam (khoản 4 Điều 2) cũng có quyền mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
[11]. Không chỉ được quyền sở hữu những căn hộ trong dự án do chính mình đầu tư mà còn được mua và sở hữu những căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại (khoản 2 Điều 1).
[12]. Thời hạn tối đa là 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Thời hạn này được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi hết thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đối tượng quy định tại khoản này phải bán hoặc tặng cho nhà ở đó (khoản 1 Điều 4).
[13]. Theo Hiến pháp năm 2013, “mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác” (khoản 1 Điều 32) và “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (khoản 3 Điều 59).
[14]. Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 về điều kiện nhập cảnh quy định: “Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực; người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày; 2. Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này”.
[15]. Xem khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014.
[16]. Xem khoản 2 Điều 75 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
[17]. Xem khoản 8 Điều 79 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
[18]. Xem điểm c khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở năm 2014.
[19]. Xem điểm b khoản 1 Điều 77 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
[20]. Xem khoản 3 Điều 77 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
[21]. Xem điểm c khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở năm 2014.