1. Quyền hưởng di sản của người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ/chồng và con thành niên mà không có khả năng lao động thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong trường hợp người lập di chúc không cho hưởng di sản theo di chúc hoặc có cho hưởng nhưng phần mà họ được hưởng theo di chúc ít hơn 2/3 của một suất thừa kế nếu di sản được chia theo pháp luật. Không cho hưởng được hiểu là người lập di chúc thể hiện rõ ý chí truất quyền hưởng di sản của những người nói trên hoặc là không đề cập đến những người này trong di chúc. Trường hợp người lập di chúc cho những người này hưởng di sản nhưng ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật thì họ cũng được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, họ phải được hưởng ít nhất bằng 2/3 suất thừa kế nói trên.
Quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc trong Bộ luật Dân sự hướng tới bảo vệ quyền lợi của các chủ thể là cha, mẹ của người lập di chúc, vợ hoặc chồng của người lập di chúc, con của người lập di chúc mà chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Như vậy, theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể hiểu rằng, người thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nếu là cha, mẹ thì không phân biệt cha, mẹ đẻ hay cha, mẹ nuôi; đối với con thì không phân biệt là con đẻ hay con nuôi và con đã thành niên mất khả năng lao động không phân biệt mất khả năng lao động vào thời điểm nào; đối với vợ/chồng được hưởng loại thừa kế này phải là vợ/chồng hợp pháp theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Khi phân chia di sản thừa kế theo di chúc, nếu có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc thì Tòa án cần đưa họ vào diện được hưởng thừa kế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Mặc dù vậy, không phải tất cả các vụ án tranh chấp về thừa kế mà Tòa án xét xử đều đảm bảo được điều này.
2. Quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nhìn từ thực tiễn xét xử tại Tòa án
Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định khá hoàn chỉnh vấn đề thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế, tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn xét xử vẫn còn một số bất cập cần sớm khắc phục. Để có cái nhìn rõ nét hơn, tác giả xin viện dẫn một số ví dụ cụ thể sau đây:
Ví dụ 1:
Ông Đ và bà T là vợ chồng có đăng ký kết hôn ngày 26/5/1967 tại Ủy ban nhân dân xã M huyện N tỉnh B, có một con chung là chị H. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Đ chuyển công tác vào tỉnh G còn mẹ con bà T vẫn ở lại tỉnh B. Ngày 07/10/1992, ông Đ nhận chuyển nhượng 500m2 đất tại xã X huyện Y tỉnh G để cất nhà. Ngày 20/10/1994, ông Đ làm thủ tục đăng ký kết hôn với bà C và chung sống với bà C. Năm 2001, ông Đ có lập di chúc cho bà C hưởng toàn bộ tài sản gồm nhà cửa, đồ dùng trong gia đình. Năm 2003, ông Đ chết thì vợ chồng chị H đã vào ở tại căn nhà này cùng bà C, sau đó xảy ra tranh chấp khối di sản nói trên. Bà C yêu cầu được hưởng thừa kế theo di chúc ông Đ để lại. Chị H cho rằng, bà C lấy ông Đ là bất hợp pháp nên chị không đồng ý yêu cầu hưởng thừa kế của bà C. Bà T có ý kiến rằng, căn nhà nói trên là do ông Đ tạo lập khi đang trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp với bà nên đây là tài sản chung của bà và ông Đ, do đó, bà không nhất trí theo yêu cầu của bà C. Bà T yêu cầu Tòa án giải quyết theo pháp luật để bà cùng chị H được hưởng thừa kế của ông T.
Tòa án nhân dân huyện Y tỉnh G đã nhận định: Bà T là vợ hợp pháp của ông Đ, xác định quan hệ hôn nhân giữa bà C và ông Đ là trái pháp luật do khi lấy bà C, ông Đ đã có vợ hợp pháp và chưa ly hôn. Tuy căn nhà trên diện tích 500m2 đất tại xã X huyện Y tỉnh G được ông Đ tạo lập trong thời kỳ hôn nhân với bà T vẫn tồn tại, nhưng giữa ông Đ và bà T có kinh tế riêng và ông Đ đứng tên riêng đối với nhà đất trên, hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án, bà T thừa nhận căn nhà là do ông Đ tạo lập và là tài sản riêng của ông Đ và thực tế thì ông Đ đã chuyển vào tỉnh G công tác từ năm 1975, đến năm 1992, ông Đ mới nhận chuyển nhượng mảnh đất nói trên để xây nhà, còn bà T và chị H vẫn ở tỉnh B, do đó, có cơ sở xác định căn nhà trên diện tích 500m2 đất tọa lạc tại xã X huyện Y tỉnh G là tài sản riêng của ông Đ. Vì vậy, ông Đ có quyền lập di chúc cho bà C thừa kế. Xác định di chúc của ông Đ lập ngày 27/02/2001 do ông Đ viết có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã X huyện Y tỉnh G là di chúc hợp pháp.
Từ đó, Tòa án chấp nhận yêu cầu của bà C, tuyên: Bà C được hưởng thừa kế theo di chúc ngày 27/02/2001 của ông Đ gồm các tài sản và nhà đất tọa lạc tại xã X huyện Y tỉnh G đã được ghi nhận tại biên bản xác minh đo đạc ngày 26/5/2013 của Tòa án nhân dân huyện Y. Bác yêu cầu phản tố của chị H và bà T kiện bà C tranh chấp chia tài sản thừa kế theo pháp luật đối với căn nhà và đất nói trên.
Có thể thấy, trong bản án, Tòa án đã áp dụng đúng quy định của Bộ luật Dân sự về chia thừa kế theo di chúc. Theo đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, trước đây là Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2005). Như vậy, khi cá nhân chết có để lại di chúc và di chúc đó đảm bảo các điều kiện có hiệu lực theo quy định của Bộ luật Dân sự thì di chúc phát sinh hiệu lực khi người lập di chúc chết và người được chỉ định là người thừa kế theo di chúc đủ điều kiện sẽ được hưởng di sản theo di chúc đó. Pháp luật nước ta không giới hạn quan hệ giữa người lập di chúc và người thừa kế theo di chúc, do đó, cá nhân có quyền lập di chúc để lại di sản cho bất kỳ ai, không phân biệt người đó có quan hệ thân thích hay không. Vì vậy, trong trường hợp này, Tòa án xác định bà C không phải là vợ hợp pháp của ông Đ nhưng do bà C là người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc của ông Đ nên Tòa án quyết định cho bà C được hưởng di sản của ông Đ để lại theo di chúc là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì ông Đ có quyền lập di chúc cho bất kỳ người nào hưởng di sản, không phụ thuộc việc bà C có là vợ hợp pháp hay không vẫn được thừa kế theo di chúc. Hơn nữa, Tòa án đã xác định ông Đ và bà T mặc dù còn tồn tại quan hệ hôn nhân nhưng đã không sống chung từ năm 1975 và có kinh tế độc lập, do đó, ông Đ có toàn quyền định đoạt khối tài sản nói trên theo di chúc. Việc quyết định như của Tòa án là hoàn toàn thuyết phục và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, Tòa án đã bác bỏ quyền hưởng thừa kế của bà T vì xác định tài sản ông Đ định đoạt trong di chúc là tài sản riêng của ông Đ nên không liên quan đến bà T, để cho bà C được hưởng toàn bộ di sản của ông Đ là có sự thiếu sót trong việc áp dụng pháp luật, chưa thuyết phục và ảnh hưởng đến quyền lợi của bà T. Bà T là vợ hợp pháp của ông Đ (theo xác định của Tòa án), theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 (trước đây là Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005) thì bà T thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, cho nên phải được hưởng một kỷ phần thừa kế ít nhất bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật trong trường hợp người lập di chúc không cho hưởng.
Ví dụ 2:
Cụ Nguyễn Thị K có ba người con là bà M, ông Q và ông N. Năm 2005, cụ K chết có để lại di chúc cho ông N được hưởng thừa kế căn nhà tại phường T, thành phố H. Mặc dù theo di chúc của cụ K thì toàn bộ căn nhà này được để lại cho ông N nhưng vì tại thời điểm mở thừa kế, bà M đã 71 tuổi lại mang nhiều bệnh tật như huyết áp, tiểu đường, năm 2006 bị ngã và nằm liệt cho đến nay nên bà M yêu cầu được hưởng thừa kế di sản của cụ K theo quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Ông Q cũng yêu cầu được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc vì tại thời điểm mở thừa kế, ông Q đã 68 tuổi, thương binh hạng 2/4, không có khả năng lao động. Ông N xác định phần trình bày của các nguyên đơn về quan hệ huyết thống là đúng; về nhà đất tranh chấp, năm 2004, cụ K đã lập di chúc để lại cho ông toàn bộ căn nhà này nên ông không đồng ý với yêu cầu được hưởng thừa kế di sản mà các nguyên đơn nêu ra.
Quá trình giải quyết, Tòa án đã nhận định: Xét yêu cầu của ông Q, bà M về việc được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, tại Điều 140, Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định độ tuổi lao động của người Việt Nam là từ 15 đến 60 tuổi đối với nam và từ 15 đến 55 tuổi đối với nữ. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động còn có các quy định về chế độ đối với người lao động từ 56 tuổi trở lên đối với nữ và từ 61 tuổi trở lên đối với nam. Như vậy, pháp luật không đặt ra giới hạn tuổi tối đa được tham gia các quan hệ lao động mà việc tham gia quan hệ lao động tùy thuộc vào thể lực, trí lực và tinh thần của từng người. Do đó, độ tuổi lao động là cơ sở xác định người hết tuổi lao động để được hưởng các chế độ đãi ngộ chứ không phải là căn cứ để xác định một người không còn khả năng lao động. Hơn nữa, từ trước đến nay, ông Q, bà M có đời sống kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào cụ K. Bà M có gia đình, có tài sản riêng, bản thân bà hàng tháng còn được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước theo diện người có công với cách mạng, còn ông Q tuy là thương binh hạng 2/4, theo quy định thì ông bị suy giảm khả năng lao động là 62% nhưng ông cũng đã được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước, nên Hội đồng xét xử nhận thấy không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của bà M, ông Q về người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Trên cơ sở nhận định này, Tòa án đã không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà M và ông Q về việc được hưởng di sản của cụ K theo diện người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Theo tác giả, cách giải quyết của Tòa án với việc nhận định để xác định bà M và ông Q không thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như trên là chưa thuyết phục vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, Bộ luật Dân sự năm 2005 tại Điều 669 (hiện nay là Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015) quy định về đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Những người này được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc với kỷ phần thừa kế là “bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật” khi “không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó”. Như vậy, pháp luật không có quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là điểm b khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015) phải là người không có khả năng lao động tại thời điểm mở thừa kế, do đó, có thể hiểu rằng, một người thừa kế tại thời điểm mở thừa kế có khả năng lao động, nhưng tại thời điểm chia di sản họ bị mất khả năng lao động do tai nạn hoặc bệnh tật thì vẫn thuộc trường hợp là người không có khả năng lao động.
Thứ hai, trong ví dụ 2, bà M không chỉ nại rằng tại thời điểm mở thừa kế, bà đã 71 tuổi mà còn trình bày bà bị ngã vào năm 2006 và nằm liệt cho đến nay để xin hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Tòa án căn cứ vào quy định về độ tuổi của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và căn cứ vào việc bà M hàng tháng đã được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với người có công với cách mạng để bác yêu cầu của bà M là chưa hợp tình, hợp lý. Bởi quyền thừa kế khác với quyền hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, không thể đánh đồng hai quyền này. Việc bà M được hưởng chế độ đãi ngộ là do bà có công với cách mạng, không liên quan gì đến việc bà có quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc của bà M là do bà có quan hệ huyết thống với người lập di chúc nên thuộc diện được hưởng quyền này.
Quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là nhằm bảo vệ những người thân thích, gần gũi nhất của người chết khi họ không được cho hưởng di sản, giúp đỡ họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Người không có khả năng lao động là con của người lập di chúc là một trong số những người thuộc diện đó. Bà M không chỉ đã cao tuổi mà còn bệnh tật nằm liệt giường. Nếu chỉ căn cứ vào thời điểm mở thừa kế để xem xét khả năng lao động của một người nhằm gạt họ ra khỏi diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là vô tình đẩy họ vào con đường khó khăn mà chắc chắn nếu người lập di chúc còn sống cũng không muốn điều đó và khi đó thì quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn thể hiện được tính nhân văn của nó nữa.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xét xử của Tòa án
Pháp luật không quy định thời điểm xác định người “không có khả năng lao động” để làm căn cứ cho hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là thời điểm nào. Do đó, việc áp dụng pháp luật cần đặt lợi ích của người đó lên trước để cân bằng quyền lợi giữa những người thừa kế.
Mặt khác, bản thân Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định con chưa thành niên được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, nhưng việc xác định con chưa thành niên tại thời điểm mở thừa kế hay tại thời điểm chia di sản thì Bộ luật Dân sự cũng chưa quy định. Nếu xác định độ tuổi của người chưa thành niên và khả năng lao động của người đã thành niên theo quy định tại Điều 644 nêu trên vào thời điểm mở thừa kế sẽ có những trường hợp không “hợp tình”. Chúng tôi đặt ra giả thiết như sau: Ông A có ba người con là B (sinh năm 1990, chưa có vợ con, công việc ổn định), C (sinh năm 1993, chưa có vợ con, công việc ổn định và D (sinh năm 1998, đang là sinh viên). Vợ ông A đã chết trong một tai nạn, cha mẹ của ông A đều đã chết. Năm 2017, ông A lập di chúc cho C hưởng toàn bộ di sản. Năm 2018, ông A bị bệnh chết. Năm 2019, B bị tai nạn giao thông bị bại liệt, mất khả năng lao động. Năm 2020, khi chia di sản thừa kế của ông A, cả D và B yêu cầu được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Tòa án xác định D thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nên cho hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, bác yêu cầu của B, vì tại thời điểm mở thừa kế, B có khả năng lao động, kinh tế ổn định. Vậy, chúng ta thấy rằng, cách giải quyết này vừa không hợp tình vừa không hợp lý. Không hợp tình vì lúc này, người cần bảo vệ hơn ai hết là B, không hợp lý vì Bộ luật Dân sự chỉ quy định: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản…” chứ không quy định: “Tại thời điểm mở thừa kế, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản …”.
Do đó, thiết nghĩ, cần có cách hiểu thống nhất về quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tác giả kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất quy định này theo hướng: Xác định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là con chưa thành niên hoặc con đã thành niên của người chết mà không có khả năng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời điểm xác định là thời điểm chia di sản mà không xác định vào thời điểm mở thừa kế.
Trong khi luật không có quy định cụ thể, chúng ta nên giải thích luật theo hướng có lợi nhất cho đương sự để bảo đảm hài hòa lợi ích cho các bên. Chính vì vậy, để khắc phục những bất cập nêu trên, thiết nghĩ, khi giải quyết tranh chấp thừa kế theo di chúc, nếu Tòa án quyết định chia di sản thừa kế theo di chúc thì cần xem xét có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc hay không để chia phần thừa kế này cho họ mới đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người thừa kế. Trường hợp Tòa án xác định có người thừa kế được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nhưng họ đã được hưởng di sản theo pháp luật hoặc theo di chúc lớn hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật thì Tòa án phải lập luận trong bản án để giải thích cho họ hiểu vì sao người đó thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nhưng Tòa án không xem xét chia phần di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc cho họ. Có như vậy, lập luận của Tòa án trong bản án mới có tính thuyết phục cao và đương sự cũng hiểu được quyền lợi của họ đã được bảo vệ trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
Trường Đại học Luật, Đại học Huế
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Đỗ Văn Đại, Luật thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.