Tuy nhiên, ở khía cạnh dược phẩm, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển lại làm khó khăn hơn trong việc giải quyết yêu cầu tiếp cận các loại thuốc ở giá cả phải chăng. Trong một số trường hợp, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quá chặt chẽ lại là điều nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Đây là vấn đề mà các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đều quan tâm giải quyết, trong đó phải kể đến vai trò của Hiệp định TRIPS.
Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) là hiệp định quốc tế toàn diện nhất về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hiệp định TRIPS đặt ra các nguyên tắc để bảo vệ sáng chế, nhưng cũng tạo ra tính linh hoạt cho phép sử dụng sáng chế mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu trong các trường hợp cần thiết. Trong bối cảnh bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 hiện nay, việc nghiên cứu các quy định của Hiệp định TRIPS về yêu cầu bảo hộ và khả năng sử dụng các loại thuốc cũng như vắc-xin cho cộng đồng là rất cần thiết.
Dưới khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ, vắc-xin Covid-19 được bảo hộ dưới dạng sáng chế. Điều này có nghĩa là, chủ sở hữu của sáng chế có quyền bán vắc-xin Covid-19 ở bất kỳ mức giá nào mà họ cho là phù hợp, cũng đồng nghĩa với việc những người giàu có hơn sẽ có cơ hội sử dụng vắc-xin Covid-19 sớm hơn. Tuy nhiên, Hiệp định TRIPS có những quy định linh hoạt khi cho phép quốc gia thành viên sử dụng sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền. Nội dung bài viết “Quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19 theo hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS)” của tác giả Trương Thế Minh và Lê Thị Minh nghiên cứu về khả năng áp dụng các điều khoản linh hoạt của Hiệp định TRIPS trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.