
Trong nền kinh tế thị trường, một trong những điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất, kinh doanh chính là việc cung ứng vốn và tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp. Trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của các chủ thể, thể chế về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho việc thực thi hiệu quả các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, qua đó khuyến khích và thúc đẩy quá trình đầu tư vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết và là yêu cầu nội tại mang tính khách quan của thực tiễn. Trước bối cảnh đó, ngày 19/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm góp phần bảo đảm quy định liên quan đến lĩnh vực này trong Bộ luật Dân sự năm 2015 được thi hành theo hướng khả thi, minh bạch và thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng sinh hoạt; tạo điều kiện thuận lợi, khai thác tốt hơn giá trị kinh tế của tài sản trong sự vận động và phát triển của các quan hệ kinh doanh thương mại; giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Để có cái nhìn tổng quan hơn về Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết “Sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm xây dựng Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của tác giả Phạm Tuấn Ngọc, đăng tải trong số chuyên đề 200 trang về “Nội dung cơ bản của Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” năm 2021. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu một số nội dung về sự cần thiết ban hành, mục đích và quan điểm xây dựng Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.