Bất cập khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế
Ngày 26/11/2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13. Theo đó, Điều 3 Luật này đã bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 với quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định này cho thấy đã phát sinh những bất cập, hạn chế cần được xem xét, đánh giá lại. Cụ thể:
- Việc quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được kê khai khấu trừ thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón) mà phải tính vào chi phí sản phẩm làm cho giá thành sản xuất phân bón trong nước tăng cao và lợi nhuận giảm.
- Trong khi đó, đối với phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do được chuyển sang không chịu thuế nhưng vẫn được hoàn toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Điều này đã gây bất lợi lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, nhất là trong bối cảnh xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới giai đoạn 2015 - 2020 (trước thời điểm dịch Covid-19), giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không cạnh tranh được với giá phân bón nhập khẩu, nên các doanh nghiệp trong nước đều tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ, có nguy cơ phá sản.
- Nếu còn tiếp tục quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế sẽ làm cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải đóng cửa. Điều này làm cho Việt Nam phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực quốc gia, làm suy yếu năng lực sản xuất nông nghiệp, giảm tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Chính vì vậy, cần phải có giải pháp khắc phục bất cập, giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phát triển, không bị suy giảm, ngừng sản xuất như giai đoạn trước.
Áp thuế phân bón góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, thu hẹp đối tượng không chịu thuế, bảo đảm bình đẳng trong đối xử về thuế giữa ngành sản xuất phân bón với các ngành sản xuất khác trong nước, Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 đã sửa đổi quy định hiện hành theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5%. Áp dụng quy định này, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Điều này làm giảm áp lực cho doanh nghiệp khi đầu tư, tạo thêm nguồn lực, động lực để ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, quy định này còn tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Bởi lẽ, giá sản phẩm phân bón nhập khẩu sẽ tăng lên do phải chịu thuế giá trị gia tăng 5%, trong khi đó, vì được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nên giá thành sản xuất phân bón trong nước sẽ được giảm xuống, góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đồng thời, quy định đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế với thuế suất 5% được đánh giá sẽ hỗ trợ phục hồi sản xuất phân bón trong nước, về dài hạn, sẽ góp phần xây dựng nền công nghiệp sản xuất phân bón trong nước phát triển bền vững, ổn định nguồn cung, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng này, qua đó kích thích sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Băn khoăn tác động ảnh hưởng tới nông dân
Phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số một trong sản xuất nông nghiệp của nước ta, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện nay đang chiếm từ 64% đến 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy sự tác động rất lớn của chính sách liên quan đến phân bón, trong đó có chính sách thuế đối với sự phát triển nông nghiệp của đất nước. Chính vì vậy, chính sách này cần phải được phân tích, đánh giá thấu đáo, kỹ lưỡng.
Bên cạnh những đánh giá tác động tích cực khi quy định phân bón thuộc đối tượng chịu thuế 5%, cũng có quan điểm còn “băn khoăn”, “lo ngại” điều này sẽ làm giá thành phân bón tăng cao gây ảnh hưởng bất lợi cho nông dân. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng để bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp (được khấu trừ thuế) và người dân (không phải chịu mức giá có thuế) thì nên đưa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế nhưng với mức thuế suất là 0%. Để làm rõ vấn đề này cần được nhìn nhận, xem xét qua một số đánh giá tác động như sau:
Thứ nhất, về giá thành mặt hàng phân bón:
Khi chịu thuế giá trị gia tăng với mức 5%, người nông dân sẽ mua sản phẩm phân bón với giá thành bao gồm cả thuế 5%. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (thông thường là 10%), khi đó, giá thành sản xuất sẽ được giảm xuống, lợi nhuận tăng lên và đây là cơ sở để doanh nghiệp giảm giá sản phẩm hàng hóa, thực hiện khuyến mãi, hậu mãi. Về lâu dài, khi sản xuất phân bón trong nước phát triển, nguồn cung sẽ tăng lên cũng là yếu tố tác động trở lại làm giảm giá thành của sản phẩm. Do đó, nếu chỉ xét trên phương diện thuế thì không thể khẳng định khi áp thuế giá trị gia tăng 5%, giá sản phẩm sẽ tăng cao so với việc không phải chịu thuế, thậm chí giá còn có thể được giảm xuống. Đồng thời, nếu có tăng thì cũng chủ yếu là tăng giá phân bón nhập khẩu nhưng khi đó thì doanh nghiệp trong nước lại được lợi và người nông dân cũng sẽ được hưởng lợi nếu lựa chọn dùng hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nghi ngại dù được khấu trừ thuế nhưng điều gì có thể bảo đảm doanh nghiệp sẽ giảm giá thành sản phẩm hàng hóa? Có thể thấy, thị trường phân bón vốn đang cạnh tranh rất khốc liệt nên khi có điều kiện giảm giá bán thì doanh nghiệp sẽ phải hạ giá để đẩy mạnh việc bán hàng, tiêu thụ sản phẩm. Đây là nguyên tắc cơ bản nhất trên thị trường mang tính cạnh tranh. Điều này đã được chứng minh trong suốt thời gian qua khi Nhà nước giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, các doanh nghiệp đều giảm giá tương ứng với khoản giảm 2% thuế đó, vì nếu không giảm giá sẽ không bán được hàng[1].
Thứ hai, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón là mức phù hợp, không nên áp dụng mức 0%, bởi lẽ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đánh giá tác động giữa 02 phương án là áp dụng mức thuế 0% và 5% với phân bón cho thấy: với kịch bản thuế suất 0%, theo dự báo, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu 1.500 tỷ đồng, còn nếu áp thuế 5%, Nhà nước tăng thu 4.200 tỷ đồng[2]. Điều này có thể thấy, khi áp dụng với mức thuế suất 0%, ngân sách nhà nước bị thiệt hại khá lớn. Khi đó, ngân sách nhà nước phải chi để thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, trong khi đó lại không có nguồn thu thuế giá trị gia tăng từ cả phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu.
Từ những phân tích, đánh giá như vậy có thể thấy, quy định áp dụng thuế đối với mặt hàng phân bón 5% là phương án phù hợp có lợi không chỉ cho Nhà nước, cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho cả người nông dân. Hy vọng rằng, các quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 nói chung và quy định về áp thuế phân bón 5% nói riêng sẽ thực sự phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn.
Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, trừ trường hợp quy định về mức doanh thu của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế tại khoản 25 Điều 5 và Điều 17 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Uyên Nhi
[1] Tham khảo nguồn: https://tapchitoaan.vn/vi-sao-khi-ap-thue-gtgt-5-lai-tao-dieu-kien-giam-gia-phan-bon12453.html?gidzl=YDXgVOa76Lk8mcfxYHmONOF3RNYV61SAcCLXUPeP5mtDbsGYcqb40vsJCo6MIKLNbfKq8pCowq8NYmiGNm.
[2] Theo ý kiến phát biểu của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguồn: https://nhandan.vn/ap-muc-thue-vat-0-hay-5-doi-voi-phan-bon-can-phai-can-nhac-that-ky-post819436.html.