Tóm tắt: Thỏa thuận nhận tội là một cơ chế có lịch sử tồn tại lâu dài tại Hoa Kỳ. Cơ chế này có những lợi thế cho cả người bị buộc tội và Nhà nước. Với những ưu điểm vượt trội, hơn 90% vụ án hình sự tại Hoa Kỳ được áp dụng thỏa thuận nhận tội để giải quyết. Tuy nhiên, dù được áp dụng phổ biến, cơ chế này cũng vấp phải những chỉ trích trong chính nội bộ tư pháp Hoa Kỳ.
Abstract: Plea agreement is a long existing historical institution in the USA. This institution provides advantages for a defendant and the prosecution as well. Plea agreement has been applied in more than 90% of criminal cases in the USA due to its advantages. In spite of common application, plea agreement, however, faces critics within the internal cirle of the Department of Justice of the USA.
Thỏa thuận nhận tội là thỏa thuận trong đó người bị buộc tội nhận tội để đổi lấy sự nhượng bộ đối với hình phạt hoặc cáo trạng từ phía công tố viên. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép áp dụng biện pháp thỏa thuận nhận tội như một thủ tục hình sự chính thức và được sử dụng rộng rãi trong quá trình tố tụng hình sự. Luật hình sự Liên bang Hoa Kỳ không quy định thời gian truy tố và giữa các bang, thời gian truy tố cũng khác nhau. Tuy nhiên, thời gian xử lý vụ án hình sự có thể rất dài, chủ yếu là do các thủ tục lựa chọn bồi thẩm viên tốn thời gian, thậm chí có thể mất nhiều năm. Do đó, phần lớn các vụ án hình sự ở Hoa Kỳ thường được giải quyết bằng thỏa thuận nhận tội để giảm thiểu chi phí, giảm tải hệ thống tư pháp nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu công lý[1]. Tòa án tối cao Hoa Kỳ thừa nhận cơ chế này là một phần gắn liền trong luật hình sự và một thành phần thiết yếu trong việc thực thi công lý, cần được khuyến khích nếu được áp dụng một cách phù hợp[2].
1. Đặc điểm cơ bản của thỏa thuận nhận tội
Thỏa thuận nhận tội được coi như một loại hợp đồng trong tố tụng hình sự, trong đó, các quyền của người bị buộc tội được xem xét và đánh giá theo nguyên tắc của luật hợp đồng[3]. Hợp đồng này là thỏa thuận song phương giữa công tố viên và người bị buộc tội, trong đó, công tố viên sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự theo hướng có lợi cho người bị buộc tội để đổi lại lời nhận tội. Nếu người bị buộc tội vi phạm thỏa thuận - bao gồm không nhận tội hoặc nhận tội nhưng không đúng với thỏa thuận, công tố viên sẽ không bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ trong thỏa thuận. Mặt khác, nếu công tố viên không giữ đúng cam kết trong thỏa thuận, người bị buộc tội có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ thẩm phán. Người bị buộc tội có thể đề xuất thẩm phán cho phép họ rút khỏi thỏa thuận nhận tội, hoặc yêu cầu công tố viên tuân thủ đúng cam kết[4].
Xuất phát từ bản chất như một hợp đồng, thỏa thuận nhận tội chỉ có giá trị đối với các bên liên quan. Thẩm phán không bị ràng buộc để chấp nhận thỏa thuận nhận tội. Trong các vụ án hình sự, công tố viên và luật sư bào chữa có thể thảo luận với thẩm phán về lời nhận tội của người bị buộc tội và hình phạt có thể sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, thẩm phán vẫn có quyền ra quyết định cuối cùng và không bị ràng buộc bởi các khuyến nghị của công tố viên, dù những khuyến nghị này được công nhận là một phần của thỏa thuận nhận tội. Dưới tư cách là đại diện của cơ quan tư pháp, thẩm phán phải đưa ra phán quyết đối với tội phạm trên cơ sở thực tế của vụ án. Do đó, luật pháp cho phép thẩm phán từ chối kết quả của thỏa thuận nhận tội nếu thỏa thuận đi ngược lại nguyên tắc cốt lõi của Tòa án. Đây có thể là một đặc quyền và cũng là một nghĩa vụ đặc biệt đối với một thẩm phán khi đưa ra phán quyết về vụ án ngay cả khi người bị buộc tội đã nhận tội.
2. Điều kiện để công nhận sự hợp pháp của thỏa thuận nhận tội
2.1. Người bị buộc tội hiểu rõ nội dung của thỏa thuận
Hệ thống tư pháp Hoa Kỳ cho rằng để đảm bảo sự công bằng của hệ thống tư pháp, thì bên buộc tội và bên gỡ tội phải được trang bị những nguồn lực ngang nhau, thẩm phán đóng vai trò là bên thứ ba trung gian có tiếng nói cuối cùng. Đối với trường hợp thỏa thuận nhận tội, người bị buộc tội cần có thông tin đầy đủ và chính xác về vụ án như phía công tố viên[5]. Do đó, trước khi chấp nhận thỏa thuận nhận tội, thẩm phán có nghĩa vụ đảm bảo người bị buộc tội hiểu được các nội dung theo quy định của pháp luật[6], trong đó được cung cấp thông tin chính xác để hiểu bản chất của các cáo buộc chống lại mình và hậu quả của việc tham gia vào thỏa thuận nhận tội. Nếu điều kiện này không được đảm bảo thì thỏa thuận nhận tội không thể được coi là tự nguyện, người bị buộc tội được coi là đã bị vi phạm quyền đối với tố tụng hợp pháp. Việc cung cấp thông tin về bản chất của tội danh trong cáo trạng có thể hiểu là người bị buộc tội hiểu rõ các yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh đó. Trong vụ Henderson v. Morgan (1976), Tòa án Liên bang phán quyết rằng người bị buộc tội không được giải thích đầy đủ về hành vi phạm tội mà anh ta đã nhận tội, do vậy, lời nhận tội của người bị buộc tội là không tự nguyện và bản án kết tội được đưa ra trong trường hợp này bị coi là đã vi phạm trình tự, thủ tục. Như vậy, yêu cầu đầu tiên, phổ biến nhất của quá trình tố tụng khi người bị buộc tội nhận tội là người này phải hiểu rõ bản chất của hành vi phạm tội mà mình thú nhận.
Về hệ quả của việc tham gia thỏa thuận nhận tội, thẩm phán cần đảm bảo người bị buộc tội hiểu được việc từ bỏ quyền được xét xử, quyền đối chất và kiểm tra chéo các nhân chứng bất lợi, quyền không tự buộc tội chính mình, quyền đưa ra lời khai và trình bày bằng chứng, hoặc trong nhiều trường hợp, quyền kháng cáo bản án và các hoạt động tư pháp áp dụng đối với mình và bản án tối đa có thể áp dụng trong vụ án của mình. Trong vụ Pilkington v. United States (1963), thẩm phán nói với người bị buộc tội rằng mức án tối đa có thể áp dụng cho anh ta là năm năm, với thông tin đó, người bị buộc tội đồng ý chấp nhận thỏa thuận nhận tội. Tuy nhiên sau đó, hình phạt áp dụng cho anh ta là sáu năm tù. Người bị buộc tội đã kháng cáo lên Tòa án phúc thẩm. Tòa án phúc thẩm phán quyết rằng thỏa thuận nhận tội của người bị buộc tội là vô hiệu vì người bị buộc tội đã tham gia thỏa thuận nhận tội dựa trên giả định sai lầm từ thông tin không chính xác mà người bị buộc tội được cung cấp.
2.2. Người bị buộc tội tự nguyện tham gia thỏa thuận nhận tội
Để chấp nhận một thỏa thuận nhận tội, Tòa án phải xác định người bị buộc tội sau khi có được thông tin đầy đủ theo quy định, mong muốn và sẵn sàng tham gia thỏa thuận mà không bị bất kỳ sự ép buộc về tinh thần hoặc thể chất nào từ bất kỳ ai, bao gồm cả công tố viên hoặc luật sư bào chữa. So với yêu cầu thứ nhất về mặt nhận thức của người bị buộc tội đối với nội dung thỏa thuận, yêu cầu về sự tự nguyện dường như mơ hồ và khó xác định hơn cho các thẩm phán. Vì công tố viên có thẩm quyền truy tố rộng, có thể quyết định truy tố hoặc không truy tố, điều này có thể gây ra sự mất cân bằng giữa hai bên trong thỏa thuận nhận tội, bên bào chữa dường như ở vị thế yếu hơn, có thể bị ảnh hưởng bởi ý kiến hoặc khuyến nghị của công tố viên. Việc xu hướng người bị buộc tội đồng ý tham gia thỏa thuận nhận tội để tránh hình phạt nặng hơn hoặc vì sợ rằng công tố viên sẽ buộc tội anh ta với cáo trạng khác nặng hơn, có thể không bị coi là trái pháp luật để khiến cho thỏa thuận bị vô hiệu, bởi công tố viên có quyền làm điều đó, bản chất của thỏa thuận nhận tội là sự trao đổi giữa người bị buộc tội và công tố viên. Mục đích của người bị buộc tội khi tham gia thỏa thuận nhận tội là để hưởng một bản án khoan hồng và/hoặc tránh (các) tội danh bổ sung. Tuy nhiên, trong vụ Bordenkircher v. Hayes (1978), nhận định của Tòa án đã cho thấy dù phía công tố viên có lợi thế từ thẩm quyền truy tố, nhưng nếu bản cáo trạng của công tố viên được tạo ra không dựa trên cơ sở thực tế mà với mục đích tạo áp lực cho người bị buộc tội chấp nhận thỏa thuận nhận tội, thì hành vi này là vi phạm luật pháp. Do đó, để đảm bảo sự công bằng của thỏa thuận nhận tội, công tố viên cần quyết định tất cả các cáo trạng trước khi thương lượng thỏa thuận nhận tội và thông báo các cáo trạng này ngay từ đầu thay vì vào cuối phiên thương lượng thỏa thuận.
2.3. Thỏa thuận nhận tội dựa trên cơ sở thực tế
Đối với yêu cầu cơ sở thực tế của thỏa thuận nhận tội, thẩm phán cần kiểm tra tính chính xác của thỏa thuận, liệu lời nhận tội của người bị buộc tội có phù hợp với những tình tiết của vụ án hay không. So với yếu tố về sự nhận thức và sự tự nguyện của người bị buộc tội, việc xác định dựa trên các tiêu chuẩn tố tụng cụ thể mà thẩm phán cần tiến hành như trực tiếp tham vấn với người bị buộc tội[7], thì không có tiêu chuẩn tố tụng cụ thể nào cho việc xác định yếu tố về cơ sở thực tế. Trong bình luận về Quy tắc 11, Ủy ban tư vấn đã nêu ra một số phương pháp mà thẩm phán có thể áp dụng để kiểm tra cơ sở thực tế của thỏa thuận nhận tội, đó là thẩm phán có thể trực tiếp hỏi người bị buộc tội và công tố viên hoặc nghiên cứu các báo cáo được trình lên.
3. Những tranh luận xung quanh thỏa thuận nhận tội
3.1. Tính hợp hiến của thỏa thuận nhận tội
Hiến pháp Hoa Kỳ thừa nhận quyền của người bị buộc tội trong quá trình tố tụng hình sự bao gồm quyền được xét xử tại phiên tòa độc lập và công khai, quyền giữ im lặng và quyền chống lại sự tự buộc tội chính mình. Với các quyền này, người bị buộc tội có thể giành cơ hội được tha bổng tại Tòa. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ bị kết án với hình phạt nghiêm khắc. Việc tham gia vào thỏa thuận nhận tội có nghĩa là người bị buộc tội phải từ bỏ các quyền trên. Đây là trung tâm của cuộc tranh luận về tính hợp hiến của thỏa thuận nhận tội. Tuy nhiên, thực tế tại Hoa Kỳ cho thấy rằng thỏa thuận nhận tội không yêu cầu người bị buộc tội từ bỏ ba quyền được bảo vệ bởi Tu chính án Hiến pháp thứ năm và thứ sáu, bao gồm quyền được xét xử bởi một phiên tòa độc lập và công khai, quyền chống lại sự tự buộc tội chính mình và quyền được đối chất với các nhân chứng. Trên thực tế, thực tiễn xét xử của Hoa Kỳ cho thấy Tòa án đã chấp nhận tính hợp hiến của thỏa thuận nhận tội miễn là lời nhận tội do người bị buộc tội đưa ra một cách lý trí và tự nguyện[8]. Với thỏa thuận nhận tội, người bị buộc tội từ bỏ quyền xét xử của mình và nhận tội để nhận được sự đảm bảo gần như chắc chắn của bản án khoan hồng, do đó, một số ý kiến coi thoả thuận này như là phần thưởng cho việc từ bỏ quyền[9], cũng có ý kiến coi đây như một hình thức hợp đồng[10]. Dù là trường hợp nào đi nữa, có thể khá chắc chắn rằng nếu không có sự đảm bảo về giảm hình phạt hay cáo trạng, người bị buộc tội sẽ không nhận tội và từ bỏ các quyền được bảo vệ của họ, mà sẽ tìm cơ hội để được chứng minh vô tội tại phiên tòa. Tuy nhiên, khi tham gia thỏa thuận nhận tội, người bị buộc tội vẫn có thể bảo lưu một số quyền, bao gồm quyền kháng cáo nếu luật sư bào chữa không hỗ trợ một cách hiệu quả, hoặc trong trường hợp công tố viên thực hiện hành vi sai trái, hoặc kết quả tuyên án dựa trên yếu tố chủng tộc hoặc bản án vượt quá khung hình phạt được áp dụng cho tội mà người bị buộc tội đã bị truy tố[11].
3.2. Tính chính xác của thỏa thuận nhận tội
Khả năng kết án người vô tội là một trong những lý do chính để phản đối việc sử dụng thỏa thuận nhận tội. Theo Innocent Project, 15% trong tổng số người bị buộc tội đưa ra lời nhận tội là vô tội. Lý do là vì những người bị buộc tội vô tội này nghĩ rằng rất khó để được chứng minh vô tội tại phiên tòa, họ thậm chí có thể phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc hơn nếu họ bị đưa ra tòa. Riêng đối với người bị buộc tội đã bị tạm giam trước khi xét xử, khả năng nhận tội đối với các tội mà họ không thực hiện cao hơn vì lý do căng thẳng tinh thần vì bị tước đoạt tự do cũng như bị tách khỏi người thân[12]. Trong nhiều trường hợp, bản án của Tòa án đối với những vụ án có thỏa thuận nhận tội có thể không phản ánh các tình tiết của vụ án, hay đáp ứng với các yêu cầu trừng trị tội phạm, hoặc mối quan tâm của xã hội, mà thay vào đó phụ thuộc chủ yếu vào quá trình thương lượng lợi ích giữa bên truy tố và bên bào chữa. Điều này đã làm suy yếu niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp[13]. Sự khác biệt cơ bản giữa một phiên tòa đầy đủ và thỏa thuận nhận tội là nếu như một phiên tòa đầy đủ dựa trên đánh giá bằng chứng khách quan để đưa ra phán quyết về việc có tội hay vô tội của người bị buộc tội và được quyết định bởi một bên thứ ba trung lập (ít nhất là một thẩm phán), thì trong thỏa thuận nhận tội, số phận pháp lý của người bị buộc tội phụ thuộc vào kết quả thương lượng của luật sư bào chữa và công tố viên. Chính vì thương lượng không dựa trên các nguyên tắc suy đoán vô tội và bằng chứng, các nhà phê bình cho rằng phải thận trọng khi áp dụng cơ chế này[14].
3.3. Tính công bằng của thỏa thuận nhận tội
Việc áp dụng biện pháp thương lượng cũng làm tăng mối lo ngại về sự bình đẳng về việc đưa ra hình phạt giữa các vụ sử dụng thỏa thuận nhận tội và những vụ được đưa ra xét xử. Nhưng có quan điểm cho rằng miễn hình phạt được áp dụng tại phiên tòa không quá khắt khe, thì sự chênh lệch có thể chấp nhận được[15]. Theo Thẩm phán Bazelon trong vụ Scott v. United States (1969), sự chênh lệch về bản án giữa hai trường hợp không phải để ngăn cản những người bị buộc tội thực hiện các quyền được xét xử của mình mà là để ngăn chặn những người có ý định đánh cược số phận của mình tại phiên tòa[16].
3.4. Các vấn đề khác
Thành công của thỏa thuận nhận tội có thể làm giảm số lượng các vụ án phải được xử lý thông qua thủ tục tố tụng của Tòa án. Nó cũng làm tăng tỷ lệ kết án, qua đó tác động tiêu cực bởi công dân sẽ bất cẩn hơn trong hành vi của mình vì nghĩ rằng nếu bị bắt và bị truy tố, hành vi của mình sẽ được xử lý nhẹ nhàng hơn chỉ cần nhận tội[17]. Đồng thời, lời nhận tội của người bị buộc tội theo thỏa thuận nhận tội được coi là không mang tính chất hối cải mà chỉ là sự thừa nhận “đạo đức giả”[18] nhằm thoát khỏi quy trình tố tụng nhanh chóng và hình ảnh của hệ thống tư pháp hình sự sẽ bị bóp méo trong mắt chính người bị buộc tội[19]. Một thiếu sót khác của cơ chế thỏa thuận nhận tội là nó có mức độ minh bạch rất thấp. Các cuộc thương lượng giữa các công tố viên và luật sư bào chữa không được thực hiện tại các Tòa án công khai, do một bên trung lập chủ trì và công chúng không có cơ hội giám sát. Thay vào đó, các cuộc thương lượng này có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào và dưới hình thức nào tùy thuộc vào ý chí của hai bên[20]. Sự thiếu vắng một phiên tòa thường làm giảm tính công khai của vụ án và do áp lực, người bị buộc tội có thể muốn tránh lãng phí thời gian bằng cách từ bỏ các quyền được Hiến pháp công nhận của mình. Đồng thời, quyền của công chúng đối với việc chứng kiến công lý được thực thi cũng bị hạn chế[21].
Thỏa thuận nhận tội là cơ chế không thể thiếu trong hệ thống tố tụng hình sự Hoa Kỳ với tư cách là công cụ giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án, giải phóng nguồn lực về tài chính, thời gian và nhân lực cũng như đem lại những lợi ích cho phía người bị buộc tội. Chính vì thế, mặc dù vẫn còn những ý kiến tranh luận xung quanh tính hợp hiến và hợp lý, cơ chế này vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay và chưa có dấu hiệu sẽ suy giảm trong tương lai. Thực tế, với những ưu điểm vượt trội, thỏa thuận nhận tội đã và đang có xu hướng lan rộng ra các quốc gia khác, kể cả với các quốc gia có hệ thống tố tụng thẩm vấn hoặc hệ thống tố tụng hỗn hợp với cơ chế truy tố bắt buộc như Nga, Đức và Ý. Do vậy, Việt Nam cũng nên cân nhắc, nghiên cứu về mô hình thỏa thuận nhận tội của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc lựa chọn áp dụng thỏa thuận nhận tội ở mức độ nào phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa pháp lý và nhu cầu thực tiễn trong nước, việc áp dụng bất kỳ một cơ chế nào từ hệ thống pháp luật nước ngoài cần có thời gian thử nghiệm tính phù hợp và hiệu quả đối với hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia.
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
[1]. Đại học Kiểm sát Hà Nội, Mô hình tố tụng hình sự hợp chủng quốc Hoa Kỳ, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/152, truy cập ngày 08/12/2018.
[2].Vụ Brady v. United States, 397 U.S. 742 (1970).
[3]. Peter Westen and David Westin, A Constitutional Law of Remedies for Broken Plea Bargains, California LawReview 66, no. 3 (May 1978): 471. tr. 539.
[4]. Vụ People v. Kaanehe, 19 Cal.3d 1, 11-12 (1977).
[5]. Buckle and Buckle, tlđd. tr. 15-16.
[6]. Quy tắc 11.b.1 Quy tắc Liên bang về tố tụng hình sự.
[7]. Quy tắc 11.b.1-2 Quy tắc Liên bang về tố tụng hình sự.
[8]. Vụ Boykin v. Alabama, 395 U.S 238 và Vụ McCarthy v. United States, 394 U.S. 459 (1969).
[9]. Richard L. Lippke, To Waive or Not to Waive: The Right to Trial and Plea Bargaining, Criminal Law and Philosophy 2, no. 2 (2008), tr. 181 - 99.
[10]. Robert E. Scott and William J. Stuntz, Plea Bargaining as Contract,The Yale Law Journal101, no. 8 (1992), tr. 1909 - 68.
[11]. Vụ United States v. Marin, 961 F.2d 493, 496 (1992).
[12]. Jeffrey D. Stein, How to Make an Innocent Client Plead Guilty, https://www.washingtonpost.com/opinions/ why-innocent-people-plead-guilty/2018/01/12/e05d262c-b805-11e7-a908-a3470754bbb9_story.html, truy cập ngày 04/3/2019.
[13]. Stephen J. Schulhofer, Plea Bargaining as Disaster, The Yale Law Journal101, no. 8 (1992), tr. 1979 - 2009.
[14]. Gregory M. Gilchrist, Plea Bargains, Convictions and Legitimacy, https://papers.ssrn.com/ abstract=1666856, truy cập ngày 05/3/2019.
[15]. Wayne LaFave et al., Criminal Procedure, Nxb. West Academic, năm 2016. tr. 1198.
[16]. Vincent E. Scott v. United States 419 F.2d 264 (1969).
[17]. William Walker, Alcohol Highway-Traffic Safety Workshop for the Judiciary, Nxb. U.S. Government Printing Office, năm 1974. tr. 72.
[18]. Robert A. KAGAN and Robert A. Kagan, Adversarial Legalism: The American Way of Law, Nxb. Harvard University Press, năm 2009. tr. p84.
[19]. Jacqueline E. Ross and Stephen C. Thaman, Comparative Criminal Procedure, Nxb. Edward Elgar Publishing, năm 2016. tr. 1200.
[20]. Bureau of International Information Programs and United States Department of State, Outline of the U.S Legal System, https://usa.usembassy.de/etexts/gov/outlinelegalsystem.pdf, truy cập ngày 11/3/2019.
[21]. Albert Alschuler, Implementing the Criminal Defendant’s Right to Trial: Alternatives to the Plea Bargaining System, University of Chicago Law Review: No. 50.3, tr. 933.