Ở Việt Nam, tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở tìm hiểu về thực trạng nguồn không khí của tỉnh Thanh Hóa, cụ thể là 02 khu công nghiệp lớn của tỉnh: Khu công nghiệp Bỉm Sơn và Khu kinh tế Nghi Sơn, tác giả bài viết đã đánh giá việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường ở những nơi này, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan dẫn đến những hạn chế, đồng thời, đề ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường trong thời gian tới.
Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quân sự, kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và nhiều tiềm năng phong phú. Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, những năm gần đây, Thanh Hóa đã và đang là một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, song song với sự phát triển về kinh tế, xã hội và đô thị hóa hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do bụi, khí thải đang ngày càng phức tạp, khó quản lý. Các nguồn phát sinh khí thải chủ yếu trên địa bàn tỉnh gồm công nghiệp, giao thông, xây dựng và dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, chôn lấp và xử lý chất thải... Đây là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng, các nhà quản lý tại tỉnh Thanh Hóa.
Tìm hiểu về thực trạng nguồn không khí ở 02 khu công nghiệp lớn của tỉnh là Khu công nghiệp Bỉm Sơn và Khu kinh tế Nghi Sơn cho thấy:
(i) Khu công nghiệp Bỉm Sơn là khu công nghiệp đa ngành. Mỗi ngành sản xuất phát sinh các chất gây ô nhiễm không khí đặc trưng theo từng loại hình công nghệ; do đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, môi trường không khí chủ yếu là bụi đất, cát lơ lửng trong khu vực dự án. Tuy nhiên, các dự án trong khu công nghiệp có lượng phát thải khí thải công nghiệp không lớn và được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Theo kết quả phân tích thông số và nồng độ một số chất gây ô nhiễm trong môi trường không khí xung quanh, môi trường không khí tại khu A, khu công nghiệp Bỉm Sơn, tất cả các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép QCVN 05: 2013/BTNMT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh) và QCVN 26:2010/BTNMT (quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn). Tại khu B, tất cả các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép QCVN 05: 2013/BTNMT và QCVN 26: 2010/BTNMT[1].
(ii) Khu kinh tế Nghi Sơn: Hiện nay, tại khu kinh tế Nghi Sơn có các dự án thuộc đối tượng phát thải khí thải lớn phải lắp đặt quan trắc online theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh, nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường. Lưu lượng khí thải phát sinh tại các dự án tương đối lớn, dao động từ 8.340 ÷ 2.300.000 m3 khí/giờ. Tất cả các dự án đều bị đầy đủ hệ thống thiết bị xử lý bụi, khí thải theo đúng quy định và đang hoàn thiện việc đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc online theo quy định. Tuy nhiên, việc kết nối kết quả quan trắc khí thải, nước thải tự động liên tục vẫn chưa được kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường do chưa xây dựng và lắp đặt trang thiết bị tiếp nhận. Theo kết quả quan trắc môi trường không khí tại ống khói của các nhà máy, các chỉ tiêu phân phân tích đều đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đó là QCVN 19: 2009/BTNMT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ) hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của ngành. Qua tìm hiểu đồ thị biến thiên các thành phần ô nhiễm trong khí thải tại nhà máy điển hình cho các hoạt động sản xuất tại Khu kinh tế Nghi Sơn bao gồm nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu Long Hải, Nhà máy sản xuất giày ANNORA[2], kết quả biểu diễn trên đồ thị cho thấy, các dự án nghiêm túc vận hành hệ thống xử lý khí thải, nồng độ các chất ô nhiễm đặc trưng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn QCVN 19: 2009/BTNMT.
Như vậy, trong những năm qua việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường ở một số khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các tác động về mặt xã hội từ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhận thức về môi trường của các doanh nghiệp được nâng cao, ý thức bảo vệ môi trường đang dần trở thành thói quen, nhiệm vụ thường xuyên của các doanh nghiệp. Bước đầu các khu công nghiệp đã hạn chế được một phần mức độ gia tăng ô nhiễm, chú trọng khắc phục suy thoái, phục hồi môi trường. Điều kiện vệ sinh môi trường trong các khu công nghiệp đang từng bước được cải thiện, người dân sống quanh khu công nghiệp có điều kiện môi trường ngày càng tốt hơn. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tích cực đầu tư sản xuất, đổi mới trang thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường đối với nguồn không khí trong một số khu công nghiệp ở Thanh Hóa hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện do những nguyên nhân chủ quan và khách quan như: (i) Việc triển khai những quy định của pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường còn chưa thường xuyên, chỉ đạo tập trung cao khi có kế hoạch chỉ đạo sơ kết, tổng kết và thời gian sau đó thì ít kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở. (ii) Pháp luật bảo vệ môi trường thường xuyên thay đổi, song các doanh nghiệp ít tìm hiểu, thiếu chủ động mà hầu như khi có sự đôn đốc nhắc nhở của các cơ quan chức năng mới thực hiện. (iii) Việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường của các chủ thể thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường; cấp uỷ Đảng, chính quyền; đội ngũ cán bộ, công chức đã nhận thức tương đối đầy đủ về việc bảo vệ môi trường và quán triệt nội dung bảo vệ môi trường, nhưng chưa thực sự có “tâm huyết” đến cùng trong thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. (iv) Việc thông tin đến được với các doanh nghiệp hầu như chỉ một chiều, khi các doanh nghiệp thắc mắc thì cán bộ, công chức mới giải đáp. (v) Cán bộ, công chức làm công tác quản lý môi trường chưa thực sự chủ động đến với doanh nghiệp, chưa thực sự coi doanh nghiệp như “khách hàng” của mình để có tinh thần thái độ phục vụ tốt nhất.
Để thực hiện tốt pháp luật bảo vệ môi trường đối với nguồn không khí ở các khu công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu, thực hiện tốt các giải pháp như:
Một là, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và nâng cao năng lực công tác cho cán bộ quản lý môi trường trong các khu công nghiệp
Hiện nay, cán bộ Phòng Quản lý môi trường thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đều có trình độ từ đại học trở lên và được đào tạo về chuyên ngành môi trường hoặc có liên quan đến vấn đề môi trường. Về cơ bản đã đáp ứng được yêu về công tác quản lý môi trường trong các khu công nghiệp, tuy nhiên với số lượng ít so với yêu cầu thực tế đặt ra. Để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường thì trong thời gian tới Ban Quản lý các khu công nghiệp cần xem xét, tăng cường đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý việc thực hiện pháp luật môi trường trong các khu công nghiệp.
Hai là, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các khu công nghiệp
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc quản lý môi trường trong các khu công nghiệp cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật. Việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp của các doanh nghiệp phần lớn còn chưa chấp hành nghiêm túc, vẫn còn tình trạng cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi mong muốn của mình gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động kiểm tra cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục để các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoàn thiện những quy định pháp luật, kịp thời sửa chữa, bổ sung và đưa ra những biện pháp, cách thức quản lý về môi trường phù hợp, đồng thời, có thể phát hiện ra những yếu kém, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường đối với nguồn không khí trong các khu công nghiệp từ đó có những biện pháp nhằm bảo đảm sự tôn trọng và thực hiện pháp luật của các chủ thể thực hiện pháp luật.
Ba là, nâng cao nhận thức của các chủ thể thực hiện pháp luật về vai trò, tầm quan trọng của pháp luật bảo vệ môi trường đối với nguồn không khí trong các khu công nghiệp
Hiện nay, mặc dù ý thức bảo vệ môi trường của các chủ thể đã được nâng lên nhưng việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường chưa thực sự đầy đủ, nghiêm túc. Do đó, phải tiếp tục nâng cao ý thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tới các cấp ủy đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan nhà nước các cấp về bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để các chủ thể có được tương đối đầy đủ thông tin về môi trường, pháp luật về môi trường từ đó chủ động trong việc phòng ngừa ô nhiễm và xử lý ô nhiễm trong quá trình sản xuất.
Bốn là, tăng cường sự hợp tác quốc tế về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường đối với nguồn không khí trong các khu công nghiệp
Cần có chính sách phù hợp hơn nữa để tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật chuyên môn công nghệ và trình độ quản lý về môi trường của các nước, các tổ chức quốc tế. Có thể gửi cán bộ, công chức đi đào tạo ở các nước về chuyên ngành môi trường, pháp luật môi trường để có những chuyên gia về môi trường phục vụ cho công tác quản lý môi trường trong các khu công nghiệp ở địa phương được tốt hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, bởi lẽ ngân sách chi cho hoạt động bảo vệ môi trường trong quản lý nhà nước còn hạn chế. Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế để tăng nguồn ngân sách cho bảo vệ môi trường theo nguyên tắc phát triển kinh tế - xã hội đến đâu phải gắn liền với bảo vệ môi trường đến đó, thể hiện trong các khoản thu hợp lý cho bảo vệ môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
[1]. Phân tích dựa trên các số liệu của Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, Báo cáo Quan trắc chất lượng môi trường các đợt năm 2018.
[2]. Nguồn: Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, Báo cáo Quan trắc chất lượng môi trường các đợt năm 2018.