Tỷ trọng thu ngân sách của thuế TNCN chiếm rất cao từ 30 - 40%, thậm chí trên 50% tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Canada, Australia, New Zealand; các nước đang phát triển chiếm từ 15 - 30% như Thái Lan, Malaysia, Philipine. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta chủ trương áp dụng thuế TNCN thống nhất và thuận lợi cho mọi đối tượng chịu thuế, bảo đảm công bằng xã hội và tạo động lực phát triển. Xuất phát từ chủ trương đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam được Quốc hội ban hành từ năm 2007 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009), đóng một vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), tuy nhiên, tỷ trọng thuế TNCN còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng thu NSNN. Thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, Ngành Thuế đã và đang thực hiện kế hoạch cải cách hệ thống thuế nhằm tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế, kiện toàn bộ phận quản lý các khoản thu về thuế, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuế, cải cách thủ tục đăng ký, kê khai, nộp thuế... Tuy nhiên, cơ chế quản lý thuế vẫn được đánh giá còn một số bất cập, hiệu quả quản lý thuế chưa cao, chưa được cải cách kịp thời: Cơ chế kê khai thu nhập chưa được áp dụng rộng rãi để bổ sung cho cơ chế khấu trừ tại nguồn, cơ quan thuế chưa thực hiện tốt quyết toán thuế cho từng đối tượng nộp thuế, chưa kiểm soát tốt tình trạng trốn thuế, lách thuế đối với một số đối tượng, chưa tạo được sự thuận lợi cho người nộp thuế... kéo theo hệ lụy chưa đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng nộp thuế và làm thất thu cho NSNN.
1. Thành tựu trong thực thi pháp luật thuế thu nhập cá nhân ở thành phố Cần Thơ
Thực hiện các quy định của pháp luật về thuế TNCN, thành phố Cần Thơ tích cực trong chỉ đạo, điều hành các đơn vị trực thuộc về thu ngân sách và chống thất thu thuế. Tính từ năm 2009, thuế TNCN chiếm tỷ lệ 5,62% trong tổng thu ngân sách của thành phố Cần Thơ, bằng 215,55 % so cùng kỳ năm 2008; kế đến năm 2010 là 6,31%; năm 2011 là 7,72%; năm 2012 là 7,51%…; đến năm 2015 thuế TNCN chiếm tỷ lệ 6,67%, tăng 25,15% so cùng kỳ năm 2014. Như vậy, tỷ trọng thuế thu nhập từ năm 2009 đến năm 2015 có xu hướng tăng trong tổng thu ngân sách, thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của thuế thu nhập cá nhân đối với NSNN tại địa phương.
Theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập: Thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế; thu nhập từ nhận quà tặng. Trong 10 loại thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật, thì thuế TNCN từ tiền lương, tiền công ở thành phố Cần Thơ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số thuế TNCN; thứ hai là thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản; thứ ba là thuế TNCN từ sản xuất, kinh doanh và thứ tư là thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng. Với kết quả thu thuế như trên, cho thấy cơ quan thuế các cấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã tuân thủ các quy định của pháp luật thuế TNCN, phương pháp thực hiện hợp lý; đối tượng nộp thuế ý thức nghĩa vụ của mình trong việc nộp thuế TNCN để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
2. Những khó khăn trong thực thi pháp luật thuế thu nhập cá nhân ở thành phố Cần Thơ
Việc thực hiện các quy định của pháp luật thuế TNCN đối với người lao động hành nghề tự do như giảng dạy, bác sỹ khám bệnh ngoài giờ, luật sư, môi giới... chưa được cơ quan thuế quản lý đầy đủ. Theo quy định của pháp luật, đối với các khoản thu nhập này thì phải kê khai để tính tổng thu nhập, từ đó xác định mức thuế thu nhập phải nộp, nhưng trong thực tế các đối tượng này chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật đăng ký, chưa tự giác kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân. Cục Thuế thành phố Cần Thơ chưa thực hiện giám sát các hoạt động này một cách chặt chẽ, chỉ chờ việc tự giác khấu trừ thuế của các tổ chức chi trả thu nhập cũng như tự kê khai của cá nhân. Từ đó, số thuế thu được trong thời gian qua vẫn chưa đủ, dẫn đến thất thu thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, ngoài việc rất nhiều đối tượng phải nộp thuế bị bỏ sót thì ngay cả trong những người nộp thuế thu nhập cũng chưa khai báo trung thực số thu nhập thực tế mà họ nhận được. Bằng nhiều cách khác nhau người nộp thuế thu nhập cá nhân tìm cách khai báo giảm thu nhập trong khi cơ quan thuế vẫn còn lúng túng trong việc thẩm tra mức độ chính xác của việc kê khai.
Đối với các cá nhân làm việc trong các đơn vị sản xuất kinh doanh có đăng ký kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân cho lao động của cơ sở mình, thì cơ quan thuế cũng chưa kiểm tra được mà chủ yếu vẫn dựa vào kê khai của tổ chức chi trả thu nhập. Điều này tạo nên sự mất công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân
- Hoàn thiện công tác quản lý thu nhập dân cư
Đây là yếu tố quyết định hiệu quả việc thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Ở các nước phát triển, mọi giao dịch kinh tế phát sinh trong xã hội đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, thì vấn đề kiểm soát thu nhập dân cư thuận lợi, dễ dàng, nhưng đối với Việt Nam, khi giao dịch tiền mặt còn phổ biến thì đây là một thách thức. Để kiểm soát được thu nhập dân cư, cơ quan thuế căn cứ vào những thông tin, dữ liệu được cung cấp bởi các cơ quan chi trả thu nhập; căn cứ vào thông tin từ các tổ chức, đơn vị có quan hệ kinh tế với các cá nhân để khai thác các nguồn thu nhập; dựa vào hệ thống chính trị ở cơ sở bao gồm chính quyền và hội đồng tư vấn thuế phường, xã để có được những thông tin về thu nhập của cá nhân.
- Hoàn thiện về quản lý thu nhập của cá nhân kinh doanh
Biện pháp tối ưu hàng đầu của Ngành Thuế là tận dụng triệt để và phát huy những kinh nghiệm tốt trong quá trình quản lý hộ kinh doanh đã đúc kết; đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thuế nói chung và cán bộ ở các đội thuế phường, xã trực tiếp quản lý hộ kinh doanh nói riêng. Để đảm bảo quản lý sát doanh số, chi phí và thu nhập của cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ các đơn vị kinh tế có quan hệ với các hộ kinh doanh, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ hơn nữa với hội đồng tư vấn thuế phường, xã, bởi đây là tổ chức gần dân và sát dân nhất, sẽ hỗ trợ tích cực cho Ngành Thuế trong việc quản lý đối tượng này. Thông qua hệ thống dịch vụ hỗ trợ, cơ quan thuế cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời hướng dẫn các thủ tục cũng như giải đáp nhanh những khó khăn, vướng mắc, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người nộp thuế TNCN thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Bên cạnh đó, cơ quan thuế tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp cố tình vi phạm về khai thuế TNCN để xử lý theo luật định.
- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế thu nhập cá nhân trong nhân dân
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế TNCN trong nhân dân, trước tiên phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tuyên truyền là một biện pháp quan trọng để vận động quần chúng, là một hình thái của công tác tư tưởng. Công tác thuế ở nước ta có đặc thù riêng, nó không đơn thuần là việc thực thi các luật, pháp lệnh thuế mà còn là công tác vận động quần chúng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào cho người chịu thuế, thực chất là đông đảo các tầng lớp dân cư hiểu rõ bản chất của thuế trong chế độ ta, quyền lợi của họ khi đóng thuế, sự khác nhau cơ bản giữa chế độ sưu thuế của chế độ cũ với thuế hiện nay, tại sao cần phải nộp thuế, mục đích của thuế là gì... khi họ đã hiểu rõ, nhận thức ra thì họ sẽ tự giác chấp hành. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế nói chung, trong đó có thuế TNCN, Ngành Thuế nên phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông đại chúng như báo, đài, tạp chí, Đài phát thanh, Đài truyền hình... trong việc phổ biến, giải thích các chính sách, pháp luật về thuế TNCN cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi đối tượng nộp thuế... các luật, nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật khác về thuế được Nhà nước ban hành, đều được đăng tải trên báo chí, trên truyền hình một cách kịp thời, rộng rãi. Từ đó, các chủ trương chính sách của Nhà nước về thuế TNCN đều đến với nhân dân, tăng thêm hiểu biết của họ. Đồng thời, cũng thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng, các đối tượng chịu thuế TNCN tham gia ý kiến về các chính sách thuế của Nhà nước.
Tóm lại, việc thực thi pháp luật thuế TNCN ở thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, nhưng vẫn còn những khó khăn. Để thực hiện tốt hơn nữa pháp luật về thuế TNCN, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các chính sách pháp luật về thuế TNCN; đồng thời, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp, sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sẽ thúc đẩy việc thực thi pháp luật thuế TNCN tốt hơn, nhằm tăng thu cho NSNN để Nhà nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Nguyên Phó Viện trưởng phụ trách viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ
Tài liệu tham khảo:
Cục thuế thành phố Cần Thơ, Báo cáo tổng kết thuế từ năm 2007 - 2015.
Nguyễn Thị Mỹ Linh và Phan Thị Cúc (2008), “Suy nghĩ về cách thu thuế thu nhập cá nhân”, Tạp chí Thương mại.
Văn phòng Quốc hội - Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học (2006), “Chuyên đề Thuế thu nhập cá nhân - những mục tiêu cơ bản và kinh nghiệm một số nước