1. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1.1. Khái niệm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Bộ luật Hình sự năm 2015 không nêu khái niệm mà sử dụng phương pháp liệt kê các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51. Dưới góc độ khoa học pháp lý, theo cách hiểu đơn giản và chung nhất được thừa nhận phổ biến hiện nay thì các tình tiết giảm nhẹ TNHS là những tình tiết làm cho tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm giảm đi so với trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ TNHS. Hậu quả pháp lý là người phạm tội có các tình tiết giảm nhẹ sẽ được giảm mức hình phạt trong phạm vi một khung hình phạt nhất định hoặc áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt[3].
1.2. Đặc điểm, ý nghĩa của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1.2.1. Đặc điểm của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Căn cứ vào các quy định của pháp luật, tình tiết giảm nhẹ TNHS mang các đặc điểm chính sau:
Thứ nhất, các tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy, các tình tiết giảm nhẹ TNHS phải được luật định. Tòa án có thể tự mình xem xét, cân nhắc coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ TNHS và ghi rõ lý do trong bản án, tuy nhiên, Tòa án không được tùy tiện áp dụng mà các tình tiết này phải có trong văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Thứ hai, các tình tiết giảm nhẹ TNHS là một trong căn cứ để Tòa án cân nhắc, xem xét khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo hướng nhẹ hơn.
Thứ ba, các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc về thân nhân người phạm tội chỉ có ý nghĩa giảm nhẹ đối với cá nhân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ thuộc về người nào chỉ có người đó mới được giảm nhẹ TNHS.
Thứ tư, các tình tiết giảm nhẹ là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 khi quyết định hình phạt.
1.2.2. Ý nghĩa các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Tình tiết giảm nhẹ TNHS là cơ sở pháp lý phân hóa và cá thể hóa TNHS để áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý hình sự đối với người phạm tội, bảo đảm cho việc Tòa án ra một phán quyết có căn cứ, công bằng, nhân đạo, đủ sức răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung, cải tạo người phạm tội trở thành công dân tốt có ích cho gia đình và xã hội.
Là một trong các tình tiết giảm nhẹ TNHS, “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” mang những đặc điểm chung nói trên, do đó, để vận dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS được chính xác, cần có nhận thức đúng về mặt lý luận. Tuy nhiên, khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử bên cạnh các vấn đề lý luận, cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, các văn bản hướng dẫn pháp luật để việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
2. Thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự
2.1. Phạm tội lần đầu
“Phạm tội lần đầu” được quy định chính thức trong văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP) hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo đó: “Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Trước đó chưa phạm tội lần nào; b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”[4].
Ngoài quy định tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP, trước đó, trong Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao (Giải đáp nghiệp vụ số 01) khi giải đáp về tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” có hướng dẫn về tình tiết phạm tội lần đầu như sau: “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”[5].
Như vậy, cả hai hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao trong Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP và Giải đáp nghiệp vụ số 01 đều có những quy định giống nhau về phạm tội lần đầu là trước đó chưa phạm tội lần nào.
Bên cạnh những điểm giống nhau, còn những quy định khác nhau trong hai hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể, đối với các trường hợp như đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP có thể xem xét là “phạm tội lần đầu”. Trong khi đó, Giải đáp nghiệp vụ số 01 không coi các trường hợp này là “phạm tội lần đầu”. Đây là nội dung chưa thống nhất và có những quan điểm khác nhau khi áp dụng trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Có quan điểm cho rằng, các quy định tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn tình tiết “phạm tội lần đầu” có thể áp dụng chung đối với tất cả các quy định về phạm tội lần đầu trong Bộ luật Hình sự năm 2015, kể cả quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quan điểm khác lại cho rằng, Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP chỉ hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu” tại điểm a khoản 1 Điều 66 và điểm a khoản 1 Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện nên đối với các quy định về “phạm tội lần đầu” tại điểm i khoản 1 Điều 51 hay khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 không bắt buộc phải áp dụng.
Theo tác giả, quan điểm thứ hai có tính thuyết phục hơn, cả về mặt lý luận và căn cứ pháp lý, bởi:
Thứ nhất, Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP có quy định rõ “được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau”, cụm từ “có thể xem xét” nghĩa là không bắt buộc áp dụng tất cả các trường hợp “phạm tội lần đầu” quy định tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP cho các quy định khác về “phạm tội lần đầu” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 như tại điểm i khoản 1 Điều 51 hay khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thứ hai, phạm vi áp dụng Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP chỉ đối với người chấp hành hình phạt tù được tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định tại Điều 66 và Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, các trường hợp “phạm tội lần đầu” trong tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ có sự mở rộng hơn so với các trường hợp “phạm tội lần đầu” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều này hoàn toàn phù hợp chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam.
Thứ ba, đối với trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích có được coi là phạm tội lần đầu tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không? Tác giả cho rằng, các trường hợp trên không được coi là “phạm tội lần đầu” tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 dựa trên căn cứ sau: Để xác định có “phạm tội lần đầu” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, cần phải làm rõ phạm tội là gì. Bộ luật Hình sự năm 2015 không đưa ra khái niệm phạm tội, tuy nhiên, căn cứ vào Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về khái niệm tội phạm thì “1.Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự; 2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”[6].
Như vậy, có thể hiểu, phạm tội là hành vi xâm phạm đến các quan hệ xã hội nói trên được pháp luật hình sự bảo vệ và bị xử lý hình sự. Xử lý hình sự hay còn gọi là truy cứu TNHS là một dạng của trách nhiệm pháp lý và được thể hiện bằng việc người phạm tội bị áp dụng một hoặc nhiều các biện pháp cưỡng chế hình sự khác nhau của Nhà nước do luật hình sự quy định[7] như các hình phạt, các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp giám sát, giáo dục.
Những trường hợp mà hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và xử lý bằng các biện pháp khác như: Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự được quy định tại Chương IV Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sự kiện bất ngờ - Điều 20; Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự - Điều 21; Phòng vệ chính đáng - khoản 1 Điều 22; Tình thế cấp thiết - khoản 1 Điều 23; Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội - khoản 1 Điều 24; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ - khoản 1 Điều 25; Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên - khoản 1 Điều 26) và các trường hợp xử lý bằng các biện pháp khác như: Xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, xử lý bằng quan hệ pháp luật dân sự (Hành vi không cấu thành tội phạm - khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự - khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Miễn trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn truy cứu TNHS nghĩa là người phạm tội không phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt nhưng có thể bị áp dụng một số biện pháp cưỡng chế về hình sự khác như một số biện pháp tư pháp; biện pháp giám sát, giáo dục trong những trường hợp nhất định. Các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại các điều 16, 29, 91, khoản 4 Điều 110, khoản 7 Điều 364 và khoản 2 Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc miễn trách nhiệm hình sự có thể do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án áp dụng tùy theo từng giai đoạn của vụ án[8].
Biện pháp tư pháp là biện pháp có tính cưỡng chế do Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, được áp dụng đối với người phạm tội hoặc người có hành vi nguy hiểm cho xã hội khi không có năng lực trách nhiệm hình sự. Biện pháp tư pháp có tác dụng hỗ trợ thay thế hình phạt hoặc là biện pháp có tính chất phòng ngừa, ngăn ngừa hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể tiếp tục xảy ra[9]. Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ (Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Trường hợp được coi là không có án tích theo khoản 2 Điều 69, khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015. Án tích là đặc điểm xấu (hậu quả) về nhân thân của người phạm tội đã bị kết án và áp dụng hình phạt được ghi, lưu lại trong lý lịch tư pháp trong thời gian luật định. Án tích chỉ đặt ra khi một người vi phạm pháp luật hình sự, có bản án về tội phạm mà mình thực hiện[10]. Những trường hợp được coi không có án tích có thể hiểu là được xóa án tích ngay sau khi tuyên án kết tội.
Như vậy, các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, trường hợp được coi là không có án tích đã thực hiện hành vi phạm tội và bị xử lý hình sự bằng một trong các biện pháp cưỡng chế hình sự nên lần phạm tội sau đối với các trường hợp này không thể coi là “phạm tội lần đầu”.
2.2. Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng
Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hiện có rất nhiều quan điểm khác nhau, trong bài viết, tác giả trích dẫn hai quan điểm phổ biến nhất khi áp dụng tình tiết này trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất, “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến ba năm tù (tội ít nghiêm trọng điểm a khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm. Quan điểm này cũng được khẳng định trong Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01[11].
Quan điểm thứ hai, “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” chỉ áp dụng đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng được quy định điểm a khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tác giả thấy rằng, quan điểm trong giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01 là có căn cứ và phù hợp quy định của pháp luật vì tình tiết của điều luật có quy định phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng chứ không quy định là phạm tội ít nghiêm trọng nên không chỉ áp dụng đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng mà còn áp dụng đối với loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong những trường hợp nhất định như trường hợp người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong các vụ án có đồng phạm.
Thực tiễn xét xử khi áp dụng tình tiết “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” hầu hết các Tòa án chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng tức là tội mà họ bị truy tố, xét xử có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù, rất ít trường hợp Tòa án áp dụng đối với những tội nghiêm trọng, chưa có trường hợp nào Tòa án áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng[12]. Điều này thể hiện sự thận trọng của cơ quan tố tụng áp dụng tình tiết này khi chưa có văn bản áp dụng pháp luật hướng dẫn chính thức.
Khi áp dụng tình tiết “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 cần phân biệt với tình tiết định khung giảm nhẹ “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” trong một số tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Khoản 2 Điều 110 - Tội gián điệp quy định phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm; khoản 2 Điều 114 - Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm; khoản 2 Điều 115 - Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội quy định phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm…
Đối với tình tiết “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 có phạm vi áp dụng rộng hơn nhưng không tồn tại độc lập mà gắn liền với tình tiết “phạm tội lần đầu” thiếu một trong hai điều kiện cần và đủ này thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS. Đối với trường hợp giảm nhẹ, “phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng” là dấu hiệu định khung giảm nhẹ thuộc nhóm tội xâm phạm về an ninh quốc gia kể trên khi áp dụng tình tiết này phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và loại tội phạm mà người phạm tội thực hiện[13].
3. Một số kiến nghị áp dụng thống nhất tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự
Một là, trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, cán bộ làm công tác tư pháp cần nhận thức đúng quy định “phạm tội lần đầu” thuộc tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Có thể tham khảo quy định về “phạm tội lần đầu” trong Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP nhưng phải có sự thận trọng để bảo đảm tính chính xác và có căn cứ khi áp dụng.
Hai là, sửa đổi, bổ sung lại quy định về “phạm tội lần đầu” trong Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP để tình tiết “phạm tội lần đầu” không chỉ được áp dụng đối với trường hợp tha tù trước thời hạn có điều kiện mà còn được áp dụng đối với các quy định khác về “phạm tội lần đầu” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 như quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 hay khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ba là, áp dụng tình tiết “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” trong các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Hiện nay, trong Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01 chỉ hướng dẫn chung 01 trường hợp được áp dụng là “người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm”. Do đó, cần có hướng dẫn chi tiết hơn về phạm vi áp dụng (chỉ áp dụng đối với các vụ án đồng phạm hay đối với cả các vụ án không có đồng phạm) và tiêu chí để xác định người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án đồng phạm (đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về hành vi và hậu quả do hành vi của các đồng phạm khác gây ra, trừ trường hợp hành vi vượt quá của người thực hành và trường hợp đồng phạm có tổ chức có sự cấu kết, phân công chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện hành vi phạm tội nên rất khó xác định người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án đồng phạm).
Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 1
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Thủy Tiên, Miễn trách nhiệm hình sự là gì ? Miễn hình phạt là gì?, https://luatminhkhue.vn/mien-trach-nhiem-hinh-su-la-gi---mien-hinh-phat-la-gi--.aspx.