Abstract: As a group of vulnerable subjects of rights in the society, especially personal rights, such people group needs a special concern in the planning and implementing law policy. This article contributes to point out limitations, inadequacies from the real situation of protection of personal rights of this group within some typical subjects.
Theo pháp luật quốc tế về quyền con người, nhóm người dễ bị tổn thương bao gồm: Phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người sống chung với HIV, người di tản hoặc người tìm kiếm nơi lánh nạn, người không quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…), người bản địa, nạn nhân chiến tranh, những người bị tước tự do…[1]. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất chú trọng tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, đặc biệt, có nhiều chính sách quan tâm đến nhóm người dễ bị tổn thương.
1. Những thành tựu đáng ghi nhận
Thứ nhất, bảo vệ quyền nhân thân đối với trẻ em. Nhà nước Việt Nam luôn cam kết bảo vệ các quyền và lợi ích của trẻ em và tạo mọi điều kiện để trẻ em được thực thi đầy đủ các quyền của mình trong đó có nhóm quyền nhân thân, thể hiện trước hết qua các quy định của Hiến pháp (Điều 65) và một số văn bản pháp luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Bình đẳng giới, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Tương trợ tư pháp. Đặc biệt, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em) đã cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của Công ước quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc không phân biệt đối xử và vì lợi ích tốt nhất của trẻ; trao cho trẻ em nhiều quyền hơn[2], đồng thời, đã và đang xây dựng được hệ thống các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em bao gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Hệ thống tổ chức của các cơ quan này được thiết lập và phát triển ở tất cả các cấp trong toàn quốc.
Thứ hai, bảo vệ quyền nhân thân đối với phụ nữ. Một trong những cam kết quan trọng và hành động thực chất của Việt Nam trong thời gian qua đó là cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, coi đó là một công cụ quan trọng để tiến tới công bằng và phát triển bền vững. Quan điểm này được thể hiện trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều văn bản pháp luật khác về bình đẳng giới. Việt Nam đang tích cực triển khai trên toàn quốc Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, nhiều chỉ tiêu đã đạt so với kế hoạch đặt ra. Quan điểm giới cũng được lồng ghép vào nhiều văn bản quốc gia quan trọng như Chiến lược tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, các chiến lược phát triển ngành... Hiện Việt Nam đang nỗ lực thực thi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Việc hành động thực chất và quyết liệt của Nhà nước Việt Nam trong việc bình đẳng giới đối với phụ nữ đã tạo động lực để nhóm này tham gia, phát huy năng lực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Phụ nữ hiện nay đã có vị thế nhất định, có tiếng nói, được tham gia vào nhiều công việc quan trọng...
Thứ ba, bảo vệ quyền nhân thân đối với nhóm dân tộc thiểu số. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân tộc là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Nguyên tắc này được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật như: Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Thanh niên, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em), Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Dạy nghề... Việc xây dựng hệ thống pháp luật này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền nhân thân của nhóm yếu thế này trong xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ quan, tổ chức tham mưu và giúp thực hiện các quyền nhân thân của người dân tộc thiểu số bao gồm Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Tư vấn dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với phạm vi hoạt động ở tất cả các cấp trong toàn quốc.
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được quan tâm giữ gìn và phát triển. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hóa vô giá của đồng bào dân tộc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số đang được chú ý bảo tồn và ngày càng được sử dụng phổ biến hơn. Việt Nam có 30 dân tộc có chữ viết. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 08 bộ giáo trình cho 08 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Khơ-me, Chăm, Hoa, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Thái và Mông), chính thức đưa vào dạy trong các trường tiểu học và trường phổ thông dân tộc ở 25 tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao. Đài Truyền hình Việt Nam đã phát kênh VTV5 bằng 10 thứ tiếng dân tộc; Đài Tiếng nói Việt Nam đã tăng thời lượng phát sóng và sản xuất hơn 4.000 chương trình đặc biệt phát bằng 13 thứ tiếng dân tộc, giúp đồng bào dân tộc tiếp cận thông tin tốt hơn, thông qua đó, việc bảo vệ quyền nhân thân của họ cũng được bảo đảm hơn.
Thứ tư, bảo vệ quyền nhân thân với nhóm người khuyết tật. Hiện nay, Việt Nam có hơn 8 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,8% dân số[3]. Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Quan điểm này phản ánh quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong một số văn bản luật quan trọng như: Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em), Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Công nghệ thông tin, Luật Người khuyết tật... Nhiều người khuyết tật nặng, thương binh, bệnh binh, người bị di chứng chất độc da cam, trong đó có trẻ em, được Nhà nước trợ cấp và nuôi dưỡng. Mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã được thiết lập từ trung ương đến cơ sở. Trong 10 năm qua, trên 300.000 người, trong đó có hàng chục ngàn trẻ em, được chỉnh hình phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí, được cung cấp phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe đẩy; hàng trăm nghìn người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Việt Nam đang xây dựng mô hình giáo dục hòa nhập, chuyển đổi và thẩm định sách giáo khoa chữ phẳng sang chữ nổi Braille, xây dựng hệ thống ngôn ngữ ký hiệu, thống nhất hệ thống chữ cho người mù. Hàng năm, số trẻ khuyết tật đi học ở bậc trung học và bậc đại học đều tăng, nhiều học sinh khuyết tật đạt kết quả cao trong học tập. Cho đến nay có khoảng 100 cơ sở hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật và có khoảng 35.000 người khuyết tật được học nghề. Các công trình xây dựng công cộng, giao thông, văn hóa, thể dục thể thao đã được xây dựng, cải tạo để phù hợp hơn với chuẩn của người khuyết tật...
Thứ năm, bảo vệ quyền nhân thân với nhóm người lao động di trú. Lao động di trú là người lao động nước ngoài vào Việt Nam vì mục đích làm việc, kiếm thu nhập, đảm bảo “sinh kế” của họ và gia đình. Việc bảo vệ quyền nhân thân của nhóm người lao động di trú này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu lao động các quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế mà cụ thể những quyền nhân thân “sát sườn” nhất đối với nhóm lao động này đó là quyền được làm việc, lao động, sáng tạo; quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm cũng như được bảo vệ quyền cơ bản khác của con người bình đẳng giữa các quốc gia. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã xây dựng được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để hỗ trợ, bảo vệ quyền nhân thân cho nhóm lao động di trú này thông qua quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, các quy chế bảo vệ công dân qua con đường ngoại giao, lãnh sự... Người lao động di trú được quyền tự do làm việc tại Việt Nam trên cơ sở nhu cầu sử dụng lao động từ người sử dụng lao động hoặc thông qua các dự án thầu có sử dụng lao động di trú[4], không có sự phân biệt đối xử trong quá trình làm việc, được trả lương bình đẳng và bảo đảm thu nhập như lao động Việt Nam, được tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là được tham gia đầy đủ các chế độ bảo đảm về cả vật chất và tinh thần cũng như quyền nhân thân của lao động di trú được ghi nhận.
Thứ sáu, bảo vệ quyền nhân thân với nhóm người sống chung với HIV/AIDS. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền nhân thân của nhóm này, như nghiêm cấm thái độ và hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào với người mắc HIV/AIDS. Điều 4 Luật Phòng, chống HIV/AIDS ghi “quyền được học văn hóa, học nghề, làm việc”, tương ứng với quyền về lao động việc làm và quyền bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục. Quyền này cũng ghi rõ trong Điều 59 và Điều 55 của Hiến pháp năm 2013. Những người có HIV/AIDS rất cần được sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Nếu bị kỳ thị và phân biệt đối xử, họ gần như mất chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần, làm họ mất hết lòng tự tin và như bị dồn vào ngõ cụt. Ngay cả những đứa trẻ vô tội, ngây thơ cũng trở thành nạn nhân của sự kỳ thị và phân biệt của thế giới người lớn. Sau gần 30 năm thực thi các chính sách, cơ chế ưu tiên, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giảm số lượng người nhiễm mới, kéo dài thời gian sống cho người bệnh, xóa bỏ định kiến xã hội về HIV/AIDS, tăng cường phổ biến kiến thức về HIV/AIDS và phòng, chống HIV/AIDS tới cộng đồng dân cư, góp phần đẩy lùi tác động tiêu cực của HIV/AIDS lên cộng đồng, giảm nguy cơ tổn thương xã hội cho người bệnh cũng chính là tổn thương quyền nhân thân của họ[5].
2. Những vấn đề còn tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc bảo vệ quyền nhân thân của nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, thời gian qua vẫn còn có một số hạn chế nhất định sau đây:
Một là, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục và bị ngược đãi trong thời gian qua trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, cả nước có khoảng trên 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. Bên cạnh đó là tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo hành ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần và sự phát triển của trẻ. Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung. Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng. Nhiều vụ việc để kéo dài nhiều năm, khi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận. Mặt khác, đa số các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực, xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện chỉ là một phần nhỏ so với thực tế[6]… Hiện tại, việc giao chức năng quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em cho hai Bộ khác nhau quản lý không kèm theo các giải pháp hữu hiệu và khả thi nên các hoạt động trong hai lĩnh vực gia đình và trẻ em không được tiến hành đồng bộ, nên chưa phát huy được hiệu quả theo mong muốn. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa ban hành các quy định về cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước của hai lĩnh vực này, làm nảy sinh nhiều bất cập trong chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhiều địa phương.
Hai là, tình trạng phụ nữ bị bạo lực gia đình, bị phân biệt đối xử giữa nam và nữ giới trong nhiều lĩnh vực đời sống vẫn còn tồn tại và có thiên hướng phức tạp hơn. Bạo lực giới đang gây tổn thất to lớn đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và năng suất lao động quốc gia. Theo Liên Hợp Quốc, tại Việt Nam, bạo lực giới gây tổn thất gần 1,41% thu nhập GDP của Việt Nam vào năm 2010, tương đương với khoảng 2.536.000 tỉ đồng. Đồng thời, phụ nữ chịu bạo lực sẽ làm giảm 35% năng suất so với người không bị bạo lực[7]. Sau hơn 30 năm tham gia Công ước CEDAW (Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình, sự phân biệt trên cơ sở giới tính vẫn tồn tại, một nhóm không nhỏ phụ nữ vẫn đang phải chịu đựng tình trạng bất bình đẳng.
Không chỉ chịu nhiều thiệt thòi trong việc phân công việc làm hay trách nhiệm nặng nề ở mỗi gia đình của những người phụ nữ, mà ngay cả ở những đứa trẻ cũng vẫn xảy ra tình trạng phân biệt đối xử giữa bé trai và bé gái. Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh liên tục gia tăng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng giới tính trong dân số (năm 2016, cứ 100 bé gái được sinh ra thì có 113 bé trai cũng ra đời). Các chuyên gia lo ngại, nếu tỷ số giới tính tiếp tục gia tăng và ngày càng lan rộng như hiện nay thì vấn đề về mất cân bằng giới của Việt Nam trong 20 - 25 năm sau là hết sức nghiêm trọng. Sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ giới trong những lĩnh vực đời sống đã làm giảm đi cơ hội của nữ giới, làm hạn chế sự phát triển và đi ngược lại với xu hướng chung của xã hội hiện đại.
Ba là, việc tiếp cận một số quyền nhân thân cơ bản của người thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Đối với nhóm người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, việc được gìn giữ và phát huy giá trị nhân thân gắn với đời sống tinh thần cộng đồng người dân tộc là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thời gian vừa qua. Về cơ bản, với chính sách đại đoàn kết toàn dân, người dân tộc thiểu số vẫn được bảo đảm các quyền của công dân cũng như quyền nhân thân của họ. Tuy nhiên, với đặc thù điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế mà trong thời gian qua, quyền tiếp cận giáo dục, tri thức, được học tập của con em dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là hạn chế trong việc học tập tiếng Việt cũng như tiếng dân tộc của họ.
Bốn là, tình trạng kì thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật vẫn còn tồn tại, quá trình hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật còn nhiều khó khăn. Cho đến nay, vẫn còn nhiều người khuyết tật phải đối mặt với các rào cản khi họ hòa nhập với cộng đồng và thường phải sống bên lề của xã hội. Rào cản có thể được tạo dựng với rất nhiều hình thức, bao gồm những rào cản về môi trường vận động, về thông tin và công nghệ truyền thông, những rào cản do pháp luật hoặc chính sách và cả từ thái độ hoặc sự phân biệt đối xử của xã hội. Hiện tại, số người khuyết tật được học nghề hiện còn quá ít so với nhu cầu. Tỷ lệ người khuyết tật tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn thấp. Vì vậy, rất cần có chính sách ưu đãi cho việc dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng chịu nhiều thiệt thòi này.
Năm là, việc bảo vệ quyền nhân thân của nhóm lao động di trú tại Việt Nam trong một số lĩnh vực chưa có sự hướng dẫn cụ thể dẫn đến hệ quả khó khăn khi tiếp cận quyền của nhóm đối tượng này. Sự thay đổi trong quan điểm quản lý, ban hành chính sách pháp luật hỗ trợ lao động di trú tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quyền được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm sức khỏe của lao động di trú vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đầu năm 2018, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn chi tiết nên quy định này vẫn chưa được áp dụng. Qua khảo sát và lấy ý kiến một số doanh nghiệp trước đó, vẫn còn nhiều sự tranh cãi quanh việc nên đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài theo hướng bắt buộc hay tự nguyện.
Sáu là, người bị nhiễm HIV/AIDS vẫn phải chịu sự kì thị và phân biệt đối xử, bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền nhân thân của họ trong quá trình sinh hoạt, lao động và hòa nhập cộng đồng. Nhiều người trong cộng đồng vẫn còn hiểu biết mơ hồ về các con đường lây truyền của HIV, nên có thái độ hoài nghi, thậm chí còn lo sợ về việc lây nhiễm HIV thông qua các tiếp xúc thông thường hằng ngày với người bệnh dẫn tới áp dụng những biện pháp phòng tránh sự lây truyền không đúng và mang tính phân biệt đối xử. Đối diện với sự phân biệt đối xử của dư luận, người bệnh không còn nơi bấu víu. Không ít trường hợp phải sống những ngày cuối đời trong sự cô đơn, tuyệt vọng đến cùng cực. Ở các trung tâm chăm sóc giai đoạn cuối, không ít người bệnh tuyệt vọng với đôi mắt lúc nào cũng hướng ra ngoài, họ ngóng chờ một khuôn mặt, một giọng nói quen thuộc của người thân. Không ít trong số họ đã mắc thêm chứng bệnh thần kinh khi bị chính người thân sao nhãng, bỏ quên, coi như họ chưa từng tồn tại trên thế gian này. Đám tang của họ được tổ chức chóng vánh, làm cho xong vì không có người thân lo toan, đưa tiễn, không tiếng khóc xót thương, cũng không có những giọt nước mắt đớn đau chia ly dành cho người quá cố. Điều này đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến quyền nhân thân được bảo đảm tôn trọng danh dự, nhân phẩm của nhóm người yếu thế này.
Có thể nói, qua đánh giá thực trạng bảo vệ quyền nhân thân của nhóm “yếu thế” trong xã hội, trong thời gian tới, hệ thống pháp luật Việt Nam rất cần sự thay đổi toàn diện, tích cực để bảo vệ quyền nhân thân của họ, bảo đảm cho các cá nhân có cơ hội sống bình đẳng, cống hiến cho cộng đồng.
Viện Đại học Mở Hà Nội
1. Đỗ Hồng Thơm, Vũ Công Giao, Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb. Lao động - Xã hội, 2010.
2. Xem thêm tại: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1910.
3. Xem thêm tại: https://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-co-8-trieu-nguoi-khuyet-tat-702022.vov.
4. Xem thêm Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
5. Xem thêm tại: https://baomoi.com/viet-nam-chu-trong-dam-bao-quyen-duoc-cham-soc-cua-nguoi-co-hiv-aids/c/24591717.epi.
6. Xem thêm tại: http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Bao-ve-tre-em-Chinh-phu-con-nhieu-viec-can-chi-dao-va-hanh-dong/324129.vgp.
7. Xem thêm tại: https://vov.vn/xa-hoi/tai-viet-nam-cu-3-phu-nu-thi-co-1-nguoi-bi-chong-bao-hanh-509301.vov.